Mô hình Double Tops và Double Bottoms (2 đỉnh 2 đáy) là hai dạng mô hình đã được áp dụng rất hiệu quả đối với các thị trường tài chính, trong đó có cả thị trường Crypto. Vậy hai dạng mô hình này có thể minh họa được những biến động gì của thị trường và tâm lý nhà đầu tư? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được những đặc điểm của mô hình 2 đỉnh, 2 đáy, cũng như biết được những khác biệt khi sử dụng nó trong thị trường Crypto nhé!
Nội dung chính
Mô hình 2 đỉnh (Double Top) là gì?
Mô hình 2 đỉnh hay Double Top là một mô hình đảo chiều, xuất hiện ở cuối xu hướng tăng. Đặc điểm của mô hình này là giá tăng, chạm vào những vùng nhất định nhưng không có đủ khả năng để phá vỡ vùng giá đó. Khi chạm vào những vùng này, giá bật xuống rồi lại tăng lên lên, chạm vào ngưỡng kháng cự một lần nữa. Tại lần chạm kháng cự thứ 2, nếu giá lại bị đẩy về một lần nữa thì mô hình Double Top được hình thành.
Đây là mô hình được sử dụng khá hiệu quả trong thị trường tài chính, nhằm giúp các nhà đầu tư phân tích được sự thay đổi của xu hướng giá. 2 đỉnh của mô hình này được hình thành ở cùng một mức hoặc hai đỉnh chênh nhau không quá lớn và có một neckline đóng vai trò hỗ trợ cục bộ. Sau đoạn đỉnh đầu tiên, giá hồi lại và tăng tạo thành đỉnh thứ hai; tuy nhiên, do áp lực mua đã dần suy yếu nên giá không thể tăng và phá vỡ mức ở đỉnh thứ nhất.
Chỉnh bởi vậy, mô hình này được xem như tín hiệu để các nhà giao dịch thực hiện lệnh bán, đồng thời cũng là báo hiệu cho thấy kết thúc xu hướng tăng, bắt đầu xu hướng giảm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần thận trọng khi xác định mô hình và sử dụng kết hợp các chỉ báo để tránh nhầm lẫn và sai lầm trong quyết định.
Yếu tố xác định mô hình 2 đỉnh
Mô hình Double Top bao gồm 3 yếu tố chính như sau:
- Đỉnh đầu tiên: Giá thoái lui lần đầu
- Đỉnh thứ hai: Giá từ chối lần thứ hai
Lưu ý: hai đỉnh này là hai đỉnh phân biệt, có chiều cao và chiều rộng ngang nhau. Khoảng cách giữa hai đỉnh không được quá nhỏ.
- Neckline: đây là mức hỗ trợ xuất hiện tạm thời giữa hai đỉnh.
Mô hình 2 đỉnh được sử dụng như thế nào?
Khi đạt đến mức quá mua, thị trường có thể hình thành mô hình 2 đỉnh do gặp phải ngưỡng kháng cự. Đây cũng là lý do mà giá thoái lui ở đỉnh đầu tiên. Tại thời điểm giá thoái lui lần đầu và tìm thấy hỗ trợ cục bộ, anh em có thể khó phát hiện ra mô hình. Tuy nhiên, khi giá gặp Neckline và bật ngược trở lại để kiểm tra mức kháng cự mới thì anh em có thể nhận diện được mô hình này. Nếu giá không thể phá vỡ kháng cự và hình thành đỉnh thứ hai thì có nghĩa là anh em nên cảnh giác với xu hướng hiện tại và sẵn sàng với tình huống giá phá vỡ đường viền dưới cổ. Thời điểm giá xuống mức dưới neckline, anh em có thể xác nhận được mô hình 2 đỉnh.
Chiến lược giao dịch với mô hình hai đỉnh
Kết hợp chỉ báo RSI
Để nắm bắt được mô hình hai đỉnh một cách hiệu quả hơn, anh em có thể sử dụng kết hợp với chỉ báo RSI – chỉ báo cung cấp các tín hiệu quá mua và quá bán. Anh em có thể quan sát hình ảnh dưới đây
Mô hình hai đỉnh hình thành sau một xu hướng tăng với đỉnh đầu đạt đến mức kháng cự, đồng thời RSI cũng đưa ra tín hiệu quá mua. Tuy nhiên, sau đỉnh này, thị trường có những tín hiệu suy yếu và hình thành nên vùng trũng đặc trưng. Sau đó, đỉnh thứ hai phát triển mạnh hơn một chút, có thể phá vỡ được ngưỡng kháng cự trong thời gian ngắn.
Điều đặc biệt ở đây là tại đỉnh thứ 2, RSI không đưa ra tín hiệu mua quá mức. Tại đây, anh em có thể xác định được phân kỳ giữa chỉ báo dao động RSI và giá thị trường. Rõ ràng, lúc này động lượng đang chậm lại còn phân kỳ thì đưa ra tín hiệu giảm giá.
Anh em có thể xác nhận được điểm vào lệnh của giao dịch khi giá đóng cửa bên dưới neckline và cắt lỗ ở mức kháng cự nối hai đỉnh. Bên cạnh chỉ báo RSI, anh em cũng có thể sử dụng một số chỉ báo khác như mức Fibonacci để nhận diện điểm dừng lỗ và mục tiêu lợi nhuận hay sử dụng chỉ báo Stochastic để xác thực điểm vào lệnh với dấu hiệu quá mua.
Giao dịch khi giá Breakout khỏi Neckline
Đây là chiến thuật mà anh em sẽ thực hiện vào lệnh bán ngay khi mô hình Double Tops hình thành. Cụ thể, khi giá phá vỡ Neckline, anh em vào lệnh bán.
Điểm Stoploss (cắt lỗ) anh em đặt tại đỉnh thứ 2, có thể đặt cách đỉnh một khoảng nhất định.
Điểm Take Profit (Chốt lời) anh em có thể đặt cách điểm vào lệnh một khoảng bằng chiều cao của mô hình.
Giao dịch khi giá Retest Neckline
Chiến thuật này sẽ giúp anh em giao dịch một cách an toàn hơn, đổi lại, nếu giá không quay lại retest mà giảm một mạch thì anh em sẽ bỏ lỡ cơ hội vào lệnh đẹp.
Trong chiến thuật này, điểm vào lệnh là điểm mà giá quay lại retest neckline.
Đối với điểm Stoploss và Take Profit anh em có thể đặt giống chiến thuật trên.
Giao dịch khi thành lập đỉnh thứ 2
Đối với chiến thuật này, anh em sử dụng thêm Trendline để xác định điểm vào lệnh rõ ràng hơn. Trendline là đường thẳng đi qua đáy trung tâm và đáy của các đoạn giảm điều chỉnh trước đó.
Điểm vào lệnh của anh em sẽ là giao điểm giữa trendline và giá giảm từ đỉnh thứ 2. Điểm cắt lỗ có thể đặt trên đỉnh thứ 2. Điểm chốt lời (take profit) có thể đặt tương tự cách trên hoặc dựa trên tỉ lệ R:R = 1:2
Mô hình 2 đáy (Double Bottom) là gì?
Mô hình 2 đáy hay Double Bottom là mô hình gồm 2 đáy với mức giá tương đương nhau, thể hiện tín hiệu đảo chiều tăng đầy tiềm năng và kết thúc xu hướng giảm. Mô hình này cũng sở hữu một neckline nhưng đóng vai trò là ngưỡng kháng cự. Khoảng thời gian giữa hai đáy trong mô hình càng dài thì mô hình càng có xác suất thành công cao hơn.
Yếu tố xác định mô hình 2 đáy
Mô hình 2 đáy cũng có thể xác định được với 3 yếu tố sau:
- Đáy thứ nhất: nơi giá nảy lên lần đầu.
- Đáy thứ hai: nơi giá bị từ chối lần thứ hai.
Lưu ý: Hai đáy này là hai đáy có chiều rộng và chiều cao bằng nhau, khoảng cách giữa chúng không được quá nhỏ. Đối với trường hợp đáy sau thấp hơn đáy trước, anh em có thể sử dụng các chỉ báo khác nhằm xác định phân kỳ.
- Neckline: đây là kháng cự xuất hiện tạm thời giữa hai đáy.
Mô hình 2 đáy được sử dụng thế nào?
Tại đáy thứ nhất, giá bật lên và tạo ra dao động đáy có thể khiến anh em cho rằng đây là thoái lui thông thường. Khi giá chạm vào điểm kháng cự và quay lại mức hỗ trợ một lần nữa, chúng ta có thể nhìn nhận được kháng cự cục bộ hay neckline. Trong diễn biến tiếp theo, nếu giá phá vỡ bên dưới đáy thứ nhất thì tất nhiên mô hình hai đáy không thể được hình thành. Tuy nhiên, nếu nỗ lực giảm giá lần thứ hai này bị thất bại, mức hỗ trợ sẽ được hình thành ở đáy thứ nhất thì mô hình sẽ xuất hiện rõ ràng hơn. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn còn là quá sớm để tham gia vào thị trường.
Thời điểm thị trường từ chối đáy thứ hai và giá bật lên trở lại trên neckline thì anh em đã có thể cân nhắc và tham gia vào thị trường. Những tín hiệu lúc này cũng trở nên rõ ràng hơn rất nhiều.
Chiến lược giao dịch với mô hình 2 đáy.
Kết hợp chỉ báo
Tương tự với mô hình 2 đỉnh, việc sử dụng mô hình 2 đáy kết hợp với các chỉ báo như RSI, chỉ báo Stochastic sẽ hỗ trợ cho anh em rất nhiều trong việc xác định mô hình cũng như thời điểm vào lệnh hiệu quả hơn.
Trên thị trường thực tế, không phải lúc nào hai đáy cũng xuất hiện với chiều cao và chiều rộng bằng nhau. Trong trường hợp đáy sau thấp hơn đáy trước, việc kiểm tra chỉ báo dao động RSI để xác định phân kỳ tăng sẽ giúp anh em có thêm niềm tin và xác định được các điểm vào lệnh tốt hơn.
Giao dịch khi giá Breakout khỏi Neckline
Đây là chiến thuật được áp dụng phổ biến nhất. Trong đó, anh em sẽ thực hiện vào lệnh mua ngay khi giá phá vỡ Neckline..
Điểm Stoploss (cắt lỗ) anh em đặt tại đáy thứ 2, có thể đặt cách đáy một khoảng nhất định.
Điểm Take Profit (Chốt lời) anh em có thể đặt cách điểm vào lệnh một khoảng bằng khoảng cách từ đáy đến trung tâm mô hình.
Giao dịch khi giá Retest Neckline
Bên cạnh việc tham gia thị trường ngay khi giá vượt qua neckline, anh em tiếp cận mô hình này theo cách thận trọng hơn. Thay vì chờ đợi để giá phá vỡ được hình thành một cách rõ ràng, anh em có thể tiếp tục theo dõi thị trường, bởi sau khi phá vỡ trên neckline, giá vẫn có thể đảo chiều xuống thấp hơn. Để thấy được lực tăng một cách rõ ràng hơn, anh em có thể xác định mô hình hai đáy hình thành, để price action phá vỡ trên neckline trước đã, rồi chờ đợi đợt kéo lui trong khu vực và hành động vào lệnh mua khi giá đã trùng với neckline, hay phá vỡ dao động đỉnh.
Nói một cách dễ hiểu hơn, thay vì vội vàng mở lệnh khi giá phá vỡ trên neckline, anh em có thể chờ xem liệu một đợt kéo lui có xảy ra hay không. Cách này có thể giúp anh em đảm bảo được rằng lực tăng giá trên thị trường đã đủ mạnh để bắt đầu một xu hướng tăng mới.
Giao dịch khi thành lập đáy thứ 2
Tương tự như với cách giao dịch trong mô hình Double Tops, anh em sử dụng thêm Trendline để xác định điểm vào lệnh trong mô hình Double Bottoms. Trendline là đường thẳng đi qua đỉnh trung tâm và đỉnh của các đoạn tăng điều chỉnh trước đó.
Điểm vào lệnh của anh em sẽ là giao điểm giữa giá tăng từ đáy từ 2 và trendline. Điểm cắt lỗ có thể đặt dưới đáy thứ 2. Điểm chốt lời (take profit) có thể đặt tương tự cách trên hoặc dựa trên tỉ lệ R:R = 1:2
Tất nhiên, khi sử dụng mô hình 2 đỉnh hoặc mô hình 2 đáy, anh em cũng cần cảnh giác bởi việc xảy ra bẫy giảm giá hay bẫy tăng giá vẫn có thể xảy ra.
Điểm khác biệt giữa Mô hình Double Tops và Double Bottoms
Về cơ bản, hai mô hình này không có quá nhiều khác biệt, chúng chỉ hoàn toàn trái ngược nhau. Tâm lý thị trường và cách thức kết hợp chỉ báo phân tích kỹ thuật đối với hai mô hình này có thể được áp dụng tương tự nhau, chỉ có điều đối với mô hình hai đỉnh là tín hiệu đảo chiều tăng còn đối với mô hình hai đáy là tín hiệu đảo chiều giảm.
Tuy nhiên, anh em sẽ cần lưu ý một điểm như sau. Đối với các khung thời gian lớn, cách thức tiếp cận với hai dạng mô hình này có thể khác nhau. Trong đó, thị trường Crypto đang trên đà mở rộng nên hai đáy có thể xuất hiện thường xuyên hơn.
Ưu nhược điểm của Mô hình Double Tops và Double Bottoms
Ưu điểm
Một số khung thời gian có thể áp dụng hiệu quả hai mô hình này là M15, H1, H4, hoặc D1. Trong đó, cả những anh em giao dịch trong ngày hay người giao dịch đảo chiều đều có thể sử dụng. Đối với những anh em đã có kinh nghiệm sử dụng mô hình này trong các thị trường tài chính khác như ngoại hối, hàng hóa, chứng khoán thì việc áp dụng nó trong Crypto càng trở nên đơn giản hơn.
Như đề cập, việc sử dụng mô hình này kết hợp với các chỉ báo phân tích kỹ thuật hoặc đọc nến sẽ cung cấp cho anh em tín hiệu đáng tin cậy hơn.
Hạn chế
Tương tự như các mô hình nến hay những chỉ báo phân tích kỹ thuật khác, mô hình Double Top và Double Bottom cũng có những hạn chế nhất định. Trong đó, điểm bất lợi nhất của dạng mô hình này là hai đỉnh và hai đáy không đảm bảo được chính xác việc một xu hướng mới sẽ được hình thành hay được củng cố. Ví dụ trong mô hình hai đáy, giá vẫn có thể đẩy xuống thấp hơn dưới mức hỗ trợ lần thứ 3 và thậm chí có thể phá vỡ được mức hỗ trợ nếu lực bán đủ lớn. Do vậy, việc quản lý rủi ro là luôn luôn cần thiết đối với nhà giao dịch.
Một số lưu ý khi sử dụng mô hình 2 đỉnh, 2 đáy
Vậy làm thế nào để có thể quản lý rủi ro và đảm bảo những hành động giao dịch được thực hiện một cách chắc chắn và an toàn hơn? Việc giao dịch ngay khi giá phá vỡ neckline của mô hình là một trong những sai lầm lớn của anh em khi sử dụng mô hình này. Trong thời điểm đó, nếu không đủ cẩn thận, anh em có thể giao dịch ngược lại với một xu hướng lớn hơn rất nhiều. Ví dụ như thị trường đang ở giữa một động thái giảm mạnh và mô hình hai đáy mà anh em xác định được chỉ là một mô hình “nhỏ” thì giá vẫn có thể bỏ qua và tiếp tục xu hướng giảm chung.
Để tránh được điều này, anh em có thể sử dụng thêm MA20 để nắm được xu hướng lớn của thị trường. Nếu giá nằm dưới MA, anh em không nên vội vàng hành động khi giá phá vỡ neckline. Đối với mô hình 2 đỉnh, giá không được cao hơn MA20.
Ngoài ra, anh em cũng có thể đặt điểm cắt lỗ để tránh việc giá đột ngột di chuyển theo hướng mà anh em chưa lường trước. Điểm cắt lỗ có thể được đặt giữa neckline (điểm phá vỡ) và mức kháng cự (trong mô hình Double Top) hoặc mức hỗ trợ (trong mô hình Double Bottom).
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em cũng đã nắm được những thông tin chi tiết về Mô hình Double Tops và Double Bottoms, cũng như hiểu được cách áp dụng và những phương pháp để quản lý rủi ro khi sử dụng hai dạng mô hình này. Thông qua đó, hy vọng anh em có thể nắm bắt được tâm lý thị trường và đưa ra những quyết định giao dịch thận trọng hơn, tiềm năng hơn. Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Phân tích kỹ thuật Trade Coin: Hướng dẫn người mới (Full Trading)
Comments (No)