Gas Limit & Gas Price là gì? Cách tối ưu phí Gas khi chuyển coin

Gas là gì? Việc phí gas cao hay thấp có thể trở thành một rào cản lớn khi anh em thực hiện giao dịch và tương tác với Smart Contract. Vậy làm thế nào để hiểu rõ và tối ưu nó? Cùng tham khảo bài viết sau để tìm hiểu kỹ hơn về Gas, cũng như những khác biệt giữa Gas Limit và Gas Price nhé!

Gas là gì?

1. Gas là gì

Những anh em nào đã thao tác giao dịch nhiều trong thị trường Crypto, chắc hẳn đã quá quen với Gas Fee (phí gas). Đây được hiểu là một khoản phí nhất định anh em cần trả để thực hiện 1 giao dịch trên mạng lưới. Sở dĩ, khoản phí này được gọi là Gas Fee vì vai trò của nó tương tự như nhiên liệu cần sử dụng để di chuyển được tài sản giữa các ví.

Tuy nhiên, Gas Fee không chỉ được sử dụng với riêng giao dịch, mà nó là khoản phí cần thiết để thực hiện rất nhiều hoạt động khác trên mạng lưới: 

  • Khởi chạy Dapps (Ứng dụng phi tập trung).
  • Thanh toán lưu trữ dữ liệu.
  • Thực hiện Smart Contract (hợp đồng thông minh).
  • Giao dịch Token.

Để hoàn thiện một giao dịch, Smart Contract hay bất cứ hoạt động nào trên mạng lưới đều cần thực hiện rất nhiều bước. Mỗi bước tính toán lại đòi hỏi có đủ “nhiên liệu”, hay đủ Gas để thực hiện.

Ví dụ thực tế cho dễ hiểu, anh em chạy từ đây ra Vũng Tàu 100km thì cần phải đổ 3 lít xăng và trả 70.000 VND. Trong blockchain cũng vậy, khi muốn thực hiện giao dịch chuyển 100 ETH qua ví khác trên mạng Ethereum Network, thì cần 1 lượng nhiên liệu gas nhất định để tiến hành giao dịch => Lượng gas này sẽ được quy thành ETH để các bạn chi trả.

Cấu trúc của Gas Fee

Phí Gas bao gồm 2 phần chính: Gas Limit và Gas Price.

Gas Limit

2. Gas limit

Đây là lượng Gas tối đa mà người dùng sẵn sàng chi trả để xác nhận giao dịch hoặc thực hiện một hoạt động trên mạng lưới. Do vậy, tùy thuộc vào thời gian và loại giao dịch mà giá trị mặc định của Gas Limit có thể thay đổi. Đồng thời, người dùng cũng có quyền thiết lập khoản phí này.

Gas Limit đóng vai trò rất quan trọng để hoàn thành một giao dịch, bởi một giao dịch càng có độ phức tạp, càng tiêu tốn nhiều tài nguyên tính toán thì càng đòi hỏi lượng Gas tiêu thụ cao.

Gas Price

3. Gas Price

Gas Price là số tiền thực tế mà anh em sẵn sàng chi trả cho mỗi đơn vị Gas. Và tất nhiên, nó được tính dựa trên đồng coin gốc của Blockchain.

Tương tự với Gas Limit, Gas Price cũng có sự ảnh hưởng nhất định đến tốc độ xác nhận giao dịch của Miner/Validator trong mạng lưới. Nếu Gas Price cao, phần thưởng khối của Miner/Validator lớn, dẫn đến việc giao dịch của anh em sẽ được xác nhận nhanh chóng hơn; và ngược lại. Do vậy, nếu không quá vội, anh em có thể sử dụng Gas Price thấp hơn để tiết kiệm chi phí.

Ví dụ: Đối với Ethereum, anh em có thể bắt gặp hai đơn vị Gas Price là Gwei và Wei.

1 Gwei = 0,000000001 ETH (10^-9 ETH)

1 wei = 0,000000000000000001 ETH (10^-18 ETH)

Giả sử khi giao dịch, Gas Limit là 21.000 và Gas Gwei là 100 Gwei thì số tiền anh em cần chi trả sẽ là:

Gas Fee = 21.000 x 100 = 2.100.000 Gwei tương đương với 0,0021 ETH

Lưu ý

Như đã đề cập, Gas Price được tính dựa trên đồng coin gốc của Blockchain. Nên những đơn vị khác nhau của mỗi nền tảng Blockchain lại có những khác biệt nhất định về phí Gas.

Khi anh em muốn chuyển token hay thực hiện giao dịch trên một Blockchain, hãy đảm bảo anh em sở hữu đồng coin gốc của Blockchain đó để có thể chi trả được phí Gas. Ví dụ, nếu muốn giao dịch hay thực hiện bất cứ hoạt động nào trên Ethereum, anh em sẽ cần có ETH; trên Solana là SOL, trên Binance là BNB.

Anh em có thể tham khảo cụ thể về đồng coin gốc đối với mỗi Blockchain dựa vào hình sau đây

Vai trò của Gas Fee?

4. Vai trò của Gas Fee là gì

Dựa vào những phân tích phía trên, chắc hẳn anh em cũng đã nắm được tổng quan về phí Gas. Tuy nhiên, liệu vai trò duy nhất của Gas Fee có phải chỉ để thực hiện giao dịch và các hoạt động trên mạng lưới hay không?

Trên thực tế, sự xuất hiện của Gas Fee có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề như sau:

  • Tăng được tính bảo mật của mạng lưới do đem đến một nguồn thu nhập ổn định cho Miner/Validator. Đồng thời, đảm bảo hạn chế được Spam.
  • Gas Fee giúp tăng được hiệu suất trong quá trình thực hiện các thuật toán để hoàn thiện giao dịch, do các Developer cần giới hạn số bước để tiết kiệm được chi phí cho người dùng.
  • Chi trả cho những nỗ lực và công sức của Miners/Validator; đồng thời đền bù được nguồn năng lượng mà các máy tính của Miner sử dụng.

Làm thế nào để tiết kiệm Gas Fee?

5. Làm thế nào để tiết kiệm Gas fee

Một trong những cách để anh em tiết kiệm được gas fee là sử dụng AMM để giao dịch đồng coin mà mình mong muốn. Một số AMM mà anh em có thể sử dụng bao gồm: PancakeSwap của BSC; SerumSwap, LunaDEX trên Solana; MDEX trên Heco Chain; UniSwap, SushiSwap trên Ethereum, …

Và tất nhiên, để đơn giản hóa việc giao dịch trên các AMM, anh em có thể sử dụng các loại ví có tích hợp các AMM kể trên như Metamask, Coinbase Wallet, Trust Wallet. Quá trình này sẽ giúp anh em có thể giao dịch nhanh gọn hơn với chi phí tiết kiệm.

Cụ thể, anh em có thể áp dụng các Tips sau:

  • Tối ưu hóa giao dịch: Anh em nên thực hiện càng ít bước giao dịch càng tốt, bởi mỗi bước anh em thực hiện đều cần tiêu tốn gas. Nếu quá trình giao dịch phức tạp, phí Gas càng đắt đỏ.
  • Lường trước Gas: Việc tính toán trước lượng Gas cần sử dụng để giao dịch sẽ giúp anh em tránh được tình trạng thiếu gas, dẫn đến giao dịch thất bại và tốn thêm chi phí. Để tính toán và biết được lượng Gas cần thiết, anh em có thể sử dụng một số Website như EtherScan (cho Ethereum); BSCscan (cho Binance Smart Chain), …
  • Theo dõi mật độ giao dịch: Anh em có thể cân nhắc việc theo dõi mật độ giao dịch của mạng lưới để nắm được xem số lượng giao dịch đang được thực hiện trên mạng lưới có nhiều hay không, tình trạng nghẽn mạng có thể xảy ra không. Bởi trong những tình huống này, phí Gas cần thiết sẽ cao hơn, thậm chí, giao dịch có thể thực hiện thất bại. Đối với Ethereum, anh em có thể check thông tin này tại https://ethereumprice.org/gas/.

Gas War

6. gas War

Đây cũng là một trong những vấn đề rất nhức nhối đối với người dùng về phí Gas mà anh em nên biết. Cụ thể, nếu mạng lưới hoạt động ổn định, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những Tips phía trên để lường trước, tính toán nhằm tiết kiệm phí Gas. Tuy nhiên, khi xuất hiện quá nhiều giao dịch xếp hàng chờ xử lý và nền tảng đã đạt đến giới hạn của nó, một hệ quả tất yếu sẽ xảy ra là tắc nghẽn mạng lưới.

Lúc này, điều gì sẽ xảy ra? Tất nhiên, những giao dịch trả phí cao sẽ được ưu tiên xử lý trước, những giao dịch trả phí Gas thấp hơn sẽ bị đẩy về sau. Và tất nhiên, với tâm thế của người dùng, không ai muốn giao dịch của mình bị xếp sau cả. Do đó, lúc này giữa người dùng diễn ra một “cuộc đại chiến” về Gas Fee mà ai cũng muốn trả phí cao hơn những người khác, dẫn đến phí giao dịch được đẩy lên càng lúc càng cao. Tình trạng này chính là Gas War.

Ví dụ:

Một ví dụ cụ thể nhất về Gas War chính là vào thời điểm ICO vào năm 2017 tại Blockchain Ethereum. Lúc đó, Gwei đã vượt mốc 800 cho một giao dịch. Trong “mùa hè DeFi” năm 2020, Gwei đã được đẩy lên cao nhất mọi thời đại với mức dao động 400 – 600. Nói cách khác, mỗi giao dịch lúc đó có thể tiêu hao của anh em lên đến cả trăm đô nhưng tỷ lệ thất bại cũng rất cao.

Mẹo tối ưu và tiết kiệm Gas Fee nhất có thể

Vấn đề về tắc nghẽn mạng hay phí Gas đắt đỏ đã từng khiến anh em trong thị trường chao đảo trong một thời gian, thậm chí nó còn là một hạn chế rất lớn mỗi khi anh em muốn thực hiện một hoạt động trên mạng lưới của Ethereum. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, anh em cũng có thể thấy rất nhiều Layer 2 đã được ra đời nhằm cải thiện được tốc độ giao dịch, đồng thời giúp người dùng tiết kiệm được nhiều chi phí giao dịch hơn.

Do vậy, anh em cũng có thể lựa chọn Layer 2 để giao dịch trong những thời gian cao điểm, hoặc đối với những giao dịch nhiều lần như mua bán trên sàn Dex, GameFi, … Tuy nhiên, đó là đối với những giao dịch không có yêu cầu phải chuyển bằng Network chính. Còn tất nhiên, đối với những giao dịch yêu cầu chuyển bằng mạng chính, anh em vẫn cần sử dụng mạng của Ethereum. 

Dẫn tới câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để tối ưu được phí Gas trên mạng chính?

Chúng ta sẽ lấy việc giao dịch trên Metamask làm ví dụ. Anh em cũng thực hiện chuyển ETH như bình thường. 

Hướng dẫn tối ưu phí gas trên Metamask

Tuy nhiên, đến phần phí Gas, anh em nhấn vào “Chỉnh sửa” hoặc “Edit”. Tại đây, anh em sẽ thấy có 3 mốc chính bao gồm Low, Medium và High. Do việc chỉnh sửa dựa trên 3 mốc này chưa tối ưu, nên anh em nhấn vào “Advanced Options” hoặc “Chỉnh sửa nâng cao” để tiếp tục.

Tại đây, anh em sẽ thấy 3 mục chính bao gồm: Gas Limit, Max Priority Fee (Gwei) – hay phí ưu tiên tối đa; Max Fee (GWEI) – phí tối đa. Anh em thực hiện chỉnh sửa phí ưu tiên tối đa và phí tối đa để thuận lợi nhất với mục đích giao dịch của mình. 

Vấn đề lớn nhất mà anh em gặp phải về phí Gas, đó là anh em không biết lượng phí Gas bao nhiêu là đủ. Để biết được các mốc phí Gas cần thiết, anh em có thể tham khảo tại trang web: https://ethgasstation.info/ 

Tại đây, anh em sẽ được cung cấp các thông tin chi tiết về phí Gas cần thiết để đảm bảo giao dịch nhanh, trung bình hoặc chậm. Thông tin này sẽ liên tục được cập nhật dựa trên mật độ giao dịch trên mạng lưới. Thông thường, nếu không quá gấp, anh em có thể chỉnh phí ưu tiên tối đa và phí tối đa cao hơn Gas Price của STANDARD khoảng 10 – 15% là đủ. Ngoài ra, bạn không nên đặt các loại phí này thấp hơn Gas Price của STANDARD, bởi điều này có thể khiến giao dịch của anh em bị pending lâu do không có ai muốn xác nhận giao dịch với mức giá quá thấp. 

Với những chia sẻ trên, hy vọng anh em đã nắm được một cách chi tiết nhất các vấn đề có liên quan đến Gas Fee, cách tính Gas Fee, cũng như nắm được những Tips cần thiết để tối ưu hóa quá trình giao dịch, đồng thời tiết kiệm được các chi phí cần thiết. Thông qua đó, hy vọng anh em sẽ có cho mình được những lựa chọn phù hợp nhất để các hành động trên mạng lưới đều trở nên thuận lợi hơn. Chúc anh em thành công!

 

Bài viết cùng chủ đề

12+ Đồng Coin HOT nhất hiện nay mà người mới không thể bỏ qua

Aurora là gì? Tại sao Aurora lại quan trọng với hệ sinh thái Near

7 Cách kiếm tiền từ Coinmarketcap

Comments (No)
Leave a Reply