Mạng lưới trong Crypto là kiến thức quan trọng mà anh em cần nắm rõ để quá trình chuyển coin diễn ra thuận lợi, tránh mất mát tài sản. Cùng tham khảo bài viết sau để tìm hiểu kỹ hơn về mạng lưới trong Crypto, đồng thời lý giải xem tại sao việc khớp mạng lưới lại có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển coin nhé!
Nội dung chính
Mạng lưới trong Crypto là gì?
Mạng lưới hay tiêu chuẩn token là các rule được quy định sẵn cho các lập trình viên trong Blockchain. Họ phải đảm bảo các tiêu chuẩn này để giúp các hợp đồng thông minh (Smart contract) hoạt động ổn định. Giống như khi bạn phát hành 1 token trên mạng lưới A thì token này sẽ tương thích và sử dụng được tài nguyên có sẵn của mạng lưới A đó.
Lấy mạng ERC20 làm ví dụ. Nó là 1 chuẩn token trên mạng lưới của Ethereum. Những dự án khác khi phát triển trên network này, họ Deploy (phát hành) token riêng; thì token đó đều phải tuân theo chuẩn ERC20 . Như vậy, nó mới có thể lưu trữ trên các wallet hỗ trợ chuẩn ERC20 thay vì phải tạo ra một loại ví có chuẩn riêng do nó phát hành.
Các tiêu chuẩn trong mạng lưới
Chúng ta thường thấy 1 điểm chung là với mỗi blockchain khác nhau, nó sẽ phát triển một chuẩn token dành riêng cho Chain đó. Có thể chúng sẽ hoàn toàn khác nhau. Cũng có thể giữa chúng sẽ có sự kế thừa (như các network tương thích EVM). Tuy nhiên chúng sẽ không giống nhau 100%.
Tìm hiểu thêm: Khác nhau giữa Blockchain EVM và Non-EVM
Một số mạng lưới token phổ biến nhất hiện nay là ERC20, BEP2, BEP20, và TRC20
Các bạn có thắc mắc là “tại sao lại có nhiều chuẩn token đến như vậy?” Có bao nhiêu mạng lưới blockchain thì đồng nghĩa với việc có từng đấy chuẩn token. Và đây là 2 lý do chính giúp bạn giải đáp cho vấn đề này.
Đầu tiên, đó là sự khác biệt giữa các Blockchain: Trên thực tế, mỗi blockchain sẽ được xây dựng khác nhau, cơ chế hoạt động cũng khác nhau,… Nó giống như một quốc gia độc lập vậy. Do vậy, sẽ không có một chuẩn token chung nào chạy được cho mọi blockchain.
Thứ hai, ngôn ngữ giao tiếp: bởi vì sự khác biệt giữa các blockchain này dẫn đến ngôn ngữ giao tiếp của tụi nó cũng khác nhau giữa các thành phần bên trong. Mỗi chuẩn token này sẽ tượng trưng cho 1 ngôn ngữ giao tiếp riêng biệt. Chúng là cầu nối để các thành phần trong cùng mạng lưới có thể trao đổi thông điệp với nhau dễ dàng.
Giống như giai đoạn đầu của ngành ngân hàng, chúng ta rất khó để chuyển tiền khác ngân hàng vì các ngân hàng nó hoạt động theo 1 mạng lưới nội bộ riêng biệt, chỉ chung network đó thì nó mới trao đổi dữ liệu được. Nên tiền của ngân hàng nào chỉ có thể chuyển và xài trong ngân hàng đó. Về sau thì dần các ngân hàng mới liên kết lại để tạo sự thuận tiện cho người dùng như hiện nay.
Các mạng lưới phổ biến trong Crypto
ERC20
Đây là tiêu chuẩn token được phát hành bởi Tether nhưng lại được sử dụng như là mạng lưới chính cho các Dapp, DeFi muốn phát triển trên mạng Ethereum.
Mục đích ban đầu của tiêu chuẩn token này là giải quyết những nhược điểm của USDT trên Omni (một lớp giao thức trên chuỗi khối Bitcoin). Vì nó đảm bảo được tốc độ giao dịch nhanh của những token, đặc biệt là USDT. Nên về sau, ERC20 được rất nhiều dự án phát hành token theo tiêu chuẩn này.
Ngoài ra do tiêu chuẩn ERC20 chỉ áp dụng tốt với các token có thể thay thế. Và nó sẽ có những khác biệt nhất định so với token không thể thay thế (NFT). Như vậy để đặt ra tiêu chuẩn cho NFT, Ethereum lại thiết kế một mạng lưới riêng cho những Non-fungible token (NFT) này là ERC721.
Nhưng ERC20 vẫn là tiêu chuẩn token phổ biến nhất, được dùng nhiều để phát triển các Smart Contract, Dapp, DeFi trên Ethereum. Nhưng phí Gas mà mạng này sử dụng là Ether (ETH). Khi xài token mạng này thì các bạn có thể dùng những ví như Metamask, Trust Wallet, MyEtherWallet.
Địa chỉ ví của ERC20 thường có ký hiệu 0x ở đầu, đây cũng là đặc trưng của các loại ví đựng ETH:
0x84a0172559418bF5fe1B2EE1484c4D220f24b878
BEP2
Đây là network của nền tảng Binance Chain. Tiêu chuẩn token này được hỗ trợ bởi nhiều ví phổ biến như Trust Wallet, Ledger, Trezor Model, … Do được sử dụng bởi nền tảng của Binance Chain, nên khi bạn lựa chọn giao dịch bằng token BEP2, bạn sẽ thanh toán phí gas – phí giao dịch bằng BNB.
BEP2 sẽ có lợi thế trong việc giao dịch các loại tài sản tiền điện tử trên các nền tảng DEX. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này lại không hỗ trợ đối với Smart Contract. Hiện tại, với mức độ phổ biến của Dapps, đây là một hạn chế khá lớn của BEP2.
Địa chỉ ví BEP2 trên Binance Chain thường có chữ “bnb” ở đầu như bên dưới:
bnb136ns6lfw4zs5hg4n85vdthaad7hq5m4gtkgf23
BEP20
Với mức độ phủ sóng ngày càng lớn của hệ DeFi và GameFi, nhu cầu sử dụng Ethereum hoặc những Blockchain có khả năng tương thích với EVM (máy ảo Ethereum) ngày càng cao. Vì vậy các chain lớn hiện nay luôn muốn tạo ra thêm một chain khác, một network tương thích EVM để dễ dàng giao dịch các loại tài sản và share được miếng bánh dòng tiền của thằng ETH.
Như phía trên các bạn thấy là Binance đã có 1 chain chính là mạng BEP2 rồi nhưng sau này nó lại tạo thêm 1 network mới là BEP20 (mạng này còn gọi là Binance Smart Chain). Các token được tạo và sử dụng trên đây đều tương thích với mạng ERC20 của Ethereum.
Mạng BEP20 thì hỗ trợ Smart Contract rất tốt, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với số lượng lớn các Dapps đang có trên thị trường. Chỉ sau vài tháng ra mắt BEP20, Binance Smart Chain (BSC) được coi là một trong những đối thủ đáng gờm của Ethereum trong quá trình phát triển Dapps, DeFi, NFT, GameFi (Vì tốc độ nó nhanh mà phí còn rẻ hơn nhiều so với mạng ERC20).
Tương tự với BEP2, khi sử dụng BEP20 để giao dịch, anh em sẽ cần trả phí Gas bằng đồng BNB.
BEP20 hiện đang được hỗ trợ bởi rất nhiều ví tiền điện tử khác nhau. Ngoài ra, anh em cũng có thể thực hiện giao dịch giữa BEP2 và BEP20 bằng cách sử dụng Bridge (cầu nối). Dịch vụ chuỗi chéo này đã được thiết kế để có thể tương tác với nhiều Blockchain, trong đó có cả Ethereum và TRON (TRX)
Địa chỉ ví của BEP20 thường có ký hiệu 0x ở đầu như:
0x84a0172559418bF5fe1B2EE1484c4D220f24b878
Vì mạng BEP20 tương thích với EVM nên anh em có thể dùng cùng 1 địa chỉ ví 0x để nhận token, chẳng qua là nó khác nhau cái network thôi.
Ví dụ: bạn chuyển USDT mạng ERC20 từ sàn vào ví metamask, bạn phải chỉnh thành mạng Ethereum trên ví thì mới thấy được token USDT. Còn chuyển qua mạng BEP20 thì bạn phải add network Binance Smart Chain vào ví Metamask thì nó mới hiển thị được (nhiều bạn chuyển xong cứ nghĩ là bị mất token nhưng token nó vẫn ở đó thôi chẳng qua là bạn không thấy).
TRC20
Tiêu chuẩn token này được phát hành dựa vào Smart Contract của Blockchain TRON, tương tự như ERC20 của Ethereum. TRC hoàn toàn tương thích với ERC20 nên những mã token phát hành trên ERC20 đều có thể được chuyển sang và sử dụng Smart Contract của TRC20.
Nhưng bạn không thể dùng ví 0x để nhận token của TRC20 mà phải dùng các ví có chữ cái ở đầu (đặc trưng của ví Tron):
TNHMH5xkMWfMn5U8i7CPd2GiQv1qV6fqTD
TF5nr9jmqE9ituQ6z9JP29GxaqjzqQUrWC
Lưu ý: ví TRC20 không có điểm chung như ví của mạng khác.
Phân biệt các mạng lưới trong Crypto
Để giúp anh em có sự phân biệt tốt nhất với 4 loại tiêu chuẩn token này, anh em có thể dựa trên những yếu tố sau:
BEP2: tiêu chuẩn kỹ thuật để khởi chạy mã thông báo trên Binance Chain (BNB).
BEP20: tiêu chuẩn kỹ thuật cho mã thông báo trên Binance Smart Chain (BSC).
ERC20: tiêu chuẩn kỹ thuật cho Smart Contract trên Blockchain của Ethereum (Ethereum Chain).
TRC20: tiêu chuẩn kỹ thuật cho Smart Contract trên blockchain của TRON (TRON Chain)
Tại sao cần khớp mạng để chuyển coin?
Dựa trên quá trình phân biệt phía trên, anh em có thể thấy được mỗi tiêu chuẩn token sẽ được sử dụng để khởi chạy cho mã thông báo trên blockchain khác nhau. Đồng thời, những tiêu chuẩn này cũng sẽ tạo ra địa chỉ ví với những cấu trúc khác nhau.
Việc khớp mạng để chuyển coin sẽ giúp anh em chuyển coin được thuận lợi hơn, Cụ thể, nếu anh em muốn chuyển một lượng tiền thông qua BEP20, địa chỉ ví nhận tiền của anh cũng cần được lấy dựa trên mạng lưới của BEP20. Anh em hình dung ví chuyển tiền và ví nhận tiền giống như 2 mảnh ghép vậy, chỉ khi chúng ở cùng một mạng lưới, chúng mới có thể khớp với nhau và lượng tiền mới có thể được chuyển đi thành công.
Trong quá trình bạn nhập địa chí ví cần chuyển tiền, một số hệ thống chuyển tiền cũng sẽ ngay lập tức thông báo cho bạn rằng địa chỉ ví đang không khớp mạng và yêu cầu bạn chuyển sang địa chỉ ví khác trước khi bạn chuyển tiền, tránh mất coin “oan”. Nếu bạn cố tình chuyển với hai địa chỉ ví không cùng mạng, số tiền vẫn sẽ được chuyển ra khỏi ví gửi, nhưng ví nhận sẽ không nhận được tiền => Bạn sẽ bị mất sạch số token đó.
Sử dụng mạng lưới như thế nào?
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu một đồng coin có được hỗ trợ bởi nhiều mạng lưới không? Hay mỗi mạng lưới lại chỉ được áp dụng với một số loại coin nhất định?
Trên thực tế, tất cả những mạng lưới hay tiêu chuẩn token này đều có thể được sử dụng với hầu hết các đồng coin trên thị trường. Điểm khác biệt giữa những mạng lưới này là khả năng hỗ trợ và kiểm soát khác nhau. Bạn sử dụng mạng lưới nào để chuyển tiền, tiền sẽ được gửi đến mạng lưới của Blockchain đó, đồng thời được ghi nhận và quản lý bởi Blockchain đó.
Ví dụ, anh em lựa chọn BEP20 làm mạng để chuyển token; lượng token này sau đó sẽ được hiển thị trên BSC scan do bạn thực hiện chuyển chúng lên mạng lưới của Binance. Lúc này, bạn sẽ được hỗ trợ và có lợi thế hơn khi thực hiện các Smart Contract trên blockchain của Binance.
Điều này có nghĩa là anh em có thể lựa chọn BEP20, ERC20 hay TRC20 để thực hiện chuyển tiền. Và tất nhiên, chỉ cần địa chỉ ví nhận khớp mạng là anh em có thể nhận được lượng tiền gửi. Điểm khác biệt chỉ là anh em lựa chọn mạng lưới nào chuyển nhanh mà phí rẻ thì dùng thôi (giống như nhiều khi bạn chuyển có 20 đô, mà dùng mạng ERC phí nó gần 10 đô rồi thì chát quá, lúc này có thể cân nhắc qua BSC chuyển).
Mạng lưới nào tối ưu nhất?
Với sự phổ biến của Smart Contract và Dapps, rõ ràng BEP2 đang có nhiều hạn chế hơn để được lựa chọn sử dụng. Tất nhiên, BEP2 vẫn có thể được sử dụng với những người chỉ có nhu cầu chuyển các cặp coin/token khác nhau. Tuy nhiên, nếu muốn tiếp cận với Dapps, DeFi, AMM thì BEP20 và ERC20 chính là 2 mạng được dùng nhiều nhất hiện nay.
Đặc điểm kỹ thuật
BEP20 và ERC20 đều đảm bảo cung cấp được những tham số chỉ định về chức năng như sau:
- Tổng nguồn cung của Token.
- Hiển thị số dư token của địa chỉ.
- Xác định phương thức mà Token được gửi đến địa chỉ.
- Xác định phương thức mà token được gửi đi khỏi địa chỉ.
- Chỉ định giới hạn về số lần rút tiền từ một địa chỉ.
- Chỉ định về giới hạn số lượng tiền mà một địa chỉ có thể rút từ địa chỉ khác.
Với tiêu chuẩn về đặc điểm kỹ thuật, BEP20 nhỉnh hơn ERC20 một chút với những chức năng bổ sung bao gồm: tên và biểu tượng token, số lượng các số thập phân cho đơn vị token, địa chỉ của chủ sở hữu token. Như vậy, BEP20 thể hiện được những mô tả chỉ định tốt hơn, với tư cách là một tiêu chuẩn mới, mở rộng hơn so với ERC20.
Phí giao dịch
Nhờ có cơ chế đồng thuận PoSA (sự kết hợp của cơ chế Proof of Stake và Proof of Authority), các giao dịch trên BEP20 sở hữu chi phí giao dịch thấp hơn khá nhiều so với ERC20. Trung bình, một giao dịch sử dụng token BEP20 sẽ chỉ cần trả phí gas khoản vài xu, nhưng với token ERC20, khối lượng phí Gas trung bình cần phải chi trả lên đến $12.
Như vậy, BEP20 cũng hỗ trợ người dùng về chi phí giao dịch tốt hơn so với ERC20.
Tốc độ giao dịch
Nhờ có PoSA, blockchain của Binance có thể giới hạn được số Validator tham gia vào mạng lưới, đồng thời khiến quá trình xác thực dữ liệu trở nên nhanh chóng hơn. Trung bình, thời gian xác minh giao dịch trên BSC là 3s và 15s đối với Ethereum.
Đây cũng là vấn đề mà Ethereum đang nỗ lực giải quyết với kế hoạch Ethereum The Merge của mình.
Sự đa dạng về token
Với đặc điểm này, ERC20 rõ ràng có nhiều lợi thế hơn rất nhiều so với BEP20. Lý do là bởi Ethereum được biết đến là nền tảng Smart Contract lớn nhất thế giới với tổng cộng gần 3.000 Dapps. Phần lớn trong số các Dapps đó đều sử dụng tiêu chuẩn ERC20.
Trong khi đó, số lượng Dapps trên BSC tuy nhiều nhưng cũng vẫn còn kém cạnh khi so sánh với Ethereum – 800 Dapps. Nếu Ethereum có lợi thế về sự đa dạng của Dapp thì Binance Smart Chain lại có ưu điểm về tốc độ. Đây cũng chính là lý do mà hại mạng lưới này vẫn đang trong một cuộc đua để giành giật được số lượng các dự án.
Nói tóm lại, về mảng Dapps, nếu anh em muốn có nhiều lựa chọn đa dạng với số lượng Dapps khổng lồ, anh em có thể dùng ERC20. Còn muốn tiếp cận với những dự án GameFi cần tốc độ nhanh để game mượt thì anh em có thể hướng lựa chọn của mình về BEP20.
Bảo mật nền tảng
Tuy đem lại cho mạng lưới tốc độ giao dịch nhanh chóng và giúp người dùng tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình trao đổi mua bán nhưng POSA cũng là một thuật toán tiềm ẩn những rủi ro có liên quan đến mức độ bảo mật. Vì với lượng Validator hạn chế, Binance chưa đảm bảo được tính phi tập trung đủ tốt. Cụ thể, BSC chỉ dựa trên 21 trình xác thực, trong khi đó, Ethereum có đến 70.000 trình xác nhận được phân phối trên mạng lưới.
Số lượng Validator hạn chế của BSC gây ra rất nhiều tranh cãi vì gần giống với các nền tảng tập trung hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà Ethereum sớm muộn sẽ gặp phải khi chuyển từ cơ chế đồng thuận POW sang POS.
Như vậy, cả BEP20 và ERC20 đều có nhiều thế mạnh về các tham số chỉ định, khả năng hỗ trợ người dùng tiếp cận với Dapps. Trong đó, tính đến thời điểm hiện tại, BEP20 đang có thế mạnh lớn hơn về tốc độ, chi phí giao dịch; còn ERC20 lại có lợi thế về số lượng token đa dạng và khả năng bảo mật tốt.
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã có những kiến thức chi tiết về mạng lưới trong Crypto, cũng như nắm được cách hoạt động của chúng, hay lý giải được tại sao việc khớp mạng lại có vai trò quan trọng trong việc chuyển tiền. Dựa trên những thông tin đó, hy vọng anh em sẽ có những hiểu biết sâu sắc hơn về tiêu chuẩn token, cũng như lựa chọn được cho mình những mạng lưới có sự hỗ trợ tốt nhất với mục đích sử dụng token của mình. Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Có nên đầu tư vào Coin? Được và mất gì khi kiếm tiền từ Bitcoin
Comments (No)