Rainbow Bridge là gì, mục tiêu và cách hoạt động của Bridge này diễn ra như thế nào? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được các thông tin chi tiết về Rainbow Bridge cũng như tìm hiểu cách dòng tiền chảy vào Near thông qua Bridge này nhé!
Nội dung chính
Rainbow Bridge là gì?
Rainbow Bridge là một cổng kết nối các blockchain giữa Ethereum và NEAR một cách liền mạch. Dựa vào mật mã được cung cấp trên NEAR, hệ thống có thể sử dụng được các Smart Contract trên Ethereum và ngược lại.
Nhờ có sự xuất hiện của Rainbow Bridge, developers không cần phải băn khoăn lựa chọn giữa Near và Ethereum. Thay vì thế, developers có thể sử dụng tài sản trên cả 2 blockchain và kết nối chúng với nhau thông qua Rainbow Bridge. Miner Ethereum và Validator Near chính là những nhân tố chính vận hành hệ thống; ngoài ra, không ai có thể can thiệp khi mạng lưới đang hoạt động. Đặc điểm này đảm bảo được độ tin cậy và an toàn của Rainbow Bridge.
Đặc điểm nổi bật của Rainbow Bridge là gì?
Cơ chế Trustless
Trustless là việc người dùng có thể sử dụng Blockchain mà không cần đặt niềm tin vào bất cứ thứ gì, ngoài trừ Blockchain đó:
- Các Block trên Ethereum sẽ đạt được tính Finality (tính hoàn thiện) sau khi trải qua số lần xác nhận nhất định. Việc triển khai Bridge giúp các developers xác định và quyết định được số lần xác nhận này. Số lần xác nhận có thể thấp nếu Developers muốn phát triển một ứng dụng điển hình hoặc cao nếu Developers muốn đảm bảo hệ thống diễn ra một cách an toàn nhất có thể.
- Near Protocol cũng như tất cả các ứng dụng khác vận hành tại đây đều tuân theo các nguyên tắc của thuật toán POS. Điều này có nghĩa là chỉ khi 2/3 Validator xác nhận (người Stake vào Near Protocol để có quyền xác thực), các giao dịch mới được diễn ra. Quá trình này đảm bảo được tính an toàn và trung thực cho giao dịch và hệ thống. Bạn có thể đọc thêm về POS để nắm được những thế mạnh của thuật toán này.
- Cho đến khi AIP665 được chấp nhận, người dùng có thể yên tâm rằng phí gas tối thiểu của các khối Ethereum sẽ không tăng theo cấp số nhân hơn 2x đối với mỗi Block trong khoảng hơn 4 giờ.
Với những đặc điểm kể trên, mô hình trustless dẫn đến độ trễ nhất định đối với các giao dịch tiến hành thông qua Rainbow Bridge.
- Giao dịch từ ETH sang NEAR: Độ trễ tương đương với tốc độ tạo khối trên Ethereum, hay nói cách khác là nó phụ thuộc vào việc các Developers quyết định số lần xác nhận giao dịch như thế nào. Thông thường, độ trễ này thường kéo dài trong khoảng 6 phút cho 25 blocks.
- Giao dịch từ NEAR sang ETH: Mỗi khi EIP665 được chấp nhận, độ trễ rơi vào khoảng 4 giờ và có khả năng kéo dài khoảng 14 giây.
Tính phi tập trung
Hệ thống Rainbow Bridge cho phép bất cứ ai triển khai các cầu nối, duy trì hay tận dụng các cầu nối hiện tại. Do vậy, có thể thấy Rainbow Bridge là một hệ thống phi tập trung cho toàn bộ cộng đồng.
Tính công khai
Trên Rainbow Bridge, mọi thông tin mã hóa được xác nhận trong NEAR đều có khả năng xuất hiện hoặc sử dụng trong các Smart Contract trên Ethereum, và ngược lại. Những thông tin có thể xác nhận trên 2 Blockchain bao gồm:
- Giao dịch trong một khối.
- Giao dịch với kết quả cụ thể.
- Trạng thái của Contract.
- Dữ liệu cụ thể về Blockchain có thể được xác nhận. (thông tin về nội dung tiêu đề Block, thông tin về Miners trên Ethereum hoặc thông tin về Validator trên Near).
Light Client
Các Light Client hoạt động trong Rainbow Bridge có thể được mô phỏng như hình dưới đây:
Bên cạnh các Smart Contract được gửi tới Light Client, hai dịch vụ khác trên Near là Relay, được sử dụng để gửi các header cho Light Client. Trong đó:
- Eth2NearRelay: sử dụng để gửi header cho Contract EthOnNearClient.
- Near2EthRelay: sử dụng để gửi header vào Contract NearOnEthClient (1 header được gửi đi mỗi 4 tiếng)
Cách hoạt động của Rainbow Bridge
Cơ chế hoạt động
Các tính năng và cách hoạt động trên Rainbow Bridge là nhằm phục vụ mục đích giúp người dùng dễ dàng truy cập và sử dụng. Tốc độ và chi phí tại đây sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chi phí và tốc độ của của chính mạng lưới Ethereum. Quá trình chuyển tài sản diễn ra như sau:
- Chuyển từ Ethereum sang NEAR: Đối với ERC20, trung bình chi phí giao dịch là $5 và thời gian giao dịch là khoảng 6 phút (20 Blocks).
- Chuyển từ NEAR sang Ethereum: Chi phí trung bình sẽ rơi vào khoảng $20 (tùy thuộc vào phí gas trên Ethereum và giá ETH từng thời điểm) và thời gian tối đa là khoảng 16h (do phụ thuộc vào thời gian hoàn tất giao dịch của Ethereum). Vấn đề này sẽ được cải thiện trong tương lai gần.
Hiện tại, một EVM đã được ra mắt trên NEAR có tên Aurora Ethereum Virtual Machine, với khả năng cung cấp môi trường tương thích để khởi chạy code Ethereum hiện có trên NEAR cho các Developers. Thông qua đó, các tài sản ERC20 có thể được gửi trực tiếp từ các Ví như Metamask hoặc thông qua các ví Web3 khác tới ví và ứng dụng NEAR, hoặc ngược lại. Rainbow Bridge vẫn giữ được tính phi tập trung của nó, đồng thời đảm bảo khả năng thích ứng được với bất cứ thay đổi giao thức nào ở cả 2 phía trong tương lai. Những ERC20 token phổ biến có thể tương tác với NEAR bao gồm:
- Stablecoin: DAI, USDT, TUSD.
- Wrapped token như WBTC, WETH.
- DEX token như UNI, 1INCH.
- Lending token như AAVE, COMP.
Ví dụ:
Bạn cần chuyển 100 USDT từ Ethereum sang NEAR, bạn sẽ cần sử dụng cầu nối Rainbow Bridge và một số hợp đồng bổ sung bao gồm:
- Contract Tokenlocker Ethereum thực hiện trong Solidity: Hợp đồng này sẽ thực hiện thông báo về việc bạn muốn chuyển 100 USDT sang hệ sinh thái khác cho Ethereum. Sau đó, 100 USDT này sẽ được Ethereum khóa lại trong hợp đồng.
- Contract MintableFungibleToken NEAR thực hiện trong Rust: Vai trò của hợp đồng này là yêu cầu NEAR tạo 100 USDT trong hệ sinh thái Near, sau khi lượng coin này đã được Ethereum khóa lại. Sau khi xác minh, 100 USDT sẽ được tạo trên NEAR, thể hiện bằng hợp đồng này.
Vai trò của Rainbow Bridge:
Bước 1: Khi xác nhận hợp đồng tokenlocker hay giao dịch đầu tiên, Rainbow Bridge sẽ thực hiện giao tiếp với ERC20 trên Ethereum, sau đó chuyển và khóa 100 USDT trong vault của nó. Như vậy, 100 USDT này sẽ không thể lưu hành trên Ethereum được nữa. Tiếp theo, Rainbow Bridge UI sẽ dựa vào dữ liệu header trong Block transaction để tạo ra bằng chứng (bằng Smart Contract) về việc 100 USDT đã thực sự được khóa.
Bước 2: Rainbow Bridge sẽ yêu cầu tạo ra 100 USDT trên Near để thay thế lượng coin đã bị khóa trên Ethereum. Tiếp theo, hệ thống sẽ chờ Relayer gửi khoảng 100 header Ethereum block tới LiteNode chạy trên Near. Quá trình này nhằm chắc chắn được về việc 100 USDT đã thực sự được khóa trên Ethereum, để đảm bảo sự chính xác và bảo mật cho cả giao dịch.
Bước 3: Tại bước này, ERC20 Connector sẽ thực hiện xác minh bằng chứng bằng việc rà soát header Ethereum block trong LiteNode đang chạy trên Near. Quá trình tính toán này được thực hiện một cách độc lập. Nếu bằng chứng ERC20 Connector tính toán trùng khớp với bằng chứng được Rainbow Bridge cung cấp, hệ thống sẽ xác nhận 100 USDT đã được chính người dùng khóa trên Ethereum; đồng thời tạo ra 100 USDT mới trên Near và chuyển chúng đến ví người dùng.
Để thực hiện ngược lại là chuyển từ Near sang Ethereum, anh em sẽ cần đốt lượng nearUSDT trước tiên trong MintableFungibleToken, sau đó mở khóa USDT trong TokenLocker.
Ưu nhược điểm của Rainbow Bridge là gì?
Ưu điểm
- Hiện tại, đây là cầu nối duy nhất giữa Ethereum và Near.
- Giao dịch được thực hiện với chi phí thấp hơn, nhanh chóng hơn và dễ dàng mở rộng.
- Người dùng ETH có thể dễ dàng truy cập vào các ứng dụng trên Near.
- Rainbow Bridge có khả năng kết hợp với hệ sinh thái và các blockchain khác với tiềm năng mở rộng cao. Nhờ vậy, người dùng trên những blockchain khác có thể tương tác với tài sản Ethereum trên Near một cách thuận lợi hơn, thay vì kết nối trực tiếp với Near.
- Người dùng có thể nhanh chóng, dễ dàng hơn trong việc chuyển tài sản giữa Ethereum và Near, Aurora mà không cần phụ thuộc vào bên thứ 3.
Hạn chế
Do mới đi vào hoạt động và còn non trẻ nên hệ thống có thể gặp một số lỗi.
Rainbow Bridge có vai trò như thế nào đối với dòng tiền chảy vào Near?
Trong mảng Dapp, Near có thể được coi là đối thủ đáng gờm của Ethereum với sự thân thiện trong giao diện người dùng và khả năng hỗ trợ tốt đối với nhà phát triển. Ngoài ra, phí giao dịch trên Near cũng là một thế mạnh lớn khi so sánh với phí Gas đắt đỏ của Ethereum.
Tuy nhiên, Ethereum cũng đang có những tính toán rất cẩn trọng trong việc chuyển đổi thuật toán từ POW sang POS nhằm tối ưu hóa được phí gas cũng như tốc độ giao dịch. Nếu Ethereum thành công, đó sẽ là một bước ngoặt rất lớn đối với hệ sinh thái này để ngày càng mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận cũng như tiến gần hơn với tham vọng thống trị DeFi.
Sự xuất hiện của Rainbow Bridge chính là một điểm mạnh rất lớn của Near để kéo thêm được traffic cho mạng lưới thông qua việc cung cấp khả năng chuyển đổi tài sản giữa 2 blockchain một cách nhanh chóng. Trong thời gian Ethereum The Merge vẫn đang trong quá trình update chưa tối ưu được tốc độ lẫn phí gas nên Near là một trong những lựa chọn tốt, đặc biệt đối với người dùng hệ Dapps, DeFi. Như vậy, dễ dàng có thể thấy, Rainbow Bridge đóng vai trò rất quan trọng cho dòng tiền từ Ethereum đổ sang Near. Khi Ethereum đã thành công trong việc chuyển đổi Ethereum 2.0, sự có mặt của Rainbow Bridge vẫn có thể đem lại lợi ích cho Near bởi khả năng tiếp cận với lượng người dùng khổng lồ của Ethereum trong thời điểm đó.
Nói tóm lại, Ethereum là mảnh đất màu mỡ, nơi tập trung dòng tiền lớn của Altcoin. Tuy nhiên, với thuật toán hiện tại, Ethereum không thể xử lý được hết nguồn tiền và tiềm năng của nó. Chính bởi vậy, rất nhiều dự án Layer 2 đã được ra đời để giải quyết những vấn đề tồn đọng muôn thuở của Ethereum. Cách vận hành của Rainbow Bridge cũng tương tự như vậy, nhưng thay vì giải quyết vấn đề cho Ethereum, nó đưa người dùng đến trải nghiệm một Blockchain khác. Do đó, khi Ethereum 2.0 thành công, nhiều Layer 2 sẽ đứng trước sự thanh trừng khốc liệt nhưng Rainbow Bridge sẽ khiến Near trở thành một đối tác của Blockchain lớn mạnh này.
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã nắm được những thông tin quan trọng liên quan đến Rainbow Bridge là gì, cũng như những đặc điểm và vai trò của nó trong việc thu hút dòng tiền cho hệ sinh thái của Near. Dựa vào đó, hy vọng anh em đã có thêm một góc nhìn về hệ sinh thái phong phú và rộng lớn của Cryptocurrency, đồng thời tìm kiếm được những cơ hội đầu tư phù hợp. Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ WBTC và WETH là gì? Tìm hiểu cơ chế hoạt động của wBTC, wETH
➤ Cross-chain Bridge là gì? Tại sao lại cần Cầu Nối Blockchain
➤ TOP 16 Tool crypto hay nhất giúp kiểm soát rủi ro khi giao dịch Bitcoin
Comments (No)