Coin Days Destroyed là một chỉ số phân tích On-chain thú vị mà những anh em trong thị trường crypto đều cần nắm được để có những phán đoán chính xác nhất. Vậy Coin Days Destroyed là gì, thể hiện được những yếu tố nào của thị trường và nên được sử dụng như thế nào? Cùng tham khảo bài viết sau để tìm hiểu kỹ hơn về chỉ số CDD nhé!
Nội dung chính
Coin Days Destroyed là gì?
Trong những bài viết trước, chúng ta đã được làm quen và biết đến UTXO cũng như vai trò của nó trong quá trình quản trị và đưa ra những chỉ số quan trọng như SOPR. Coin Days Destroyed cũng là một chỉ số quan trọng được tính toán dựa trên UTXO. CDD là một chỉ số cung cấp cho người dùng số lượng ngày một đồng coin chưa được sử dụng.
Bạn có thể hình dung như thế này, khi bạn mua hoặc nhận được một lượng coin, lượng coin đó sẽ được tích trữ trong ví cá nhân của bạn; trong đó, mỗi ngày mà nó chưa được sử dụng, nó sẽ tích lũy được một coin days. Khi bạn đem lượng coin đó ra để thực hiện giao dịch, bạn đã phá vỡ (Destroyed) chuỗi ngày đó. CDD sẽ ghi nhận thời điểm chuỗi ngày này bị phá vỡ.
Ví dụ, bạn nhận được 100BTC vào ngày 20/07/2022 và sử dụng bán đi 50BTC vào ngày 30/07/2022. Lượng coin này sẽ được tính là chưa được sử dụng hay được tích lũy trong 10 ngày, và chuỗi ngày tích lũy này sẽ được ghi nhận là đã bị phá hủy vào ngày 30/07/2022.
Như vậy, CDD cho biết khi nào chuỗi ngày tích trữ coin hay hold coin bị phá hủy. Hay nói cách khác, nó tiết lộ cho những người phân tích biết các nhà đầu tư đang hành động như thế nào.
Coin Years Destroyed
Tương tự như cách hoạt động của Coin Days Destroyed, Coin Years Destroyed chỉ đơn giản là tổng của CDD trong khoảng thời gian luân phiên 365 ngày.
Vai trò của Coin Days Destroyed là gì?
Câu hỏi đặt ra lúc này là việc tính tuổi của UTXO hay việc biết được CDD sẽ có vai trò như thế nào trong quá trình phán đoán và phân tích dữ liệu On-chain?
Trong quá trình phân tích và phán đoán, có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng và gây ra biến động giá như nguồn cung, tính hiệu quả của dự án, và cách các nhà đầu tư hành động, … Trong đó, hành vi của các nhà đầu tư chính là yếu tố chính ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường, đặc biệt là thị trường crypto. Họ có thể là người tạo ra nguồn cung, tạo ra áp lực mua, áp lực bán; khiến giá thị trường biến động không ngừng.
Vậy làm thế nào để nắm bắt được tâm lý và hành vi của các nhà đầu tư để đưa ra những quyết định và những chiến lược sáng suốt? Trên thực tế, rất nhiều chỉ số trên Crypto Quant có thể cung cấp cho bạn dấu hiệu để phân tích, và CDD là một trong số đó. Tại sao? Bởi rõ ràng, trên thị trường có 2 kiểu nhà đầu tư chính là nhà đầu tư ngắn hạn và nhà đầu tư dài hạn. Và làm thế nào để bạn biết được khi nào họ hành động nếu không nắm được thời điểm họ phá vỡ chuỗi ngày trữ coin của mình dựa vào Coin Days Destroyed?
Như vậy, CDD có vai trò vô cùng quan trọng để bạn đi trước được cộng đồng một bước trong việc nắm bắt và phân tích tâm lý của các nhà đầu tư, đặc biệt là những cá voi với lượng tài sản lớn và khả năng Hold coin dài hạn.
Ý nghĩa của Coin Days Destroyed.
Như đã chia sẻ phía trên, CDD cung cấp cho chúng ta những dấu hiệu để nắm bắt được hành vi của các nhà đầu tư ngắn hạn và những holder dài hạn, từ đó đưa ra được những phán đoán về xu hướng giá.
Cụ thể như sau:
Tâm lý nhà đầu tư
CDD càng lớn càng thể hiện được có rất nhiều nhà đầu tư đang thực hiện phá vỡ chuỗi ngày hold coin của mình. Khi CDD tăng lên đáng kể, nó thường tiết lộ cả những hành vi của những holder dài hạn. Có rất nhiều lý do cho việc một nhà đầu tư bán coin như để chốt lời hoặc chi trả những chi phí vận hành máy móc (đối với Miners) hoặc giải quyết các công việc cá nhân. Tuy nhiên, việc bán coin đối với những nhà đầu tư lớn có khả năng Hold coin dài hạn sẽ thiên nhiều về phương án như họ đang dần mất kiên nhẫn, không còn tự tin vào thị trường, hay nói cách khác là họ đang có ý định bán xả coin.
Ngược lại, CDD càng nhỏ càng thể hiện đượccó ít nhà đầu tư đang thực hiện phá vỡ chuỗi ngày hold coin của mình; đồng thời cho thấy những giao dịch hiện tại có thể chỉ đến từ những nhà đầu tư ngắn hạn. Hay nói cách khác, với CDD càng nhỏ, chúng ta càng có nhiều khả năng phán đoán được rằng các nhà đầu tư dài hạn vẫn còn tự tin vào thị trường và tiếp tục Hold coin.
Xu hướng thị trường
Tâm lý và hành vi của các nhà đầu tư tất yếu sẽ dẫn đến những biến động trên thị trường.
Nếu CDD có dấu hiệu tăng không ngừng có nghĩa là rất nhiều nhà đầu tư đang thực hiện bán xả coin, đặc biệt là những nhà đầu tư dài hạn. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là cảnh báo cho một “cơn bão” sắp ập đến với mức giá của đồng coin, có thể khiến đồng coin rớt giá liên tục. Lý do đơn giản chỉ là bởi những Holder dài hạn thường tích trữ khối lượng coin lớn, khi họ bán xả coin ra thị trường họ sẽ tạo ra một nguồn cung và áp lực bán lớn, dẫn đến sự thụt giảm của mức giá. Đây là điều đã được các nhà đầu tư chiêm nghiệm trong suốt lịch sử giá của Bitcoin.
Ngược lại, nếu CDD không có dấu hiệu tăng và thậm chí đang trên đà giảm thì có nghĩa là các nhà đầu tư dài hạn đang có xu hướng ngừng việc bán coin và những nhà đầu tư đang phá vỡ chuỗi ngày hold coin khả nwang cao là những người chơi ngắn hạn, lướt sóng. Điều này thể hiện được tâm lý tự tin của nhà đầu tư nói chung và Holder dài hạn nói riêng, đồng thời khiến thị trường ổn định hơn. Khi CDD giảm sâu, chúng ta thậm chí có thể đưa ra phán đoán về việc xu hướng giá trên thị trường sẽ có khả năng tăng do nguồn cung dần trở nên khan hiếm.
CDD có phải là tất cả?
Với những phân tích phía trên, chắc hẳn anh em đã nắm được những khả năng mà Coin Days Destroyed có thể tiết lộ về tâm lý, hành vi nhà đầu tư; cũng như xu hướng giá của thị trường. Tuy nhiên, đây có phải là chỉ số duy nhất sẽ được sử dụng để phán đoán tâm lý nhà đầu tư hay không?
Như đã đề cập phía trên, dữ liệu On-chain có chứa rất nhiều các chỉ số thú vị, và điều khiến bạn đến gần hơn với những kết luận chính xác và đi trước cộng đồng một bước là việc kết hợp, đối chiếu và so sánh các chỉ số để nắm bắt được dấu hiệu chuẩn chỉ nhất.
Coin Days Destroyed và SOPR
Một trong những điểm yếu của CDD là nó cung cấp số liệu tổng hợp của tất cả nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư ngắn hạn, dài hạn, và thậm chí là cả những giao dịch chỉ diễn ra trong chưa đầy 1 tiếng. Điều đó khiến dữ liệu trên Coin Days Destroyed có độ nhiễu nhất định, không đem lại những phân tích tối ưu và sát với xu hướng giá nhất.
Đây cũng chính là lý do mà chúng ta cần sử dụng kết hợp Coin Days Destroyed và SOPR. SOPR là một chỉ số thể hiện tỉ lệ lợi nhuận và thua lỗ của các nhà đầu tư dựa trên UTXO. Bạn có thể tham khảo thêm về SOPR để hiểu chi tiết về chỉ số này.
Về cơ bản, khi kết hợp với SOPR, bạn có thể loại bỏ được những giao dịch quá ngắn để giảm độ nhiễu với aSOPR. Với aSOPR bạn sẽ xem được tỉ lệ lợi nhuận với tất cả giao dịch trên 1 giờ. Tất nhiên, bạn cũng có thể nắm bắt tâm lý nhà đầu tư một cách rõ ràng hơn với 2 biểu đồ LTH SOPR (Longterm Holder SOLR – Chỉ số lợi nhuận của các nhà đầu tư dài hạn) và STH SOPR (Shortterm Holder SOPR – chỉ số lợi nhuận của các nhà đầu tư ngắn hạn). Để phân biệt được hai nhà đầu tư này, SOPR dựa vào độ tuổi của UTXO, nếu 1 giờ < UTXO < 155 ngày, hệ thống sẽ tính đó là nhà đầu tư ngắn hạn; nếu UTXO > 155 ngày, hệ thống sẽ kết luận đây là nhà đầu tư dài hạn.
Như vậy, bạn có thể check Coin Days Destroyed trước để xem có nhiều nhà đầu tư đang thực hiện phá vỡ chuỗi ngày hold coin của mình không. Nếu lượng CDD quá cao, chúng ta có thể đoán được rằng trong số đó có thể có những holder dài hạn. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là suy đoán cho đến khi bạn check LTH SOPR. Nếu LTH SOPR đưa ra những dữ liệu có về một lượng lợi nhuận hoặc thua lỗ lớn của các nhà đầu tư dài hạn, lúc này chúng ta mới có thể thực sự kết luận là họ đang hành động. Tương tự như vậy, khi CDD có dấu hiệu giảm, chúng ta có thể check aSOPR, STH SOPR, và LTH SOPR để xem những giao dịch đó đến từ đâu và đây có thực sự là dấu hiệu cho việc thị trường đang ổn định và có khả năng phát triển hay không.
Coin Days Destroyed và Exchange Flow
Với thông tin của CDD, chúng ta chỉ biết được có bao nhiêu chuỗi ngày trữ coin đã bị phá hủy chứ chưa thể phán đoán được những hành vi tiếp theo của các nhà đầu tư. Khi kết hợp với SOPR ta cũng thấy được rõ hơn những giao dịch đó đến từ nhà đầu tư ngắn hạn hay dài hạn và tỉ lệ lời lỗ của họ như thế nào. Tuy nhiên, đó đều là những diễn biến đã xảy ra. Vậy làm thế nào để chúng ta có nhiều dữ kiện hơn để nhìn trước được tâm lý, hành vi tiếp theo của các nhà đầu tư.
Đó là lúc chúng ta cần kết hợp CDD với Exchange Flow – dữ liệu có liên quan đến sàn giao dịch.
Exchange Inflow
Đây là chỉ số cho biết có bao nhiêu lượng tài sản được nạp vào sàn giao dịch. Con số này có thể hỗ trợ phân tích dữ liệu On-chain về rất nhiều mặt, bởi hành vi các nhà đầu tư nạp tiền vào sàn giao dịch có thể dẫn đến rất nhiều kết quả khác nhau. Khi kết hợp CDD với Exchange Inflow, anh em sẽ nắm bắt được tốt hơn những khả năng có thể xảy ra với xu hướng giá.
Cụ thể, khi CDD tăng cao, thể hiện việc có nhiều nhà đầu tư đã thực hiện bán coin. Chúng ta đồng thời cũng check được xem họ là ai với SOPR. Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Các nhà đầu tư có bán xả nữa không và nguồn cung sắp tới có sức ảnh hưởng như thế nào? Đó là câu hỏi mà Exchange Inflow sẽ trả lời cho anh em.
Nếu Exchange Inflow vẫn tiếp tục tăng sau khi CDD đã tăng mạnh, điều đó có nghĩa là lượng cung vẫn đang tiếp tục được tăng lên, các nhà đầu tư vẫn có xu hướng bán coin, dẫn đến xu hướng giá có tỉ lệ downtrend mạnh trong thời gian sắp tới.
Exchange Outflow
Ngược lại với Exchange Inflow, Exchange Outflow cho chúng ta biết có bao nhiêu lượng coin được rút ra khỏi sàn. Tất nhiên, các nhà đầu tư rút coin ra khỏi tất cả các sàn giao dịch sẽ cho thấy khả năng hold coin cao.
Khi CDD tăng và chúng ta nhận thấy có nhiều nhà đầu tư chịu lỗ khi check SOPR, nhưng Exchange Outflow lại tăng. Điều này có thể cho thấy dấu hiệu các nhà đầu tư đang nắm bắt cơ hội giá coin giảm để hold coin dài hạn và chờ thời cơ thích hợp hơn. Trong trường hợp này, bạn không cần quá lo lắng và hoảng loạn. Tuy nhiên, nếu Exchange Outflow giảm, chúng ta có thể phán đoán được nhu cầu hold coin giảm, dẫn đến lượng cầu giảm, và khả năng cao là các nhà đầu tư đang dần mất niềm tin vào thị trường.
Bên cạnh Exchange Inflow và Exchange Outflow, rất nhiều các chỉ số khác trong Exchange Flow và dữ liệu On-chain cũng có thể tiết lộ cho bạn nhiều điều về xu hướng và hành vi tương lai của các nhà đầu tư.
Một số lưu ý
Như đã đề cập phía trên, CDD không thể chỉ được sử dụng một cách đơn lẻ, đặc biệt là với quá trình phân tích và đưa ra quyết định. Bởi nếu bạn phán đoán chỉ với 1 hoặc 2 chỉ số, những phân tích đó sẽ thiếu đi cơ sở và không có tỉ lệ cao đem lại kết quả chính xác. Bởi vậy, với CDD nói riêng và với các chỉ số khác trong phân tích On-chain nói chung, chúng ta đều cần có sự so sánh, đối chiếu để có cái nhìn rộng mở nhất, và nắm được những hành vi chi tiết nhất của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, bạn cũng nên có cho mình những nguyên tắc, điểm chốt lời cắt lỗ để không gặp phải những rủi ro quá lớn.
Với những chia sẻ trên, hy vọng anh em đã nắm được Coin Days Destroyed là gì, và hiểu được ý nghĩa và cách sử dụng CDD kết hợp với một số chỉ số khác. Tất nhiên, đây là một số những chỉ báo cơ bản có thể kết hợp với CDD, chứ không có nghĩa là chí có những dữ liệu đó mới có thể kết hợp. Dữ liệu On-chain chứa rất nhiều những thông tin và chỉ báo thú vị khác mà anh em có thể đối chiếu, so sánh với nhau. Chúng ta sẽ cùng khám phá kỹ hơn về những chỉ số này và cách kết hợp chúng trong các bài viết khác. Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Dữ liệu On-chain là gì? Cách phân tích dữ liệu On chain của Bitcoin
➤ Open Interest là gì? Có tác dụng gì khi phân tích On Chain
➤ 10 Kinh nghiệm đầu tư Altcoin hiệu quả
Comments (No)