White Paper hay Lite paper chắc hẳn là những cụm từ mà anh em đã từng ít nhất một lần được nghe nhắc đến khi tìm hiểu về thị trường crypto. Đây đồng thời cũng là những tài liệu được các nhà đầu tư rất quan tâm. Vậy White Paper là gì, chức năng và vai trò của nó trong thị trường crypto là gì? Cùng tham khảo bài viết sau để tìm hiểu kỹ hơn về White paper nhé!
Nội dung chính
White paper là gì?
Trước khi được sử dụng trong crypto, White paper đã được sử dụng để chỉ các bản báo cáo ngành được xuất bản bởi một số bộ của chính phủ Vương Quốc Anh. Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường crypto mà sớm nhất phải kể đến thời kỳ ICO (Initial Coin Offering), white paper đã dần được sử dụng để mô tả các thuộc tính có trong dự án. Đây có thể được xem như một bản báo cáo chi tiết về kế hoạch và cơ chế hoạt động của dự án, giúp cộng đồng có cái nhìn tổng quan và giúp các nhà đầu tư có được sự đánh giá tốt nhất về dự án.
Những thông tin có trong Whitepaper
Như đã đề cập phía trên, whitepaper là tài liệu cung cấp những thông tin chi tiết nhất về dự án. Bởi vậy, mỗi dự án có thể có nhiều cách khác nhau để đưa ra thông tin cho cộng đồng. Tuy nhiên, các thông tin thường thấy nhất trong whitepaper có thể được liệt kê như sau:
- Lý do ra đời của dự án: Dự án được ra đời để phục vụ mục đích gì hay giải quyết những vấn đề nào của thị trường.
- Định nghĩa về dự án: Đây là những tóm tắt một cách sơ lược về ý tưởng của dự án.
- Cơ chế hoạt động: Tại đây, những thông tin chi tiết về các thành phần có trong dự án sẽ được đưa ra. Bên cạnh đó, vai trò của các thành phần trong dự án hay công thức được sử dụng để hoạt động cũng có thể được giải thích một cách chi tiết.
- Lộ trình phát triển: Dự án có thể đưa ra những mốc phát triển cụ thể hoặc những việc mà đội ngũ phát triển dự định sẽ làm trong tương lai.
- Thông tin về đội ngũ phát triển: Thông tin và vai trò của từng người trong dự án sẽ được liệt kê tại đây.
- Thông tin về token: Dự án cũng thường đưa ra thông tin về token bao gồm token trong dự án, vai trò của chúng, số lượng và chi tiết mở bán.
- Nhà đầu tư dự án (dàn backer).
Do White paper giống như một dạng báo cáo nên giá trị thông tin mà nó cung cấp sẽ mang tính đúng nhất trong thời điểm mà nó được công bố. Như anh em cũng biết, nhu cầu thị trường và thực lực đội ngũ là những yếu tố luôn có thể thay đổi nên white paper cũng có thể được sửa đổi dựa theo những đặc điểm đó. Có nhiều trường hợp dự án được bắt đầu với một mục tiêu và ý tưởng, sau đó lại thay đổi 100% mục tiêu. Khi dự án đã thay đổi, bạn sẽ không thể tìm được bất cứ thông tin nào liên quan đến ý tưởng hoặc mục tiêu ban đầu. Một ví dụ điển hình là Origin Protocol với mục tiêu ban đầu hướng đến e-commerce. Tuy nhiên, với khả năng thực hiện NFT tốt hơn, cộng thêm xu hướng NFT ngày càng phát triển, họ đã thay đổi hoàn toàn mục tiêu dự án. Hiện tại, bạn sẽ không thể tìm kiếm thông tin về e-commerce với dự án này.
Lite paper là gì?
Tuy cung cấp một lượng thông tin tổng quan và chi tiết nhưng Whitepaper thường được đánh giá là khá khô khan, đặc biệt là đối với những dự án layer 1, layer 2 nặng tính kỹ thuật. Chính bởi vậy, thay vì sử dụng white paper, một số dự án lựa chọn sử dụng Lite Paper. Đây là một phiên bản nhẹ nhàng hơn về mặt thông tin với bố cục đơn giản, giúp cộng đồng dễ dàng nắm bắt được ý tưởng và mục đích của dự án .
Cụ thể hơn, so với whitepaper, Litepaper có sự lược bỏ về các công thức tính toán hay bối cảnh, những phần khác đều được giữ nguyên. Bởi vậy, chức năng của White paper và Lite Paper là như nhau và đội ngũ phát triển có thể linh hoạt với việc sử dụng một trong hai hoặc cả 2 loại tài liệu này để thể hiện dự án.
Những thông tin có trong Litepaper
Với bố cục đơn giản là lượng thông tin giản lược hơn, Lite Paper có thể tiếp cận đến người dùng và các nhà đầu tư tốt hơn với những thông tin thường thấy sau:
- Giới thiệu về dự án: Tại phần này, đội ngũ dự án sẽ đưa ra những tóm tắt giản lược về ý tưởng của dự án
- Mục đích dự án: Tương tự như White Paper, Lite Paper cũng đưa ra những vấn đề của thị trường mà dự án đang hướng đến giải quyết
- Tính khả thi của dự án: Đội ngũ dự án có thể đưa ra những đề xuất cụ thể để giải quyết được vấn đề đã được đề cập trong phần mục đích; đồng thời đưa những số liệu cụ thể để tăng tính thuyết phục
- Thông tin về token: tương tự như Whitepaper.
- Đội ngũ và lộ trình phát triển: tương tự như Whitepaper.
- Chi tiết liên hệ: Dự án có thể đưa ra trang web hoặc những chi tiết liên hệ khác để cung cấp cho người dùng một nơi chính thống để theo dõi thông tin và quá trình phát triển của dự án.
Chức năng của Whitepaper là gì
Như đã đề cập phía trên, hai loại tài liệu này đều có chức năng như nhau, trong đó Lite Paper chỉ là một phiên bản rút gọn và dễ tiếp cận hơn của White paper. Cụ thể những chức năng của sách trắng có thể được kể đến như sau:
Cung cấp thông tin chuẩn
Bạn có thể tìm kiếm thông tin của một dự án với rất nhiều nguồn hay rất nhiều trang web khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tìm kiếm một tài liệu “chính thống”, chứa đựng những thông tin chính xác nhất về dự án, bạn sẽ cần tìm kiếm White paper hoặc Lite Paper của dự án đó. Những tài liệu này giống như “gốc rễ” của một dự án, một “tuyên ngôn” của đội ngũ phát triển về dự án mà họ đang và sẽ thực hiện.
Đây cũng là một yếu tố mà anh em nên chú ý trong quá trình đầu tư. Bởi bên cạnh việc tìm hiểu thông tin đa dạng nguồn, anh em cần biết đến dự án một cách chính thống trước để có những đánh giá và phân tích công tâm và chính xác hơn.
Khả năng gọi vốn
Đây là một chức năng khá dễ hiểu khi nhắc đến White paper. Lý do là bởi nó mang trong mình một bản phác thảo tổng quan, chi tiết và chính thống về dự án nên nó thường được các nhà đầu tư xem xét trước khi thực hiện “xuống tiền”.
Trong thời điểm ICO thịnh hành, White Paper là một con át chủ bài của các dự án để gọi vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, khả năng gọi vốn của whitepaper không còn được mạnh mẽ như trước. Lý do là bởi việc đặt ra ý tưởng và mục tiêu trên giấy tờ quá dễ dàng, trong khi thành quả nhiều khi không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, White paper vẫn được xem xét như một yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư xem xét, bên cạnh đó là những yếu tố khác như sự tìm hiểu về đội ngũ dự án, kết quả dự án hay những sản phẩm đã ra mắt, …
Vai trò của Whitepaper trong thị trường Crypto
Với khả năng chứa đựng nhiều thông tin về dự án, White paper là một tài liệu quan trọng không chỉ đối với dự án xây dựng nó, mà còn đối với cả cộng đồng và đặc biệt là những nhà đầu tư.
Đối với dự án
Như đã phân tích phía trên, với lượng thông tin cụ thể và chi tiết, white paper không chỉ giúp dự án kêu gọi được lượng vốn giúp có đủ nguồn lực cho quá trình phát triển mà còn là một “tuyên ngôn” với cộng đồng về ý tưởng và mục đích thực hiện của dự án.
Bởi vậy, White Paper có vai trò rất quan trọng đối với dự án trong việc tạo ra một nguồn lực đầy đủ để phát triển, đồng thời đem đến cho cộng đồng cái nhìn và những đánh giá chi tiết nhất về dự án, để thông qua đó dự án có thể tiếp cận với đa số người dùng và vận hành một cách thuận lợi hơn. Vì suy cho cùng bất cứ dự án nào được ra đời cũng nhằm mục đích đem đến những giải pháp tốt hơn, tiện lợi và thông minh hơn, mà trong đó cộng đồng là những đối tượng chính sử dụng dự án.
Đối với cộng đồng
Việc hiểu được chức năng và tầm quan trọng của White paper sẽ giúp anh em rất nhiều không chỉ trong việc tìm hiểu về dự án, mà còn đem đến kiến thức và những lựa chọn tốt hơn cho việc sử dụng.
Sử dụng những nền tảng hoàn thiện hơn
Nếu thường xuyên đọc White Paper của các dự án, anh em sẽ thấy được những vấn đề tồn đọng hay những hạn chế chưa được giải quyết một cách triệt để là câu chuyện chung của hệ sinh thái cryptocurrency. Lý do là bởi để thực hiện được một dự án, đội ngũ phát triển sẽ cần có những nghiên cứu nhất định để tìm ra được những lỗ hổng, hoặc những lĩnh vực chưa được phát triển. Nhờ vậy, anh em sẽ có cho mình nhiều lựa chọn hơn cho việc sử dụng nền tảng với những tính năng mới hơn, tiện lợi và hoàn thiện hơn.
Nắm bắt xu hướng
Bên cạnh việc tìm kiếm những vấn đề hiện có trong thị trường, các dự án cũng thường xuyên phải nắm bắt xu hướng và theo kịp “hơi thở của thời đại”. Chính bởi lý do này mà việc đọc White Paper hay nắm bắt được ý tưởng và mục đích phát triển của những dự án tiềm năng cũng giúp anh em nắm bắt được xu hướng một cách tốt hơn.
Như đã đề cập phía trên, một số dự án ban đầu có ý tưởng và mục đích về một vấn đề nhưng khi họ nghiên cứu và có khả năng thực hiện lĩnh vực khác tốt hơn, họ sẽ thay đổi White Paper. Đây là một đặc điểm khiến White Paper có thể giúp anh em nhận ra lúc nào xu hướng đang có sự chuyển mình. Thông qua đó, anh em sẽ có được những chiến lược kịp thời và phù hợp hơn cho riêng mình.
Có cái nhìn tổng quan về thị trường
Tất nhiên, việc nắm bắt và hiểu về thị trường cần rất nhiều thời gian để tìm tòi và nghiên cứu với tài liệu đa nguồn. Tuy nhiên, White Paper cũng có thể được đánh giá là một trong những tài liệu đem đến cho anh em những cái nhìn tổng quan nhất về thị trường, đặc biệt là khi anh em tham khảo White Paper của nhiều dự án, anh em sẽ thấy được nhiều vấn đề trong thị trường, cũng như tiềm năng phát triển của một số lĩnh vực trong tương lai.
Đối với nhà đầu tư
White Paper là một điều kiện cần mà nhà đầu tư nào cũng nên xem xét trước khi thực hiện bỏ tiền túi ra để đầu tư cho các dự án. Tất nhiên, việc đặt ra mục tiêu và các kế hoạch chỉ là về mặt lý thuyết và mọi thứ vẫn còn nằm trên giấy tờ. Tuy nhiên, việc xem xét White Paper cũng khiến anh em có được những đánh giá và phân tích tốt hơn khi theo dõi quá trình phát triển hay những sản phẩm được dự án ra mắt.
Một số lưu ý khi sử dụng White Paper.
Nếu White Paper chứa đựng những thông tin chính thống, là kết quả của quá trình nghiên cứu tìm tòi, nó không chỉ có giá trị đối với dự án, mà còn là tài liệu quan trọng mà người dùng và các nhà đầu tư nên cân nhắc. Tuy nhiên, nếu nó chỉ được “vẽ” ra nhằm mục đích kêu gọi vốn rồi Scam, thì dạng tài liệu này sẽ trở nên rất nguy hiểm đặc biệt là đối với những người chơi ít kinh nghiệm. Những hình thức kêu gọi vốn thông qua việc tạo dựng một White Paper chi tiết cũng đã từng xảy ra. Trong đó, những cá nhân và tổ chức có ý đồ xấu thường lấy thông tin của những nhà phát triển uy tín để đưa vào White Paper. Điều này khiến sách trắng bỗng chốc trở nên tiềm năng và thu hút.
Bởi vậy, trong quá trình xem xét White Paper bạn cũng cần tỉnh táo, bình tĩnh, không nên vội vã đặt niềm tin vào những ý tưởng với tiềm năng quá lớn khi chưa đủ sự phân tích và đánh giá về nó. Ngoài ra, bạn nên dành thời gian để đánh giá và xác thực những thông tin được cung cấp trong White Paper để tránh trường hợp bị lừa khi nhắc đến một số Developer nổi tiếng và có nhiều kinh nghiệm. Anh em có thể tham khảo những chiêu trò Scam trong Crypto để nắm bắt được tốt hơn.
Với những chia sẻ trên, hy vọng anh em đã có dịp tìm hiểu kỹ về việc White Paper là gì, có những khác biệt nào giữa White Paper và Lite Paper; đồng thời nắm bắt được vai trò và chức năng của nó đối với nhiều đối tượng khác nhau. Thông qua đó, bạn sẽ có những cách thức riêng để sử dụng loại tài liệu này một cách thông minh nhất. Chúc bạn thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Cơ chế hoạt động của công nghệ Blockchain
Comments (No)