Uniswap là gì? Cách phân biệt, mua bán coin trên Uniswap V1 V2 và V3

Sàn DEX luôn là nơi giúp việc mua bán coin diễn ra dễ dàng mà không cần đến bên trung gian để giữ tài sản của chúng ta. Nó thường giúp các giao dịch diễn ra nhanh gọn, dứt khoát, minh bạch. Và ở vị thế là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vưc tài chính phi tập trung. UniSwap được xem như là một “chú ngựa vằn” khi dấn thân vào mảng AMM này và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về minh bạch, an toàn và bảo mật cho các nhà đầu tư Crypto. Vậy Uniswap là gì? Có gì khác nhau giữa các phiên bản V1, V2 và V3. Làm cách nào để bạn có thể tối ưu chi phí giao dịch ở sàn Dex Uniswap này? Cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Giới Thiệu Sàn Giao Dịch UniSwap – UniSwap Là Gì?

UniSwap là một trong những nền tảng sàn giao dịch phi tập trung hàng đầu hiện nay tính theo giá trị TVL (Total Value Locked) hơn 5 tỷ USD và khối lượng giao dịch mỗi ngày hơn 800 triệu USD theo Coinmarketcap.

Sàn dựa trên giao thức AMM (Automated Market Maker) để tiến hành các giao dịch nhờ đó có thể ổn định và cân bằng tỷ giá các đồng coin và tránh được sự trượt giá quá mức trong quá trình giao dịch giữa các user.

UniSwap được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2018 do Hayden Adams là người sáng lập với quỹ phát triển 1 triệu đô la vào thời điểm khởi đầu.

Phiên bản V1 được cộng đồng nhà đầu tư đón nhận rộng rãi nhờ những tính năng hợp đồng thông minh và tối giản gần như toàn bộ quá trình giao dịch, khắc phục hết những thiếu sót của các nền tảng giao dịch thời bấy giờ.

Tiếp nối sau thành công đó các phiên bản tiếp theo được ra đời (V2 và V3) có rất nhiều cải tiến trong cách thức giao dịch (Flash Swap) và hiệu quả sử dụng đồng vốn cho các LP (Liquidity Provider – Người cung cấp thanh khoản) lên mức tối đa ở phiên bản V3.

Nhìn chung các phiên bản sau này của UniSwap đều hướng tới lợi ích của các nhà đầu tư và cộng đồng nhờ nhắm vào tính tiện lợi khi giao dịch, hạn chế các phí phát sinh khi swap (là hoán đổi token – giống với lệnh mua hoặc bán bình thường nhưng trên Dex người ta gọi là swap).

Nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt mà người dùng cần lưu ý trong quá trình mua bán coin/token đặc biệt là khi phiên bản UniSwap V2 và V3 đang được hoạt động song song như hiện nay.

Sự Khác Nhau Giữa Các Phiên Bản UniSwap V1, V2 Và V3

Các phiên bản mới của sàn UniSwap liên tục phát triển không ngừng với chung 1 mục đích chính là mang lại giải pháp trao đổi mua bán an toàn, bảo mật và tiện lợi hơn.

Trong đó phiên bản V1 được nhà phát hành cho ra mắt vào năm 2018 cũng chính là phiên bản đầu tiên của hệ thống sàn Dex Uni này.

2. UniSwap V1

V1 được xây dựng trên nền tảng công nghệ Blockchain của Ethereum cho phép các nhà đầu tư Swap các đồng token trong mạng ERC20, cụ thể hơn đó chính là trao đổi đồng ETH sang các token khác cũng thuộc hệ ERC.

3. UniSwap V2

Sau đó 2 năm, V2 chính thức được ra mắt với nhiều tính năng hơn về việc giao dịch trực tiếp giữa các token với nhau mà không cần swap trung gian qua ETH nữa.

Động lực chính để phiên bản V2 ra đời là nhằm giải quyết sự bất tiện khi người dùng muốn chuyển đổi trực tiếp giữa 2 token mà không  cần thông qua ETH.

Ví dụ: Khi ở V1 người dùng muốn swap trực tiếp giữa các token trong hệ thống ERC20 với nhau như các cặp WBTC/USDT hoặc APE/BAT thì chúng ta buộc phải swap về ETH trước, rồi mới swap tiếp từ ETH qua đồng token mà chúng ta muốn => mất tới 2 lần phí (khá ức chế).

Tìm hiểu thêm: WBTC và WETH là gì?

Giờ đây ở phiên bản V2 người dùng được phép SWAP tất cả các đồng tiền trong hệ thống ERC20 với nhau một cách trực tiếp mà không cần thông qua ETH như trước nữa.

Thêm vào đó là sàn giao dịch này còn bổ sung tính năng cung cấp  thanh khoản cho các Pool và người cung cấp thanh khoản thì được gọi là LP – Liquidity Provider. Họ sẽ nhận được hoa hồng tối đa lên đến 0.3% cho tổng số lượng thanh khoản mà họ cung cấp cho cặp giao dịch đó.

4. UniSwap V3

Phiên bản thứ 3 (Uniswap V3) được ra đời đánh dấu một bước ngoặt mới cho tính hiệu quả, linh hoạt trong việc cho vay thanh khoản, tối ưu lợi nhuận nhận về đồng thời khắc phục tỷ lệ trượt giá (slippage) khi giao dịch. Do tính thanh khoản chưa ổn định mà các phiên bản trước đó chưa thể cải thiện được.

Cụ thể hơn ở phiên bản thứ 3 này người dùng sẽ được biết đến công cụ có tên là Concentrated Liquidity – hiểu nôm na là cách phân bổ nguồn thanh khoản hợp lý vì tập trung được vào các vùng giá diễn ra nhiều giao dịch nhất.

So với phiên bản V2, anh em không được chọn vùng giá cung cấp thanh khoản dẫn đến những trường hợp nguồn lực chúng ta bỏ vào Pool không được phân bổ hợp lý, không chọn được vùng giá mà chúng ta muốn cung cấp LP (Liquidity Pool). Vì lựa chọn được vùng giá muốn cung cấp thanh khoản sẽ giúp các bạn 1 phần chống lại rủi ro thua lỗ của Impermanent Loss (tổn thất tạm thời) do biến động giá khi farm.

Bên cạnh đó có nhiều tính năng khác được bổ sung như Multipool hay cấu trúc phần thưởng nhận về đa dạng: 0.01%, 0.05%, 0.3% và 1% thay vì chỉ 0.3% như ở V2, đã tạo thêm động lực rất nhiều cho các Liquidity Provider.

Cách Thức Hoạt Động Của Sàn UniSwap

Như đã đề cập ở phía trên người dùng có thể đóng vai trò là người cung cấp thanh khoản để nhận về % phí giao dịch nhất định.

Việc này khá tương tự như stake coin trong ví của bạn nhưng được diễn ra nhanh chóng hơn. Và tất cả sẽ được tuân thủ theo cơ chế AMM để cân bằng thanh khoản và tỷ giá của các cặp lệnh đó.

Thuật Toán Trên UniSwap

Các cặp giao dịch trong Liquidity Pool được biến thiên theo một đường cong toán học.

Cấu trúc cân bằng thanh khoản trên UniSwap được khái quát lại trong công thức sau đây:

X * Y = K

Trong đó:

X đại diện cho số lượng thanh khoản và giá trị cho Token thứ nhất.

Y Đại diện cho số lượng thanh khoản và giá trị cho token thứ hai.

K là tổng lượng giá trị của pool giao dịch của cặp token A và B.

 

Để giá trị K và cặp tỷ giá giữa 2 token không thay đổi thì số lượng thanh khoản hoặc giá trị của hai token A và B sẽ luôn được thay đổi khi có nhà đầu tư thực hiện Swap giữa các token.

5. Đường cong tài sản trên uniswap

Ví dụ: Cặp giao dịch AAVE và USDC, khi người dùng thực hiện Swap từ AAVE sang USDC (có nghĩa là bán AAVE để lấy USDC), khi đó lượng thanh khoản của AAVE tăng trong khi giá trị K lại không đổi khiến cho giá thị trường của đồng này trong Pool đó giảm xuống (do số lượng USDC đang ít hơn AAVE). Ngược lại cũng vậy, nếu người dùng mua vào nhiều AAVE thì số lượng AAVE sẽ bị giảm => giá AAVE tăng lên.

Tương tự, để cho cặp tỷ giá này ít biến động nhất, một nhà cung cấp thanh khoản LP khi muốn thực hiện các lệnh vào pool luôn phải để ý đến việc cân bằng số token của cặp thanh khoản đó.

Nếu bạn có 1000 đồng AAVE và muốn cung cấp thanh khoản vào một pool AAVE/USDC nào đó.

Việc cần thiết trước khi tiến hành cung cấp thanh khoản đó là swap 500 đồng AAVE sang USDC trước sao cho giá trị của chúng ngang bằng nhau để đảm bảo cán cân AMM trong hệ thống luôn được duy trì và cân bằng cho các cặp lệnh tiếp theo.

Hướng Dẫn Mua Bán Coin Và Token Trên UniSwap V2, V3 Cho Người Mới

Vì ưu điểm của UniSwap là sự nhanh chóng trong các giao dịch nên hệ thống đã đơn giản hoá tất cả mọi khâu trung gian. Người dùng chỉ cần kết nối ví của mình vào hệ thống là đã có thể thao tác trao đổi mua bán như ở các sàn CEX hay DEX khác.

Cần Chuẩn Bị Gì Trước Khi Trao Đổi Token Trên UniSwap

Có một vài thứ bắt buộc mà các bạn cần phải chuẩn bị trước khi tiến hành trao đổi hoặc swap token trên UniSwap.

1/ Các Loại Ví Cá Nhân Lưu Trữ Token Như MetaMask Hoặc TrustWallet

Đây là hình thức mua bán coin/token không thông qua trung gian nên bạn cần kết nối trực tiếp ví cá nhân của mình vào thì mới giao dịch được (vì lúc này không có sàn hay tổ chức nào giữ tiền của bạn cả, nên bạn sẽ tự thao tác và quản lý tài sản của mình).

Các loại ví mà sàn Uni có hỗ trợ:

6. Ví MetaMask

Ví Metamask sẽ được khuyến khích sử dụng nhất trên nền tảng Dex này, bởi giao diện của nó khá đơn giản và dễ thao tác trên cả Desktop và mobile.

2/ Phí gas cho các giao dịch

Mỗi một giao dịch tiêu tốn một lượng phí gas nhất định để hệ thống giải quyết các thuật toán và trả cho các thợ đào.

7. Phí Gas Ethereum

Loại phí này có thể giao động từ 4- 20$ (trừ vào số dư ETH trên ví) tuỳ vào mỗi giao dịch và được hiển thị chi tiết trên màn hình trước khi các bạn tiến hành hoàn tất giao dịch của mình.

Nên khi giao dịch trên AMM Uniswap các bạn cần chuẩn bị thêm một ít Ethereum trong ví để làm phí giao dịch khi swap token.

Các Bước Tiến Hành Mua Bán Token Trên UniSwap V3

Khi muốn tiến hành chuyển đổi giữa các cặp token ERC20 trên Uni V3 thì các bạn thực hiện tuần tự theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào homepage của UniSwap Protocol tại địa chỉ: app.uniswap.org

Bước 2: Nhấn chọn Connect Wallet ở góc phía trên bên phải màn hình.

8. Connect Wallet

Bước 3: Chọn loại ví tương ứng mà bạn muốn sử dụng và connect là được.

Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu cách kết nối và giao dịch trên ví MetaMask nhé!

9. Cài Đặt MetaMask

Chọn vào cài đặt MetaMask để mở cửa sổ ví.

Khi cửa sổ ví xuất hiện bạn cần cung cấp mật khẩu và tiến hành liên kết ví với sàn.

10. Khởi Tạo MetaMask

Xác nhận các thông báo mà sàn gửi về ví MetaMask của các bạn, sau đó chọn “Next” để tiếp tục.

Bước 4: Quay lại sàn UniSwap sau khi đã liên kết >> Chọn cặp tiền tệ và khối lượng muốn giao dịch >> Swap để tiến hành giao dịch.

11. Chọn Cặp Tiền Và Khối Lượng Giao Dịch trên uniswap

Bước 5: Tuỳ chỉnh Slippage tolerance.

Trước khi hoàn tất các giao dịch các bạn có thể tùy chỉnh khả năng trượt giá có thể xảy ra trong phần cài đặt của bảng thông báo. Slippage tolerance càng lớn thì trượt giá có thể xảy ra sẽ càng lớn.

12. Chỉnh Slippage Tolerance

Bước 6: Confirm Swap >> Cài đặt phí gas.

Điều Chỉnh Phí Gas Khi Trao Đổi Token

Phí gas được hiểu nôm na là số tiền mà các thợ đào được hệ thống chi trả cho việc xác nhận giao dịch.

Trong blockchain các thợ đào luôn ưu tiên xử lý các giao dịch có mức phí cao hơn thay vì xử lý theo thứ tự đặt lệnh như các nền tảng truyền thống.

Phí GAS cao hơn đồng nghĩa với việc giao dịch được xử lý nhanh hơn từ vài phút có thể giảm về vài giây cho mỗi giao dịch.

Anh em có thể điều chỉnh phí Gas bằng cách nhấn chọn vào phần detail trong bảng thông báo giao dịch của Metamask, chọn mức phí gas mong muốn trước khi chuyển đổi giữa các cặp token.

13. Điều Chỉnh Phí Gas trên metamask

Nếu cảm thấy phù hợp với nhu cầu trao đổi hiện tại thì các bạn chỉ cần Save và Confirm là được.

Các Bước Tạo Thanh Khoản Cho Liquidity Pool

Thao tác tương tự như khi các bạn swap token trên UniSwap, nhưng để trở thành một người cung cấp thanh khoản cho 1 pool nhất định thì nên thực hiện như sau.

Bước 1: Ở màn hình chính của Uniswap, anh em chọn Pool >> chọn New Position.

14. Thêm Thanh Khoản Vào Pool của sàn uni

Bước 2: Các trường thông tin anh em cần phải chọn khi tạo LP trên UniSwap gồm: 

(1) Loại token anh em muốn cung cấp thanh khoản. Đó có thể là MANA/ DAI, FTM/ETH, ETH/USDC hoặc bất kỳ một cặp token nào.

15. Chọn Cặp Tiền Muốn Cung Cấp Thanh Khoản Uniswap V3

(2) Mức phí.

Mức phí ở phiên bản V3 có sự đa dạng hơn. Cụ thể số lượng token nhận được của Liquidity Provider phụ thuộc vào cặp token mà họ cung cấp vào Liquidity Pool.

16. Chọn Mức Phí cho Liquidity Uni V3

  • 0.01% là mức dành cho các cặp stable coin ít biến động như USDC/USDT.
  • 0.05% là mức dành cho chỉ 1 số ít stable như cặp USDC/DAI (2 stable coin giao dịch phổ biến).
  • 0.3% là mức dành cho các cặp phổ biến nhưng không tương quan như ETH/DAI.
  • 1% là mức dành cho các cặp giao dịch hiếm gặp hoặc các cặp mới trong Liquidity Pool (rủi ro càng lớn thì lợi nhuận càng cao).

(3) Khoảng giá

Để chọn được khoảng giá mong muốn cung cấp thanh khoản. Anh em phải ước lượng được khối lượng giao dịch đang tập trung nhiều nhất ở vùng giá nào. Từ đó set up được vùng giá ngon vừa kiếm nhiều lại ít rủi ro với Impermanent loss.

Ví dụ: Khi cặp ETH/DAI đang được giao dịch ở mức 1100, anh em có thể chọn cung cấp thanh khoản ở mức giá 1 ETH bằng 900 DAI – 1200 DAI.

17. Chọn Khoảng Giá cho pool

Chọn làm sao để vừa không bị trượt ra khỏi vùng giá người ta giao dịch nhiều, vùng giá thanh khoản lớn vừa tối ưu được khoản lỗ nếu thị trường có biến động.

Bước 3: Sau khi đã hoàn thành tất cả các trường thông tin trên, anh em chỉ cần chọn Approve và xác nhận lại trên ví Metamask là được.

Lưu ý: Hãy chắc chắn là anh em luôn cân bằng giá trị giữa 2 token trước khi thêm vào Liquidity Pool nhằm mục đích tránh các trường hợp rủi ro về giá phát sinh. Và phải luôn hạn chế tham gia vào những pool quá bé, vì rất dễ lệch pool khi có người swap số lượng token lớn.

Các mẹo Mua Bán Token Trên UniSwap V2, V3

Mẹo Hạn Chế Trượt Giá Khi Giao Dịch Trên Sàn UniSwap

Hiện tượng trượt giá (Slippage) được hiểu theo nghĩa đơn giản đó chính là mức giá của token nhận được về ví khác xa so với mức giá lý tưởng tại thời điểm mà chúng ta quyết định xuống lệnh mua bán.

18. Hiện Tượng Trượt Giá khi cung cấp thanh khoản

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trượt giá này đến từ tính thanh khoản hạn chế trong 1 pool giao dịch hoặc trước một diễn biến nào đó mà các nhà đầu tư thi nhau vào lệnh.

Hiện tượng trượt giá tác động to lớn đến tài khoản nhà đầu tư và trường hợp tệ nhất có thể xảy ra đó là nhà đầu tư sẽ bị chia nhiều lần tài sản sau khi swap token.

Cách Hạn Chế Tình Trạng Slippage Khi Giao Dịch

Một vài cách mà các bạn có thể làm để hạn chế dính vào tình trạng trượt giá quá mức.

1/ Luôn chú ý tới chỉ số Price Impact

Đây là một chỉ số khá tốt để đánh giá sức khoẻ của 1 pool giao dịch.

Nếu chỉ số luôn ở mức thấp <1% cho thấy lượng thanh khoản của pool lớn có thể đáp ứng các cặp giao dịch mà không gây ra tình trạng trượt giá đáng kể nào.

Nếu chỉ số cao >5% đây là một con số đáng để anh em lưu ý vì khi tiến hành giao dịch số lượng và giá cả nhận về có thể khác xa so với dự tính ban đầu của các bạn.

Vì vậy cách tốt nhất đó là chuyển sang giao dịch ở một pool khác.

2/ Tránh giao dịch ở các giờ cao điểm

Giờ cao điểm luôn tìm ẩn nhiều rủi ro trượt giá cao do một số lượng người trao đổi token cực kỳ lớn dẫn đến thanh khoản thay đổi liên tục kéo theo giá trị của các token cũng vì thế mà khó dự đoán hơn bao giờ hết.

Một khi giao dịch ở những thời điểm nhạy cảm này anh em phải chấp nhận rủi ro trượt giá cao hơn, chúng ta chỉ có thể hạn chế sự trượt giá quá mức thông qua việc setting Slippage tolerance.

Khớp Tỉ Lệ Chuyển Đổi Tốt Hơn Trên Phiên Bản V2 Hoặc V3

Tính tới thời điểm hiện tại sau khi phiên bản V3 được đưa vào hoạt động sau hơn 3 tháng nhưng các tính năng của 2 phiên bản V2 và V3 vẫn đang được hoạt động song song.

Điều này có nghĩa bạn hoàn toàn có thể có cho mình mức khớp giá tốt nhất ở các phiên bản trong mỗi giao dịch.

Thông thường phiên bản V3 là phiên bản hiện hành của UniSwap nên khi các bạn giao dịch phiên bản được mặc định lựa chọn sẽ là V3.

Nhưng một khi có một cặp token nào đó có thể cho mức chênh lệch có lợi hơn trong giao dịch của bạn hệ thống sẽ tự động tìm tỉ lệ chuyển đổi tốt nhất –  Fletching best price và cung cấp sẵn phí gas bạn phải trả qua các bước trong mục Auto Router như trong miêu tả.

19. Tỉ Lệ Khớp Lệnh Tốt Hơn

Một Số Nhược Điểm Mà Người Dùng Có Thể Phải Đối Mặt Khi Swap Token Trên UniSwap

Bên cạnh các ưu điểm nổi bật chúng ta đã được biết đến như giao dịch được diễn ra nhanh chóng, bảo mật và không thông qua các bên trung gian, người dùng có thể tự bảo quản tài sản cá nhân của mình,…

Thì cũng tồn tại 3 nhược điểm của hệ thống thanh toán theo cơ chế AMM của UniSwap này.

1/ Phí Gas Khá Cao

Vì sàn giao dịch được xây dựng trên hệ thống Blockchain của Ethereum – một trong những hệ thống đời đầu nên phí giao dịch cần phải trả cho các thợ đào nằm ở top cao nhất.

Thường phí gas phải trả cho 1 giao dịch có thể giao động từ 5-20$, nhưng mức đỉnh điểm có thể lên đến vài trăm đô.

Đây là một con số không hề nhỏ đối với các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia vào thị trường, chưa có vốn nhiều.

Nếu sàn giao dịch nằm trong các hệ sinh thái của BSC (Binance Smart Chain) hoặc các nền tảng Multi-chain khác thì lượng phí phải trả sẽ giảm đi rất nhiều.

2/ Người Dùng Đầu Tiên Trong Pool Rút Hết Thanh Khoản

Đây là một vấn đề chưa được giải quyết triệt để trong các hệ thống giao dịch sử dụng phương thức AMM.

Trong đó những LP đầu tiên luôn nắm phần lớn token trong pool, và vì một lý do nào đó họ rút hết lượng token của mình ra thì những người đến sau sẽ bị tổn thất nặng nề, vì giá cả có sự thay đổi lớn.

3/ Hợp Đồng Mạo Danh Và Dự Án Lừa Đảo Xuất Hiện Ngày Càng Nhiều

Việc không có tính năng xác minh KYC để bảo vệ thông tin người dùng – đặc trưng của các sàn giao dịch phi tập trung DEX – nhìn thì thấy khá tiện nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro.

Đó chính là khi các đối tượng lừa đảo thực hiện hành động sai trái thì rất khó để truy vết ra được đó là ai đã thực hiện.

Vì vậy nguy cơ các bạn mất sạch tiền khi tham gia 1 dự án lừa đảo nào đó có thể lên đến 100%, và không ai có thể giúp bạn lấy lại tài sản được.

Bên cạnh đó các đồng coin hoặc token ngày nay không quá khó để được tạo ra và list lên sàn DEX (Vì bạn chỉ cần sở hữu thêm USDT hoặc USDC là list nó lên được rồi, giá cũng sẽ được tính theo pool hiện có mà không cần thông qua sự kiểm duyệt).

Và đây là một sân chơi mà người đầu tư phải tự bảo quản tài sản cá nhân của mình nên các bạn hãy chắc chắn là mình nghiên cứu một dự án đủ kỹ lưỡng trước khi có bất kỳ một quyết định đầu tư nào nhé!

Các Câu Hỏi Thường Gặp Khi Mua Bán Trên Sàn UniSwap

1/ Phí Gas Quá Cao khi giao dịch vậy có cách nào để hạn chế nó hay không?

Đến thời điểm hiện tại đây vẫn là một trong những câu trả lời hóc búa.

939 Gwei là giá Gas cao nhất trên mạng lưới của Ethereum vào tháng 12/2016. Lịch sử dường như đã quay trở lại khi gần đây, vào tháng 7/2020, một lần nữa giá Gas trên mạng lưới lại đạt mức 709 Gwei.” – Remitano.

Đến thời điểm UniSwap update phiên bản V3 dù đã nỗ lực trong khâu điều chỉnh các loại chi phí để có lợi nhất cho người dùng nhưng vấn đề về Gas Fee vẫn chưa được giải quyết triệt để đối với hệ thống giao dịch này.

Tìm hiểu thêm: Gas Limit & Gas Price là gì? Cách tối ưu phí Gas khi chuyển coin

Lựa chọn tối ưu phí gas dễ tiếp cận nhất hiện nay đối với một nhà đầu tư cá nhân đó là set up gas free trên ví MetaMask trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào.

20. Tối Ưu Phí Gas Trên MetaMask

2/ Tôi có thể theo dõi phí gas ở đâu?

Để theo dõi phí Gas thuận tiện hơn cho việc giao dịch của anh em có thể theo dõi trên Eth Gas Station hoặc Etherscan – địa chỉ mà nhiều trader lão làng vẫn thường hay sử dụng.

Trên đây chúng ta vừa tìm hiểu cách mua bán token trên sàn giao dịch phi tập trung UniSwap V2, V3 và những thông tin liên quan khác như sàn Uniswap là gì, chúc anh em có thật nhiều kiến thức bổ ích và hẹn gặp lại anh em vào một bài viết mới lần sau.

 

Bài viết cùng chủ đề

Aptos là gì? Có phải dự án Layer1 đáng chờ mong trong 2023

11 Chiêu trò lừa đảo Crypto phổ biến & cách phòng tránh

zkSync là gì? Hệ sinh thái quan trọng của Ethereum

Comments (No)
Leave a Reply