Layer 2 là gì? Có còn cơ hội phát triển sau The Merge Ethereum

Layer 2 là gì, nó hoạt động ra sao và đóng vai trò như thế nào trong hệ sinh thái Cryptocurrency? Và liệu sau sự thành công của Ethereum The Merge, những dự án Layer2 này vẫn còn giữ được giá trị và cơ hội phát triển? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được chi tiết hơn về L2 và cơ hội phát triển của chúng sau Ethereum The Merge nhé!

Layer 2 là gì?

1. Layer 2 là gì

Layer 2 là những giải pháp được ra đời với mục đích mở rộng cho mạng chính/ blockchain cơ sở (Layer 1). Nói cách khác, Layer 2 không phải một Blockchain hoàn toàn độc lập mà được thiết kế như một nền tảng phụ/ nền tảng ngoài chuỗi để vừa thừa hưởng được những lợi thế của Blockchain cơ sở, vừa giải quyết được những vấn đề mà Layer 1 chưa giải quyết được (ví dụ như đường Sài Gòn, Hà Nội kẹt xe quá, mốt cho đi đường hầm hết kk).

Vai trò của Layer 2 là gì?

Trong các bài viết trước, chúng ta đã được tìm hiểu về cơ chế hoạt động của Blockchain và những yếu tố chính mà một Blockchain cần đảm bảo. Trong số đó, Blockchain chỉ có thể hoàn thiện được 2/3 yếu tố: 

  • Tính phi tập trung, 
  • Tính bảo mật 
  • Và khả năng scale up. 

Hay nói cách khác, Blockchain nào cũng sẽ tồn đọng những hạn chế riêng mình, và thông thường là khả năng scale up (mở rộng).

Một ví dụ điển hình là Ethereum. Tuy đảm bảo được khả năng phi tập trung và bảo mật cao nhờ cơ chế đồng thuận POW (Proof of Work), nhưng nền tảng này lại không thể giải quyết giao dịch nhanh, khiến phí gas tăng chóng mặt. Trong khi, đây lại là nơi tập trung của rất nhiều Dapps, DeFi, GameFi, NFT. Nên Ethereum cần có những giải pháp mở rộng trên Layer 2 để giải quyết được vấn đề về tốc độ và phí giao dịch. 

Những Layer 2 nhờ thế cũng có được một khối lượng traffic lớn từ DeFi, gameFi khi sống ký sinh trên Ethereum. Có thể nói, đây là một mối quan hệ win – win giữa cả mạng chính và các dự án Layer 2.

Layer 2 giải quyết vấn đề như thế nào?

2. Layer 2 hoạt động như thế nào

Để anh em hiểu rõ hơn về cách hoạt động của Layer 2, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về quá trình Layer 2 giải quyết các vấn đề về tính mở rộng nhé!

Với cơ chế hoạt động POW, blockchain có thể đảm bảo được tính phi tập trung và tính bảo mật một cách ổn định. Mạng lưới càng rộng lớn, số lượng Node càng nhiều thì những yếu tố trên càng được đảm bảo; đồng thời, tốc độ giao dịch và chi phí giao dịch lại càng cao. Vậy Layer 2 làm gì để giải quyết được vấn đề về tính mở rộng cho mạng chính?

Về cơ bản Layer 2 tạo ra những tính toán chạy ngoài chuỗi và có sự liên kết nhất định đối với Layer 1 – blockchain cơ sở. Trong đó, chuỗi chính sẽ đưa ra quyết định và Layer 2 thực hiện xử lý. Quá trình này khiến dung lượng trữ dữ liệu cơ sở trên mạng chính được giảm thiểu khá nhiều; đồng thời, Layer 2 có thể giúp loại bỏ được các giao dịch khỏi lớp cơ sở. Và tất nhiên, như đã chia sẻ phía trên, cả hai mạng lưới vẫn nhận được những lợi ích về bảo mật, phân quyền, …

Hoặc bạn cũng có thể hiểu thế này, nếu từ Sài Gòn ra Hà Nội chỉ có thể đi đường bộ thì người dân đi càng nhiều ra HN hoặc từ HN đổ nhiều vào SG sẽ khiến con đường duy nhất đó dễ bị tắc nghẽn. Các Layer 2 lúc này như con đường thứ 2 vậy, chở khách đi rất nhanh bằng đường bay hoặc đường hầm nhưng điểm cuối vẫn là quay về mạng chính để ghi nhận số dư

Layer 2 có còn cơ hội phát triển sau Ethereum The Merge

Ethereum The Merge

3. Ethereum The Merge

Đây hẳn là một sự kiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hệ sinh thái cryptocurrency và đặc biệt là các dự án Layer 2. Để tìm hiểu kỹ hơn về sự kiện này, anh em có thể tham khảo bài viết về Ethereum The Merge. Về cơ bản, đây là một sự kiện đánh dấu bước chuyển đổi cơ chế hoạt động từ POW sang POS của Ethereum. Sau khi thực hiện Merge thành công, Ethereum sẽ áp dụng Sharding để tăng tốc độ giao dịch và giúp người dùng tiết kiệm được nhiều chi phí giao dịch hơn.

Nói một cách ngắn gọn, sự thành công của Ethereum 2.0 hứa hẹn sẽ có thể đảm bảo được cả 3 yếu tố của Blockchain: tính phi tập trung, tính bảo mật và khả năng mở rộng. Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao sự kiện này lại là mối quan ngại lớn đối với các dự án Layer 2. Bởi khi Blockchain cơ sở không còn yếu thế về tính mở rộng thì tiềm năng phát triển của Layer 2 sẽ bị đe dọa. Vậy có còn cơ hội phát triển nào cho Layer 2 sau sự kiện này không?

Tiềm năng của Layer 2 đối với tốc độ và phí giao dịch

Trên thực tế, sự phát triển và thành công của Ethereum 2.0 là một bất lợi rất lớn đối với các dự án layer 2 bởi nó khiến các dự án này trở nên không còn “đất dụng võ”. Tuy nhiên, với tư cách là một giải pháp mở rộng, nếu Blockchain cơ sở càng hiệu quả và mạnh, giải pháp mở rộng L2 càng có tiềm năng phát triển nếu nó đi theo hướng tăng cường bảo mật cho lớp 1 hoặc tối ưu theo hướng mới mà ETH cần.

Alan Chiu – Founder của Boba Network đã lên tiếng ủng hộ Ethereum The Merge, đồng thời cho rằng: khi Ethereum trở nên hiệu quả hơn thì các màn Layer 2 cũng hiệu quả và đơn giản hơn rất nhiều; đồng thời những lợi ích ở hiện tại cũng giảm thiểu không đáng kể.

Harold Hyatt – giám đốc sản phẩm của DAO & DeFi tại Trusttoken cũng cho rằng khi Ethereum mở rộng, các giải pháp Layer 2 cũng được mở rộng theo. Một ví dụ được Harold Hyatt đưa ra là nếu Optimism giữ được khả năng về tốc độ giao dịch nhanh gấp 10 lần so với layer 1 thì khi Ethereum tăng lên 10 lần, Optimism sẽ tăng tốc lên gấp 100 lần (theo thông tin đăng tải thì là như vậy, nhưng mình nghĩ ông này đang chém gió thôi).

Tiềm năng của Layer 2 với Dapps

4. Tiềm năng của Layer 2 với Ethereum The Merge

Không chỉ cung cấp tốc độ giao dịch nhanh chóng hơn, các dự án Layer 2 vẫn là một lựa chọn quá hấp dẫn cho việc xây dựng các Dapps. Cụ thể hơn, Layer 2 có nhiều lợi thế về liquidity mining, phí gas rẻ, retroactive token airdrop, … và rất nhiều lý do khác để người dùng chuyển tài sản ra khỏi Mainnet (mạng chính) để sử dụng layer 2.

Thibault Perriard – trưởng bộ phận chiến lược tại Bifrost cho rằng Layer 2 vẫn là chất xúc tác quan trọng để giải phóng tiềm năng của Ethereum. Điều này có nghĩa là Ethereum càng phát triển, càng giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng trên Mainnet, lượng người dùng mong muốn sử dụng hệ thống sẽ càng tăng. Trong kịch bản đó, những Layer 2 với định hướng phát triển Dapps cũng sẽ nhận được nhiều lợi thế và tiếp cận được với số lượng người dùng lớn. Đây vẫn là mối quan hệ win – win giữa Layer 2 và Ethereum, tất nhiên là với điều kiện Layer 2 phải “gồng mình” lên để có những phát triển thực sự đột phá.

Dù ít dù nhiều L2 cũng sẽ bị đào thải bớt, không có cách nào giúp tất cả cùng tồn tại hết được.

Tiềm năng của Layer 2 về crosschain

Nhắc đến Layer 2, chúng ta có thể ngay lập tức nghĩ đến Ethereum bởi đây là Blockchain với khối lượng DeFi và số lượng người dùng lớn nhất. Tuy nhiên, Layer 2 được ra đời không chỉ để giải quyết các vấn đề cho riêng Ethereum mà còn đối với rất nhiều Layer 1 khác. Bởi vậy, Layer 2 đóng vai trò rất quan trọng, là một mảnh ghép không thể thiếu để các Layer 1 có khả năng tương tác crosschain một cách liền mạch.

Tiềm năng của Layer 2 về tính phi tập trung

Khi chuyển đổi từ POW sang POS, Ethereum sẽ cần cân đối rất nhiều để giải quyết được vấn đề về tính phi tập trung. Tại sao? Bởi dù duy trì được số lượng Node lớn nhưng quá trình để trở thành một Node xác thực không còn quá khó khăn như đối với cơ chế đồng thuận POW nữa. Cụ thể hơn, với cơ chế cũ, người dùng sẽ cần build một dàn máy đủ sức cạnh tranh để tham gia xác thực, và nếu muốn tấn công mạng lưới, dàn máy đào này thậm chí cần có sức mạnh tính toán khủng khiếp, tiêu tốn năng lượng điện tương đương với cả một quốc gia. Tuy nhiên, với POS, mọi quá trình đều trở nên đơn giản chỉ cần bạn có đủ ETH. 

Như vậy, tuy chúng ta có thể thấy vô vàn các Node xuất hiện trong báo cáo của Beacon Chain, nhưng chúng ta lại hoàn toàn không thể chắc chắn được rằng các Node này đến từ cộng đồng hay đến từ các thế lực có “tầm vóc”. Nếu số lượng Node này đến từ cộng đồng, Ethereum có thể đảm bảo được tính phi tập trung. Tuy nhiên, bởi miếng bánh Ethereum quá ngon nghẻ nên chúng ta cũng không thể loại trừ được trường hợp các Node này đến từ đội ngũ nhà phát triển, đến từ Founder, đến từ các quỹ đầu tư hoặc thậm chí đến từ Chính phủ – bất cứ thế lực nào có khả năng sở hữu ETH. 

Lúc này, vai trò của Layer 2 không chỉ là tham gia cùng Shard để xử lý gánh nặng về lượng lớn dữ liệu hay chi phí lưu trữ mà còn khiến nhiều người có thể cùng một lúc tham gia vào điều hành mạng lưới. Quá trình này sẽ giúp cải thiện được tính phi tập trung và đảm bảo được tính bảo mật. Layer 2 cũng chính là một yếu tố mà có thể Ethereum sẽ cần tính toán đến để duy trì được tính phi tập trung của mạng lưới khi chuyển sang hoạt động với POS.

Ethereum 2.0 và cuộc chơi mới dành cho Layer 2

5. Ethereum 2.0 và Layer 2

Việc Ethereum thay đổi cơ chế hoạt động có thể tiết lộ rất rõ ràng tham vọng chiếm lĩnh thị trường DeFi của hệ thống này. Nếu thành công, Ethereum hoàn toàn có khả năng chiếm được miếng bánh DeFi lớn hơn, đồng thời thanh trừng được những dự án Layer 2 không còn quá nhiều hiệu quả. Đây là một kịch bản không khó đoán khi Ethereum 2.0 thành công.

Tuy nhiên, để thực sự thành công với việc chuyển đổi này, Ethereum sẽ cần một thời gian nhất định để thử nghiệm và ổn định mạng lưới. Điều này có nghĩa là Ethereum sẽ không thể đột ngột tăng được tốc độ giao dịch hay giảm được chi phí khi áp dụng The Merge thành công. Đồng thời, Ethereum cũng không thể nào đùng một phát loại bỏ tất cả dự án Layer 2 neo đậu trên nó. Tham vọng chiếm lĩnh này sẽ được diễn ra từng bước 1, và những dự án Layer 2 không có phát triển đủ lớn sẽ bị đào thải. Trong khi đó, nếu Layer 2 có thể tận dụng thời gian để nghiên cứu, mở rộng, đưa ra được những giải pháp thực sự tối ưu, xuất chúng, hiệu quả thì chúng vẫn sẽ giữ được giá trị và mối quan hệ win – win đối với Ethereum. Và dĩ nhiên, nếu Layer 2 có thể cùng tồn tại với Ethereum 2.0, tiềm năng phát triển của nó là rất lớn và hứa hẹn một tương lai rực rỡ hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại.

Những giải pháp mở rộng hiện tại trên Ethereum

Các giải pháp mở rộng Layer trên Ethereum hiện tại có thể kể đến như:

Giải pháp Rollup

6. Giải pháp mở rộng Rollup

Rollup hay “cuộn lại” là một giải pháp giúp xử lý hàng loạt các giao dịch ngoài chuỗi và gói chúng lại thành một khối duy nhất. Block đó sẽ chứa đầy đủ những thông tin cần thiết và được gửi lên Layer 1 để xác minh tính hợp lệ. Một số dự án Layer 2 với giải pháp Rollup có thể kể đến như Loopring, Zksync, Optimism và Arbitrum,…

Giải pháp Validium

Đây là một giải pháp giúp mở rộng lưu trữ dữ liệu ngoài mạng chính, được xây dựng để sử dụng đối với các sàn phi tập trung. Một số dự án Layer 2 với giải pháp Validium có thể kể đến như Starkware và zkPorter

Giải pháp Sidechain

7. Giải pháp mở rộng Sidechain

Sidechain hay còn được gọi là sổ cái với tính phân tán độc lập và khả năng hoạt động song song với mạng chính. Các Node tại đây có vai trò xử lý giao dịch, lưu trữ giao dịch vào các Block và duy trì đồng thuận trên toàn mạng. Một số dự án Layer 2 với giải pháp SideChain có thể kể đến như xDai và Skale Network

Giải pháp State Channel

Đây là giải pháp giúp người dùng có thể giao dịch mà không cần đưa dữ liệu giao dịch lên Blockchain. Quá trình này đảm bảo được tính an toàn và bảo mật cho giao dịch nhưng lại có một vài hạn chế trong quá trình mở và đóng giao dịch. Dự án Layer 2 sử dụng State Channel có thể kể đến như Celer

Giải pháp Plasma

Đây là giải pháp được chính Vitalik Buterin và Joseph Poon đề xuất. Cụ thể hơn, giải pháp này sử dụng các Smart Contract để xác minh hay tạo ra một chuỗi phụ để giảm tải giao dịch trên Ethereum. Nhờ vậy, các giao dịch có thể được thực hiện nhanh chóng với phí gas thấp. Mỗi Plasma có thể hoạt động độc lập và được thiết kế với mức tùy chỉnh cao để phục vụ nhiều mục đích, nhu cầu hay bối cảnh khác nhau. Một số dự án Layer 2 sử dụng Plasma có thể kể đến như Polygon, OMG Network, …

Trong số các giải pháp này, giải pháp Rollup được đánh giá cao nhất. Rollup thậm chí còn được Vitalik đánh giá khá cao với các giải pháp hoàn chỉnh, khả năng bảo mật tốt hơn so với những giải pháp khác nhờ cơ chế đồng thuận độc lập. Đây đồng thời cũng là giải pháp Layer 2 được nhận định là sẽ đóng vai trò trọng tâm trong tương lai, khi Ethereum 2.0 thành công.

Cụ thể hơn, Rollup có khả năng đóng gói hàng trăm giao dịch thành một giao dịch duy nhất trên layer1. Điều này giúp người dùng có thể giảm được phí gas lên tới 100 lần so với Layer 1 bằng cách phân bố được phí giao dịch Layer 1 cho tất cả người dùng. Ngoài ra, tuy thực hiện xử lý giao dịch ngoài chuỗi nhưng những dữ liệu này đều được đăng lên Layer 1 nhằm thừa kế được tính bảo mật từ Ethereum.

Tìm hiểu thêm: Zk Rollup là gì? Có giải quyết được mở rộng vô hạn trên Layer 2

Với những chia sẻ trên, hy vọng anh em đã nắm được những thông tin chính về Layer 2 như Layer 2 là gì, nó hoạt động như thế nào và có vai trò ra sao đối với Layer 1 nói riêng và toàn bộ hệ sinh thái Cryptocurrency nói chung. Thông qua đó, hy vọng anh em đã nắm chắc về Layer 2 cũng như tiềm năng phát triển của nó khi Ethereum 2.0 thành công; đồng thời có được cái nhìn toàn cảnh về thị trường hay có cho mình những lựa chọn sử dụng một cách sáng suốt. Cuối cùng, chúc anh em thành công!

 

Bài viết cùng chủ đề

Cross-chain Bridge là gì? Tại sao lại cần Cầu Nối Blockchain

Đầu tư Bitcoin vốn bao nhiêu là phù hợp nhất

UTXO là gì? Cách tính tuổi UTXO của Bitcoin

Comments (No)
Leave a Reply