EVM là gì? Khác nhau giữa Blockchain EVM và Non-EVM

EVM là gì, tại sao EVM lại là một trong những yếu tố quan trọng thường xuyên được “để mắt” tới. Liệu có nhiều sự khác biệt giữa EVM và Non-EVM hay không? Cùng tham khảo bài viết sau để có thể tìm hiểu một cách chi tiết nhất về EVM nhé!

EVM là gì?

1. EVM là gì

EVM hay Ethereum Virtual Machine là máy ảo Ethereum. EVM được coi là trái tim và cốt lõi của mạng Ethereum bởi nó đóng vai trò chính trong việc thực thi các Smart Contract. Vai trò của EVM đối với mạng Ethereum tương tự như vai trò của CPU đối với một máy tính vậy, Mỗi Node xác thực trên mạng đều sẽ được trang bị một EVM riêng nhằm đảm bảo tính phi tập trung và khả năng bảo mật của mạng lưới.

Blockchain EVM là gì?

EVM là gì

Blockchain EVM là những Blockchain có khả năng tương thích với máy ảo Ethereum. Những Blockchain này có thể sử dụng Smart Contract của Ethereum để chạy trên nền tảng của mình. Tất nhiên, Devloper có thể có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với mục đích và cách thức vận hành. Tuy nhiên, về cơ bản, Smart Contract hay cả các Dapps trên Ethereum đều có thể chạy được trên các Blockchain EVM. Một số EVM Blockchain có thể được kể đến như Fantom, Celo, Avax (C-chain), BSC, …

Tại sao EVM lại quan trọng

Hiện tại, đa số các chuỗi đều lựa chọn tương thích với EVM. Những chuỗi không có tương thích với EVM hay còn gọi là Non-EVM cũng nỗ lực tạo ra các giải pháp để tương thích với EVM hoặc hoạt động dưới dạng hệ thống tài khoản của Ethereum. Một vài ví dụ có thể kể đến như Aurora của Near, Neon của Solana hay Moonbeam của Polkadot, … Vậy tại sao EVM lại có vai trò quan trọng đến thế?

Đối với Developer

2. Vai trò của EVM đối với Developer

Ethereum sở hữu hệ sinh thái DeFi rất đồ sộ chiếm hơn 65% thị phần; là chuỗi hoạt động tích cực nhất đối với cả dự án và người dùng. Do đó, việc tương thích với EVM sẽ giúp các dự án thu hút được lượng truy cập nhiều hơn; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các Developer trong việc triển khai các giao thức mà không phải viết lại code hoàn toàn mới. Hay nói cách khác, developer có thể dễ dàng và nhanh chóng copy & paste Smart Contract từ Ethereum sang các chuỗi khác.

Như vậy. các developer dù còn mới hay đã có nhiều kinh nghiệm đều không cần tốn quá nhiều thời gian để làm quen với ngôn ngữ lập trình mới mà vẫn triển khai mọi thứ tốt hơn với công nghệ EVM. Ngoài ra, khi deploy dự án, Developer có thể lựa chọn giữ nguyên hoàn toàn giao diện hoặc chỉnh sửa tùy theo nhu cầu là đã có thể hoàn thiện một dự án mới rất nhanh. 

Và tất nhiên, với EVM, các dự án sẽ không bị giới hạn trong một Blockchain mà có khả năng mở rộng rất tốt; đồng nghĩa với việc có thể thu hút được số lượng lớn User.

Đối với người dùng

3. Vai trò của EVM đối với người dùng

Ethereum là nền tảng tiên phong về Smart Contract, đồng thời cũng là một trong những mạng lưới lâu đời nhất. Việc tương thích với EVM trước hết sẽ đem đến cho người dùng những cảm giác quen thuộc, dễ sử dụng bởi giao diện và các tính năng trên những EVM rất giống với Ethereum. Yếu tố này cũng tạo điều kiện rất thuận lợi đối với những Blockchain ra đời sau trong quá trình thu hút những nhà đầu tư hay những người chơi đã tham gia thị trường từ rất lâu, quen thuộc với việc sử dụng Dapps trên Ethereum. 

Việc tương thích với EVM không chỉ cung cấp cho các dự án mới hay những Blockchain mới khả năng tiếp cận người dùng tốt hơn mà còn tăng được tính mở rộng cho hệ thống. Và tất nhiên, những Blockchain ra đời sau thường có những bước tiến mới, đảm bảo được về thời gian và tốc độ giao dịch (những hạn chế hiện tại của Ethereum); đồng thời nó cung cấp cho người dùng khả năng giao dịch một cách thuận lợi hơn dựa trên định dạng ví ERC20. Hay nói cách khác, việc áp dụng tương thích EVM đem lại cho người dùng trải nghiệm tốt hơn về cả giao diện và lợi ích khi giao dịch. 

Một số EVM Blockchain

Trong hệ sinh thái Cryptocurrency, có hai loại EVM Blockchain chính đó là các dự án Layer 2 và các EVM Blockchain độc lập. 

Layer 2

4. Layer 2

Các dự án Layer 2 chiếm phần lớn trong số các EVM Blockchain bởi chúng được xây dựng trên nền tảng của Ethereum nhằm thừa kế được những ưu điểm của Blockchain cơ sở, đồng thời mang đến những giải pháp để khắc phục hạn chế trên nền tảng này. Anh em có thể tham khảo bài viết về Layer 2 để tìm hiểu chi tiết hơn vẻ giải pháp này. Về cơ bản, Layer 2 và Ethereum là hai nền tảng hỗ trợ cho nhau để thức đẩy sự phát triển của cả đôi bên 

Một số dự án nổi bật và có những thành công nhất định có thể kể đến như Starware, Arbitrum, Optimism, Polygon..

Các dự án Layer 2 trên Ethereum

EVM Blockchain độc lập

5. EVM Blockchain

Khác với Layer 2, những EVM Blockchain độc lập không đem đến giải pháp cho Ethereum mà xây dựng một hệ thống riêng biệt, sở hữu hệ sinh thái riêng và có khả năng tương thích với Ethereum. Hay nói cách khác, đây là những Blockchain độc lập, điểm đặc biệt chỉ nằm ở chỗ nó có thể liên kết và tương tác với Ethereum. 

Một số EVM Blockchain độc lập có thể kể đến như Avalanche, Binance Smart Chain, Fantom, Cronos..

Trong số đó, chắc hẳn cái tên Binance Smart Chain đã quá quen thuộc với hơn 900 ứng dụng DeFi; trong đó, hơn 50 dự án hướng đến xây dựng sàn giao dịch phi tập trung (DEXs). Dự án Dex thành công nhất có thể kể đến PancakeSwap với hơn $5 tỷ TVL. 

Với Polygon, ban đầu nền tảng này được coi là Layer2 của Ethereum. Tuy nhiên, đến hiện tại Polygon đã sử dụng token riêng của mạng để thanh toán giao dịch – MATIC, cho nên nó được coi là một Blockchain hoàn toàn tách biệt với Ethereum. 

Đặc điểm chung của những Blockchain này là thu hút được rất nhiều dự án và các Developer. Do tận dụng được Network Effect của Ethereum nên những Blockchain này cũng có khả năng tiếp cận với hàng ngàn những dự án lớn nhỏ về DeFi, GameFi, … Trong thời điểm Ethereum còn tồn đọng nhiều vấn đề về chi phí và thời gian giao dịch, những EVM Blockchain độc lập có khả năng thu hút được rất nhiều Developer và người dùng từ Ethereum dựa trên chi phí rẻ hơn, tốc độ giao dịch nhanh chóng hơn và tính thanh khoản ổn định. 

Tìm hiểu thêm: zkSync là gì? Hệ sinh thái quan trọng của Ethereum

Non-EVM Blockchain. 

6. Non - EVM Blockchain

Trái ngược với EVM, non-EVM là những Blockchain không có tương thích với máy ảo Ethereum. Điều này có nghĩa là những Blockchain này sẽ không thể chạy Smart Contract hay Dapps của Ethereum trên nền tảng của mình. Đồng thời các Developer sẽ cần triển khai Code hoàn toàn mới chứ không thể copy paste một cách nhanh gọn như cách làm với EVM Blockchain. Một số Non-EVM Blockchain có thể được kể đến như: Solana, Cardano, Near, Tron, EOS, …

Vậy, nếu không sử dụng EVM thì các Non-EVM Blockchain sẽ sử dụng ngôn ngữ lập trình nào? Tất nhiên, họ sẽ không sử dụng Solidity mà hướng đến những ngôn ngữ lập trình khác như Haskell/Plutus (Cardano); Rust/C/C++ (Solana); TEAL – Transaction Execution Approval Language (Algorand). 

Một trong những Non-EVM Blockchain thành công có thể kể đến là Solana, Cardano, Near. Đây là những nền tảng sở hữu công nghệ vượt trội và những tiềm năng lớn để triển khai Dapps. Một số phân tích chỉ ra rằng, nhằm tăng cường khả năng phát triển cho những Non-EVM Blockchain, những Blockchain này sẽ tìm cách để có thể tương thích với EVM trong tương lai. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược của đội ngũ phát triển dự án.

Sự khác biệt giữa EVM và Non-EVM là gì?

7. so sánh EVM và Non-EVM Blockchain

Khả năng thừa kế lợi thế từ Ethereum

Với những thông tin phía trên, chúng ta có thể thấy được rất rõ khác biệt giữa EVM và Non-EVM Blockchain. Điểm khác biệt nổi bật nhất là EVM Blockchain có thể dễ dàng sử dụng Smart Contract và Dapps của Ethereum trong khi Non-EVM không thể làm được điều này. Đồng nghĩa với việc các dự án đã tham gia Ethereum sẽ rất khó để tham gia được trong các Non-EVM Blockchain. Bởi nếu muốn mở rộng vào Non-EVM Blockchain, các dự án đã xây dựng trên Ethereum sẽ phải xây dựng lại từ đầu theo ngôn ngữ của Non-EVM Blockchain. 

Khả năng thu hút 

Bên cạnh đó, EVM Blockchain có thể dễ dàng thu hút được Users do có những tương quan và liên kết nhất định đối với Ethereum. Non-EVM Blockchain sẽ gặp nhiều khó khăn hơn thế do họ cần sở hữu một cộng đồng developer riêng với những chương trình ưu tiên để thúc đẩy dòng tiền bên trong hệ sinh thái. 

Khả năng sáng tạo & tùy chỉnh

Tuy nhiên, Non-EVM Blockchain sẽ có khả năng tùy chỉnh lớn hơn và hoàn toàn tự do trong việc hoàn thiện dự án hay đưa ra chiến lược sáng tạo để phát triển. Nhờ vậy, những Non-EVM Blockchain có thể tập trung phát triển dự án trên hệ sinh thái của riêng mình và đưa ra những giải pháp hay trải nghiệm người dùng thực sự tối ưu, hiệu quả. Trong khi đó, EVM Blockchain tuy có khả năng tiếp cận được với nhiều người dùng nhưng lại có sự cạnh tranh nhất định với nhiều chuỗi khác trong hệ sinh thái của Ethereum. Điều này khiến một số dự án không chất lượng có thể được ra đời, gây loãng hệ sinh thái hay khiến tính thanh khoản bị phân mảnh. Những rủi ro hay hạn chế của EVM Blockchain sẽ được đề cập cụ thể hơn ở cuối bài viết. 

Như vậy, nếu không lựa chọn tương thích với EVM, các Blockchain sẽ có ít lợi thế hơn so với EVM Blockchain về việc thu hút người dùng và dự án từ Ethereum. Tuy nhiên, nếu những dự án này có những hướng đi khác biệt hay có chiến lược rõ ràng trong việc thu hút người dùng hay đem đến những trải nghiệm tối ưu, họ vẫn có thể thành công với dự án của mình. Hay nói cách khác, tuy đem lại nhiều lợi thế nhưng EVM không phải là chìa khóa duy nhất để một dự án có thể thành công.

Nói chung, EVM hay Non-EVM Blockchain đều có những lợi thế và hạn chế riêng mà mỗi dự án khi lựa chọn đều cần có chiến lược rõ ràng để tồn tại và phát triển tốt trên hệ sinh thái Cryptocurrency. Bởi đối với người dùng, điều quan trọng không chỉ nằm ở khả năng tương thích với EVM mà còn ở tiềm năng phát triển của dự án

Hạn chế của EVM Blockchain

8. Hạn chế của EVM blockchain

Tuy đem lại nhiều ưu điểm của các dự án hay các Blockchain nhưng khả năng tương thích EVM cũng khiến những nền tảng này gặp phải một số hạn chế nhất định. Tất nhiên, hạn chế sẽ là điều không thể tránh khỏi đối với cả EVM và Non-EVM Blockchain. 

Tính bảo mật

Đây là yếu tố đầu tiên mà những EVM Blockchain cần giải quyết và xử lý. Do áp dụng công nghệ EVM nên các dự án có thể triển khai trên nhiều Blockchain khác nhau. Đây là điểm mạnh của EVM Blockchain đồng thời cũng là hạn chế của nó về tính bảo mật. Lý do là bởi nếu xảy ra những cuộc tấn công liên chuỗi, khả năng “chết trùm” là rất dễ xảy ra và thiệt hại trong những cuộc tấn công này tất nhiên là rất lớn.

Tính thanh khoản phân mảnh

Tính thanh khoản chỉ tồn tại ở một Blockchain nhất định, ngay cả EVM cũng không thể khiến tính thanh khoản được liên kết giữa các Blockchain. Bởi vậy, dự án có mặt ở Blockchain nào sẽ thừa hưởng tính thanh khoản từ Blockchain đó. Tất nhiên, anh em có thể cân nhắc đến các Bridge để chuyển token qua lại giữa các Blockchain. Tuy nhiên, để chuyển token qua lại, người dùng cũng sẽ cần chi trả các chi phí và đối mặt với rủi ro về bảo mật nhất định. 

Thay vì lựa chọn chuyển token qua lại giữa các Blockchain, người dùng sẽ hướng đến sử dụng những Blockchain có tính thanh khoản ổn định. Do vậy, đây chính là một vấn đề mà các EVM Blockchain cần cân nhắc. Bởi đối với các ứng dụng DeFi, tính thanh khoản là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Tính thanh khoản thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm và lợi ích của người dùng. 

Tính cạnh tranh

Như đã đề cập phía trên, do EVM cung cấp nhiều điều kiện và lợi thế để phát triển thuận lợi nên rất nhiều Blockchain lựa chọn phát triển có tính tương thích với EVM. Điều này khiến EVM Blockchain có tính cạnh tranh rất lớn. 

Đặc biệt là khi xuất hiện những dự án với nguồn lực có hạn nhưng lại muốn mở rộng nhiều Blockchain cùng một lúc. Điều này khiến chất lượng dự án và sản phẩm bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều dự án nhỏ có thể lợi dụng EVM để tạo ra những viễn cảnh quá mơ mộng, không khả thi mà một ví dụ điển hình có thể kể đến Hidden Gem. 

Đối với những EVM Blockchain độc lập, tính cạnh tranh cũng là một trong những yếu tố mà Developer phải cân nhắc để tạo ra những dự án thực sự chất lượng. Tuy nhiên, do nhu cầu Audit Smart Contract ngày càng cao nên chi phí để audit Smart Contract trên Ethereum cũng ngày càng trở nên đắt đỏ. 

Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã có dịp tìm hiểu chi tiết xem EVM là gì, EVM và Non-EVM Blockchain có những đặc điểm như thế nào và khác nhau ra sao. Dựa trên những thông tin này, hy vọng anh em sẽ có những đánh giá trực quan hơn và xác đáng hơn về tiềm năng phát triển của các dự án, đồng thời đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp. Chúc anh em thành công!

 

Bài viết cùng chủ đề

69+ thuật ngữ cần phải biết khi đầu tư Crypto

Mạng lưới trong Crypto là gì? Tại sao phải khớp mạng lưới mới chuyển coin được

Cách mua bán coin an toàn cho người mới cực kì đơn giản, dễ làm

Comments (No)
Leave a Reply