Phân tích chỉ báo Derivatives | CryptoQuant (Phần 1)

Derivatives là một bộ chỉ số khá nhẹ nhàng nhưng lại có vai trò khá quan trọng trong việc cung cấp cho anh em những góc nhìn có liên quan đến thị trường phái sinh. Vậy cụ thể bộ chỉ số này bao gồm những chỉ số nào, thể hiện được những mặt gì của thị trường và của các nhà đầu tư? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được những kiến thức chi tiết nhất có liên quan đến bộ chỉ số này nhé!

Trong các bài viết trước, chúng ta đã được làm quen và tìm hiểu khá nhiều chỉ số trong CryptoQuant như Exchange Flows, Market Indicators, Network Indicators,  … Anh em có thể tham khảo các bài viết về những bộ chỉ số này trước để nắm được những kiến thức cơ bản để hiểu về bộ chỉ số này tốt hơn.

Nếu chưa có tài khoản anh em có thể đăng ký tại đây.

Còn bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu ngay về bộ chỉ số này nhé!

Derivatives

1. Derivative là gì

Đây là bộ chỉ số tập trung vào việc cung cấp các dữ liệu và so sánh trên nhiều khía cạnh của thị trường phái sinh. Đối với những anh em không quen chơi Future, anh em có thể sẽ thấy hơi lạ với khái niệm thị trường phái sinh, hay những hình thức đầu tư như hợp đồng tương lai, đòn bẩy, margin,..

Bản chất của hình thức đầu tư Future là tăng lượng vốn với mục đích thu được lợi nhuận lớn hơn. Đồng thời, người chơi có thể kiếm được lợi nhuận với cả xu hướng giá tăng (lệnh Long) và xu hướng giá giảm (lệnh Short). Anh em nào chưa biết có thể tham khảo bài viết về Future để nắm được rõ hơn về hai hình thức đầu tư này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là nếu anh em không tham gia những hình thức đầu tư trong thị trường phái sinh thì tại sao lại cần quan tâm đến bộ chỉ số này. Vì mọi hành động đầu tư của người tham gia đều có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường chung. Và những nhà đầu tư đủ tự tin để tham gia những hình thức đầu tư này đều là những người có nhiều kinh nghiệm, hoặc họ nắm được một số thông tin quan trọng về thị trường. Bên cạnh đó, số lượng người tham gia sử dụng những hình thức giao dịch này là khá lớn.

Do vậy, việc quan sát chỉ số Derivatives khá quan trọng giúp anh em có những phán đoán chính xác hơn về tâm lý, hành động của các nhà đầu tư. 

Open Interest

Đây là chỉ số thể hiện được tổng lệnh Long + Short trên thị trường, nhằm giúp anh em quan sát được xem số lượng các lệnh đòn bẩy chiếm trọng số như thế nào trên thị trường.

1. Biểu đồ chỉ số Open Interest

Dựa vào Chart phía trên, chúng ta có thể thấy số lượng các lệnh Long và Short tăng rất cao tại những khu vực Bitcoin uptrend, với khối lượng cụ thể lần lượt là 14 tỷ đô và 16 tỷ đô. Nhưng ở hiện tại, khi mức giá Bitcoin đang đi ngang khá khó chịu và chỉ số OI cũng không quá cao. Nên nếu đột nhiên OI tăng cao và có xu hướng dựng thành những cột cao bất thường thì chính là lúc anh em cần cân nhắc về những biến động có thể xảy ra sắp tới.

Vì khi số lượng các lệnh trên thị trường phái sinh quá lớn có nghĩa là nhiều nhà đầu tư đang tự tin vào xu hướng giá sắp tới, nên họ mới tăng mức độ đòn bẩy bằng Future (x20 x50 lần vốn) để tối đa hóa lợi nhuận kiếm được. Tất nhiên, nếu thị trường đi theo đúng phán đoán đó, họ sẽ có được lợi nhuận rất khủng. Nhưng chỉ cần mức giá đi lệch với các phán đoán này, rủi ro biến động giá theo chiều ngược lại rất cao vì các lệnh này sẽ bị thanh lý đột ngột.

Một điều quan trọng mà anh em cần lưu ý ở đây là chỉ số này thể hiện tổng số lệnh Long và Short. Do vậy, chúng ta không thể nhìn được xem các nhà đầu tư đang “đánh cược” vào xu hướng giá tăng hay giảm. Ví dụ nếu chỉ số này chỉ đơn thuần thể hiện lệnh Long, chúng ta có thể nhìn được rằng các nhà đầu tư đang tự tin vào xu hướng giá tăng và ngược lại. Nhưng với chỉ số này, chúng ta chỉ có thể quan sát được xem thị trường phái sinh có đang được sử dụng mạnh không. 

Funding Rates

Funding Rates chắc hẳn là cụm từ đã quá quen thuộc với những anh em thường xuyên sử dụng Future. Giữa thị trường phái sinh và thị trường Spot sẽ có những chênh lệch nhất định, dẫn đến một số người chơi sẽ chịu thiệt thòi hơn so với số còn lại. Chi phí này được sinh ra để bù đắp những thiệt hại đó.

Anh em có thể quan sát biểu đồ dưới đây để hiểu rõ hơn về cách hoạt động của chỉ số này.

2. Biểu đồ chỉ số Funding Rate

Với Chart phía trên, anh em có thể thấy biểu đồ chia ra làm 2 phần rõ rệt với Bar màu xanh và màu đỏ. Những Bar chart màu xanh xuất hiện khi mức giá có xu hướng Uptrend, dẫn đến vị thế Long có lợi nhiều hơn và cần trả phí cho lệnh Short; ngược lại, Bar màu đỏ xuất hiện khi mức giá có xu hướng Downtrend, vị thể Short có lợi nhiều hơn và cần trả phí cho lệnh Long. Anh em có thể hiểu đơn giản là dựa trên mỗi xu hướng giá sẽ có một lệnh được hưởng lợi nhiều hơn lệnh còn lại, do đó, những người tham gia lệnh hưởng lợi cần trả một khoản phí để bù đắp thiệt hại cho đối tượng còn lại.  

Anh em lưu ý rằng khoản phí này không phải là chi phí được các sàn giao dịch bơm thổi nhằm khiến đồ thị của thị trường phái sinh giống với thị trường Spot. Nó tương tự như phí để anh em giữ chỗ vậy. Nếu anh em muốn giữ vị thế Long, khi mức giá có xu hướng tăng cao, anh em sẽ cần trả phí 3 lần 1 ngày, do khoản phí này sẽ có sự thay đổi sau mỗi 8 tiếng, Để xem được tỉ lệ Funding Rates một cách cụ thể hơn, anh em có thể chọn xem cụ thể một sàn giao dịch để nắm được thông tin chi tiết hơn.

Như vậy, anh em có thể đặt ra câu hỏi là tại sao người chơi lại chấp nhận chịu phí ngay cả khi Funding Rates tăng cao mà không chuyển sang vị thế còn lại để hưởng được khoản phí này? Trên thực tế, có khá nhiều nhà đầu tư đã áp dụng chiến thuật này. Ví dụ khi mức giá Uptrend, mỗi 8 tiếng những người chơi lệnh Long sẽ cần trả một khoản chi phí là khoảng 0.3%. Như vậy, 1 ngày họ sẽ cần trả 1% funding rate và người chơi với lệnh Short sẽ hưởng được trọn vẹn số tiền này.

Tuy nhiên, đây là chiến thuật đầu tư không được khuyến khích bởi nó chỉ có hiệu quả khi thị trường đi Sideway và ẩn chứa tính rủi ro rất lớn. Anh em có thể quan sát được rằng việc một người chơi phải trả phí là vì họ đang được hưởng lợi, và họ chấp nhận trả phí bởi lợi nhuận có được lớn hơn chi phí này rất nhiều. Nếu anh em thay đổi vị thế chỉ để hưởng được chi phí này, anh em sẽ rất dễ bị bay màu tài khoản khi biến động giá xảy ra. 

Ví dụ anh em chuyển từ lệnh Long sang lệnh Short khi mức giá đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ cần biến động giá tiếp tục tăng thêm, anh em có khả năng mất toàn bộ tài sản do lệnh bị thanh lý. Do vậy, phần phí anh em nhận được sẽ không có ý nghĩa gì hết.

Mục đích chính của việc sử dụng chỉ số này là để quan sát được mức độ chênh lệch về phí Funding Rates đối với lệnh Long và lệnh Short.

Long Liquidations

Với những chỉ số phía trên, chúng ta đã nắm được tổng các lệnh Long và Short trên thị trường, tuy nhiên chúng ta lại chưa biết được cụ thể về từng lệnh. Với Long Liquidations, anh em sẽ quan sát được cụ thể hơn xem các lệnh Long có đang bị thanh lý nhiều không, hoặc các nhà đầu tư có đang thực hiện thoát vị thế để cắt lỗ?

3. biểu đồ chỉ số Long Liquidations

Dựa vào biểu đồ, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của nhiều cột dữ liệu rất cao. Tại thời điểm tháng 3 năm 2020, anh em sẽ thấy có 2 cột Long Liquidation bất thường với dữ liệu dâng cao lên đến 165.000 và 179.000 BTC. Trước đó, chúng ta thấy xu hướng giá của Bitcoin đang có dấu hiệu tăng rất rõ ràng. Có thể vào những thời điểm đó, các nhà đầu tư đã thực hiện lệnh Long với phán đoán rằng mức giá sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, giá Bitcoin lại giảm đột ngột từ 7.000 USD xuống 4.000 USD. Chính tại thời điểm này dữ liệu Long Liquidations tăng lên cực mạnh.

Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Như đã đề cập phía trên, dữ liệu tại chỉ số này xuất hiện từ hai yếu tố chính là các nhà đầu tư thực hiện thoát vị thế để cắt lỗ hoặc họ bị thanh lý toàn bộ tài sản. Trong trường hợp các nhà đầu tư bị thanh lý tài sản thì tất nhiên thị trường sẽ gặp phải áp lực bán lớn, dẫn đến giá Bitcoin đã giảm, lại càng bị đạp xuống sâu hơn.

Như vậy, dựa vào biểu đồ này, chúng ta có thể quan sát được xem xu hướng giá của Bitcoin biến động có phải vì lệnh Long đang bị thanh lý hay không. Giúp anh em có thể nắm được đối tượng chính đang có ảnh hưởng đến thị trường trong thời điểm đó. Trong các bài viết phân tích dữ liệu On-chain trước đó, chúng ta đã nắm được rằng có rất nhiều đối tượng có thể gây ảnh hưởng đến mức giá coin. Vậy nếu giá coin giảm đột ngột nhưng anh em thấy Miners, Cá mập hay các đối tượng khác không có những biểu hiện gì quá đặc biệt, anh em có thể quan sát biểu đồ này để có được thêm dữ liệu để phân tích.  

Tuy nhiên, có một đặc điểm mà anh em cần lưu ý đó là khi mức giá có xu hướng Uptrend nhưng Long Liquidations vẫn báo dữ liệu lớn. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư trong thị trường phái sinh đã có những phán đoán đúng và họ đang dần thoát vị thế để chốt lời.

Như vậy là chúng ta đã đi qua được những chỉ số đầu tiên trong bộ chỉ số về Derivatives. Đây là những chỉ số khá cơ bản và dễ hiểu mà anh em có thể nắm bắt để quan sát được về thị trường phái sinh. Tuy nhiên để hiểu sâu và cặn kẽ hơn, anh em có thể xem tiếp phần 2 bên dưới:

Phân tích chỉ báo Derivatives | CryptoQuant (Phần 2)

 

Bài viết cùng chủ đề

BEP2, BEP8 và BEP20 là gì? Có thể dùng chung ví cho 3 mạng này được không

15+ Ví trữ coin dễ sử dụng và an toàn nhất hiện nay

5 Chiến lược đầu tư coin hiệu quả cho người mới

Comments (No)
Leave a Reply