10 mô hình 2 nến đảo chiều

Mô hình 2 nến đảo chiều là gì, cung cấp cho nhà đầu tư những tín hiệu gì về thị trường. Những mô hình này có thể giúp anh em ra vào lệnh một cách hiệu quả hơn hay không? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được 10 mô hình 2 nến đảo chiều thông dụng nhất cũng như những ý nghĩa liên quan nhé!

Mô hình 2 nến đảo chiều là gì?

1. Mô hình 2 nến đảo chiều là gì

Khi anh em sử dụng mô hình nến Nhật để quan sát và nắm bắt các tín hiệu từ thị trường, anh em sẽ cần làm quen với các mẫu nến cơ bản. Mô hình 2 nến đảo chiều là mô hình được xác định bởi 2 nến, có vai trò đem lại cho nhà đầu tư những tín hiệu mạnh hơn về khả năng đảo chiều của xu hướng.

Như chúng ta đều biết, thị trường sẽ có 3 trạng thái chính: Bullish (thị trường tăng), Bearish (thị trường giảm) và Neutral (thị trường không có xu hướng hay còn gọi là đi ngang – sideway). Dựa vào mô hình 2 nến đảo chiều, anh em có thể nắm bắt được những thời điểm thị trường chuyển từ tăng sang giảm hoặc ngược lại giảm sang tăng. Thông qua đó, anh em có thể vào lệnh ngay thời điểm sóng đảo chiều.

10 mô hình 2 nến đảo chiều phổ biến 

Thay vì tìm hiểu một loạt nến đảo chiều tăng và nến đảo chiều giảm, chúng ta sẽ tìm hiểu từng cặp mô hình 2 nến tăng giảm để anh em dễ hình dung và dễ nhớ hơn đối với những mô hình 2 nến đảo chiều này.

1. Bullish Kicker

1.1. Bullish Kicker

Dấu hiệu:

  • Mô hình bao gồm 2 nến Marubozu
  • Nến Marubozu đỏ xuất hiện trước nến Marubozu xanh
  • Xuất hiện ở đáy xu hướng giảm

Đối với Bullish Kicker, nến Marubozu đỏ xuất hiện ở đáy của một xu hướng giảm, có thể được nhìn nhận như người thủ môn của “phe mua”. Tại đây, anh ta thực hiện sút bóng lên, khiến mức giá tăng đột ngột. Anh em có thể thấy được có một khoảng Gap đáng kể giữa giá đóng cửa nến đỏ và giá mở cửa của nến xanh. 

Trên thực tế, đây là mẫu nến thường xuất hiện trong chứng khoán nhiều hơn và hiếm khi gặp trong Crypto. Vì coin chúng ta sẽ giao dịch xuyên suốt 24/7 (không bỏ ngày nào) khiến khoảng trống giá ít khi xuất hiện. 

2. Bearish Kicker

2. Bearish Kicker

Dấu hiệu:

  • Mô hình bao gồm 2 nến Marubozu
  • Nến Marubozu xanh xuất hiện trước nến Marubozu đỏ
  • Xuất hiện ở đỉnh của xu hướng tăng

Ngược lại với Bullish Kicker, Bearish Kicker xuất hiện ở đỉnh xu hướng tăng để đưa ra tín hiệu đảo chiều giảm. Tại đây, cây nến Marubozu xanh cũng có thể được coi như thủ môn của “phe bán” và thực hiện cú sút bóng xuống, khiến mức giá giảm kịch liệt. Dạng nến này cũng xuất hiện trong chứng khoán nhiều hơn. 

3. Bullish Engulfing

3. Bullish Engulfing

Dấu hiệu:

  • Xuất hiện ở đáy xu hướng giảm
  • Nến đỏ nằm phía trước nến xanh
  • Giá mở cửa của nến xanh thấp hơn giá đóng cửa nến đỏ
  • Giá đóng cửa của nến xanh cao hơn giá mở cửa nến đỏ 

 Bullish Engulfing còn được gọi là mô hình Nhấn Chìm Tăng. Trong đó, chúng ta có thể xác định mô hình này thông qua một nến đỏ phía trước và một nến xanh phía sau. Giá mở cửa của nến xanh thấp hơn giá đóng cửa của nến đỏ, nhưng giá đóng cửa lại cao hơn nến đỏ phía trước tạo tín hiệu cho đà tăng mạnh.

Anh em cũng có thể hình dung là nến xanh đang nuốt trọn nến đỏ (nhấn chìm) để tạo ra một xu hướng tăng mới. Đây cũng là lý do mà mô hình này có tên gọi là nến nhấn chìm tăng.

Mô hình này thường xuất hiện ở đáy xu hướng giảm hoặc trong giai đoạn điều chỉnh giảm để báo hiệu cho một giới hạn nơi phe bán đã bị suy yếu, phe mua tìm được vùng giá thích hợp để tham gia thị trường. Do đó, mức giá có sự thay đổi nhanh chóng, và khả năng xuất hiện một xu hướng tăng mới.

4. Bearish Engulfing

4. Bearish Engulfing

Dấu hiệu:

  • Xuất hiện ở đỉnh xu hướng tăng.
  • Nến xanh nằm trước nến đỏ.
  • Giá mở cửa của nến đỏ cao hơn giá đóng cửa của nến xanh.
  • Giá đóng cửa của nến đỏ thấp hơn (phủ qua) giá mở cửa của nến xanh. 

Mô hình Bearish Engulfing có cấu tạo ngược lại so với mô hình Bullish Engulfing. Là một nến xanh phía trước và một nến đỏ phía sau. Trong đó, nến đỏ đóng nến nhấn chìm toàn bộ nến xanh trước đó.

Mô hình này xuất hiện tại đỉnh xu hướng tăng hoặc trong giai đoạn điều chỉnh tăng giá. Khi anh em bắt gặp mô hình này, nghĩa là phe bán đang muốn “tắm máu” phe mua. Do đó, mức giá thay đổi đột ngột khiến xu hướng tăng kết thúc và bắt đầu cho một xu hướng giảm.

5. Piercing Line

5. Piercing Line

Dấu hiệu

  • Xuất hiện trong xu hướng giảm
  • Gồm một nến đỏ (bên trái) và một nến xanh (bên phải)
  • Giá đóng cửa của nến xanh cao hơn 50% nến đỏ
  • Giá mở cửa của nến xanh thấp hơn giá đóng cửa của nến đỏ

Piercing Line hay còn được gọi là nến “đường xuyên”. Có nghĩa là tại đây, nến xanh đã xuyên lên được 50% của nến đỏ phía trước. Việc nến xanh vượt quá 50% của nến đỏ cho thấy một lực đẩy lớn của phe mua, báo hiệu xu hướng đảo chiều tăng sắp xảy ra.

Khi xem xét mô hình nến này, anh em sẽ cần chú ý đến chiều dài của thân nến. Chỉ khi chiều dài của nến xanh vượt qua 50% của nến đỏ thì mô hình mới có thể được xác định. Và thân nến xanh vượt qua mức 50% của nến đỏ càng nhiều, càng thể hiện được độ mạnh của việc đảo chiều tăng.

6. Dark Cloud Cover

6. Dark Cloud Cover

Dấu hiệu:

  • Xuất hiện trong xu hướng tăng
  • Gồm 1 nến xanh (bên trái) và 1 nến đỏ (bên phải)
  • Giá mở cửa của nến đỏ lớn hơn giá đóng cửa của nến xanh
  • Giá đóng cửa của nến đỏ phủ xuống 50% thân của nến xanh

Ngược lại với mô hình trên, Dark Cloud Cover hay còn gọi là mây đen che phủ là mô hình nến báo hiệu đảo chiều từ tăng sang giảm. Tại đây, nến đỏ xuất hiện ở đỉnh của một xu hướng tăng, thể hiện một lực cản lớn đối với phe mua. Nến đỏ trong mô hình này giống như một đám mây đen báo hiệu cơn mưa sắp ập đến vậy. Do đó, khi nhìn thấy mô hình này xuất hiện, anh em nên dừng lại một chút để xem xét trước khi quyết định mua.

Với mẫu nến này, anh em cũng cần xem xét thân nến và mốc 50% để chắc chắn rằng mình đã xác định được đúng mô hình. Độ phủ thân nến càng lớn, càng thể hiện được độ mạnh của xu hướng đảo chiều. Để dễ ghi nhớ hơn, anh em có thể hình dùng thế này: nếu độ phủ của thân nến đủ lớn nó sẽ nhấn chìm luôn xu hướng hiện tại và bắt đầu một xu hướng mới. Và Dark Cloud Cover sẽ trở thành Bearish Engulfing còn Piercing Line sẽ trở thành Bullish Engulfing.

7. Bullish Harami

7. Bullish Harami

Đây có thể được đánh giá là một trong những mô hình 2 nến đảo chiều được sử dụng phổ biến nhất không chỉ trong thị trường Crypto mà còn đối với nhiều thị trường khác như chứng khoán, forex, …

Dấu hiệu

  • Xuất hiện trong xu hướng giảm
  • Gồm 1 nến đỏ (nến mẹ) và 1 nến xanh/đỏ (nến con)
  • Thân nến mẹ dài, bao phủ nến con
  • Thân nến con nhỏ hơn 30% so với thân nến mẹ

Mô hình Bullish Harami hay còn gọi là mô hình nến “Mẹ 1 con” (trong tiếng Nhật, Harami có nghĩa là “mang thai”) bởi nến nhỏ phía sau tương đối giống với bụng bầu của cây nến đỏ. Nến đỏ có thân dài còn nến xanh có thân ngắn hơn, chỉ tương đương với khoảng 25% thân nến đỏ hoặc ít hơn. Nến phía sau có thể là nến xanh hoặc nến đỏ. Nến xanh có râu nằm trọn trong nến đỏ thì tín hiệu đảo chiều từ giảm sang tăng càng trở nên mạnh mẽ.  

8. Bearish Harami

8. Bearish Harami

Dấu hiệu

  • Xuất hiện trong xu hướng tăng
  • Gồm 1 nến xanh (nến mẹ) và 1 nến xanh/đỏ (nến con)
  • Thân nến mẹ dài, bao phủ nến con
  • Thân nến con nhỏ hơn 30% so với thân nến mẹ

Bearish Harami cũng có cấu tạo tương tự như đối với Bullish Harami, tuy nhiên, vị trí của mô hình là ở đỉnh của một xu hướng tăng. 

Tại đây, xu hướng tăng đã được duy trì và củng cố để có được độ chắc chắn nhất định. Tuy nhiên, lực bán đã tạo ra một sự bứt phá nhẹ hoặc lực mua đã suy yếu dẫn đến việc đảo chiều từ tăng sang giảm là rất có khả năng. Nhưng do khả năng đảo chiều không được thể hiện một cách mạnh mẽ trong mô hình Harami nên anh em vẫn cần chờ đợi 1 vài nến sau để chắc chắn hơn với phán đoán của mình. Khi anh em bắt gặp mô hình nến này trong thị trường side way, anh em sẽ cần hết sức cẩn thận trong quá trình xem xét.

9. Tweezer Bottom

9. Tweezer Bottom

 Dấu hiệu

  • Xuất hiện trong xu hướng giảm
  • Gồm 1 nến đỏ (bên trái) và 1 nến xanh (bên phải)
  • Giá đóng cửa của nến đỏ bằng giá mở cửa của nến xanh

Tweezer Bottom hay còn gọi là mô hình đáy nhíp do phần đáy của cả 2 cây nến là bằng nhau.

Tại đây, thị trường đang trong một xu hướng giảm, giá được đẩy xuống thấp và tạo đáy. Tuy nhiên, trong phiên tiếp theo, giá không vượt qua được mức đáy mà tăng ngược trở lại. Điều này cho thấy bên mua đang chiếm được ưu thế, dẫn đến mức giá đảo chiều và tăng. Tuy nhiên, anh em lưu ý rằng tín hiệu đảo chiều có thể được xác định chính xác hơn nếu giá đóng của bằng với giá mở cửa. Nếu hai mức giá này có sự chênh lệch nhất định, phán đoán của chúng ta sẽ có độ nhiễu. Một số tài liệu nước ngoài sử dụng cả phần râu nến để xác định mô hình, nhưng xác định dựa trên đáy của thân nến sẽ cho anh em những tín hiệu chuẩn xác hơn.

10. Tweezer Top

10. Tweezer Top

Dấu hiệu

  • Xuất hiện trong xu hướng tăng
  • Gồm 1 nến xanh (bên trái) và 1 nến đỏ (bên phải)
  • Giá đóng cửa của nến xanh bằng giá mở cửa của nến đỏ

Tweezer Top hay còn gọi là mô hình đỉnh nhíp do đỉnh của 2 cây nến là bằng nhau. 

Tại đây, thị trường đang ở một xu hướng tăng, giá được bên mua đẩy lên và tạo đỉnh. Nhưng trong phiên tiếp theo mức giá này lại không thể vượt qua mà thay vào đó là nó biến động giảm xuống. Có thể thấy, trong trường hợp này bên mua đã bắt đầu có dấu hiệu chốt lời còn bên bán đang dần trở nên mạnh mẽ hơn khi giá tiệm cận với vùng kháng cự, dẫn đến thị trường có khả năng chuyển từ tăng sang giảm. 

Đối với mô hình này, thân nến đỏ càng dài và phủ qua được nến xanh càng nhiều thì càng cho tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ. 

Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu được hết 10 mô hình phổ biến và cơ bản của 2 nến đảo chiều. Thông qua đó, anh em sẽ cần dành thời gian thực hành để nhận dạng và phát hiện được sớm nhất những mô hình này. Bên cạnh đó, anh em cũng cần ghi nhớ rằng thị trường Crypto có những biến động rất bất thường nên việc áp dụng máy móc sẽ không đem lại hiệu quả tối đa. Thay vì vậy, anh em có thể kết hợp thêm với các công cụ phân tích kỹ thuật khác hoặc nắm bắt thông tin thị trường để có được sự quan sát đa chiều nhất.

Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã nắm được mô hình 2 nến đảo chiều là gì, có những dạng như thế nào và mang ý nghĩa ra sao. Thông qua đó, hy vọng anh em có thể nhanh nhạy trong việc nhận dạng các mô hình này cũng như lựa chọn thêm được những phương pháp phân tích kỹ thuật khác phù hợp để có được lợi nhuận tiềm năng nhất. Chúc anh em thành công!

Bài viết cùng chủ đề

12 Mẫu nến cơ bản trong PTKT

12 mô hình 3 nến đảo chiều

➤  Phân tích kỹ thuật Trade Coin: Hướng dẫn người mới (Full Trading)

Comments (No)
Leave a Reply