Real World Asset (RWA) là gì? Đưa tài sản thực vào DeFi thế nào?

DeFi là một trong những xu hướng nổi bật nhất trong thị trường tiền mã hóa, với khả năng cung cấp các dịch vụ tài chính phi tập trung, minh bạch và hiệu quả. Tuy nhiên, DeFi cũng đang đối mặt với một số thách thức như sự biến động của Altcoin, lạm phát token, thanh khoản phân mảnh và chưa kết nối được với thế giới thực.

Để giải quyết vấn đề này, một khái niệm mới đã ra đời: Real World Asset (RWA). Vậy Real World Asset (RWA) là gì? Cách để đưa tài sản thực vào DeFi thế nào sẽ được giải đáp cho các anh em ở bài viết dưới đây!

Real World Asset là gì?

Đầu tiên anh em cần hiểu về Real World Asset (RWA) là gì và tại vì sao nó quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đang tồn đọng của DeFi.

1. Real World Asset (RWA) là gì

Real World Assets (RWA) là những tài sản có giá trị thực ở thế giới bên ngoài blockchain như: bất động sản, xe hơi, điện thoại, nhà cửa, năng lượng, vàng, kim cương,..  chúng có thể được chuyển đổi thành những tài sản số trên blockchain thông qua quá trình token hóa (tokenized) ở dạng token hoặc NFT (Non-fungible token) và sử dụng được trong DeFi.

Token hóa (tokenized) là cách để biểu diễn một phần hoặc toàn bộ quyền sở hữu của một tài sản thực bên ngoài bằng 1 đơn vị số trên blockchain.

Việc token hoá RWA có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các công nghệ blockchain, smart contract và oracle để xác nhận quyền sở hữu, giá trị và tính pháp lý của tài sản.

Ví dụ: từ trước đến giờ khi lending/borrow trên DeFi chúng ta chỉ dùng được Crypto như Bitcoin, Ethereum hoặc Altcoin khác để vay USDT/USDC/DAI nhưng nếu bạn có thể dùng nhà cửa, đất đai, xe ô tô hoặc 1 đồ vật có giá trị ở thế giới thực và dùng nó để vay tài sản trên Crypto  thì sao? Dòng tiền sẽ bùng nổ rất lớn phải không.. đó là bài toán khó mà các Developer đang muốn phát triển để RWA được asset trong thế giới thực.

Tầm quan trọng của Real World Asset là gì?

Chắc anh em cũng biết thị trường DeFi đang không còn hấp dẫn như trước. Bởi vì token liên tục mất giá khiến cho tài sản của nhiều nhà đầu tư bị thanh lý, và họ đã rút bớt ra ngoài.

Trước kia, anh em đầu tư tiền vào DeFi để kiếm lãi cao, nhưng bây giờ lãi từ DeFi cũng chỉ bằng với các dịch vụ tài chính truyền thống. Thêm nữa, nhiều dự án DeFi phát thải (Emission) quá nhiều token để khuyến khích người dùng, nhưng điều này lại làm cho token của họ rớt giá nhanh.

Và để tạo lại cú hít giúp DeFi lấy lại đà tăng trưởng thì lúc này chúng ta cần Real World Asset (RWA) thành công. 

Dưới đây là những lợi ích to lớn mà Real World Asset (RWA) mang lại cho cả DeFi và TradFi (tài chính truyền thống):

2. Tại sao RWA lại quan trọng

  • Tăng thanh khoản và TVL (Total Value Locked) của DeFi: Giá trị của các tài sản trong thế giới thực là rất lớn, ví dụ như bất động sản toàn cầu có giá trị 326,5 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Nếu chỉ một phần nhỏ trong số đó được token hoá và chuyển vào DeFi, TVL của DeFi sẽ tăng khá ác
  • Mở rộng ngách cho tiền mã hóa: RWA cho phép người dùng DeFi có thêm nhiều loại tài sản mới để đầu tư, giao dịch và sử dụng trong các giao thức khác nhau. Đồng thời, RWA cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp và cá nhân trong TradFi tiếp cận với crypto.
  • Tăng thêm user và TVL cho DeFi: Lợi ích rõ rệt của RWA là làm cho các nền tảng blockchain và các ứng dụng trên đó có nhiều người dùng, tiền và lãi hơn.
  • Chuyển tài sản xuyên biên giới: RWA giúp cho các tài sản trong thế giới thực có thể được gửi, nhận và sử dụng ở bất kỳ quốc gia nào mà không bị hạn chế bởi các rào cản pháp lý hay chi phí cao. Điều này tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp và cá nhân muốn mở rộng thị trường hoặc tối ưu hoá lợi nhuận.

Ngoài ra anh em cần biết là Blockchain và DeFi không chỉ giúp cho tài sản kỹ thuật số, mà còn giúp cho tài chính truyền thống (TraFi) và tài sản thực.

Sự thật là tài chính truyền thống rất lớn, nhưng cũng rất phức tạp và tốn kém. Điều này dẫn đến việc tài chính truyền thống phụ thuộc nhiều vào bên thứ ba và cần các cơ sở cồng kềnh.

Ví dụ: Anh em có một nhà ở và muốn vay tiền, anh em phải làm nhiều việc như:

  • Kiểm tra nhà có bị thế chấp chưa.
  • Kiểm tra nợ xấu.
  • Chứng minh thu nhập.
  • Tìm ngân hàng có lãi suất và điều kiện tốt.
  • Nói rõ mục đích vay tiền.
  • Định giá nhà, chứng minh thu nhập và nhận tiền vay.
  • Làm các giấy tờ khác: đăng ký sổ đỏ, mua bảo hiểm…
  • Những việc này sẽ mất nhiều thời gian và tiền của bạn.

Tài chính truyền thống luôn có một hoặc nhiều bên thứ ba làm trung gian và anh em phải làm nhiều thủ tục, trả nhiều phí mới có thể tham gia vào hoạt động tài chính.

Với blockchain và DeFi, những việc này có thể được làm nhanh hơn, đơn giản hơn và rẻ hơn, giúp anh em tiết kiệm được chi phí.

Ngoài ra, RWA còn giúp cho tài sản thực (như nhà, xe, cổ phiếu, vàng…) trở nên rõ ràng hơn (thông qua blockchain) và dễ bán hơn (thông qua DeFi). Tài sản thực thường khó bán vì ít người mua hoặc giá cao. Nhưng khi được token hóa và sử dụng trong DeFi, tài sản thực có thể được bán cho nhiều người hơn với giá hợp lý hơn.

Các dự án liên quan đến RWAs

RWAs là một trong những xu hướng quan trọng nhất trong ngành công nghiệp blockchain hiện nay. Theo một báo cáo của Deloitte, giá trị của RWAs được token hóa trên blockchain có thể đạt 24.000 tỷ USD vào năm 2027.

Một số ví dụ về các dự án liên quan đến RWA trên blockchain là:

  • MakerDAO: Một nền tảng cho phép người dùng vay tiền ảo bằng cách đặt cọc các loại tài sản khác nhau, bao gồm cả RWAs. MakerDAO đã hợp tác với Centrifuge để kết nối các nhà cung cấp RWA với các nhà đầu tư trên blockchain.

3. Các dự án liên quan đến RWAs (MakerDAO)

  • Cougar DAO: Là một tổ chức phi tập trung (DAO) mà anh em có thể mua, quản lý và sinh lợi từ các tài sản thế giới thực bằng cách sử dụng ứng dụng Kali. Đây là một ví dụ cho thấy khả năng của việc kết hợp công nghệ blockchain với các tài sản thế giới thực. Một số ưu điểm của mô hình này:
    • Giảm thiểu rủi ro, chi phí và thời gian cho việc gọi vốn, đầu tư, khai thác các tài sản truyền thống.
    • Tăng cường tính minh bạch, pháp lý và dân chủ cho việc quản lý các tài sản.
    • Mở rộng khả năng áp dụng cho nhiều loại tài sản khác nhau, như xe cộ, khách sạn, resort… Đây là một lĩnh vực tiềm năng để phát triển trong tương lai.

4. Các dự án liên quan đến RWAs (Cougar DAO)

Hợp đồng Cougar DAO

  • Maple Finance: Một dự án trong lĩnh vực tín dụng phi chuẩn, cho phép các quỹ đầu tư và tổ chức tài chính vay vốn từ các Liquidity Pool mà không cần thế chấp số tiền bằng hoặc lớn hơn khoản vay. Dự án đã thu hút được sự quan tâm và đầu tư của nhiều quỹ lớn như Framework Capital, Bitscale, Alameda Research, One Block Capital, Polychain…

5. Các dự án liên quan đến RWAs (Maple Finance)

Maple Finance đã có một thời gian phát triển rất thành công khi TVL của giao thức lên tới gần 900 triệu USD vào tháng 5/2022. Giao thức này cũng đã tạo ra nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư và có một Treasury trị giá hơn 5 triệu USD.

Tuy nhiên, Maple Finance cũng phải đối mặt với rủi ro cao khi một trong những tổ chức tín dụng lớn nhất của giao thức là Orthogonal Trading không thể trả nợ 36 triệu USD do bị kẹt tiền trên FTX. Sự cố này đã làm giảm TVL của Maple xuống còn hơn 100 triệu USD.

Để khắc phục tình hình, Maple Finance đã ra mắt phiên bản 2.0 với nhiều cải tiến và điều chỉnh. Maple 2.0 sẽ tập trung phát triển trên Ethereum thay vì Solana, đa dạng hóa các khoản vay và quản lý rủi ro tốt hơn bằng cách hợp tác với nhiều tổ chức tín dụng khác.

  • Power Ledger: Một nền tảng cho phép người dùng giao dịch và quản lý năng lượng tái tạo thông qua các token số. Power Ledger đã triển khai các dự án liên quan đến năng lượng mặt trời, pin lưu trữ và mạng lưới thông minh ở nhiều quốc gia.

6. Các dự án liên quan đến RWAs (Power Ledger)

  • Centrifuge (CFG): Centrifuge là một nền tảng cho phép người dùng token hoá và kết nối các tài sản trong thế giới thực với DeFi. Centrifuge sử dụng công nghệ Substrate để xây dựng một chuỗi riêng biệt có tên là Centrifuge Chain, nơi người dùng có thể token hoá các loại tài sản khác nhau như hóa đơn, khoản vay hay bất động sản. Sau đó, người dùng có thể sử dụng các token này để truy cập vào các giao thức DeFi khác như Aave, Compound hay Maker DAO.

7. Các dự án liên quan đến RWAs (Centrifuge (CFG))

Từ các ví dụ trên, anh em có thể thấy RWA là một cánh cổng kết nối thế giới thực với thế giới số, mang lại nhiều giá trị cho cả hai bên và nhiều cơ hội để phát triển, đổi mới ngành công nghiệp blockchain từ đó đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dùng hiện đại.

Cách đưa tài sản thực vào DeFi

Để đưa RWA vào DeFi, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm:

  • Người sở hữu RWA: là những cá nhân hoặc tổ chức có quyền sở hữu các tài sản trong thế giới thực.
  • Nhà phát triển DeFi: là những cá nhân hoặc tổ chức phát triển các ứng dụng DeFi trên blockchain.
  • Nhà cung cấp token: là những cá nhân/ tổ chức chuyên về việc token hóa RWA thành các token/ NFT.
  • Nhà cung cấp bảo hiểm: là những cá nhân hoặc tổ chức cung cấp các dịch vụ bảo hiểm cho RWA khi chúng được đưa vào DeFi.
  • Nhà kiểm toán: là những cá nhân/ tổ chức kiểm tra và xác minh tính hợp lệ của RWA trước khi token hóa.

Quy trình đưa RWA vào DeFi diễn ra như sau:

8. Cách đưa tài sản thực vào DeFi

Bước 1: Hợp thức hoá ngoài chuỗi (Off-chain Formalization)

Mục đích của bước này là để kiểm tra và xác nhận tài sản thực tế trước khi chuyển lên On-chain. Đây là bước quan trọng để xác định quyền sở hữu, giá trị và tính pháp lý của tài sản. Người sở hữu RWA liên hệ và cung cấp các thông tin về loại tài sản, giá trị, và mục đích với nhà phát triển DeFi để yêu cầu đưa tài sản của mình vào DeFi. 

Trong bước này, chúng ta cần chú ý đến 3 vấn đề sau:

  1. Quyền sở hữu và tính hợp pháp của nó (Ownership & Legitimacy of Title)

Tài sản thực tế muốn chuyển lên on-chain cần có các giấy tờ (chứng từ, biên lai, hợp đồng mua bán…) để chứng minh được quyền sở hữu và sự hợp pháp của quyền sở hữu tài sản.

  1. Đại diện giá trị kinh tế (Representation of Economic Value)

Tiêu chí này sẽ giúp xác định giá trị kinh tế (định giá) của tài sản. Ngoài ra, đối với một số loại tài sản có tính biến động (vàng, bất động sản, tài sản hiếm có giá trị cao…), cần xác định được nguồn dữ liệu để cập nhật thay đổi định giá tài sản một cách chính xác.

c/ Pháp lý (Legal Backing)

Là quy trình pháp lý để đảm bảo quá trình xác định quyền sở hữu, định giá và tokenized tài sản tuân thủ theo quy định. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xác định quy trình pháp lý để giải quyết khi có một vấn đề xảy ra trong quá trình sử dụng tài sản on-chain (thanh lý, mất mát tài sản do bị hack, tranh chấp quyền sở hữu…).

Bước 2: Cầu nối thông tin (Information Bridging)

Đây là bước chuyển các thông tin của tài sản Real World Asset mà chúng ta đã verify ở bước 1 lên on-chain để lưu trữ và giao dịch trên blockchain. Nhà phát triển sẽ xem xét yêu cầu của người sở hữu RWA và chọn ra 1 nhà cung cấp token phù hợp để token hóa nó, tiếp theo liên lạc với các bên cung cấp dữ liệu để gán giá trị cho asset trước khi đưa vào DeFi.

Bước này sẽ bao gồm:

  • Tokenization: Ở giai đoạn này, thông tin thu thập được ở Bước 1 sẽ được token hoá dưới dạng NFT hoặc một dạng token khác tùy mục đích sử dụng.
  • Quản lý/Chứng khoán hoá (Regulatory Technology/Securitization): Sẽ có một số loại tài sản được coi là chứng khoán hoặc có yêu cầu được quản lý, giám sát, chúng ta sẽ cần một công nghệ để thực hiện việc giám sát đó.
  • Oracles: Giống như DeFi gốc, để Real World Asset có thể biến động theo giá trị của tài sản thực, Oracle sẽ là nơi cung cấp dữ liệu chính về giá cả của asset.

Bước 3: Đưa token hoá vào ứng dụng trong các RWA Protocol

Đây là các giao thức DeFi giúp Real World Asset dễ dàng tiếp cận với người dùng Crypto. Sau khi đã hoàn tất các bước trên, nhà cung cấp token sẽ tiến hành token hóa RWA theo nhiều cách, tùy thuộc vào loại tài sản và nhu cầu của người sở hữu RWA. Một số cách token hóa RWA phổ biến là:

  • Fractionalization: Đây là khi anh em chia nhỏ một tài sản lớn thành nhiều phần nhỏ và phát hành chúng thành token/ NFT đại diện cho từng phần.

Ví dụ: Một ngôi nhà có giá trị 1 triệu USD có thể được chia thành 1000 phần, mỗi phần có giá trị 1000 USD, và phát hành 1000 token/ NFT đại diện cho mỗi phần.

  • Securitization: Tạo ra một loại tài sản mới từ một nhóm các tài sản có liên quan, sau đó phát hành token/ NFT để đại diện cho chùm tài sản đó.

Ví dụ: một nhóm các khoản vay sinh viên có thể được gộp lại thành một loại tài sản mới gọi là Student Loan Asset-Backed Security (SLABS) -> phát hành các token/ NFT đại diện cho SLABS.

  • Synthetic: Là anh em sẽ tạo ra một loại tài sản mới từ 1 loại tài sản khác bằng cách sử dụng các công cụ tài chính phức tạp, như hợp đồng tương lai, quyền chọn, hoặc swap.

Ví dụ: Một loại tài sản mới gọi là Synthetic Gold Token (SGT) có thể được tạo ra từ một loại tiền mã hóa khác, như Ethereum, bằng cách sử dụng các hợp đồng thông minh để liên kết giá trị của SGT với giá trị của vàng.

Bước 4: Bảo hiểm cho RWA khi đưa vào DeFi

Nhà cung cấp bảo hiểm tiến hành bảo hiểm cho RWA khi được đưa vào DeFi. Bảo hiểm cho RWA là một dịch vụ quan trọng để giảm thiểu rủi ro cho người sở hữu RWA và người dùng DeFi khi giao dịch với RWA, có thể bao gồm các rủi ro về thiên tai, cháy nổ, trộm cắp, hay sự thay đổi của luật pháp.

Bước 5: Kiểm tra tính hợp lệ của RWA

Nhà kiểm toán tiến hành kiểm tra & xác minh tính hợp lệ của RWA cũng như quá trình token hóa. Trong bước này nhà kiểm toán cần đảm bảo rằng RWA được tokenized một cách chính xác và công bằng, không có sự gian lận hay sai sót, họ sẽ theo dõi để cập nhật giá trị của RWA theo thời gian.

Bước 6: Đưa RWA vào DeFi

Sau khi hoàn thành các bước trên, RWA đã được đưa vào DeFi và có thể được giao dịch trên các nền tảng:

  • Người sở hữu RWA có thể sử dụng token/NFT của RWA để vay mượn, gửi tiết kiệm, đầu tư, hoặc bán cho người khác.
  • Người dùng DeFi có thể mua token/NFT của RWA để sở hữu một phần của tài sản đó trong thế giới thực.

Ví dụ về mô hình hoạt động của RealIT

9. Cách đưa tài sản thực vào DeFi (mô hình RealIT)

Có thể anh em đã biết hoặc chưa thì RealIT là một dự án cho phép mã hoá các bất động sản. Dự án sẽ theo hướng tạo ra các token đại diện cho các loại bất động sản, rồi chia nhỏ và cho phép nhà đầu tư mua và sở hữu một phần của tài sản đó (bằng cách nắm giữ token). Các bất động sản này sẽ được cho thuê và phân chia lợi nhuận cho những người nắm giữ token.

Những bất động sản sẽ được một bên thứ ba kiểm định giá trị, có giấy tờ xác nhận quyền sở hữu và quy định rõ cách thức giải quyết khi có vấn đề về tiền thuê hoặc tranh chấp pháp lý.

Tiếp theo, thông tin về tài sản sẽ được đưa lên blockchain và mã hoá thành token. RealIT sẽ không trực tiếp token hoá bất động sản mà chuyển giao nó cho một công ty khác quản lý rồi token hoá cổ phần của công ty đó.

Sau khi tạo xong Real World Asset, RealIT sẽ cung cấp RWA đó trên giao thức của họ.

Ví dụ về mô hình hoạt động của RealArt

10. Cách đưa tài sản thực vào DeFi (mô hình RealArt)

RealArt là một dự án cho phép mã hoá các tác phẩm nghệ thuật. Dự án sẽ phát triển theo hướng token hoá các tác phẩm nghệ thuật, sau đó phân mảnh và cho phép nhà đầu tư tham gia đầu tư 1 phần của tác phẩm đó (thông qua việc mua và nắm giữ token). Tác phẩm nghệ thuật sẽ được trưng bày tại các bảo tàng, triển lãm hoặc bán đấu giá, lợi nhuận sẽ được chia lại cho những người nắm giữ token.

Các tác phẩm nghệ thuật sẽ được một bên thứ ba định giá, có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu + xác định rõ quy trình xử lý trong trường hợp có tranh chấp pháp lý hoặc mất cắp.

Sau đó, thông tin về tác phẩm nghệ thuật sẽ được chuyển lên Blockchain và mã hoá thành token. RealArt sẽ không token hoá trực tiếp tác phẩm nghệ thuật. RealArt sẽ giao tác phẩm nghệ thuật cho một công ty quản lý rồi token hoá cổ phần của công ty họ.

Sau đó RealArt sẽ đưa RWA đó lên cung cấp trên protocol của họ.

Lợi ích và thách thức khi đưa RWA vào DeFi

Đầu tiên anh em cần biết việc đưa RWA vào DeFi mang lại nhiều lợi ích cho cả người sở hữu RWA và người dùng DeFi, như:

11. Lợi ích và thách thức khi đưa RWA vào DeFi

  • Đối với người sở hữu: Token hóa RWA có thể giúp họ tăng khả năng thanh khoản, giảm chi phí giao dịch, mở rộng thị trường tiềm năng và tận dụng các cơ hội tài chính mới trên blockchain.
  • Đối với người đầu tư: Token hóa RWA có thể giúp họ tiếp cận các loại tài sản mà trước đây khó có thể đầu tư, như các dự án xanh, các công ty khởi nghiệp, v.v.

Ngoài ra RWA cũng có thể giúp người đầu tư phân tán rủi ro, tối ưu hóa lợi nhuận và tận hưởng các lợi ích của blockchain như minh bạch, bảo mật và không thể thay đổi.

Việc đưa RWA vào DeFi cũng không phải là dễ dàng và không gặp phải những rào cản và thách thức. Một số thách thức chính là:

  • Pháp lý: Việc đưa RWA vào DeFi có thể gặp phải những vấn đề pháp lý do sự khác biệt về luật pháp giữa các quốc gia và khu vực.

Ví dụ: một loại tài sản có thể được coi là hợp pháp ở một nơi nhưng bị cấm ở một nơi khác. Hoặc một loại tài sản có thể bị thu thuế ở một nơi nhưng miễn thuế ở một nơi khác. Do đó, việc đưa RWA vào DeFi cần tuân theo các quy định pháp lý của từng quốc gia.

  • Tin cậy: Chắc anh em cũng biết để có thể đưa RWA vào DeFi thì bắt buộc cần có sự tin cậy giữa các bên liên quan, bao gồm người sở hữu RWA, nhà phát triển DeFi, nhà cung cấp token, nhà cung cấp bảo hiểm, và nhà kiểm toán. Tuy nhiên, việc xây dựng sự tin cậy không phải là đơn giản, do sự thiếu minh bạch và khả năng xảy ra gian lận hay sai sót.

Ví dụ: Một người sở hữu RWA có thể gửi tài sản giả hoặc đã bị thế chấp để token hóa. Hoặc một nhà cung cấp token có thể phát hành nhiều token hơn so với giá trị của RWA. Hoặc một nhà cung cấp bảo hiểm có thể từ chối bồi thường khi xảy ra sự cố với RWA.

  • Hiệu quả: Đây sẽ là yếu tố mà các anh em luôn quan tâm nhất khi đầu tư đó là cần có sự hiệu quả về thời gian và chi phí. Tuy nhiên, việc đưa RWA vào DeFi có thể mất nhiều thời gian và chi phí do sự phức tạp của quy trình token hóa, bảo hiểm, và kiểm toán.

Ví dụ: một người sở hữu RWA có thể phải chờ đợi nhiều ngày hoặc tuần để hoàn thành việc token hóa tài sản của mình. Hoặc một người dùng DeFi có thể phải trả nhiều phí giao dịch khi mua bán token của RWA.

Kết luận

Real World Asset (RWA) là một khái niệm mới nhưng hết sức tiềm năng trong DeFi, khi nó giúp kết nối giữa DeFi và TradFi, tạo ra một cách mới để tăng giá trị cho các tài sản của họ.

Tuy nhiên, RWA cũng đòi hỏi một số điều kiện để có thể hoạt động hiệu quả trong DeFi, như sự minh bạch, tin cậy và phù hợp với các quy định pháp lý. Do đó, RWA cần được phát triển và nghiên cứu thêm để có thể trở thành một xu hướng mới cho DeFi và TradFi trong tương lai.

Hy vọng bài viết đã giúp các anh em hiểu rõ Real World Asset là gì? Cũng như cách nào để đưa tài sản thực vào DeFi. Nếu anh em muốn theo dõi thêm các thông tin về thị trường RWA thì có thể vào https://coinlize.com/ để đọc những bài viết mới nhất.

 

Bài viết cùng chủ đề

Phân tích mô hình dòng tiền của UNI trên Uniswap V3

Nansen là gì? Cách sử dụng Nansen phân tích chuyên sâu

➤  Lạm phát trong tiền điện tử – Tốt hay Xấu

Comments (No)
Leave a Reply