Tokenomics là một trong những yếu tố quan trọng giúp anh em đánh giá được xem một đồng coin có đáng để đầu tư, hay có tiềm năng phát triển dài hạn hay không. Vậy Tokenomics là gì và làm thế nào để phân tích được Tokenomics của một dự án? Cùng tham khảo bài viết sau để tìm hiểu kỹ hơn về thuật ngữ này cũng như cách phân tích Tokenomics của 1 dự án chuẩn nhé!
Tokenomics là gì?
Thuật ngữ này được ghép từ Token và Economics (Tiền mã hóa và Kinh tế học). Như vậy, dựa trên ngữ nghĩa, Tokenomics có thể được dịch là kinh tế tiền mã hóa hay nền kinh tế đồng coin. Đến đây bạn có thể đặt ra câu hỏi rằng Coin hay Token chỉ là một dạng tài sản để trao đổi, buôn bán, vậy kinh tế tiền mã hóa là như thế nào? Bản thân mỗi đồng coin có mô hình kinh tế không? Và chúng có khả năng ảnh hưởng đến thị trường crypto không? Và những nhà đầu tư nhỏ lẻ có cần nắm rõ về khái niệm nghe có vẻ khó nhằn và trừu tượng như thế không?
Thực tế, mỗi tài sản crypto trong thế giới blockchain đều có mô hình kinh tế học. Bạn có thể hình dung như thế này: khi thiết kế và xây dựng một dự án, đội ngũ phát triển không chỉ cần phác thảo ý tưởng và mục tiêu kế hoạch một cách chi tiết trong White Paper, mà họ còn cần thiết kế số lượng token để phù hợp với quá trình vận hành của dự án. Bởi Token là nguồn năng lượng chính để một dự án có thể vận hành và hoạt động tốt, đồng thời nó nắm trong tay một phần không nhỏ tiềm năng phát triển của một dự án trong tương lai. Nếu một dự án không có sự phân bổ token rõ ràng, không sở hữu lịch trình mở khóa hay có chính sách đốt coin phù hợp, dự án đó sẽ khó có thể vận hành và phát triển dài hạn. Quá trình đội ngũ phát triển lên kế hoạch chi tiết về nguồn cung, hay hoạch định các bước phát triển của token/coin chính là Tokenomics.
Tokenomics được quyết định bởi những ai?
Như đã đề cập phía trên, tài sản crypto sẽ được đội ngũ phát triển của dự án thiết kế số lượng và đưa ra những “bước đi” phù hợp. Tuy nhiên, liệu đây có phải là “thế lực” duy nhất nắm giữ và quyết định toàn bộ Tokenomics không? Tất nhiên, trên thị trường trao đổi buôn bán không thể chỉ tồn tại một cá thể hay một tổ chức mà chứa đựng rất nhiều bên liên quan và tham gia vào một dự án. Những người tham gia có thể được kể đến như sau:
- Market Maker (nhà tạo lập thị trường): Đây là nhân tố quan trọng trong việc điều tiết và điều khiển giá thị trường.
- Nhà tài trợ ban đầu.
- Đội ngũ và cố vấn.
- Exchanges (Sàn giao dịch).
- Nhà đầu tư lớn (hoặc các quỹ đầu tư).
- Nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong những nhân tố kể trên, dễ dàng có thể thấy được Market Maker, đội ngũ phát triển và những nhà đầu tư lớn sẽ là những người làm chủ trong việc quyết định Tokenomics. Những nhân tố này thường là số ít trên tổng số người tham gia trong thị trường nhưng lại nắm giữ lượng vốn lớn hoặc có tầm ảnh hưởng lớn đến mô hình phát triển kinh tế của tài sản crypto. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ chiếm số lượng lớn hơn trên thị trường với mong muốn kiếm thêm lợi nhuận từ các dự án. Tuy nhiên, trên thực tế, những nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ đang tham gia vào sân chơi của những “ông lớn” kể trên và đặt niềm tin vào họ.
Việc phân tích và nắm được tokenomics sẽ giúp bạn giải thích được rõ hơn về cách vận hành của một dự án, hay nói một cách đơn giản hơn là chúng giúp bạn hiểu được “luật chơi” của những “ông lớn”.
Nếu bạn có thể tìm kiếm được những dự án có Tokenomics ổn định với mục đích phát triển dài hạn và lộ trình rõ ràng, bạn có thể thu được số lợi nhuận nhất định. Ngược lại, nếu bạn chọn phải một dự án không kiểm soát tốt được sự phân bổ coin trên thị trường, vấn đề lạm phát là điều sớm muộn sẽ xảy ra, kéo theo đó là việc đồng coin bị rớt giá thảm hại và bạn, tất nhiên, đối mặt với đầu tư thua lỗ.
Cách để đọc và phân tích Tokenomics là gì?
Với những chia sẻ phía trên, hẳn anh em đã có những hình dung nhất định về Tokenomics cũng như vai trò của nó. Để nắm được cách đọc và phân tích về Tokenomics rõ hơn, anh em có thể xem xét đến những thông tin sau:
Token Supply (lượng cung)
Đúng như tên gọi của nó, Token Supply cung cấp cho anh em thông tin về tổng lượng coin được dự án thiết kế. Tuy nhiên, để giúp người dùng nắm được chi tiết hơn, Coinmarketcap và Coingecko đưa ra 3 khái niệm liên quan đến Token Supply như sau:
Total Supply (Tổng cung)
Đây là tổng số lượng coin/token bao gồm cả lượng tài sản đang lưu thông trên thị trường, tài sản đang bị khóa; không bao gồm lượng tài sản đã bị đốt cháy. Hay nói cách khác Total Supply đưa ra con số tổng về lượng tài sản còn đang tồn tại. Total Supply được chia ra làm 2 loại như sau:
- Tổng cung cố định: Đây là lượng tài sản tối đa được cung cấp ban đầu. Số lượng này đã được định sẵn và không thay đổi. Một ví dụ điển hình cho tổng cung cố định là Total Supply của Bitcoin với 21 triệu BTC.
- Tổng cung không giới hạn: Đây là lượng tài sản có thể tăng hoặc giảm khi dự án hoạt động. Cụ thể hơn, lượng coin/token có thể tăng lên do quá trình đào hoặc giảm đi dựa trên chính sách đốt coin của dự án.
- Tổng cung theo cơ chế Issuu-Burn: Đây là tổng cung có khả năng thay đổi liên tục và thường nằm ở các Stablecoin như USDT, DAI, USDC.
Max Supply (Lượng cung tối đa)
Khái niệm này mới được bổ sung thêm và hay bị nhầm lẫn với Total Supply. Tuy nhiên, thay vì cung cấp con số thể hiện tổng lượng tài sản có thực như Total Supply, Max Supply xác định số lượng coin tối đa có thể tồn tại (bao gồm cả những Token sẽ được khai thác hoặc có sẵn trong tương lai)
Circulating Supply (Lượng cung lưu thông)
Đây là lượng coin đang được trao đổi, buôn bán và lưu thông trên thị trường (bao gồm những đồng coin đã được mở khóa, có thể giao dịch và không bị đốt)
Tính khan hiếm là một trong những nguyên lý cơ bản của kinh tế học nói chung và nó hoàn toàn có thể được áp dụng trong kinh tế thị trường crypto hay tokenomics. Cụ thể hơn, nếu số lượng coin có trên thị trường ngày càng ít, đồng coin sẽ càng có nhiều giá trị và ngược lại. Như vậy, việc nắm được Token Supply sẽ giúp anh em có được cái nhìn rõ ràng về khía cạnh nguồn cung của dự án. Thông qua đó, anh em có thể ưu tiên lựa chọn những dự án có chế độ đốt coin phù hợp, sở hữu Circulating Supply / Total Supply cao hoặc có lịch trình phát hành coin không dồn dập.
Market Cap (Market Capital – Tổng vốn hóa thị trường)
Đây là khái niệm về tổng lượng vốn của một dự án dựa trên số lượng token đang được lưu thông trên thị trường. Coinmarketcap cũng sẽ cung cấp cho bạn con số cụ thể về Market Cap trên mỗi dự án. Tuy nhiên, để hiểu hơn về con số này, bạn có thể tham khảo thêm công thức tính Market cap sau:
Market Cap = Circulating Supply x Token Price (Lượng cung lưu thông x Giá đồng coin trong thời điểm hiện tại)
Bên cạnh lượng cung, Market cap cũng là một yếu tố quan trọng để bạn đánh giá được tiềm năng phát triển của một đồng coin. Khi chưa biết đến khái niệm về Tokenomics, có thể bạn chỉ đánh giá và nhìn nhận giá của một đồng coin với một niềm tin đơn giản rằng lựa chọn một đồng coin có giá càng rẻ thì khả năng tăng trưởng càng cao.
Tuy nhiên, với công thức phía trên, bạn có thể thấy rằng dự án càng phát hành nhiều coin thì giá đồng coin càng rẻ. Bởi vậy, thay vì xem xét giá của một đồng coin, bạn nên nhìn vào tổng lượng vốn mà dự án sở hữu. Đây là lý do mà những nhà đầu tư có kinh nghiệm thường nhìn tổng vốn hóa thị trường để đánh giá tiềm năng của một đồng coin. Những đồng coin Lowcap là những đồng coin có lượng Maket cap không quá lớn và có khả năng sẽ tăng trưởng nhanh đến mức x2 x3, nhưng đặc điểm của nó thường là tăng trưởng trong ngắn hạn và không hứa hẹn phát triển một cách chắc chắn. Tuy nhiên, những đồng coin Midcap và đặc biệt là những đồng coin top như Bitcoin hay Ethereum sẽ khó có thể tăng trưởng một cách nhanh chóng và x2 x3 như Lowcap nhưng khả năng phát triển dài hạn lại ổn định hơn.
Token Governance (quản trị token)
Hiện tại, tổng số lượng coin trên thị trường lên đến hơn 14.000 đồng coin, trong đó mỗi loại coin sẽ có cơ chế quản trị riêng, thuộc một trong số những cơ chế sau:
- Decentralized (token phi tập trung): Đây là những loại tài sản sở hữu cơ chế quản trị phụ thuộc vào cộng đồng và không chịu sự chi phối hay quản lý của bất cứ tổ chức nào. Những ví dụ điển hình có thể kể đến như Bitcoin hay Ethereum.
- Centralized (token tập trung): Đây là những token được quản lý và quyết định bởi một tổ chức đứng đầu. Những người đại diện cho token có thể tác động lên tính chất của dự án. Những dự án sử dụng token tập trung có thể kể đến như dự án Full-backed stablecoin như Tether, TrueUSD, hay một số token của các sàn giao dịch như FTX, Huobi, …
- Centralized to Decentralized (từ tập trung đến phi tập trung): Đây là những token/coin được quản trị tập trung trong thời điểm ban đầu, tuy nhiên, sau đó nó được phân quyền dần cho cộng đồng. Một ví dụ điển hình là Binance coin. Ban đầu, đồng coin này được bản lý bởi Binance, tuy nhiên sau đó nó đã dần được phi tập trung hóa với Binance Smart Chain và chương trình “Validator Spotlight”.
Việc nắm được tính tập trung hay phi tập trung của đồng coin sẽ giúp gì cho bạn trong quá trình phân tích tokenomics? Khi một đồng coin được quản lý tập trung, nó sẽ dễ bị chi phối hơn bởi những người có quyền lực, trong khi đó, quyền lợi của người dùng sẽ được đảm bảo tốt hơn khi được quản lý phi tập trung. Bởi vậy, ngoài Stablecoin, bạn nên lựa chọn những đồng coin đảm bảo được tính phi tập trung, nhằm hạn chế được rủi ro những người có quyền lực bỏ rơi dự án khi thu được đủ lợi nhuận.
Token Allocation (Phân phối token)
Đây là tỷ lệ phân bổ token giữa các Stakeholders (những nhóm có liên quan). Stakeholders của dự án có thể được kể đến như sau:
Team
Đây là những người có mặt trong đội ngũ phát triển của dự án như Marketer, Developer, Founder, Advisors, … Nếu tỉ lệ token được team nắm giữ quá thấp, đội ngũ dự án sẽ có ít động lực để phát triển dự án trong dài hạn. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ này quá cao, nó có thể dẫn đến một vấn đề là token dễ bị chi phối và tập trung quyền lực; dẫn đến việc cộng đồng không có nhiều động lực để hold token. Con số lý tưởng nhất với tỉ lệ này thường được đề xuất là 20%.
Foundation Reverse
Đây là khoản dự trữ của một dự án nằm phát triển các tính năng của sản phẩm trong tương lai. Thông thường, con số này sẽ chiếm khoảng 20-40% tổng cung.
Liquidity Mining
Đây là lượng token được mint như một dạng phần thưởng dành cho những người cung cấp thanh khoản cho giao thức DeFi.
Seed/Private/Public Sale
Lượng token được mở bán nhằm huy động vốn với 3 đợt mở chính: Seed Sale, Private Sale và Public Sale.
Airdrop/Retroactive
Lượng tài sản được dùng để thu hút người dùng ban đầu, thường chiếm khoảng 1 – 2% tổng cung.
Other Location
Những phân bổ token cho một số nhân tố khác như Marketing, Strategic Partnership với tỷ trọng nhỏ và phụ thuộc vào từng dự án.
Token Release (Phát hành token)
Đây là kế hoạch phân phối token ra thị trường lưu thông của một dự án. Việc phát hành Token có thể dựa trên một lịch trình định sẵn hoặc phát hành dựa trên nhu cầu sử dụng.
Phát hành token theo lịch trình
Mỗi dự án sẽ sở hữu Token Release Schedule khác nhau. Tuy nhiên, để giúp bạn nắm được vai trò của quá trình phát hành token đối với Tokenomics, bạn có thể tham khảo một số phân tích sau:
- Lịch trình dưới 1 năm: Những dự án có lịch trình phát hành coin dưới 1 năm thường thể hiện được việc đội ngũ dự án sẽ không đồng hành lâu dài với sản phẩm. Bởi vậy, đồng coin/token có thể phát triển trong ngắn hạn nhưng sẽ không có bất cứ hứa hẹn nào nếu bạn muốn hold coin dài hạn.
- Lịch trình từ 3 đến 5 năm: Đây được coi là khoảng thời gian lý tưởng để phát hành coin, vừa thể hiện được khả năng gắn bó của đội ngũ phát triển với dự án, vừa thúc đẩy được động lực hold coin từ cộng đồng,.
- Lịch trình 10 năm: Đây là một lịch trình khá khó nhằn mà ngoài Bitcoin, khó có đồng coin nào có thể thu hút được người dùng hold coin với lịch trình này. Lý do là bởi sự phát triển của dự án là điều khó hứa hẹn và việc chịu sự lạm phát lên đến 10 năm là vấn đề mà rất ít người dùng sẵn sàng đối mặt.
Phát hành token theo nhu cầu
Thay vì dựa trên lịch trình thời gian, nhiều dự án đã lựa chọn những tiêu chí cụ thể để phát hành coin. Đặc điểm này khiến dự án tránh được tình trạng lạm phát và ổn định được giá token.
Token Sale
Đây là hình thức huy động vốn của dự án thông qua việc mở bán token. Hình thức và số lượng token được mở bán trong các đợt cũng có thể giúp bạn đánh giá tốt được về dự án.
Seed/Private/Public Sale
Đây là 3 đợt mở bán thường thấy trong thị trường crypto; trong đó, Seed Sale hướng đến đối tượng là các quỹ đầu tư chấp nhận mạo hiểm và rủi ro cao, bởi lúc này đa số dự án đều chưa đủ khả năng để hoàn thiện sản phẩm; private sale thì hướng đến các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư lớn; cuối cùng là Public sale với đối tượng là cộng đồng.
Đối với những đồng coin/token được phát hành với 3 đợt như trên, bạn có thể xem xét sự chênh lệch giữa các đợt bán. Nếu sự chênh lệch là quá lớn, việc bơm xả vào các nhà đầu tư mới tham gia là rất có thể xảy ra.
Fair token distribution
Đây là một cách để phát hành coin “bình đẳng” hơn, tiếp cận được nhiều người dùng hơn thông qua những hoạt động như Airdrop, Staking, Testnet hay Liquidity Providing.
Token Use Case
Token có thể chỉ được sử dụng với mục đích đầu cơ hoặc mang theo nhiều công dụng. Một token với nhiều công dụng thường sở hữu giá trị nội tại tốt hơn, do nó được sử dụng nhiều hơn thay vì chỉ phục vụ mục đích đầu cơ. Việc token có nhiều công dụng cũng đem đến cho Holder nhiều quyền lợi hơn khi sở hữu chúng.
Một số những chức năng thường thấy của Token có thể kể đến như Staking (Staking giúp token holder có thêm lãi từ lượng coin stake, đồng thời giúp giảm lưu thông, giảm lượng bán trên thị trường, khiến token tăng trưởng dễ hơn), Liquidity Mining/Farming, Transaction Fee (phí mạng lưới), Governance ( Token Holders có thể đề xuất và biểu quyết cho thay đổi dự án), …
Tokenomics của Bitcoin
Với những phân tích phía trên, anh em đã có được yếu tố cụ thể để nhìn nhận và đánh giá về tokenomics của một dự án. Và để anh em có thể hiểu rõ hơn, hãy cùng điểm qua một số phân tích về Tokenomics của một dự án cụ thể: Tokenomics của Bitcoin (BTC)
- Token Supply: Bitcoin có nguồn cung cố định với 21.000.000 BTC. Như vậy, lượng cung này sẽ không bao giờ thay đổi, hay nói cách khác là vấn đề lạm phát sẽ không bao giờ xảy ra với Bitcoin. Hiện nay, lượng cung lưu hành của BTC đang là 19,096,006 BTC. Bởi vậy, trong tương lai sẽ chỉ còn gần 2.000.000 BTC được phát hành.
- Marketcap: Mức vốn hóa thị trường của Bitcoin đang là $406,726,365,069. Đây đồng thời cũng là con số vốn hóa lớn nhất trên thị trường ngay cả khi Bitcoin đã có đợt sụt giảm giá mạnh trong năm nay. Điều này thể hiện việc đồng coin này có tiềm năng phát triển trong dài hạn, đồng thời không có mức biến động giá quá đột ngột và bất ngờ.
- Token Governance & Token Allocation: Bitcoin sử dụng cơ chế đồng thuận POW, có nghĩa là lượng Bitcoin chỉ có thể được khai thác với thợ đào. Do vậy, tính phi tập trung và công bằng đối với đồng coin này sẽ luôn được đảm bảo.
- Token Release: Tổng lượng cung của Bitcoin được tạo ra kéo dài sau 140 năm. Như vậy, gần 2.000.000 BTC còn lại sẽ được phát hành trong 120 năm tới. Như đã đề cập phía trên, ít có dự án nào có lịch trình phát hành token lên đến trên 10 năm mà thu hút được nhiều token holders như Bitcoin.
- Token Use Case: Công dụng lớn nhất của Bitcoin là khả năng giao dịch một cách nhanh chóng, ẩn danh với phí giao dịch rẻ. Đây cũng là lý do mà ngày càng nhiều người muốn sở hữu loại “vàng điện tử” này.
Với những chia sẻ trên, hy vọng anh em đã có dịp tìm hiểu một cách chi tiết và nắm được tokenomics là gì, đồng thời tham khảo được những phân tích tokenomics với một đồng coin cụ thể. Thông qua đó, hy vọng anh em sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá tốt hơn về tiềm năng của các đồng coin, đồng thời có được chiến lược đầu tư hiệu quả hơn cho riêng mình. Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Số Nonce là gì? Cách hoạt động của số Nonce trong Blockchain
➤ Sàn Binance là gì? Của nước nào, có uy tín và an toàn không?
Comments (No)