Lý thuyết sóng Elliott là gì, có những cấu trúc và đặc điểm quan trọng nào? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được những kiến thức quan trọng của lý thuyết này cũng như hiểu được những mô hình cơ bản và cách xác định sóng Elliott nhé!
Nội dung chính
Sóng Elliott là gì?
Sóng Elliott là công cụ giúp các nhà đầu tư nhận định được xu hướng của thị trường trong tương lai bằng cách phân tích sự hình thành của các mô hình, xu hướng giá trên thị trường thông qua diễn biến tâm lý đám đông. Các luồng tâm lý này luôn có chu kỳ nhất định, lúc thì hưng phấn, lúc lại bi quan dẫn đến những biến động bất thường xảy ra. Để mô phỏng và xác định được những chu kỳ tăng giảm này, lý thuyết sóng Elliott xây dựng các sóng riêng biệt có tính chất lặp đi lặp lại để dễ dàng nhận biết các chu kỳ của thị trường.
Lý thuyết này được phát triển bởi một tác giả nổi tiếng người Mỹ – một kế toán chuyên nghiệp Ralph Nelson Elliott. Nó được áp dụng rất nhiều trong các thị trường như forex, chứng khoán, hàng hóa và cả Crypto,… Về cơ bản, bất cứ thị trường tài chính nào bị tác động bởi hành vi của đám đông đều có thể áp dụng được lý thuyết của sóng Elliott.
“Con người thường lệ thuộc vào chuỗi hành động mang tính nhịp điệu, các tính toán phải thực hiện với các hoạt động của mình để có thể dự đoán xa vào tương lai với sự căn chỉnh và độ chắc chắn không thể đạt được cho tới nay”. (Nguồn: Wikipedia)
Cấu trúc của chu kỳ sóng trong lý thuyết sóng Elliott
Chu kỳ của sóng Elliott gồm 8 sóng: 5 sóng đẩy và 3 sóng điều chỉnh. Khi ứng dụng, 5 sóng đẩy sẽ được xem là xu hướng chính, được đánh số từ 1 đến 5. Còn 3 sóng điều chỉnh, được đánh dấu là A – B – C sẽ di chuyển ngược với xu hướng chính.
Hoạt động của mô hình sóng đẩy (impulse waves): sóng 1, 3 và 5 là các sóng tăng, còn lại sóng 2 và 4 là sóng giảm. Còn hoạt động của mô hình sóng điều chỉnh (A – B – C): sóng giảm là sóng A và C còn sóng B là một sóng tăng nhẹ.
Nhìn chung, mô hình sóng đẩy thể hiện xu hướng chính của giá nên nó sẽ được thể hiện bằng phase 1. Tức là trong xu hướng tăng thì mô hình sóng đẩy là phase tăng còn trong xu hướng giảm thì mô hình sóng đẩy là phase giảm. Mô hình sóng điều chỉnh sẽ ngược lại với mô hình sóng đẩy:
- Xu hướng tăng: mô hình sóng đẩy = pha tăng, mô hình điều chỉnh = pha giảm.
- Xu hướng giảm: mô hình sóng đẩy = pha giảm, mô hình điều chỉnh = pha tăng.
Mô hình sóng đẩy (Impulse Waves)
Để anh em nắm rõ hơn về mô hình sóng di chuyển theo xu hướng chính, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào những đặc điểm của Impulse Waves. Cụ thể, mô hình này hình thành từ 5 sóng với 3 sóng đẩy và 2 sóng điều chỉnh. Nguyên tắc vẫn như vậy, sóng đẩy được xem là xu hướng chính còn sóng điều chỉnh sẽ là xu hướng phụ đi ngược xu hướng chính. Để thỏa mãn điều kiện, các nguyên tắc cần tuân thủ bao gồm:
- Sóng 1: Đây là sóng đại diện cho tín hiệu đi lên tích cực và những người mua đầu tiên. Đây là những nhà đầu tư tìm được lý do tốt để vào lệnh mua và đẩy cho thị trường đi lên cao hơn. Đây thông thường là sóng khó nhận biết vì chưa có đủ cơ sở để xác thực. Một trong những cách xác định sóng một là dùng tín hiệu đảo chiều ở một xu hướng giảm, sau đó xác định sóng đầu tiên.
- Sóng 2: sóng này không thể điều chỉnh quá sâu, không được phép hồi sâu qua điểm bắt đầu đầu của sóng 1. Cụ thể, đáy sau cần cao hơn đáy trước thì mới thỏa mãn được điều kiện hình thành xu hướng tăng còn đáy sau thấp hơn đáy trước sẽ là điều kiện cho xu hướng giảm.
- Sóng 3: luôn là sóng dài nhất và mạnh nhất, không được ngắn hơn so với sóng 1 và 5. Đa phần những người muốn mua đã bỏ lỡ cơ hội ở sóng 1, họ sẽ mua rất mạnh ở sóng 3.
- Sóng 4: không được hồi sâu về đỉnh cũ của sóng 1. Đây là thời điểm cho thấy sóng đẩy đang yếu dần, do các nhà đầu tư đang chốt lãi.. nhưng nó vẫn còn cơ hội tăng ở sóng 5 vì 1 số NĐT mới vẫn bị fomo và mua vào.
- Sóng 5: Xu hướng tăng tại đây được tiếp diên. Tuy nhiên, do thị trường đã trở nên quá mua nên những tín hiệu đảo chiều sẽ dần xuất hiện một cách rõ ràng.
Mô hình sóng điều chỉnh (Corective waves)
Mô hình sóng điều chỉnh có thể gồm 3 hoặc 4 sóng nhưng không được nhiều hơn 5 sóng. Trong đó, một sóng di chuyển cùng với xu hướng chính còn 2 sóng còn lại di chuyển ngược lại so với xu hướng chính.
Cấu trúc của sóng điều chỉnh thường nhỏ hơn so với sóng đẩy về cả thời gian hình thành và độ lớn. Trong một số trường hợp, việc xác định được sóng điều chỉnh là khá khó khăn và phức tạp.
Nhìn chung, trong bất cứ thị trường tài chính nào, giá cũng sẽ đi qua những chu kỳ tăng giảm luân phiên. Hay nói theo cách giải thích của lý thuyết Elliott, chúng ta gọi đó là xu hướng chính đan xen với những pha điều chỉnh và ngược lại. Nếu anh em đã tham khảo bài viết về Lý thuyết Dow, anh em có thể thấy nguyên tắc này cũng đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc 3. Chính bởi vậy, nhìn một cách tổng quan hơn, thị trường sẽ luôn sở hữu 2 giai đoạn có tính đối nghịch nhau: giai đoạn 1 thể hiện bằng các con sóng đẩy nhằm xác định xu hướng chính, còn giai đoạn 2 xu hướng đảo chiều sẽ dần xác lập bởi các đợt sóng điều chỉnh đi ngược lại pha tăng trước đó.
3 Nguyên lý bất biến của Sóng Elliott
Để áp dụng sóng Elliott một cách hiệu quả nhất, anh em cần nắm được 3 nguyên tắc bất biến của sóng Elliott như sau:
- Sóng 2: luôn luôn cao hơn điểm bắt đầu của sóng 1
- Sóng 3: trong 3 sóng 1, 3, 5 thì sóng 3 không bao giờ là sóng ngắn nhất
- Sóng 4: Không bao giờ được chạm về đỉnh sóng 1
Tính chất “sóng trong sóng” của lý thuyết sóng Elliott
Đây là một tính chất mà mới nghe anh em có thể cảm thấy khá phức tạp. Tuy nhiên, về cơ bản, tính chất này cũng thể hiện được khả năng lặp đi lặp lại của xu hướng thị trường.
Ví dụ, mỗi cấu trúc sóng Elliott gồm một sóng đẩy và một sóng điều chỉnh (cấp 1) lại có thể nằm trong một cấu trúc sóng Elliott lớn hơn (cấp 2). Cấu trúc cấp 2 này vẫn có thể là một mắt xích quan trọng trong cấu trúc sóng lớn hơn khác. Tính chất “sóng trong sóng” này có thể lặp lại đến bất cứ con số nào tùy theo khung thời gian anh em quan sát trên chart.
Để dễ hình dung hơn, một cấu trúc sóng Elliott hoàn chỉnh cấp 1 có thể đại diện cho một sóng trong cấu trúc lớn hơn. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn tính chất này với những mô hình sóng tại phần sau của bài viết.
Các cấp độ sóng:
Lý thuyết sóng Elliot xây dựng 9 cấp độ sóng khác nhau. Tất nhiên, sự phân chia này chỉ mang tính tương đối bởi thời gian hoàn thành cấp độ đối với mỗi thị trường lại có điểm khác biệt.
- Grand Supercycle (chu kỳ siêu lớn): thời gian tính theo thế kỷ.
- Super Cycle (chu kỳ lớn): thời gian tính dựa trên thập kỷ.
- Cycle (chu kỳ): khoảng thời gian từ một năm đến một vài năm.
- Primary (sơ cấp): khoảng thời gian từ vài tháng đến một hoặc hai năm.
- Intermediate (trung cấp): khoảng thời gian từ một vài tuần đến một vài tháng.
- Minor (nhỏ): thời gian tính trong khoảng vài tuần.
- Minute (khá nhỏ): thời gian tính trong trong vài ngày.
- Minuette: thời gian tính theo vài giờ.
- Subminuette: thời gian chỉ tính trong vòng vài phút.
Các dạng mô hình của sóng động lực (impulse waves)
Từ đầu đến giờ chúng ta đang tìm hiểu về mô hình cơ bản nhất của mô hình sóng Elliott. Trên thực tế, cấu trúc của sóng đẩy và sóng điều chỉnh phức tạp hơn rất nhiều do những diễn biến “sinh động” của thị trường. Bản thân Ralph Nelson Elliott cũng đưa ra rất nhiều mô hình sóng, đồng thời mô tả chúng rất chi tiết. Tuy nhiên, để tránh việc anh em tiếp cận với lượng kiến thức quá lớn dẫn đến “bội thực”, chúng ta sẽ tìm hiểu một số mẫu hình nổi bật nhất như sau:
- Extension (mô hình sóng mở rộng)
- Diagonal Triangle (Tam giác chéo)
- Failed 5th hay Truncated 5th
Mô hình Extension (sóng mở rộng)
Các sóng 1, 3 và 5 có thể chứa nhiều sóng bên trong nó (thường là 5 sóng hoặc nhiều hơn). Đối với mô hình này, sóng 3 là sóng có khả năng mở rộng chính. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp sóng 1 và sóng 5 là sóng mở rộng. Nếu sóng mở rộng là sóng 3 thì sóng 1 và sóng 5 sẽ diễn biến cơ bản và tuân theo cấu trúc gốc, đồng thời có xu hướng cân bằng nhau.
Sóng mở rộng sẽ bao gồm một cấu trúc Impulse waves cơ bản.
- Nếu sóng 3 mở rộng 1 lần: tổng lượng sóng của impulse waves là 9 bao gồm 4 sóng chính (1, 2, 4, 5) và 5 sóng mở rộng tạo thành sóng 3.
- Nếu sóng 3 mở rộng 2 lần: tổng lượng sóng của impulse waves là 13 bao gồm 4 sóng chính (1, 2, 4, 5) và 9 sóng mở rộng tạo thành sóng 3.
- Nếu sóng 3 mở rộng 3 lần: tổng lượng sóng của impulse waves là 17 bao gồm 4 sóng chính (1, 2, 4, 5) và 13 sóng mở rộng tạo thành sóng 3.
Mô hình Diagonal Triangle (sóng tam giác chéo)
Mô hình này có thể được nhận biết nếu các bước sóng tạo ra hình tam giác khi chúng ta thực hiện vẽ thêm các đường xu hướng đi qua đỉnh và đáy của bước sóng. 2 dạng khác nhau của mô hình này là Leading Diagonal Triangle (5-3-5-3-5) và Ending Diagonal Triangle (3-3-3-3-3). Trong đó:
- Sóng 1, 3 và 5 có dạng Zigzag.
- Sóng 2 và 4 không có hình dạng nhất định nào.
- Sóng 3 thường là sóng ngắn nhất.
Mô hình Failed 5th/ Truncated 5th (thất bại sóng/ cụt sóng)
Đối với mô hình này, sóng 5 sẽ không vượt qua khỏi sóng 3 hoặc vượt qua không đáng kể. Những sóng còn lại không thay đổi nhiều so với cấu tạo cơ bản.
Mô hình này thường xuất hiện ở sóng 5 hoặc sóng C.
Các dạng mô hình của sóng điều chỉnh (Corrective Waves)
3 mô hình chính của sóng điều chỉnh là: Zigzag, Flag (mô hình phẳng) và Triangle (tam giác).
Mô hình Zigzag
Mô hình này có thể dễ dàng được nhận biết dựa vào sự hỗ trợ của 2 đường xu hướng đi qua đỉnh và đáy song song nhau. Cấu trúc của mô hình này là 5-3-5.
Trong đó,
- Sóng B không vượt quá 61,8% độ dài sóng A.
- Sóng C phải vượt qua điểm kết thúc của sóng A.
- Sóng A và C thường bằng nhau về độ dài.
Mô hình này cũng sở hữu tính chất “sóng trong sóng”, có nghĩa là một mô hình Zigzag cơ bản có thể biến thành Double Zigzag hoặc Triple Zigzag. Trong đó, những cấu trúc zigzag đơn được nối với nhau thông qua một mô hình sóng điều chỉnh bất kỳ – sóng X. Sóng X thường có cấu trúc 5-3-5 và ngắn hơn sóng Zigzag.
Đối với Triple Zigzag, cấu tạo sẽ gồm 3 sóng Zigzag đơn và 2 sóng X. (đếu là sóng điều chỉnh).
Zigzag thường chỉ xuất hiện đối với sóng 2, A và sóng X ngắn.
Mô hình Flag
Mô hình này cũng có thể được xác định với 2 đường xu hướng song song. Trong đó, hai đường xu hướng này nằm ngang thay vì có độ dốc như đối với Zigzag. Cấu trúc của mô hình này thường là 3-3-5 hoặc 3-3-7. Trong đó:
- Mẫu sóng điều chỉnh thường gồm sóng A và B.
- Sóng C thường có cấu trúc của một sóng đẩy.
- Sóng B có điều chỉnh khoảng 61.8% so với độ dài sóng A. Bên cạnh đó, có thường có điểm bắt đầu bằng với sóng A (điều chỉnh 100%) hoặc vượt qua điểm bắt đầu của sóng A (điều chỉnh >100%). Nếu anh em thấy khả năng điều chỉnh >100% có nghĩa là thị trường đang có xu hướng đi theo hướng của sóng B.
- Nếu sóng B điều chỉnh nhỏ hơn hoặc bằng 100% so với độ dài sóng A thì sóng A và C sẽ tương đối bằng nhau. Trong đó, sóng C không vượt ra ngoài vùng giá của sóng A. Ngược lại, nếu sóng B điều chỉnh >100% so với sóng A thì sóng C sẽ dài hơn và vượt ra khỏi vùng giá của sóng A.
Mô hình sóng Triangle (sóng tam giác)
Đây là một trong những mô hình sóng đặc biệt nhất, trong đó, mỗi sóng gồm 3 sóng nhỏ và có tổng cộng 5 sóng. Bởi vậy, cấu trúc của nó sẽ là 3-3-3-3-3. Khi anh em thực hiện vẽ 2 đường xu hướng nối đỉnh và đáy của các sóng này, chúng sẽ tạo thành hình tam giác có hướng hội tụ hoặc phân kỳ.
- Tam giác hội tụ: mô hình này được chia làm 3 dạng nhỏ hơn gồm ascending (tam giác đi lên), descending (tam giác đi xuống) và symmetrical (tam giác đối xứng).
Trong đó: các sóng A, B, C, D, E là mẫu sóng điều chỉnh bất kỳ. Sóng C không phải sóng ngắn nhất, sóng D thường nhỏ hơn hoặc không vượt khỏi vùng giá của sóng C. Sóng dài nhất là sóng A còn sóng ngắn nhất là sóng E.
- Tam giác mở rộng/phân kỳ: Đối với dạng này, các sóng A, B, C, D, E cũng là mẫu sóng điều chỉnh bất kỳ. Các đặc điểm khác cũng tương tự với mô hình trên. Tuy nhiên, sóng D dài hơn và vượt ra khỏi vùng giá của sóng C. Mô hình này thường chỉ xuất hiện đối với sóng B, X và sóng 4 chứ không xuất hiện trong sóng A và sóng 2.
Các công cụ xác định biên độ sóng và mục tiêu giá
Để áp dụng lý thuyết này một cách hiệu quả, anh em có thể sử dụng 2 công cụ là kênh giá và Fibonacci để xác định biên độ sóng và mục tiêu giá.
Kênh giá (Price channel)
Chắc hẳn anh em đã không còn xa lạ gì với khái niệm này. Kênh giá là 2 đường xu hướng song song được sắp xếp sao cho chứa đựng được toàn bộ biên độ giao động của giá trong một thời gian nhất định. Dựa vào kênh giá, anh em có thể nhận diện được các sóng cùng cấp độ một cách tốt hơn, đặc biệt là đối với những mô hình sóng đẩy cơ bản, mô hình Zigzag hay mô hình sóng tam giác.
Xác định sóng 3 và sóng C:
Để xác định được sóng 3 hoặc sóng C thì thị trường cần hình thành được ít nhất 2 sóng là sóng 1 – 2 hoặc sóng A – B.
- Đối với sóng động lực, chúng ta xác định đường xu hướng dưới trước bằng cách nối điểm bắt đầu của sóng 1 với điểm kết thúc của sóng 2; sau đó, sử dụng một đường thẳng song song và đi qua với điểm cuối của sóng 1 làm đường xu hướng trên.
- Đối với sóng điều chỉnh, chúng ta xác định đường xu hướng trên trước bằng cách nối điểm đầu sóng A với điểm cuối sóng B, đường xu hướng dưới làm tương tự như đối với sóng động lực.
Lưu ý:
- Sóng 3 và sóng C cần nằm trên các đường xu hướng. Nếu nó dài hơn sóng 1 đồng thời là sóng dài nhất thì anh em có thể xác định sóng 3 và đây là mô hình sóng đẩy. Ngược lại, nếu nó không chạm kênh giá hoặc vượt ra khỏi kênh giá thì nó là sóng C và đây là mô hình sóng điều chỉnh.
- Nếu sóng 2 và sóng B không nằm trong kênh giá mà vượt ra khỏi đó thì cấu trúc của sóng chưa được hoàn thành và có khả năng di chuyển phức tạp hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta chưa thể xác định được sóng 3 hoặc sóng C.
Xác định sóng 4
Khi sóng 3 đã được xác định, chúng ta sẽ cần thực hiện vẽ lại kênh giá bởi sóng 4 có thể sẽ không phát triển trong cùng kênh giá với 3 sóng đầu tiên.
Anh em thực hiện vẽ kênh giá mới như sau: đường xu hướng trên được xác định bằng việc nối điểm cuối sóng 1 và điểm cuối sóng 3. Đường xu hướng dưới song song với đường xu hướng trên và đi qua điểm cuối sóng 2.
Lưu ý:
Sóng 4 cũng cần nằm trên kênh giá. Nếu nó phát triển vượt ra khỏi kênh giá và phá vỡ đường xu hướng, đồng thời đi vào vùng giá của sóng 1 thì nguyên tắc của sóng Elliott sẽ bị phá vỡ.
Nếu sóng 4 không chạm được đến kênh giá thì có 2 trường hợp có thể xảy ra. Một là sóng 4 có lực điều chỉnh giảm rất nhỏ và khả năng cao là thị trường đang chuẩn bị cho một bứt phá lớn ở sóng 5. Hai là sóng 3 chưa hoàn thành và đang phát triển với cấu trúc phức tạp hơn.
Xác định sóng 5
Đối với sóng 5 chúng ta cũng cần thực hiện vẽ lại kênh giá tương tự như sóng 4 nếu sóng này vượt ra khỏi đường xu hướng. Cách vẽ như sau: Đường xu hướng dưới được xác định trước bằng cách nối điểm cuối của sóng 2 và điểm cuối của sóng 4, còn đường xu hướng phía trên là đường thẳng song song với đường xu hướng dưới và đi qua điểm cuối của sóng 3.
Sóng 5 cần chạm vào đường xu hướng trên của kênh giá. Nếu sóng 3 tăng yếu và sóng 5 phát triển quá mạnh mẽ thì nó có thể vượt ra khỏi đường xu hướng. Một trường hợp khác khiến sóng này vượt ra khỏi xu hướng là bởi sóng 5 là một sóng mở rộng.
Ngược lại, nếu sóng 3 phát triển quá mạnh với độ dài tương đối lớn thì sóng 5 nhiều khả năng là một sóng ngắn và không chạm vào kênh giá.
Fibonacci
Chính Ralph Nelson Elliot trong quá trình nghiên cứu cũng đã thừa nhận rằng Fibonacci chính là cơ sở của lý thuyết này. Trong đó, các mức thoái lui của Fibonacci xuất hiện rất nhiều trong các cấu trúc sóng bao gồm cả sóng động lực, sóng điều chỉnh và cả các dạng phức tạp hơn của chúng.
Đối với phương pháp này, chúng ta cần chờ thị trường xác định được ít nhất 1 sóng, tức sóng 1 hay sóng A. Đây là sóng cơ sở và có khả năng quyết định biên độ của những sóng tiếp theo dựa vào độ dài và độ dốc của chúng.
Xác định sóng 2
Dựa vào lý thuyết sóng Elliott, sóng 2 sẽ không vượt qua điểm bắt đầu của sóng 1. Dựa vào đó, mức thoái lui hay điều chỉnh đối với sóng 2 thường là khoảng trên 30% so với sóng 1, tương ứng với những mức Fibo như 38.2%, 50%, 61.8% hoặc 76.4%. Anh em có thể sử dụng Fibonacci Retracement để xác định xu hướng tăng của sóng 1.
Xác định sóng 3
Sóng 3 thường là không phải là sóng ngắn nhất trong cấu trúc sóng của Elliott. Trong một số trường hợp, nó có thể là sóng dài nhất trong 3 sóng 1, 3 và 5. Bởi vậy, sóng này có khả năng chạm vào những mức Fibo như 123.6% hay 161.8%. Nếu sóng 3 là sóng mở rộng, nó có thể tăng lên khoảng 261.8% hoặc 461.8% so với sóng 1. Với sóng này, anh em có thể dùng Fibonacci Extension cho xu hướng tăng sóng 1 và thoái lui điểm cuối của sóng 2.
Xác định sóng 4
Sóng 4 là đợt sóng điều chỉnh sau sóng 3 nên để xác định được sóng 4 chúng ta sẽ cần dựa trên cơ sở độ dài của sóng 3. Nếu sóng 3 là impulse waves cơ bản thì sóng 4 thường có khả năng điều chỉnh với mức thoái lui khoảng 38.2%, 50% hoặc 61.8%. Trong trường hợp sóng 3 là một sóng mở rộng thì sóng 4 thường điều chỉnh khoảng 23.6% và tối đa là 38.2% so với sóng 3.
Tất nhiên, sóng 4 cần đảm bảo được điều kiện về việc không đi vào vùng giá của sóng 1 nên nó thường chỉ điều chỉnh với mức tối đa là 38.2% so với sóng 3. Trừ một trường hợp là đây là mô hình sóng tam giác phân kỳ.
Để xác định biên độ sóng 4, anh em có thể sử dụng Fibonacci Retracement cho xu hướng tăng sóng 3.
Xác định sóng 5
Để xác định được sóng 5, anh em cần chú ý đến một số điểm sau:
Nếu sóng 3 là một sóng ngắn, tương đương với khoảng 123.6% so với sóng 1, đồng thời thấp hơn 161.8% so với sóng 1 thì khả năng cao đây là một sóng mở rộng. Trong trường hợp này, biên độ của nó có rất nhiều cách để xác định.
- Nó có thể bằng 161.8% hoặc 261.8% so với sóng 3.
- Nó có thể bằng 61.8%, 100% hoặc 161.8% so với tổng độ dài của sóng 1 và 3(tính dựa vào khoảng cách từ điểm bắt đầu sóng 1 đến điểm kết thúc sóng 3).
- Sóng này cũng có thể bằng 161.8% so với tổng độ dài của sóng 1 và 3, sau đó cộng thêm một khoảng tương đương với khoảng cách từ điểm cuối sóng 3 đến điểm cuối sóng 1. (dựa vào từng mẫu mở rộng).
Nếu sóng 3 là một sóng dài hoặc rất dài hoặc là một sóng mở rộng thì sóng 5 sẽ có biên độ ngắn hơn. Trường hợp phổ biến nhất là sóng 5 có độ dài tương đương với sóng 1, hoặc dao động khoảng 123.6% – tối đa là 161.8% so với sóng 1.
Xác định sóng B
- Đối với dạng zigzag, sóng B thường có sự điều chỉnh không vượt ra khỏi vùng giá so với sóng A. Lúc này, sóng B thường bằng 38.2%, 50% hoặc 61.8% so với sóng A.
- Đối với dạng Flag, sóng B có thể bằng hoặc vượt ra khỏi phạm vi giá của sóng A với một đoạn ngắn. Thông thường, sóng B có thể bằng 123.6% hoặc 138.2% so với sóng A.
Để xác định, anh em có thể sử dụng Fibonacci Retracement cho xu hướng giảm sóng A.
Xác định sóng C
- Đối với dạng Zigzag, sóng C thường có độ dài ít nhất bằng 61.8% so với sóng 1. Nếu 2 sóng này bằng nhau thì sóng C có khả năng hồi về tỉ lệ Fibo 100%.
- Đối với dạng Flag, sóng C thường hồi về bằng điểm cuối của sóng A. Nếu sóng B không vượt ra khỏi vùng giá của sóng A nó có thể bằng 100% so với sóng A, nếu nó vượt ra khỏi vùng giá của sóng A, nó có thể bằng khoảng 123.6% – 161.8% so với sóng A.
Anh em có thể dùng Fibonacci Extension của xu hướng giảm sóng A với điểm thoái lui là điểm cuối sóng B để xác định.
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu được những kiến thức cơ bản và tổng quan nhất của lý thuyết sóng Elliott. Hy vọng thông qua đó, anh em đã có thêm những nền tảng kiến thức quan trọng để quan sát và phân tích thị trường. Tất nhiên, chúng ta cũng cần có thời gian làm quen để áp dụng được thành thạo lý thuyết này cũng như kết hợp với các Indicator khác để tìm kiếm được điểm vào lệnh tiềm năng và đưa ra được những quyết định đúng đắn. Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Khác biệt giữa biểu đồ chart Linear và chart Log (logarit) trong Crypto
➤ UTXO là gì? Cách tính tuổi UTXO của Bitcoin
➤ Tìm hiểu Chỉ báo On Balance Volume (OBV)
Comments (No)