Mô hình vai đầu vai có thể là một mô hình khá phức tạp đối với những anh em mới bắt đầu phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên, nó lại đóng vai trò quan trọng để anh em hiểu và suy đoán được thị trường một cách hiệu quả. Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được chi tiết về mô hình vai đầu vai thuận, ngược trong giao dịch Crypto nhé!
Nội dung chính
Mô hình Vai đầu vai – Head and Shoulders là gì?
Mô hình Vai đầu vai cung cấp các tín hiệu đảo chiều ở cuối xu hướng cho các nhà đầu tư. Trong đó, mô hình vai đầu vai thuận đề cập đảo chiều giảm còn mô hình vai đầu vai ngược thể hiện tín hiệu đảo chiều tăng. Mô hình Head and Shoulders xuất hiện với 3 đỉnh và một đường cơ sở ở cuối xu hướng tăng.
Về cơ bản, đây là mô hình với 1 đỉnh cao nhất ở giữa (đóng vai trò cái đầu) còn 2 đỉnh bên cạnh là 2 vai. Bên dưới sẽ có một đường cơ sở, hay còn gọi là đường viền cổ (Neckline). Xem ảnh bên dưới:
Mô hình vai đầu vai có thể được coi như một biến thể của mô hình 3 đỉnh. Tín hiệu được cung cấp bởi mô hình này khá mạnh, đặc biệt là khi anh em kết hợp với các chỉ báo phân tích kỹ thuật như quá mua, quá bán, MA, SMA,…
Xác định mô hình Vai đầu vai như thế nào?
Mô hình này gồm có 3 yếu tố chính sau:
- Vai trái: đỉnh đầu tiên, có chiều cao thấp hơn so với đỉnh thứ 2.
- Đầu: đỉnh 2 sẽ là đỉnh cao nhất trong 3 đỉnh.
- Vai phải: đỉnh thứ 3, có chiều cao thấp hơn so với đỉnh 2.
Neckline không nhất thiết phải là một đường thẳng mà có thể có độ nghiêng nhất định. Trong trường hợp đương neckline nghiêng xuống, nó sẽ cho thấy tín hiệu đáng tin hơn.
Các thành phần của mô hình Vai đầu vai
Việc nắm được các thành phần của mô hình có vai trò rất quan trọng trong việc xác định mô hình, cũng như tránh nhầm lẫn mô hình này với mô hình khác. Giống như khi một vai trái (tức đỉnh đầu tiên) được hình thành, một đầu (đỉnh cao nhất) xuất hiện, và vai phải (đỉnh thứ 3 thấp hơn phần đầu) được hoàn thiện, anh em có thể vẽ ngay neckline bằng việc nối hai điểm thấp nhất của 2 đáy lại với nhau.
Các điểm cần lưu ý:
Xu hướng trước mô hình
Anh em cần nắm được xu hướng trước mô hình là tăng hay giảm để có cái nhìn chính xác về thị trường. Xu hướng xuất hiện trước mô hình Head and Shoulders thường là xu hướng tăng, nó kéo dài càng lâu thì tỷ lệ đảo chiều càng mạnh => báo hiệu sự suy yếu của đà tăng, mức giá tăng đã không còn đủ khả năng để duy trì. Cho thấy thời tới, thời tới.. rồi anh em ????
Vai trái
Xu hướng tăng có thể hình thành đỉnh sau khi đối mặt với một số kháng cự và kéo lui trong một đoạn thời gian. Sau đó, giá có thể bật lại xu hướng tăng khi tìm thấy hỗ trợ. Về mặt lý thuyết, đây là cách mà vai trái của mô hình được hình thành. Tuy nhiên, trên thực tế, khó để phát hiện ra vai trái khi nó đang hình thành, vì nó không có gì quá nổi bật, chỉ giống những Price Action thông thường.
Đầu (Đỉnh cao nhất)
Sau khi hình thành vai trái, giá hồi lại và phá vỡ mức cao trước đó. Tuy nhiên, nó lại gặp phải một ngưỡng kháng cự khác. Đây là lý do khiến sự phục hồi chỉ là tạm thời và giá không thể tiếp tục tăng mà pullback trở lại lần thứ 2, bỏ lại đỉnh cao hơn phía sau, đó là lúc đầu được hình thành.
Tại thời điểm này, chúng ta đã có vai trái và đầu của mô hình nên dễ nhận biết hơn. Neckline cũng dần lộ rõ.
Vai phải
Tại đợt pullback thứ hai, giá tìm được hỗ trợ mạnh ở Neckline và tạo được đà tăng cho xu hướng. Tuy nhiên, khi đối mặt với ngưỡng kháng cự của đỉnh đầu tiên, giá không phá được dẫn đến lần thoái lui thứ ba. Trải qua 3 lần quay đầu, có thể thấy rằng xu thế tăng đã cạn kiệt.
Trong trường hợp lý tưởng nhất, vai trái và vai phải sẽ bằng nhau ( nhìn như hình người). Nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng vậy, nếu anh em thấy hai vai có chênh lệch chút thì vẫn là mô hình này và cho tín hiệu chuẩn xác.
Neckline – Đường viền cổ
Đường viền cổ chính là yếu tố quyết định của mô hình này. Khi mô hình Head and Shoulders hình thành, anh em có thể vẽ được viền cổ. Trong trường hợp giá phá vỡ dưới đường này, thì tín hiệu đảo chiều đã được xác định -> mở một vị thế bán với mức độ chính xác cao.
Mô hình vai đầu vai ngược – Inverted head and Shoulders là gì?
Như đã đề cập, mô hình vai đầu vai ngược thể hiện cho tín hiệu đảo chiều tăng. Nó hình thành theo hướng ngược lại so với mô hình vai đầu vai thuận. Cụ thể hơn, mô hình này xuất hiện ở cuối xu hướng giảm cho thấy lực bán đã cạn kiệt và báo hiệu đảo chiều tăng.
Xác định mô hình vai đầu vai ngược
Về cơ bản, mô hình này giống như mô hình vai đầu vai đã được đề cập phía trên nhưng lộn ngược xuống dưới. 3 yếu tố chính của mô hình Inverted Head and Shoulders có thể kể đến như sau:
- Vai trái: đây là đáy đầu tiên xuất hiện trong mô hình.
- Đầu: đây là đáy thứ hai và là đáy thấp nhất của mô hình.
- Vai phải: đây là đáy cuối cùng, có độ thấp tương đương so với đáy đầu tiên.
Neckline đối với mô hình này cũng tương tự như mô hình Head and Shoulders.
Các đặc điểm chính của mô hình Inverted Head and Shoulders
Tương tự như vai đầu vai thuận, mô hình này cũng bao gồm các thành phần vai trái, đầu, vai phải và đường Neckline.
- Xu hướng thường xuất hiện Inverted Head and Shoulders là xu hướng giảm. Anh em nên dùng đường MA để kiểm tra xu hướng cho chính xác.
- Vai trái: đây là thung lũng hình thành đầu tiên trong mô hình sau một xu hướng giảm tương đối dài. Tại đây, giá tăng trở lại trong một thời gian do tìm được hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đối mặt với kháng cự cục bộ, giá không thể tiếp tục tăng mà thậm chí còn bị đẩy xuống thấp hơn, phá vỡ mức đáy đầu tiên.
- Đầu: Đáy 2 là thung lũng thấp nhất, đồng thời đại diện cho phần đầu trong mô hình. Tại đây, giá tăng ngược trở lại nhưng cũng không phá được đường viền cổ. Neckline lúc này đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự chắc chắn, khiến cho giá một lần nữa bị đạp xuống, chuẩn bị hình thành vai phải.
- Vai phải: Tại đây, giá đã tăng và thành công phá vỡ được ngưỡng kháng cự. Ở lần thứ 3 này, lực bán yếu hơn đáy 2 nên không đủ sức đẩy giá sâu hơn. Khi giá tăng về gần Neckline, anh em đã có thể nhìn rõ được mô hình và xác định được tín hiệu đảo chiều tăng.
Cách giao dịch vai đầu vai hiệu quả
Dưới đây là ba chiến lược giao dịch với mô hình Vai Đầu Vai phổ biến nhất được sử dụng trong thị trường Coin. Tuy nhiên, trước khi áp dụng các chiến lược này vào giao dịch, anh em nên thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Xác định xu hướng hiện tại
Việc xác định xu hướng hiện tại có vai trò rất quan trọng đối với việc sử dụng mô hình hiệu quả. Để thực hiện được bước này, anh em có thể sử dụng các công cụ xác định xu hướng như trendline, đường kênh giá, đường MA, hỗ trợ – kháng cự trên khung thời gian H4, D1, W1.
Bước 2: Xác định mô hình Vai Đầu Vai
Sau khi xác định được xu hướng hiện tại, anh em chỉ cần kiên nhẫn quan sát mô hình Vai Đầu Vai đã hoàn thiện chưa, cũng như độ mạnh yếu của nó trên biểu đồ.
Bước 3: Xác nhận tín hiệu dựa với các công cụ phân tích
Để xác định tín hiệu một cách rõ ràng nhất, và nắm được những entry tiềm năng, anh em sẽ cần kết hợp với một số chỉ báo động lượng như MACD, RSI, AO,.. các mô hình nến hoặc chỉ báo Mây Ichimoku.
Chiến lược mạo hiểm
Đây là chiến lược dành cho những anh em không muốn bỏ lỡ cơ hội và có điểm cắt lỗ tương đối tối ưu. Tuy nhiên, cũng vì thế mà chiến lược này có mức độ rủi ro lớn hơn rất nhiều so với các phương pháp khác bởi anh em rất dễ giao dịch với tín hiệu giả.
- Điểm vào lệnh: Thực hiện vào lệnh ngay sau khi vai phải được hình thành
- Điểm cắt lỗ (Stop Loss): Đối với mô hình Vai Đầu Vai thuận, anh em có thể đặt Stop Loss trên vùng kháng cự. Ngược lại, với mô hình Vai Đầu Vai ngược, anh em đặt Stop Loss ở dưới vùng hỗ trợ.
- Điểm chốt lời (Take Profit): Anh em có thể chốt lời theo tỷ lệ R:R mục tiêu >1:3. Mức take profit nên trùng với các mức quan trọng của Fibonacci, hoặc anh em có thể gồng lãi thuận theo xu hướng mới.
Chiến lược khi giá Breakout
Khi mô hình Vai Đầu Vai đang diễn ra, tất nhiên những người nằm giữ coin sẽ muốn bán coin tại Head – điểm cao nhất của mô hình để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, khi mô hình mới load 60%, anh em sẽ không thể biết được đâu là đầu và giá còn tăng nữa không? Điều này đồng nghĩa với việc anh em khó tìm được điểm chốt lời khi mô hình chưa hoàn thiện.
Khi Breakout xuất hiện, xu hướng tăng chuyển sang giảm, mới là thời điểm thích hợp nhất để bán. Do phải đợi giá cắt qua neckline để xác định mô hình nên điểm vào lệnh của anh em trong chiến lược này thường nằm dưới Breakout. Kéo theo đó, vị thế giao dịch của chiến lược này khá thấp, lợi nhuận cũng không cao. Nhưng bù lại, anh em sẽ đỡ rủi ro hơn.
Vào lệnh khi giá pullback về Neckline
Thông thường, giá có khả năng sẽ retest lại đường Neckline sau khi đã phá vỡ trước đó, nên nếu anh em cảm thấy vào lệnh khi giá Breakout đem lại lợi nhuận quá thấp, anh em có thể đợi đến khi giá quay về retest cản Neckline để vào lệnh.
Tuy nhiên, khi làm theo chiến lược này, anh em có khả năng đối mặt với việc giá không quay lại Retest Neckline mà giảm sâu luôn sau khi Breakout. Trong trường hợp này, anh em mất cơ hội chốt lời, không kịp bán coin và buộc phải vào lệnh ở một mức thấp. Đây cũng là tình huống xấu nhất và rủi ro của chiến lược này.
Một số ví dụ Vai đầu vai trong thực tế
Anh em có thể tham khảo mô hình Vai Đầu Vai trong thực tế dưới đây.
Đây là biểu đồ của Ethereum trong khung H4 tháng 5/2021. Mô hình Vai Đầu Vai thuận, xuất hiện ở đỉnh xu hướng tăng nhằm báo hiệu đảo chiều giảm.
Trước khi hình thành mô hình, anh em có thể thấy giá uptrend liên tục mà không tạo ra đỉnh/đáy theo xu hướng. Về cơ bản, đây đã là một dấu hiệu bất thường. Sau khi vai phải hình thành, hai đường trung bình trong chỉ báo MACD đã có dấu hiệu giao cắt và hướng xuống. Từ đó, anh em đã xác định được đà giảm.
Trong tình huống này, anh em có thể áp dụng các chiến lược giao dịch phía trên. Đối với phương pháp mạo hiểm, các điểm được xác định như sau:
- Điểm vào lệnh: 3.804,08 USD theo nến màu đỏ. Đây là giai đoạn giá bắt đầu giảm sau vai phải.
- Điểm cắt lỗ: 4.204,35 USD – bên trên vùng đỉnh vai phải.
- Điểm chốt lời: 2.234 USD – tỷ lệ R:R > 1:3.
Những điểm cần chú ý khi sử dụng mô hình Vai đầu vai
Khối lượng
Khối lượng là yếu tố cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến xu hướng của thị trường. Trong quá trình xác định mô hình, anh em nên kiểm tra thêm khối lượng trên biểu đồ. Điều này sẽ giúp hiểu hơn hành vi và tính chính xác của mô hình.
Trong trường hợp lý tưởng nhất, khối lượng giao dịch khi hình thành vai trái sẽ cao hơn so với quá trình hoàn thiện phần đầu của mô hình. Sự sụt giảm về khối lượng này chính là nguyên nhân cho thấy lực mua (trong xu hướng tăng) và lực bán (trong xu hướng giảm) đã dần suy yếu. Tiếp theo, khối lượng có thể tăng một cách đáng kể khi hình thành vai phải và chuẩn bị phá vỡ neckline. Nếu các chỉ số cung cấp cho anh em mức độ khối lượng như đã đề cập, đặc biệt là khối lượng tăng trong thời gian giá phá vỡ Neckline, anh em có thể yên tâm rằng tín hiệu đảo chiều là rất mạnh mẽ.
Target Price
Khi đường viền cổ đã bị giá phá vỡ, khả năng vào lệnh sell của các trader là rất cao. Target price được tính dựa trên khoảng cách của đỉnh đầu và đường neckline. Nên khi sử dụng khoảng cách này, anh em có thể trừ nó khỏi giá phá vỡ để có thể đạt được target gần đúng.
Tất nhiên, mục tiêu giá này cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố khác như đường MA dài hạn, ngưỡng hỗ trợ trước mô hình hoặc các mức thoái lui Fibonacci.
Khung thời gian mô hình
Mô hình vai đầu vai và vai đầu vai ngược có thể được sử dụng trên nhiều khung thời gian khác nhau. Tuy nhiên, nó sẽ đem đến hiệu quả tốt nhất đối với các nhà giao dịch khung H4 hoặc D1.
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã có được cái nhìn rõ hơn về mô hình vai đầu vai thuận và vai đầu vai ngược. Thông qua đó, hi vọng anh em có thể nắm được bản chất của mô hình cũng như dành thời gian để luyện tập nhằm nhanh chóng xác định được mô hình cũng như đọc vị thị trường chính xác nhất. Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Volume Spread Analysis (VSA) – Có nên sử dụng để Trade Coin
Comments (No)