Smart Contract là một trong những yếu tố không thể thiếu để hoàn thiện được sự tối ưu và tiện lợi của Blockchain. Vậy Smart Contract là gì, và nó có vai trò như thế nào đối với blockchain và hệ sinh thái Cryptocurrency. Cùng tham khảo bài viết sau để tìm hiểu kỹ hơn về Smart Contract nhé!
Nội dung chính
Smart Contract là gì?
Smart Contract là hợp đồng thông minh, là một giao thức đặc biệt hay những chương trình được thiết kế với những nguyên tắc cụ thể, có thể chạy và thực hiện được trên Blockchain. Chúng có thể được viết ra với những ngôn ngữ như Java, C++, Python, Go, … Những quy tắc này có được trong Smart Contract cũng là do bộ mã mà máy tính xác định trước, và tất cả các Node trong hệ thống đều phải sao chép và thực thi những quy tắc đó.
Cụ thể hơn, Smart Contract bao gồm một đoạn mã chạy trên Blockchain, nó cho phép các giao thức Permissionless (vận hành mà không cần trao quyền). Như vậy, dựa vào sự góp mặt của Smart Contract mà Blockchain có thể hoạt động không cần bất cứ bên trung gian nào. Khi tham gia Smart Contract, hai bên đối tác không cần biết về danh tính của nhau. Tất cả những gì họ cần biết là nếu như điều kiện của Smart Contract được thỏa mãn, hợp đồng sẽ được thực thi; ngược lại, hợp đồng sẽ không được thực thi.
Smart Contract ra đời như thế nào?
Smart Contract xuất hiện lần đầu tiên với khái niệm của Nick Szabo (nhà mật mã học người Mỹ nổi tiếng) vào khoảng năm 1993. Bài báo về Smart Contract của ông đã được xuất bản năm 1996 trên tạp chí Extropy với những tiên lượng về tính năng và lợi ích của việc ứng dụng Smart Contract. Sau đó, Ian Grigg và Gary Howland cũng đã có những đóng góp rất đáng kể cho ý tưởng của Nick Szabo với công trình về hợp đồng Ricardo. Hợp đồng này đã được coi như một phần của hệ thống thanh toán Ricardo vào khoảng năm 1996.
Trên thực tế, Blockchain của Bitcoin là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cơ bản cho việc thiết lập Smart Contract trong blockchain (Smart Contract Blockchain). Tuy nhiên, Bitcoin lại chưa thực sự ứng dụng tốt được Smart Contract và đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng cho đến khi Ethereum kết hợp thành công với dạng hợp đồng này. Smart Contract đã thực sự trở nên phổ biến sau những phát triển của Ethereum.
Việc áp dụng Smart Contract đã thay đổi hoàn toàn quá trình giao dịch tiền mã hóa khi mọi giao dịch đều có thể trở nên đơn giản hơn giữa các bên trung gian. Đồng thời, chúng có thể giảm bớt được đáng kể sự chậm trễ trong quá trình thanh toán, hay hạn chế được những sai sót tính toán thông thường.
Ứng dụng của Smart Contract.
Bên cạnh hệ sinh thái Cryptocurrency, Smart Contract cũng đã được ứng dụng với rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề trong đời sống. Trong số đó, một vài lĩnh vực có thể kể đến như: quản lý hệ thống, dịch vụ y tế, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, chuỗi cung ứng, …
Những yếu tố cần thiết để tạo ra Smart Contract là gì?
Để viết ra một Smart Contract, chúng ta sẽ cần đến những lập trình viên có trình độ, kinh nghiệm và một số loại máy móc. Tuy nhiên, đó mới chỉ là đoạn mã, là giao thức ban đầu để khởi tạo một Smart Contract. Để hợp đồng này thực sự tồn tại và có thể đi vào hoạt động, chúng sẽ cần đến những yếu tố sau đây:
Chủ thể hợp đồng
Chủ thể hay có thể gọi là những bên liên quan trong hợp đồng. Đây có thể là đối tác hoặc những người trong cùng một Blockchain. Những cá nhân này sẽ cần cấp quyền truy cập cho Smart Contract để chúng có thể kích hoạt hoặc tự động mở khóa khi cần thiết.
Điều khoản hợp đồng
Đây là điều không thể thiếu trong một hợp đồng nói chung và trong Smart Contract nói riêng. Cụ thể hơn, đây là những chuỗi hoạt động đã được mã hóa và cần nhận được sự chấp thuận của những bên liên quan trước khi kích hoạt.
Nền tảng phân quyền
Do được xây dựng trên Blockchain nên Smart Contract cũng sẽ cần phải tuân theo “luật chơi” của nền tảng này. Hay nói cách khác, chúng sẽ được tải lên Blockchain để đưa vào hoạt động, và cần được phân phối về các Node trên nền tảng để nhận được sự phân quyền tương ứng.
Chữ ký điện tử (Digital Signature)
Nếu một hợp đồng thông thường cần có chữ ký của những bên liên quan để thực sự có giá trị và tính ràng buộc thì Smart Contract cũng cần có chữ ký xác thực để chắc chắn rằng những bên liên quan đều đã chấp thuận với điều khoản hợp đồng, và sẵn sàng triển khai Smart Contract. Chữ ký điện tử thường là các khóa cá nhân của người dùng.
Cách hoạt động của Smart Contract là gì?
Smart Contract sẽ có trách nhiệm “xem xét” điều kiện và thực hiện những tác vụ, những lệnh giao dịch cụ thể khi các điều kiện trong hợp đồng đều đã được thỏa mãn. Như vậy, có thể hiểu Smart Contract hoạt động theo mối quan hệ điều kiện – kết quả, hay còn gọi là quan hệ “Nếu … thì …”. Do vậy, một Blockchain có thể có một hoặc nhiều Smart Contract. Những hợp đồng này sẽ bắt đầu hoạt động khi người dùng hoặc Smart Contract khác kích hoạt chúng.
Tuy được gọi là hợp đồng nhưng Smart Contract không mang tính pháp lý, chúng đặt ra những điều kiện và tự động thực hiện tác vụ do người viết Smart Contract đặt ra. Hay nói cách khác, chúng được lập trình sẵn trên Blockchain để thực hiện những vai trò nhất định, tùy theo từng mạng lưới.
Ví dụ, Smart Contract trên Ethereum có trách nhiệm thực thi và quản lý những tương tác giữa các Address (người dùng) với nhau trên Blockchain. Những địa chỉ không phải Smart Contract sẽ được gọi là EOA – Externally Owned Account và được người dùng kiểm soát. Trong khí đó, Smart Contract được kiểm soát bởi các Node, chúng bao gồm mã hợp đồng và hai khóa công khai (một khóa công khai là do người tạo Smart Contract cung cấp, một mã được sử dụng để định danh kỹ thuật cho chính Smart Contract đó. )
Đặc điểm của Smart Contract
Ưu điểm
Khả năng tùy chỉnh
Smart Contract hoạt động với một cơ chế duy nhất là điều kiện – kết quả. Tuy nhiên, nó có thể được ứng dụng để trở thành mã lập trình, hoặc được thiết kế theo nhiều cách đa dạng khác nhau để trở thành dịch vụ hoặc những giải pháp trong giao dịch. Đây là lý do mà Smart Contract được coi là phiên bản nâng cấp của Blockchain khi nó có thể được ứng dụng một cách linh hoạt để giải quyết được rất nhiều vấn đề trong hệ sinh thái cryptocurrency nói riêng và vô số những lĩnh vực khác nói chung.
Tính phi tập trung
Giống với cách vận hành của Blockchain, mọi Node trong hệ thống đều phải có một bản sao chép và thực hiện những nguyên tắc trong Smart Contract. Yếu tố này giúp đảm bảo được tính minh bạch khi tất cả các Node đều có chung một bản sao chép với điều kiện nhất định trong hợp đồng. Bên cạnh đó, tính phi tập trung cũng được đảm bảo khi tất cả mọi người đều có quyền hạn ngang nhau và không cần phụ thuộc hay chịu kiểm soát của bất cứ bên thứ 3 nào.
Khả năng tự động hóa
Smart Contract không chỉ tối ưu vì chúng được mã hóa với những điều kiện và nguyên tắc cụ thể mà còn bởi chúng có khả năng tự thực hiện tác vụ khi điều kiện được thỏa mãn. Điều này đồng nghĩa với việc nếu được triển khai đúng cách, Smart Contract không chỉ giảm bớt được một lượng lớn chi phí vận hành hệ thống mà còn tối ưu được hiệu quả hoạt động của mạng lưới bằng việc tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho những thủ tục hay những việc không cần thiết.
Đảm bảo tính bảo mật
Một trong những đặc điểm nổi bật của Smart Contract là bạn không thể thay đổi chúng khi đã viết xong chương trình hay khi đã kích hoạt chúng. Điều này không chỉ giúp quá trình được thực hiện hợp đồng có thể diễn ra một cách chính xác, chắc chắn, không có sai sót mà còn ngăn chặn được những hành vi gian lận, hay những cá nhân/tổ chức có ý đồ xấu.
Điểm hạn chế
Không thể sửa chữa
Điểm hạn chế của Smart Contract nằm trong chính lợi thế của nó trong việc không thể can thiệp và sửa đổi được điều kiện hay hệ quả. Bởi vậy, nếu đã hoàn thiện Smart Contract mà bạn lại cần điều chỉnh hay có thay đổi, bạn sẽ cần viết lại một Smart Contract mới.
Không có tính pháp lý
Như đã đề cập phía trên, Smart Contract không có tính pháp lý mặc dù chúng được gọi là hợp đồng. Bởi vật, nếu có lỗi phát sinh xảy ra với người dùng, bạn sẽ khó có thể bảo vệ được quyền lợi của bản thân.
Chi phí triển khai
Tất nhiên, Smart Contract có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành khi có thể chạy một cách tự động và tiết kiệm được các khâu trung gian. Tuy nhiên, việc tạo ra một Smart Contract cũng đòi hỏi những chi phí nhất định để chi trả cho máy tính, lập trình viên có kinh nghiệm hay hệ thống cơ sở hạ tầng.
Smart Contract đã xuất hiện tại Crypto và Dapps nào?
Sự tối ưu mà Smart Contract đem lại là không thể phủ nhận, và chúng thực sự đã đem đến một hệ thống giao dịch tiện lợi, nhanh chóng hơn cho Blockchain. Bạn có thể tham khảo một số hệ thống sử dụng Smart Contract dưới đây.
Bitcoin
Như đã chia sẻ phía trên, Bitcoin là nền tảng đặt những viên gạch cơ sở đầu tiên cho việc ứng dụng Smart Contract vào Blockchain. Tuy nhiên, việc xử lý tài liệu dựa trên Smart Contract vẫn còn rất hạn chế trên nền tảng này
NXT
Đây cũng là nền tảng cung cấp các mẫu Smart Contract; tuy nhiên, nền tảng này cũng có một số giới hạn trong việc áp dụng Smart Contract, đặc biệt là giới hạn trong lựa chọn vì không có nhiều phòng tùy chỉnh.
Ethereum
Đây là nền tảng có những thành công nổi bật nhất với những ứng dụng Smart Contract. Ethereum có khả năng hỗ trợ và xử lý các giao dịch một cách tiên tiến, linh hoạt, và hiệu quả. Nhiều Blockchain ra đời sau cũng có sự học hỏi nhất định với nền tảng này trong cách ứng dụng Smart Contract. Tuy nhiên, điểm hạn chế của Ethereum là mức giá khá đắt đỏ. Khi bạn muốn tùy chỉnh bất cứ điều gì bạn sẽ cần đóng góp ETH cho nền tảng.
Tìm hiểu thêm: zkSync là gì? Hệ sinh thái quan trọng của Ethereum
Stellar
Đây là nền tảng Smart Contract lâu đời nhất với độ bảo mật và tốc độ giao dịch tốt hơn hẳn so với Ethereum. Tuy nhiên, Stellar chỉ có lợi thế với giao diện đơn giản, dễ sử dụng, chứ không phù hợp để phát triển được những Smart Contract phức tạp.
Một số Dapps phổ biến ứng dụng Smart Contract có thể kể đến những nền tảng tài chính trực tuyến như MakerDAO, Compound hay các sàn giao dịch phi tập trung như Uniswap.
Rủi ro Smart Contract có thể đem lại.
Về đích và cách thức vận hành, Smart Contract là những chương trình vô cùng tuyệt vời có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực để đem lại sự tối ưu hóa, và tiết kiệm chi phí vận hành. Tuy nhiên, về bản chất, chúng là những đoạn mã chạy trên Blockchain được con người viết ra. Bởi vậy, Smart Contract sẽ hoạt động theo cách các nhà phát triển thiết kế ra chúng. Điều này có nghĩa là chúng vẫn có khả năng bị lỗi và bị tấn công khi những đoạn mã chưa thực sự hoàn thiện và chưa được thử nghiệm đủ kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, do hoạt động chủ yếu trên Internet nên nguy cơ gặp phải Hacker hay để lộ những thông tin nhạy cảm luôn là điều có thể xảy ra. Hệ quả của việc bị tấn công sẽ là viễn cảnh dẫn đến những thiệt hại vô cùng nặng nề, đặc biệt là đối với Smart Contract. Lý do là bởi bạn thậm chỉ còn không thể điều chỉnh và sửa đổi chúng khi chúng đã được kích hoạt. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ hack và những tổn thất nặng nề trong năm 2021. Việc viết lại Smart Contract từ đầu là giải pháp duy nhất, tuy nhiên lại không phải là cứu cánh khi Smart Contract lỗi đem lại quá nhiều rủi ro cho người dùng.
Tương lai của Smart Contract
Tất nhiên, những rủi ro đối với Smart Contract là điều mà lập trình viên hay những người sử dụng đều cần nắm được để đưa ra những phương án phòng tránh hay cẩn trọng hơn trong quá trình giao dịch. Tuy nhiên, nhìn chung đây vẫn là một giải pháp tối ưu, tiết kiệm và có thể được ứng dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực. Trong tương lai, Smart Contract dĩ nhiên không thể có tiềm năng thay thế hoàn toàn được những hợp đồng truyền thống, bởi bản chất chúng không có tính pháp lý. Thế nhưng, chúng hoàn toàn có thể được ứng dụng một cách hợp lý với những dịch vụ trao đổi hàng hóa và nhiễu lĩnh vực khác của con người.
Đối với hệ sinh thái cryptocurrency, Smart Contract đang thể hiện bản thân mình rất tốt trong việc tối ưu hóa và chính xác hóa mọi quy trình. Đây vẫn sẽ là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của kỷ nguyên Crypto trong tương lai.
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn bạn đã có những tìm hiểu chi tiết và cụ thể hơn về Smart Contract là gì, cũng như vai trò của nó đối với thế giới Crypto nói riêng và vô vàn lĩnh vực khác nói chung. Thông qua đó, hy vọng bạn có thể sử dụng Smart contract một cách hiệu quả, thận trọng và phù hợp hơn. Chúc bạn thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Kiến thức Crypto cơ bản nhất cho người mới
➤ Số Nonce là gì? Cách hoạt động của số Nonce trong Blockchain
Comments (No)