The Merge là gì mà lại được nhắc đến như một sự kiện mang tính bước ngoặt của Ethereum. Liệu sự thay đổi này có đem lại nhiều lợi thế hơn cho nền tảng của Ethereum, đặc biệt là đối với mảng DeFi, GameFi hay không? Cùng tham khảo bài viết sau để tìm hiểu cụ thể về Ethereum The Merge cũng như những ưu thế mà nó đem lại cho Ethereum nhé!
Ethereum The Merge là gì?
The Merge là một sự kiện quan trọng của Ethereum nhằm chuyển đổi từ cơ chế Proof of Work sang Proof of Stake. Vốn dĩ Ethereum đã là một blockchain lớn mạnh, nhưng do sử dụng cơ chế Proof Of Work, mạng lưới gặp phải khá nhiều hạn chế về khả năng mở rộng và phí gas của mạng lưới. Proof of Stake là cơ chế được đặt kỳ vọng mang lại sự thay đổi lớn cho Ethereum, khiến blockchain này hiện thực hóa được tham vọng chiếm lĩnh thị trường DeFi của mình.
Cụ thể hơn, để phát triển từ Ethereum 1.0 lên Ethereum 2.0, blockchain này cần trải qua 3 giai đoạn chính: Beacon Chain (giai đoạn build hạ tầng POS); The Merge (hợp nhất Ethereum với Beacon Chain) và cuối cùng là Shard Chains (hoàn thiện mạng lưới với Sharding). Như vậy, The Merge là giai đoạn chuyển giao chính để thay đổi cơ chế hoạt động sang POS, đồng thời là một bước đệm quan trọng để hoàn thiện được mạng lưới với Shard Chains.
Cơ chế hoạt động của Ethereum The Merge
Vậy cơ chế hoạt động của Ethereum The Merge có khác nhiều so với Ethereum hiện tại không?
Khi chuyển từ POW sang POS, các Node sẽ không được vận hành bởi Miners nữa mà được xác thực bởi các Validator. Cụ thể hơn, người dùng sẽ cần Stake một lượng ETH để đủ điều kiện tham gia xác thực giao dịch và nhận phần thưởng trên Ethereum. Dẫn đến số lượng Miners đã đầu tư các thiết bị máy đào ETH chuyên dụng sẽ “thất nghiệp” trong tương lai.
Tuy nhiên, tại sao khi chuyển sang sử dụng cơ chế POS thì Ethereum lại cần phải hợp nhất với Beacon Chain, sao không chuyển thẳng qua luôn?
Các bạn có thể hình dung thế này, Ethereum là một chiếc xe lửa và POW là đường ray. Để thay đổi đường ray, chúng ta không thể kêu nó “ê ku qua đường ray mới chạy đi” một cách đột ngột được, mà chúng ta cần làm sẵn 1 đường ray ổn thỏa trước, một hạ tầng hoàn thiện thì việc Ethereum chuyển qua đường ray mới chạy sẽ khá dễ dàng và không ảnh hưởng gì đến các hàng hóa trên xe (các Dapp, DeFi, NFT đang hoạt động trên Ethereum).
Chính vì vậy, trước khi loại bỏ đi cơ chế hoạt động hiện tại, đội ngũ nhà phát triển phải thử nghiệm Beacon Chain như việc xây dựng đường ray mới trong khi đường ray cũ vẫn hoạt động. Điều này khiến con tàu Ethereum chở trong mình vô số DeFi, Dapps, NFT,.. vẫn có thể hoạt động trong suốt quá trình xây dựng các Validator mới cho mạng lưới. Khi Beacon Chain hoàn thiện, con tàu chỉ việc chuyển hướng sang đường ray POS để vận hành.
Khúc cua đầy ngoạn mục này chính là The Merge.
Những giai đoạn hoàn thiện sau Ethereum The Merge.
Shard Chains
Shard Chains (cấu trúc Sharding) được biết đến là bản nâng cấp tiếp theo của Ethereum sau khi hợp nhất với Baecon Chain. Quá trình tiến lên Sharding được dự kiến ra mắt vào khoảng năm 2023 nhằm cung cấp cho Ethereum khả năng mở rộng tốt hơn với 64 Blockchain mới.
Anh em có thể hiểu nôm na đây là giai đoạn giúp phân chia dữ liệu thành các phần nhỏ để xử lý cùng một lúc. Đặc điểm này sẽ giúp mạng lưới Ethereum đạt được hiệu suất cao hơn. Đến giai đoạn này, mạng lưới Ethereum sẽ bao gồm:
- Chuỗi khối gốc Eth1x
- Chuỗi Baecon Chain trong giai đoạn 0
- 64 chuỗi phân đoạn mới.
Tuy nhiên, Sharding chỉ diễn ra nếu việc hợp nhất The Merge thành công. Không có The Merge thì sẽ không có Sharding.
State Execution
Đây là giai đoạn mạng lưới Ethereum thực sự chuyển mình để bước sang Ethereum 2.0 bằng việc chuyển ETH ở mạng lưới hiện tại sang mạng lưới mới, kích hoạt chức năng Smart Contract, nâng cấp máy ảo EVM, và chính thức ngừng hoạt động POW, chuyển hẳn sang hoạt động POS.
Như vậy, việc Ethereum chuyển từ cơ chế đồng thuận POW sang POS sẽ cần ít nhất vài năm nữa để thực sự hoàn thiện. Sau khi hoàn tất quá trình thay đổi này, mạng Ethereum vẫn cần có thêm những lần nâng cấp khác để vá toàn bộ lỗ hổng.
Tham vọng chiếm lĩnh DeFi của The Merge
Kế hoạch nâng cấp lên Ethereum lên 2.0 đã được đội ngũ phát triển ấp ủ khá lâu để giúp Ethereum có khả năng mở rộng, tăng TPS, giảm phí gas giao dịch -> tạo động lực cho các dự án DeFi phát triển trực tiếp trên mạng lưới ETH. Điều này cho thấy tham vọng vô cùng lớn từ đội ngũ khi muốn độc chiếm toàn bộ dòng tiền từ các Dapps, DeFi và NFT.
Cách hạ bệ đối thủ của Ethereum
Các bạn đều biết là Ehereum là 1 miếng bánh vô cùng lớn với số lượng Dapp, DeFi và NFT hoạt động trên Ethereum tương đối khổng lồ nhưng bởi hạn chế về phí gas và tốc độ giao dịch khiến dòng tiền trên Ethereum luôn bị chia 5 xẻ 7 bởi các mạng lưới blockchain khác như BSC, Solana, Avax hoặc từ chính các layer 2 của Ethereum.
Trên thực tế, những GameFi lớn đời đầu như AXS (Axie Infinity), Mana (Decentraland), Sand (The Sandbox) đều lựa chọn phát triển trên Ethereum; nhưng vì phí giao dịch đắt đỏ đã khiến các dự án này mở rộng sang các network khác như Bep20, Sol. Cho đến hiện nay những GameFi mới cũng vậy, đa phần đều phát hành trên Solana, BSC, Avax để người dùng trải nghiệm game tốt hơn. Nên chúng ta hiếm khi thấy có GameFi làm trên mạng ETH là vậy.
Tuy nhiên, việc The Merge thành công sẽ là một bước đệm vô cùng chắc chắn giúp Ethereum cải thiện được tốc độ và chi phí giao dịch. Điều này dẫn đến hệ quả là Ethereum sẽ đứng ở thế “bất bại”. Với khả năng tiếp cận người dùng tốt hơn, phí rẻ, hệ thống vận hành tối ưu hơn, những dự án GameFi, DeFi, NFT mới hoàn toàn có thể lựa chọn xây dựng và phát hành trực tiếp trên Ethereum chứ không phải những nền tảng thay thế khác.
Nói cách khác, với sự thành công của The Merge, Ethereum sẽ từng bước sàng lọc, loại bỏ những đối thủ hiện tại và tiến gần hơn với tham vọng chiếm lĩnh được miếng bánh DeFi béo bở mà đã từ lâu họ chưa thể nắm giữ.
Kill Miners và các Layer 2
Việc Ethereum thay đổi “sân chơi” và “luật chơi” đồng nghĩa với việc miner và những dự án layer 2 sẽ bị bỏ lại phía sau. Như vậy, The Merge không chỉ đem lại những ảnh hưởng tích cực đối với bản thân mạng lưới Ethereum, mà còn có sự tác động lớn với các nhân tố xoay quanh nền tảng này.
Dễ dàng có thể suy đoán được, sau khi The Merge thực sự được hoàn thiện và Ethereum chính thức chấm dứt hoạt động với POW, Miners sẽ thất nghiệp và không còn kiếm được lợi nhuận từ việc đào ETH nữa. Lúc này, Miners có hai hướng đi chính là bán máy đào hoặc chuyển sang đào ETC. Nhưng bán máy sẽ không đem lại hiệu quả tối ưu cho Miners bởi khi Ethereum chuyển đổi cơ chế hoạt động, nhu cầu sử dụng máy đào sẽ giảm xuống.
Đối với những dự án Layer 2, khi mất dần thế mạnh của mình trong việc đem đến giải pháp giao dịch tốt hơn cho Ethereum, họ sẽ cần có những thay đổi và thích nghi để không bị thanh lọc và đào thải. Anh em có thể tham khảo bài viết về Tác động của The Merge đến thị trường Crypto để biết được chi tiết hơn.
Cải thiện tốc độ và chi phí cho tham vọng chiếm lĩnh thị trường
Với việc phân bổ Block nhanh chóng hơn, Validator không cần cùng nhau tìm một số Nonce, chắc chắn POS sẽ có tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng hơn POW rất nhiều. Điều này không chỉ hạn chế được tình trạng tắc nghẽn mạng do không xử lý được giao dịch kịp thời mà còn giảm bớt được chi phí của người dùng khi thực hiện giao dịch.
Tất nhiên, sau khi thực hiện The Merge, mức chi phí trên Ethereum không thể giảm ngay thậm chí có thể đắt hơn. Vì sau khi triển khai The Merge, đội ngũ cũng cần thời gian ổn định hệ thống với POS, và tiến hành cấu trúc Sharding để đạt được tốc độ giao dịch nhanh chóng nhất, thì lúc này người dùng mới giao dịch được với mức phí rẻ hơn.
Khi chuyển từ cơ chế POW sang POS, có thể nói, Ethereum sẽ giải quyết gọn được hạn chế về mặt tốc độ và chi phí giao dịch. Điều này thúc đẩy người dùng sử dụng mạng lưới nhiều hơn để thực hiện giao dịch mà không cần phải thông qua những dự án layer 2 như trước nữa.
The Merge giúp ổn định toàn bộ hệ sinh thái
Trước khi có The Merge, Ethereum phụ thuộc rất nhiều vào những dự án layer 2. Tuy nhiên, với quyết định chuyển từ POW sang POS và giải quyết được vấn đề tốc độ, chi phí giao dịch, Ethereum đã tăng cường được throughput của mạng lưới và không còn đứng trước nguy cơ bị hack/exploit từ các Bridge giữa Ethereum và Layer 2 nữa.
Đặc điểm này giúp hệ sinh thái của Ethereum trở nên ổn định hơn, hoạt động tốt hơn, nhanh hơn, và mạnh hơn.
Với lượng người dùng đông đảo, uy tín đã được chứng minh trong nhiều năm và bước ngoặt mang tính quyết định này, có thể nói tương lai thống lĩnh thị trường DeFi của Ethereum đang đến rất gần.
Những hạn chế trong POW mà Ethereum muốn khắc phục với The Merge
POW là gì?
Anh em có thể tham khảo bài viết về Proof of Work để nắm được chi tiết nhất về cơ chế đồng thuận này. Tuy nhiên, về cơ bản, đây là cơ chế đòi hỏi những người hoặc tổ chức vận hành Node phải sở hữu một lượng thiết bị và máy móc có khả năng tính toán lớn để tìm ra được số Nonce phù hợp giúp liên kết các dữ liệu và khóa chúng vào trong chuỗi
Những đặc điểm chính của một Blockchain có thể được kể đến như: tính phi tập trung, khả năng bảo mật và khả năng mở rộng. Điều khiến các nhà phát triển phải đắn đo khi lựa chọn một thuật toán vận hành mạng lưới là bởi mỗi cơ chế chỉ thực hiện được nhiều nhất 2 trong 3 yếu tố kể trên. POW có thể hoàn thành tốt được về tính phi tập trung và khả năng bảo mật nhưng lại rất hạn chế trong tính mở rộng.
Tốc độ giao dịch
Một trong số những hạn chế rất lớn của POW là khi hệ thống có quá nhiều giao dịch, các Node sẽ không thể xử lý chúng một cách nhanh chóng. Lý do là bởi tất cả Miners đều trong cuộc đua tìm ra được số Nonce phù hợp nhất. Khi có một Miners tìm được số Nonce, Block mới được thêm vào chuỗi và quá trình tiếp tục lặp lại.
Đối với mạng lưới có quá nhiều người dùng và giao dịch như Ethereum, đây là một trở ngại vô cùng lớn khi tốc độ giao dịch của người dùng ngày càng chậm chạp và thường xuyên gặp phải tình trạng tắc nghẽn.
Chi phí giao dịch
Phí gas cũng là một trong những yếu tố khiến rất nhiều những dự án Layer 2 đã được ra đời nhằm đem lại cho người dùng một nền tảng giao dịch với phí gas và thời gian giao dịch nhanh chóng hơn. Tại mạng lưới Ethereum với cơ chế POW, người dùng muốn giao dịch nhanh sẽ cần tăng phí Gas. Hay nói cách khác, phí gas càng lớn càng được ưu tiên xử lý và giao dịch nhanh hơn. Đặc biệt, trong những trường hợp mạng lưới bị tắc nghẽn, chỉ có những nhà đầu tư chịu chi mới có thể nhanh chóng thực hiện giao dịch. Những người giao dịch với chi phí thấp thường phải “xếp hàng” chờ đợi rất lâu, nhanh là trong vài tiếng, lâu hơn thì họ sẽ phải chờ đợi đến vài ngày.
Và tất nhiên, phí Gas trên mạng lưới Ethereum là ETH với giá trị rất cao. Điều này chính là một trong những cân nhắc rất lớn của người dùng khi sử dụng mạng lưới Ethereum để giao dịch.
Khả năng mở rộng
Khả năng mở rộng là một yếu tố vô cùng quan trọng để một Blockchain có thể phát triển một cách nhanh chóng, đặc biệt là với Blockchain có sự phát triển mạnh về DeFi như Ethereum. Tuy nhiên, với tốc độ giao dịch chậm và chi phí đắt đỏ, người dùng thường không ưu tiên sử dụng mạng lưới của Ethereum để giao dịch mà phải chuyển sang những phương án Layer 2. Điều này gây ra khá nhiều bất tiện và cản trở khả năng phát triển của Ethereum.
Sự đánh đổi của Ethereum với POS và The Merge là gì?
Như vậy, chúng ta đã nắm được những hạn chế còn tồn đọng của Ethereum về tốc độ giao dịch, chi phí giao dịch, cũng như khả năng mở rộng của mạng lưới khi sử dụng cơ chế đồng thuận POW. Với Proof of Stake, Validator sẽ không cần tham gia một cuộc đua quá khốc liệt trong việc tìm kiếm số Nonce nữa. Thay vì vậy, họ có thể Stake ETH để chiếm quyền xác thực đối với Block. Như vậy, Block sẽ được phân bổ một cách nhanh chóng hơn, thay vì đợi các Miners tìm ra số Nonce.
Tuy nhiên, như đã chia sẻ phía trên, khi đáp ứng được 2 yếu tố, Blockchain sẽ không thể được hoàn thiện với tiêu chí cuối cùng. Đối với POS, Blockchain sẽ có thế mạnh về khả năng bảo mật và tính mở rộng nhưng lại giảm đi tính phi tập trung. Lý do là bởi lúc này lượng người xác thực sẽ có giới hạn và chỉ có những người Stake ETH mới đủ điều kiện trở thành Validator.
Đánh đổi tính phi tập trung
Như đã đề cập phía trên, bất cứ sự thay đổi nào cũng bao gồm cả kỳ vọng và sự đánh đổi, và không có thuật toán nào là hoàn hảo cả. Đây cũng là điều mà những nhà phát triển của Ethereum phải đối mặt. Và rõ ràng, cái mà Ethereum phải đánh đổi khi quyết định thực hiện The Merge chính là tính phi tập trung.
Do hoạt động bằng POS, và người dùng cần Stake ETH để tham gia làm Validator, số lượng người xác thực trên Ethereum sẽ giảm đi đáng kể. Điều này khiến hệ thống mất đi tính phi tập trung và quyền lực chủ yếu nằm trong tay một số ít Validator. Chưa kể đến việc Validator càng Stake nhiều tài sản càng có được khả năng nhận được Block lớn hơn. Đặc điểm này khiến quyền lực không chỉ bị tập trung, mà chủ yếu tập trung vào những Validator giàu có. Điều này cũng vô tình đe dọa tính bảo mật và an toàn của mạng lưới.
Tuy nhiên, khi đã quyết định chuyển mình và xác định được vấn đề, các nhà phát triển cũng đã tính toán được những phương án nhằm hạn chế được những nhược điểm này; đồng thời tối ưu được những điểm mạnh mà POS có thể đem lại cho hệ thống. Có lẽ cũng vì vậy mà Ethereum The Merge nhận được rất nhiều sự mong chờ và kỳ vọng của cộng đồng.
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã nắm được những thông tin chi tiết và cụ thể về việc Ethereum The Merge là gì, cơ chế hoạt động, cũng như những giai đoạn phát triển cụ thể của bước ngoặt này. Với một sự kiện được mong chờ như The Merge, hy vọng anh em sẽ có sự theo dõi thị trường nhất định để kịp thời nắm bắt được những cơ hội đang đến gần!
Bài viết cùng chủ đề
➤ The Merge có tác động như thế nào đến thị trường Crypto?
➤ Hệ sinh thái của Ethereum có những gì mà khiến ETH chỉ đứng sau Bitcoin
➤ Cách chơi Bitcoin lãi 1000% – Đầu tư theo chiến lược của CZ
Comments (No)