Network Stats là một bộ chỉ số rất hay để anh em có thể nắm được hiệu suất làm việc của mạng lưới Bitcoin. Vậy cụ thể Network Stats có những chỉ số nào, cung cấp được cho anh em những thông tin ra sao? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được rõ hơn về Network Stats.
Nội dung chính
Network Stats
Như đã giới thiệu, đây sẽ là bộ chỉ số cung cấp cho anh em những thông tin liên quan đến độ ổn định và cách mạng lưới Bitcoin vận hành. Nếu như đối với những mạng lưới khác như ERC20 hay BEP20, anh em có thể check các thông tin mạng lưới trên Etherscan hay BSCscan. Đối với mạng Bitcoin, anh em có thể check được các thông tin về hệ thống tại bộ chỉ số này một cách vô cùng nhanh chóng.
Tất nhiên, anh em nên đăng nhập vào tài khoản trên CryptoQuant để có thể xem được thông tin một cách đầy đủ nhất nhé!
Blocks Mined
Đây là chỉ số đầu tiên trong bộ chỉ số Network Stats, thể hiện được số lượng Block mà Miner đã tạo ra mỗi ngày. Dựa vào đồ thị, anh em có thể thấy rằng mỗi ngày có khoảng 150 khối được tạo ra.
Tại sao lại là con số này? Tại sao số lượng Block được tạo mỗi ngày không bao giờ lên tới 200 hoặc 300 Block?
Nếu anh em đã có dịp tìm hiểu về thuật toán nguyên thủy của Bitcoin, chắc hẳn anh em cũng biết được thời gian trung bình được quy định để tạo ra một khối là khoảng 10 Phút. Tất nhiên, thời gian để tạo ra một khối cũng sẽ có xê dịch lên đến hơn 10 phút hoặc ít hơn; tuy nhiên, trung bình cứ khoảng 10 phút sẽ có một Block mới được tạo ra. Trong khi đó, mỗi ngày chỉ có 24h – tương đương 1.440 phút. Như vậy, mỗi ngày, số lượng khối được tạo ra tối đa là 1.440/10 = 144 Block. Đó chính là lý do anh em sẽ thấy số lượng Block ở hiện tại là 150 Block (loanh quanh vùng này).
Như vậy, nếu bỗng một ngày anh em thấy số lượng Block được tạo ra trong một ngày lên đến 200 có nghĩa là mạng lưới đang có vấn đề hoặc thuật toán đang có sự thay đổi.
Block Size (Mean)
Chỉ số này sẽ cho anh em biết được khối lượng trung bình (được tính theo Byte) mà một Block lưu trữ là bao nhiêu. Đối với mạng lưới của Bitcoin nói riêng và các Blockchain sử dụng POW nói chung, toàn bộ giao dịch sẽ phải được lưu trữ lại và Miners sẽ phải lưu hết tất cả giao dịch đã có trong mạng lưới trước khi thực hiện khai thác.
Theo quy định, mỗi Block của Bitcoin sẽ lưu trữ được tối đa 2MB dữ liệu giao dịch, tương đương với 2.000 – 2.200 giao dịch. Nếu lượng giao dịch quá lớn, vượt ngưỡng nói trên, nó sẽ không thể lưu trữ trong 1 Block mà phải chuyển sang block kế tiếp để lưu. Anh em có thể check trong Chart để chắc chắn rằng chưa bao giờ có Block nào chứa được trên 2MB, điều này đồng nghĩa với việc hệ thống vẫn đang hoạt động bình thường.
Mục đích quan trọng của chỉ số này là để có thể xem xét và ước lượng được dung lượng ổ cứng của Bitcoin. Cụ thể hơn là sau khoảng 1 – 2 năm nữa thì ổ cứng sẽ sinh ra được thêm bao nhiêu không gian lưu trữ. Trong thời điểm đầu, Bitcoin tốn khoảng 50 – 100GB để lưu trữ. Tuy nhiên, càng về sau này, số lượng giao dịch càng tăng lên, thợ đào càng phải update ổ cứng để có thể lưu trữ được nhiều data hơn (Miners cần có đầy đủ thông tin về UTXO để xác thực giao dịch).
Tuy nhiên, đối với mạng Bitcoin, mỗi Block cần 10 phút để được sinh ra nên áp lực về không gian lưu trữ là không quá cao. Nếu so sánh với Solana, anh em có thể thấy Solana đang đứng trước nguy cơ rất lớn liên quan đến áp lực về không gian lưu trữ do quá trình xác thực được diễn ra quá nhanh. Dựa vào các phân tích hiện tại, nếu không có gì thay đổi, Solana sẽ không thể chịu nổi áp lực này trong 2 năm nữa.
Block Interval (Mean)
Chỉ số này cho anh em biết được khoảng thời gian trung bình (tính theo giây) giữa 2 Block được tạo ra. Ví dụ, chúng ta có 2 Block là Block A và Block B. Chỉ số này sẽ cho anh em biết khoảng thời gian giữa 2 Block này là bao nhiêu. Như đã đề cập phía trên, thuật toán của Bitcoin chỉ cho phép mỗi Block được tạo ra trong vòng 10 phút, hoặc chênh lên khoảng 13 – 14 phút.
Dựa vào Chart phía trên, anh em có thể thấy một thời điểm bất thường vào ngày 27/06/2021, thời gian tạo khối lên đến hơn 20 phút. Đây là thời điểm Bitcoin tăng lên vùng 60.000 USD. Trong thời gian này, số lượng Miner trong mạng lưới tăng lên rất nhiều bởi lợi nhuận kiếm được là rất lớn, dẫn đến tính cạnh tranh quá cao. Chính vì thế, hệ thống cần có sự điều chỉnh lại độ khó của việc tạo ra Block, khiến thời gian tạo Block tăng lên đột ngột. Đây cũng là thời điểm mà các chỉ số khác cũng gặp nhiều dấu hiệu bất thường.
Hash rate
Đây là chỉ số thể hiện được số lượng Hash sinh ra mỗi giây. Đối với mỗi dữ liệu hay mỗi data, thợ đào có thể hash ra được một dãy số ngẫu nhiên. Nhưng với cùng một đầu vào, kết quả sẽ đưa đến cùng một đầu ra hash.
Ví dụ:
- Khi chúng ta thực hiện hash dữ liệu “Coinlize”, chúng ta có dãy hash 1:
- Khi chúng ta thực hiện hash dữ liệu” Hello, Coinlize”, dữ liệu đã có sự thay đổi, dẫn đến hash 2 thay đổi:
- Tuy nhiên, nếu ta xóa đi các ký tự, chỉ để lại “Coinlize”, ta sẽ nhận được dãy hash tương tự như hash 1.
Đối với thợ đào, họ sẽ phải dùng dàn máy đào để hash liên tục, cho đến khi tìm được dãy hash đặc biệt. Dãy hash đặc biệt là dãy hash có chứa rất nhiều số 0 ở đầu. Sau khi tìm được, miner sẽ tiến hành báo cho các Miner khác và tạo ra khối mới.
Chỉ số này sẽ cho chúng ta biết trong mỗi giây thợ đào hash được ra bao nhiêu dãy. Dựa vào đó, chúng ta có thể nắm được tính cạnh tranh trong hệ thống đang cao hay thấp. Số lượng số 0 ở đầu mỗi dãy Hash sẽ thể hiện được độ khó của mạng lưới. Anh em có thể tham khảo thêm bài viết sau để nắm được rõ hơn về những vấn đề này.
Tham khảo thêm: Số Nonce là gì? Cách hoạt động của số Nonce trong Blockchain
Difficulty
Đây là chỉ số thể hiện độ khó của của việc khai thác Bitcoin. Như đã đề cập nhiều lần, thời gian tạo khối của Bitcoin là 10 phút. Tuy nhiên, khi số lượng thợ đào trong mạng lưới tăng lên, hoặc lượng Miners có khả năng xác thực tốt nhiều lên thì Bitcoin sẽ cần phải điều chỉnh độ khó của việc khai thác để đảm bảo được thời gian này.
Quan sát Chart phía trên, anh em có thể thấy chu kỳ thay đổi độ khó của Bitcoin là mỗi 14 ngày. Hệ thống sẽ thực hiện xem xét số lượng Miners trong vòng 13 ngày và bắt đầu thực hiện thay đổi vào ngày thứ 14. Trong thời gian gần đây, Bitcoin vẫn đang giảm và giữ mức giá khoảng 20.000 USD; tuy nhiên mức độ khó của việc khai thác Bitcoin vẫn tăng lên theo chu kỳ.
Điều này đồng nghĩa với việc lượng thợ đào vẫn đang tăng lên. Cụ thể hơn, con số thể hiện độ khó của Bitcoin đang là khoảng 35 nghìn tỷ, gấp 3 lần so với những ngày đầu tiên. Điều này cũng có thể được hiểu rằng lượng thợ đào trên hệ thống đã tăng gấp 3 lần so với trước kia.
UTXO Count
Đây là chỉ số cho biết tổng lượng UTXO đang có trên mạng lưới. Tại các chỉ số trước chúng ta đã được làm quen với UTXO, cụ thể là bộ chỉ số Network Indicator. Hoặc anh em cũng có thể tham khảo bài viết về UTXO để nắm rõ hơn về dữ kiện này.
Về cơ bản, chỉ số này càng cao càng là một dấu hiệu tốt cho thị trường. Bởi lúc này có nhiều UTXO được chứa trong ví của cộng đồng. Điều này có thể đến từ việc các nhà đầu tư đang thực hiện hold nhiều coin hơn hoặc có nhiều người đang trữ UTXO trong ví hơn – Bitcoin được sử dụng phổ biến hơn.
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu được những chỉ số trong bộ chỉ số Network Stats. Các chỉ số tại đây đều không cung cấp cho anh em công cụ để đưa ra những phân tích về thị trường. Tuy nhiên, anh em có thể sử dụng lượng thông tin này để kiểm tra và hiểu hơn về quá trình hoạt động của Bitcoin. Thông qua đó, anh em sẽ lý giải được các vấn đề liên quan đến mạng lưới và trả lời được câu hỏi tại sao Bitcoin lại được cộng đồng tin tưởng nhiều như vậy.
Kể từ khi được ra đời – năm 2009 cho đến nay (khoảng 13 năm), Bitcoin chưa bao giờ gặp phải các vấn đề liên quan đến hệ thống. Hay nói cách khác, Bitcoin là một đồng coin đã được sử dụng trong hơn một thập kỷ mà chưa từng gặp phải lỗi, không được kiểm soát bởi bên thứ 3 nào. Đây là một thành tựu đáng được ghi nhận và là lý do Bitcoin đã – đang và sẽ luôn được cộng đồng đón nhận.
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã nắm được những thông tin đầy đủ và chi tiết nhất về bộ chỉ số Network Stats. Thông qua đó, anh em có thể kiểm tra và chắc chắn được về hiệu suất vận hành của mạng lưới Bitcoin. Bên cạnh đó, những dấu hiệu bất thường của chỉ số này cũng có thể đem lại rất nhiều gợi ý để anh em quan sát và phân tích đa chiều hơn về thị trường. Chúc anh em thành công!
Bộ chỉ số tiếp theo: Phân tích chỉ báo Supply & Transactions | CryptoQuant
Bài viết cùng chủ đề
➤ UTXO là gì? Cách tính tuổi UTXO của Bitcoin
➤ Khác biệt giữa biểu đồ chart Linear và chart Log (logarit) trong Crypto
➤ TOP 10 đồng coin tiềm năng nhất 2022 – không thể bỏ lỡ
Comments (No)