Nội dung chính
Volume trong Crypto là gì?
Volume là gì, chỉ báo này có vai trò như thế nào đối với việc quan sát và phân tích thị trường? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được những kiến thức cơ bản về Volume cũng như nắm bắt chỉ số này một cách hiệu quả nhất nhé!
Volume là gì
Volume là khối lượng giao dịch hay hiểu đơn giản là chỉ số hiển thị lượng tiền giao dịch trong khung thời gian nhất định. Chỉ số này được tính dựa trên tổng lượng coin mua vào và bán ra trong khung thời gian đó.
Nếu anh em sử dụng các biểu đồ nến Nhật để phân tích kỹ thuật thì Volume hiển thị khối lượng mua bán của mỗi cây nến.
Ý nghĩa của Volume
Nhu cầu mua bán và giá cả có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Khi giá có biến động tăng giảm, khối lượng giao dịch cũng có sự thay đổi. Ngược lại, khi khối lượng giao dịch tăng hoặc giảm mạnh thì giá cả cũng bị ảnh hưởng nhất định, dẫn đến biến động giá.
Volume đại diện cho mức độ thanh khoản của thị trường, thể hiện được các dữ liệu liên quan đến lịch sử, đồng thời là một yếu tố quan trọng để phân tích hành vi giá trong tương lai.
Xác định tín hiệu và xu hướng thị trường
Dựa vào khối lượng giao dịch, chúng ta có thể nhận biết được sự tăng giảm giá trên thị trường như sau:
- Khối lượng giao dịch lớn: thể hiện thị trường đang có xu hướng rõ ràng.
- Khối lượng giao dịch thấp: thể hiện thị trường đang không có xu hướng rõ ràng. Trong trường hợp này, khối lượng mua vào và bán ra cũng có chênh lệch không đáng kể.
- Khối lượng mua nhỏ hơn khối lượng bán: thể hiện xu hướng giảm giá.
- Khối lượng mua lớn hơn khối lượng bán: thể hiện xu hướng tăng giá.
Tất nhiên, ngoài khối lượng ra thì có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến xu hướng giá của thị trường. Nhưng có thể nói Volume là chỉ số cơ bản và quan trọng nhất để xác định được xu hướng. Chỉ khi anh em xác định được xu hướng một cách chắc chắn thì quá trình phân tích và đầu tư của anh em mới có nhiều tiềm năng thu được lợi nhuận.
Volume đại diện cho tính thanh khoản
Về cơ bản, thanh khoản là việc một loại tài sản có dễ mua dễ bán hay không. Để đạt được mức độ thanh khoản tốt thì tài sản đó cần đảm bảo được sự ổn định giá, đồng thời tốc độ mua bán cũng được diễn ra nhanh chóng do thu hút được nhiều người tham gia vào giao dịch.
Ngược lại, nếu một tài sản có thanh khoản thấp hoặc không có thanh khoản thì việc thực hiện giao dịch gặp rất nhiều khó khăn. Tài sản trở nên khó mua khó bán và mức độ trượt giá cũng lớn hơn.
Để đánh giá được thanh khoản, chúng ta chỉ cần quan sát volume giao dịch. Nếu volume giao dịch lớn có nghĩa là thanh khoản tốt và ngược lại.
Volume và các Indicator liên quan
Ngoài Volume, các nhà đầu tư còn sử dụng các Indicator và những phương pháp khác dựa trên Volume để đánh giá được xu hướng cũng như quan sát được tâm lý hành vi của cá voi. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến Volume Profile và Volume Spread Analysis (VSA). Volume Profile được sử dụng với mục đích chính là quan sát hướng đi của giá còn VSA được áp dụng để nắm bắt tâm lý và hành động của cá voi hoặc các quỹ đầu tư lớn.
Một số chỉ báo phổ biến khác: Chỉ báo OBV (On Balance Volume) và chỉ báo RSI Volume (Relative Strength Index)
Chỉ báo OBV
Đây là một trong số các chỉ báo Volume khá cơ bản mà anh em có thể sử dụng để so sánh được sự phát triển của giá trong một thời gian nhất định; từ đó xác định được sự tiếp diễn hay đảo chiều của xu hướng giá.
OBV được tính như sau:
OBV = OBV trước + hoặc – khối lượng giao dịch
Cụ thể hơn, nếu giá hiện tại cao hơn giá trước đó, chúng ta có OBV hiện tại = OBV trước đó + khối lượng giao dịch; ngược lại, nếu giá hiện tại thấp hơn giá trước đó, OBV hiện tại = OBV trước đó – khối lượng giao dịch. Trong trường hợp mức giá hiện tại và mức giá trước đó bằng nhau thì OBV hiện tại = OBV trước đó.
Dựa vào cách tính toán này, có thể thấy nếu OBV tăng nghĩa là khối lượng mua đang lớn và ngược lại. Khi anh em so sánh sự thay đổi của OBV với sự thay đổi của giá, chúng ta sẽ nắm bắt được khả năng tiếp diễn của xu hướng. Ví dụ, nếu giá tăng và OBV cũng tăng thì xu hướng giá đang có khả năng phát triển tốt. Nhưng nếu OBV tăng mà giá không thay đổi thì xu hướng đang có sự suy yếu.
Tham khảo thêm: Tìm hiểu Chỉ báo On Balance Volume (OBV)
Chỉ báo RSI Volume
RSI Volume là một chỉ báo Volume cung cấp được những biến đổi về khối lượng giao dịch, đồng thời đo lường được tốc độ của những biến động này. Thông qua đó, anh em có thể nắm bắt được xem giũa volume giao dịch giá đóng cửa cao và volume giá đóng cửa thấp.
Nói cách khác RSI volume cũng tương tự như RSI vậy. Điều khác biệt là RSI volume sử dụng những thay đổi trong Volume để đưa ra tín hiệu về quá mua hoặc quá bán.
Tham khảo thêm: Chỉ báo RSI – Khoanh vùng tín hiệu đảo chiều
Cách thêm chỉ báo Volume trên Trading View
Anh em thực hiện theo hình ảnh dưới đây
Đầu tiên, anh em truy cập vào Trading View, chọn tài sản mà mình đang muốn thực hiện phân tích. Tiếp theo, anh em tìm kiếm “Volume” trong mục Fx và nhấn vào Volume tại khung kết quả là đã có thể thêm được chỉ báo này.
Volume có phải một chỉ báo cần thiết
Về cơ bản, đây là một chỉ số khá cơ bản và được sử dụng tùy thuộc vào nhu cầu và thói quen của từng nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư chỉ sử dụng kháng cự và hỗ trợ một cách đơn thuần và không coi trọng khối lượng giao dịch. Ngược lại, một số nhà đầu tư khác thì dành nhiều sự ưu tiên cho việc quan sát Volume.
Lý do là bởi hiện tại có khá nhiều chỉ số có thể hỗ trợ anh em trong việc nắm bắt xu hướng. Tuy nhiên, Volume vẫn được sử dụng bởi nó thể hiện được chính xác về sự quan tâm của cộng đồng đối với dự án, đồng thời cho thấy một xu hướng có đang có đà phát triển tốt không. Ví dụ, nếu số lượng mua tăng cao hơn rất nhiều so với số lượng bán có nghĩa là nhu cầu mua đang lớn hơn so với nguồn cung dẫn đến khả năng tăng giá cao và ngược lại.
Tuy nhiên, lý thuyết về Volume không phải lúc nào cũng đúng, Trong trường hợp một hoặc một nhóm người cố tình đi ngược xu hướng giá vì mục đích riêng thì Volume vẫn có thể tăng đột biến trong lúc giá Sideway.
Nếu anh em có hứng thú với chỉ số này, anh em có thể tham khảo một số chiến lược sau:
Chiến lược giao dịch với Volume
Xác định xu hướng giá
Đối với chiến lược này, anh em chỉ cần ứng dụng ý nghĩa cơ bản của Volume để xác định xu hướng giá:
- Xu hướng tăng: khối lượng tăng khi giá tăng và khối lượng giảm khi giá giảm
- Xu hướng giảm: khối lượng tăng khi giá giảm và khối lượng giảm khi giá tăng
Khi anh em thấy khối lượng có thay đổi ngược lại với biến động giá (khối lượng tăng khi giá giảm hoặc khối lượng giảm khi giá tăng) có nghĩa là mức độ quan tâm của cộng đồng đang không ổn định. Kéo theo đó, đây có thể là biểu hiện của phân kỳ giữa giá và khối lượng. Lúc này, giá có thể tiếp tục đi theo xu hướng nhưng sẽ xu hướng sẽ dễ bị suy yếu và đảo chiều.
Xác nhận đảo chiều xu hướng
Khi khối lượng giao dịch bất ngờ tăng lên đột biến, hay nói cách khác là Volume đạt đỉnh và cao hơn hẳn các phiên trước thường đồng nghĩa với việc sức mua hoặc sức bán đã đến giới hạn.
- Trong xu hướng tăng: Volume đạt đỉnh xuất hiện, sau đó Volume mua giảm và volume bán tăng dần. Điều này thể hiện rằng lực mua đã cạn hết khiến giá tạo đỉnh và đảo chiều giảm.
- Trong xu hướng giảm: Volume đạt đỉnh xuất hiện, sau đó volume bán giảm và volume mua tăng dần. Ngược lại với trường hợp trên, Volume đạt đỉnh tại đây thể hiện lực bán đã đến giới hạn, dẫn đến giá tạo đáy và đảo chiều tăng.
Xác định hỗ trợ – kháng cự
Những vùng kháng cự và hỗ trợ thường là vùng giá nhận được nhiều quan tâm và là vùng vào lệnh lý tưởng đối với nhà đầu tư. Lý do là bởi tại đây khối lượng giao dịch lớn hơn rất nhiều so với những vùng giá khác. Ngược lại, dựa vào Volume chúng ta cũng có thể xác định được vùng hỗ trợ và kháng cự.
- Khi giá chạm vào vùng hỗ trợ – kháng cự, đồng thời Volume tăng mạnh: Giá có khả năng cao sẽ đảo chiều và hình thành đỉnh hoặc đáy.
- Khi giá chạm vào vùng hỗ trợ – kháng cự nhưng Volume không có sự thay đổi hoặc volume thấp: vùng hỗ trợ và kháng cự đó có khả năng cao sẽ bị phá vỡ.
Xác định Breakout (phá vỡ kháng cự – hỗ trợ)
Trong những giai đoạn giá đi ngang – giai đoạn tích lũy, volume thường duy trì ở mức khá thấp. Đối với giai đoạn kháng cự hoặc hỗ trợ mà Volume tăng mạnh thì khả năng Breakout là rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, cũng tại những vùng hỗ trợ và kháng cự mà Volume không đáng kể so với các phiên giao dịch trước thì việc giá xuyên thủng chỉ là một cú phá vỡ giả (False Break)
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em cũng đã nắm được Volume là gì, có mối quan hệ như thế nào đối với giá và những chiến lược có thể áp dụng Volume. Tuy nhiên, bên cạnh Volume anh em cũng cần có dựa trên nhiều yếu tố khác để đảm bảo có được những phân tích và phán đoán chính xác nhất. Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Phân tích kỹ thuật Trade Coin: Hướng dẫn người mới (Full Trading)
Comments (No)