“Chart có thể vẽ, News có thể mua, nhưng On-chain không thể Fake” Đây là một câu nói thể hiện tầm quan trọng của dữ liệu On-chain một cách rõ nét. Vậy dữ liệu On-chain là gì và làm sao để phân tích tốt các dữ liệu này? Cùng tham khảo bài viết sau để tìm hiểu kỹ hơn về loại dữ liệu này nhé!
Nội dung chính
Dữ liệu On-chain là gì?
Như đã tìm hiểu trong các bài viết trước, Blockchain là một chuỗi các khối có chứa dữ liệu được liên kết lại với nhau để lưu trữ các giao dịch minh bạch, bảo mật và phi tập trung. Vì thế, dữ liệu On-chain chính là sự tổng hợp và phân tích các dữ liệu trên 1 blockchain cụ thể. Ví dụ:
- Các dữ liệu giao dịch như: địa chỉ ví, số lượng coin được transfer, loại coin/token.
- Dữ liệu về Block như phí gas, transaction, miner, active addresses.
- Tổng số UTXO của các ví, Average Dormancy, Coin Days Destroyed, Puell Multiple,..
Bạn có thể hình dung thế này, do Blockchain hoạt động hoàn toàn phi tập trung và được điều hành bởi rất nhiều Nodes rải rác khắp nơi trên thế giới nên bất cứ hành động nào được thực hiện nó đều ghi lại trên Blockchain. Bởi vậy, những dữ liệu này đều minh bạch, có thể kiểm tra và không thể bị thao túng hay sửa đổi. Nói cách khác, nó có thể đảm bảo được tính trung thực của dữ liệu.
Tại sao cần phân tích dữ liệu On-chain?
Như đã phân tích phía trên, biểu đồ giá (chart) và tin tức (news) rất dễ bị chi phối và thao túng bởi nhiều “thế lực”. Còn với dữ liệu On-chain do khó bị làm giả, nên bạn có thể dùng nó để theo dõi được những hành động của các ví lớn, lệnh chuyển tiền ra vào sàn, OTC của các cá voi,.. Ngoài ra việc phân tích dữ liệu On-chain còn có những ưu điểm như:
Quan sát hành vi thị trường theo thời gian thực
Trong bài về Tokenomics, anh em cũng đã nắm được những kiến thức về những người có khả năng ảnh hưởng và chi phối một loại tài sản trong thị trường crypto. Trong đó, những “ông lớn” với khả năng ảnh hưởng lớn nhất phải kể đến các Whale, hay những người sở hữu nhiều nguồn lực về cả thông tin và tài chính. Nói thẳng ra, họ là nhóm người có nguồn lực dồi dào để thao túng thị trường và kiếm lợi nhuận bằng cách khiến nhiều nhà đầu tư đu đỉnh.
Và tất nhiên, các Whale thường chiếm số lượng khá ít nhưng tiền của họ lại khá nhiều. Cho nên khi sở hữu khả năng phân tích dữ liệu On-chain, nó có thể giúp bạn quan sát được hành động của họ ngay cả trước khi giá giảm. Từ đó, thay vì bị động ngồi chờ và bị giật dây thua lỗ bởi các cá mập; thì bạn hoàn toàn có thể dự đoán trước được để thoát khỏi nó và xây dựng cho mình những chiến lược thông minh, hành động nhanh hơn 90% nhà đầu tư còn lại.
Với ưu thế này, anh em có thể trở thành “số ít” có khả năng chiến thắng và kiếm tiền trong 1 thị trường đầy biến động như Crypto.
Đưa ra phán đoán và quyết định đầu tư
Việc quan sát được hành vi của Whale khá quan trọng, nhưng không phải là tất cả ưu điểm mà bạn có thể tận dụng được từ việc phân tích dữ liệu On-chain. Lý do là bởi dữ liệu này chứa đựng thông tin giao dịch và hoạt động của mọi người có mặt trong Blockchain. Vì vậy, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan nhất về những thứ đang diễn ra, phán đoán trước được những vấn đề có thể phát sinh, đôi khi là dự đoán trước được cả những thông tin sắp sửa được công bố.
Anh em có thể hình dung đơn giản như sau, những thông tin trên báo điện tử đều cần có nguồn gốc để đảm bảo được sự chính xác. Chúng thậm chí cũng cần có những dẫn chứng đủ thuyết phục nếu có ý đồ thao túng thị trường. Vậy nguồn gốc của những thông tin đó từ đâu mà có? Tất nhiên là từ dữ liệu On-chain và thông tin của những lĩnh vực liên quan khác. Như vậy, nếu bạn đã có được dữ liệu này trong tay, bạn có thể đi trước cộng đồng một bước, có sự kiểm soát tốt hơn với chiến lược đầu tư của mình, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là kịp thời chuẩn bị để tránh xa rủi ro.
Ví dụ: Có đồng coin X trên thị trường đang tụt giá, và vì lo sợ hay đọc được những thông tin không chính thống trên mạng mà nhiều người đã có quyết định bán tháo đồng coin X. Tuy nhiên, bạn lại nắm bắt được việc các ví lớn không hề có động thái bán mà thậm chí còn gom thêm. Như vậy, bạn có thể chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn, hoặc xem xét đến việc mua thêm một ít coin thay vì lựa chọn bán ra như số đông.
Đánh giá hiệu quả hoạt động dự án
Đối với những dự án mới hay những dự án DeFi, bạn còn có thể dựa vào những dữ liệu có trên Blockchain để đánh giá về sản phẩm hay hiệu quả hoạt động của dự án. Việc đánh giá dự án thông qua dữ liệu On-chain cũng có thể đem lại cho bạn những phán đoán tốt và quyết định thông minh.
Ví dụ: Nếu một dự án ra mắt sản phẩm và thu hút được nhiều User hay có khối lượng giao dịch lớn thì khả năng tăng giá của Token dự án là rất cao.
Một số lưu ý đối với phân tích dữ liệu On-chain
Như vậy, chắc hẳn anh em đã hiểu được ý nghĩa và vai trò của việc phân tích dữ liệu On-chain đối với việc nắm bắt thị trường, phán đoán hay đưa ra quyết định đầu tư một cách có cơ sở. Tuy nhiên, việc phân tích dữ liệu On-chain có dễ dàng như việc chỉ truy cập vào trang web chính của đồng Coin và nhìn vào các con số không?
Để đảm bảo anh em có thể tối ưu hóa được hiệu quả sử dụng dữ liệu On-chain, nắm bắt được những lợi ích mà nó đem lại cũng như giảm thiểu được rủi ro, anh em có thể cân nhắc những lưu ý sau:
- Trau dồi kiến thức và kinh nghiệm: Các công cụ phân tích dữ liệu On-chain thường là những dữ liệu khá chuyên sâu, đòi hỏi không chỉ góc nhìn đa chiều mà còn cả những kiến thức nền tảng quan trọng. Bởi vậy, việc trau dồi kiến thức và kinh nghiệm là không thể thiếu để anh em có thể sử dụng được các công cụ phân tích dữ liệu On-chain một cách hiệu quả nhất.
- Khả năng đối chiếu thông tin: Việc phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn thông tin hay một vài chỉ báo là không nên. Anh em có thể so sánh và đối chiếu thông tin giữa nhiều nguồn để tránh sử dụng phải những công cụ chưa chính xác. Ngoài ra, việc đối chiếu và so sánh các chỉ báo cũng giúp ích cho anh em rất nhiều trong việc có được quan sát đa chiều và đưa ra quyết định có khả năng chính xác tốt hơn.
- Cẩn thận với các dữ liệu từ website dự án: Đôi khi các con số được cung cấp bởi dự án không hoàn toàn chuẩn vì rất nhiều lý do ( ví dụ như marketing). Vì vậy, sau khi tham khảo các dữ liệu của dự án, anh em nên có thao tác check lại chúng trên các Explorer của Blockchain nền tảng hay Blockchain Explorer của Dapp đó.
- Cập nhật liên tục: Trên thị trường, các hành vi, biến động luôn luôn xảy ra và luôn luôn thay đổi. Do vậy, việc cập nhật thông tin sẽ là một yếu tố vô cùng quan trọng để anh em đánh giá được tình hình cũng như kịp thời đưa ra được các quyết định quan trọng.
Case Study phân tích dữ liệu On-chain
Anh em có thể tham khảo một số cách tiếp cận và phân tích dữ liệu On-chain dưới đây
Phân tích dữ liệu On-chain của Bitcoin
Nhìn vào Chỉ báo Exchange Inflow của Bitcoin trên CryptoQuant, chúng ta có thể thấy chỉ cần có các lệnh nạp BTC lớn lên sàn với khối lượng khoảng từ 100K Bit trở lên. BTC thường bị đạp xuống khá sâu khoảng 20-30% hoặc rơi vào xu hướng giảm.
- Với chỉ báo này nó luôn thể hiện lượng BTC mà nhà đầu tư nạp lên sàn là bao nhiêu – mà nạp lên thì đa phần là họ sẽ bán. Còn nếu họ hold thì họ sẽ rút ra ví riêng nhiều.
- Nên một số chỉ báo khác mà các bạn có thể kiểm tra như:
- Exchange Reserve (lượng dự trữ trên sàn).
- Exchange Inflow (lượng BTC được nạp vào sàn).
- Exchange Outflow (lượng BTC rút ra bên ngoài).
- Exchange Netflow (so sánh In & Out).
- Exchange Inflow Top 10 (chuyển động nạp của các ví lớn).
Tìm hiểu thêm: Phân tích các chỉ báo On-chain Exchange Flow
Phân tích dữ liệu On-chain của Stablecoin
Chart biểu thị vào ngày 5/1/2023, tổng lượng Stablecoin đang được lưu thông trên thị trường là khoảng 78 tỉ (bao gồm USDT, USDC, TUSD, USDP, DAI, SAI).
Và từ tháng 1/2022 đến tháng 1/2023 số lượng Stablecoin được phát hành thêm khá ít so với đợt uptrend của 2021 (tăng gấp 3), chứng tỏ nhu cầu đổi thành tiền mặt thành Stablecoin đang giảm đi đáng kể. Hoặc nhà đầu tư có xu hướng cash out nhiều ra tiền mặt.
Một số phán đoán về dòng tiền
Một chỉ báo quan trọng khác mà các bạn cần quan tâm đó là Exchange Supply Ratio, chỉ báo này cho chúng ta thấy sự tương quan giữa lượng Stablecoin trên sàn và tổng lượng Stablecoin trên thị trường.
- Nếu chỉ báo này tăng => Nhà đầu tư đang bán Bitcoin/Altcoin ra stablecoin hoặc nạp nhiều stablecoin lên sàn để cash out.
- Nếu chỉ báo này giảm => Nhà đầu tư đang tiến hành gom Coin hoặc rút Stablecoin ra ví riêng để tham gia DeFi.
Phân tích dữ liệu On-chain của Ethereum
Nhìn vào biểu đồ chúng ta dễ dàng thấy được tổng lượng coin được staking trên mạng Ethereum là hơn 18 triệu ETH (17/04/2023).
=> Đang tăng nhẹ hơn so với trước đó, khác với dự đoán là người dùng sẽ withdraw ồ ạt khỏi mạng sau khi Ethereum nâng cấp thành công Shanghai.
Đọc thêm: Hiểu đúng về Ethereum Shanghai – Những rủi ro tiềm ẩn
Và nếu muốn kiểm tra kỹ hơn lượng staking mỗi ngày vào network Ethereum đang là bao nhiêu chúng ta có thể xem chỉ báo Staking Inflow Total, như hình bên dưới chúng ta có thể thấy đến 7h sáng ngày 17/4/2023 đã có thêm 576 ETH được staked mới vào mạng. Các ngày trước đó cũng vậy, chỉ cần rê chuột vào là chúng ta đều có thể xem được chi tiết!
Như vậy, thay vì ngồi suy đoán số lượng ETH đang được nạp rút thế nào sau nâng cấp Shanghai của Ethereum 2.0, chúng ta luôn có thể chủ động kiểm tra On-chain để phán đoán chuẩn hơn tình hình của thị trường, dựa vào đó để đưa ra quyết định đầu tư cho phù hợp.
Công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu On-chain
Đối với dữ liệu On-chain, anh em rất khó có thể tự mình thống kê và tổng hợp các thông tin. Để tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa được quá trình này, anh em sẽ cần đến một số công cụ sau
Đối với phân tích vĩ mô
Những công cụ này sẽ cung cấp cho anh em cái nhìn toàn cảnh và đa chiều về toàn bộ thị trường. Phần lớn dữ liệu được cung cấp sẽ hướng đến những đối tượng như Bitcoin, Ethereum, những Token DeFi có vốn hóa lớn và ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ thị trường hay Stablecoin.
Một số Website mà anh em có thể sử dụng bao gồm:
- CryptoQuant: Đây là công cụ khá thú vị chuyên được sử dụng để phân tích dữ liệu On-chain. Tại đây, tất tần tật các thông tin vể dữ liệu On-chain từ cơ bản đến chuyên sâu đều sẽ được cung cấp cho anh em.
- Glassnode: Tương tự như CryptoQuant, Glassnode cũng cung cấp khá nhiều các chỉ số phong phú liên quan đến dữ liệu On-chain của Bitcoin.
- Whalebot Alert: Đây là một Channel telegram được xây dựng với mục đích chính là cảnh báo các hoạt động của cá voi.
- Một số công cụ khác có thể kể đến như: Into the Block, Whalemap Chart, The Block, …
Gợi ý:
Đối với những anh em mới bắt đầu tiếp cận với việc phân tích dữ liệu On-chain, anh em có thể sử dụng CryptoQuant để dễ dàng nắm bắt những thông tin sau:
- Lượng Inflow và Outflow của BTC, ETH trên các sàn giao dịch.
- Chú ý đến những động thái của cá voi dựa vào các giao dịch lớn.
- Nắm bắt áp lực bán dựa vào số lượng BTC được giao dịch trên các sàn. Nếu số lượng giao dịch lớn, áp lực lớn, giá cả tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.
- Lượng Stablecoin được mint ra. Nếu lượng Stablecoin trên sàn giao dịch, hoặc Stablecoin được mint ra lớn, thị trường đang sở hữu lượng tiền lớn có khả năng đẩy giá coin lên cao.
Đối với phân tích vi mô
Đây là các công cụ chủ yếu hướng đến việc phân tích ở quy mô nhỏ hơn như phân tích một token, một dự án, … Một số “điểm đến” mà anh em có thể cân nhắc bao gồm:
- Website dự án: Anh em có thể tham khảo các thông tin đến từ chính website của dự án. Tuy nhiên quá trình này chỉ mang tính tham khảo, anh em nên đối chiếu thông tin này để đảm bảo được độ chính xác.
- Blockchain Explorer: Đây là nguồn thông tin chính xác nhất mà anh em nên sử dụng. Một số Explorer bao gồm: Etherscan, Bscscan, Explorer Solana, …
- Token Terminal: Đây cũng là một nguồn thông tin đáng tin cậy để anh em nắm được những vấn để, chỉ số có liên quan đến các dự án
- Dune Analytic: Thông tin On-chain được cung cấp tại đây khá đa dạng, gồm nhiều những công cụ được đóng góp từ cộng đồng. Tuy nhiên, anh em cũng vẫn cần đối chiếu và xác thực thông tin trước khi phân tích.
Cách phân tích dữ liệu On-chain của Bitcoin
Để bạn có được cái nhìn trực quan hơn về cách phân tích dữ liệu On-chain, cùng tham khảo một số phân tích về dữ liệu On-Chain của Bitcoin nhé
All Exchanges Reserve
Đây là tổng số lượng một đồng coin xuất hiện trên các sàn giao dịch. Anh em có thể tìm kiếm thông tin về All Exchanges Reserve của Bitcoin tại những trang Web đã được chia sẻ phía trên. Việc phân tích dữ liệu này sẽ cho anh em biết được xu hướng BTC trên các sàn giao dịch. Nếu số lượng BTC trên sàn giao dịch tăng, có thể phán đoán được đây là dấu hiệu của áp lực bán lớn.
Khi bạn tìm kiếm thông tin về All Exchanges Reserve, các trang Web sẽ đưa ra cho bạn một biểu đồ như sau. Tại đây, đường thể hiện lượng BTC trên tất cả các sàn giao dịch sẽ là đường màu đỏ, đường còn lại thể hiện mức giá của chúng với lượng BTC tương ứng. Theo quy luật cung cầu, hai đường này thường sẽ ngược nhau.
Exchanges Netflow
Dữ liệu này cho anh em biết được một đồng coin đang được nạp vào hay rút ra khỏi sàn giao dịch. Việc nạp rút vào sàn giao dịch cũng cung cấp cho anh em rất nhiều về hành vi thị trường bởi User thường nạp tiền vào sàn để thực hiện bán và rút tiền về sau khi thực hiện mua. Như vậy, số lượng BTC được nạp vào tăng, bạn có thể đoán trước được áp lực bán đang chuẩn bị diễn ra hoặc ngược lại.
Netflow sẽ còn thể hiện được ưu thế hơn khi kết hợp với diễn biến giá. Ví dụ, khi số lượng BTC được nạp vào tăng, đáng lẽ áp lực bán đang được diễn ra những giá của BTC vẫn đang tăng, anh em có thể đưa ra kết luận về việc điều chỉnh giá đang được diễn ra. Ngược lại, khi giá của đồng coin đang trong xu hướng giảm như lượng BTC được rút ra lại tăng, anh em có thể nắm bắt ngay được dấu hiệu “gom hàng” của những cá voi.
Miner Flows
Do BTC chủ yếu được khai thác bởi Miners nên họ có thể được coi như ngân hàng trung ương với vai trò là nguồn cung cho thị trường này. Khi truy cập vào Miner Flows của các trang web, bạn sẽ được cung cấp thông tin về khối lượng coin được Miner bán ra thị trường. Tuy nhiên, việc Miners bán nhiều hay bán ít sẽ khó phân tích hơn so với All Exchanges Reserve hay Exchanges Netflow do Miners có nhiều lý do để bán coin hơn so với hành vi nạp tiền hay mua bán coin của các nhà giao dịch. Những lý do mà Miners bán tài sản ra thị trường có thể là vì họ cần chi phí duy trù máy móc, hay chỉ đơn giản là họ bán ra để chốt lãi.
Như vậy, việc Miners bán nhiều không phải lúc nào cũng đem lại những kết quả xấu đối với giá cả. Tuy nhiên, nếu Miners bán ít, nguồn cung BTC giảm và kéo theo đó là áp lực bán của thị trường cũng được giảm bớt. Vấn đề mà anh em cần quan sát ở đây là lượng Miners bán tài sản khi có xu hướng tăng. Nếu lượng Miners bán tài sản tăng khi đồng coin có xu hướng tăng trưởng thì bạn có thể cân nhắc đến kết luận rằng sẽ có một đợt tăng trưởng mạnh tiếp theo khi lượng Miners bán tài sản tăng trở lại.
Tuy nhiên, khi phân tích về Miners Flow, anh em cũng cần hết sức bình tĩnh và giữ cho bane thân một cái nhìn khách quan nhất có thể.
Một số dữ liệu khác
Dữ liệu liên quan đến thị trường CeFi
Đây là những dữ liệu về đồng coin trên thị trường tài chính tập trung như BlockFi Reserve (thể hiện lượng BTC đang được lưu trữ trong BlockFi – một ứng dụng Lending giúp kiếm được Yield khi lưu trữ), Grayscale BTC Holding (chỉ số thể hiện được xu hướng nắm giữ BTC của những quỹ hàng đầu), GBTC Premium (số liệu này có thể giúp anh em nắm bắt được tâm lý Fomo khi mua vào BTC và ngược lại)
Puell Multiple
Đây là chỉ số thể hiện sự chênh lệch giữa doanh thu hiện tại của Miners so với lượng trung bình trong 365 ngày vừa qua. Thông thường, nếu chỉ số này chạm 0.5, nó thể hiện thị trường đang chạm đáy; ngược lại, nếu nó chạm mốc 4, đây có thể là dấu hiệu đạt đỉnh.
MPI
Chỉ số này thể hiện được hoạt động của Miners. Nếu con số này lớn xu hướng bán của Miners đang được diễn ra một cách mạnh mẽ, và ngược lại.
Stablecoin Supply Ratio (SSR)
Đây là tỉ lệ vốn hóa của Bitcoin so với Stablecoin, nó được tính bằng cách chia MarketCap của BTC cho Marketcap của Stablecoin. Nếu con số này giảm, nó thể hiện lượng Stablecoin đang nhiều hơn BTC và có khả năng tạo ra áp lực mua. Ngược lại, nếu con số này tăng, nó thể hiện lượng Stablecoin đang ít hơn so với BTC dẫn đến lực mua giảm hoặc dấu hiệu điều chỉnh.
Với những chia sẻ phía trên, chắc hẳn anh em đã có dịp tìm hiểu về việc dữ liệu On-chain là gì, tầm quan trọng của nó, cũng như nắm được cách tìm kiếm và phân tích dữ liệu On-chain thông qua ví dụ với dữ liệu của Bitcoin. Thông qua đó, hy vọng anh em sẽ có những áp dụng hiệu quả để nắm bắt tâm lý thị trường tốt hơn, đưa ra phán đoán và quyết định có cơ sở hơn, và có nhiều tiềm năng thu được lợi nhuận hơn. Tất nhiên, anh em cũng cần để tâm những lưu ý đã được đề cập phía trên để tránh được rủi ro với những số liệu On-chain không chính xác nhé! Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Phân tích chỉ báo Flow Indicator | CryptoQuant
➤ UTXO là gì? Cách tính tuổi UTXO của Bitcoin
➤ SOPR là gì? Cách phân tích Lời Lỗ, Tâm Lý nhà đầu tư Crypto
Comments (No)