Phân tích chỉ báo Market Data | CryptoQuant

Market Data là gì, bao gồm những chỉ số nào và thể hiện được những khía cạnh ra sao trong thị trường Crypto?

Tại các bài viết trước, chúng ta đã được tìm hiểu về kha khá các chỉ số như Exchange Flow, Flow Indicator, Market Indicator, … Trước khi đọc bài viết này, anh em nên dành thời gian để tìm hiểu về các chỉ số trên để nắm được những kiến thức cơ bản về chỉ số trong CryptoQuant nhé!

Market Data

1. Market Data là gì

Đúng với tên gọi của nó, Market Data cung cấp cho chúng ta một loạt các chỉ số có liên quan đến thị trường, bao gồm việc so sánh giữa thị trường chung với một số thị trường đặc thù như thị trường Crypto tại Mỹ, tại Hàn Quốc. Đồng thời, tại đây anh em cũng sẽ hiểu chi tiết về các loại Cap (Capital) – lượng vốn, … Cụ thể như thế nào, anh em tham khảo kỹ hơn dưới đây nhé!

Coinbase Premium Index

Đây là chỉ số đầu tiên trong Market Data. Mục đích sử dụng chính của chỉ số này là quan sát được sự chênh lệch giữa khả năng mua trên sàn Coinbase và sàn Binance. Tại sao lại đưa ra so sánh giữa hai sàn giao dịch này?

2. Biểu đồ chỉ số Coinbase Premium Index

Nếu đã có sự tìm hiểu, anh em sẽ biết rằng Coinbase là sàn giao dịch chính được sử dụng bởi các nhà đầu tư hay các quỹ đầu tư tại Mỹ. Nhờ vậy, khi phân tích các dữ liệu liên quan đến Coinbase, chúng ta sẽ có được sự so sánh chi tiết hơn về hành động của các cá mập bên Mỹ và các nhà đầu tư đến từ những nơi khác trên thế giới.

Với biểu đồ trên, anh em có thể thấy rõ hai vùng xanh – đỏ. Toàn bộ biểu đồ này là sự so sánh về sức mua của sàn Coinbase và sàn Binance. Trong đó, vùng xanh thể hiện rằng sức mua của sàn Coinbase đang lớn hơn sàn Binance, và ngược lại.

Kết luận lại, với biểu đồ này, anh em tập trung phân tích 3 yếu tố sau:

  • Trọng số đang nghiêng về bên nào: Nếu vùng xanh xuất hiện nhiều có nghĩa là các nhà đầu tư Mỹ đang hoạt động sôi nổi hơn so với thị trường chung. Ngược lại, nếu vùng đỏ xuất hiện nhiều hơn có nghĩa là các nhà đầu tư Mỹ đang mua bán khá ít.
  • Mức giá coin tại mỗi sàn: Sức mua lớn tất yếu dẫn đến việc mức giá bị đẩy lên cao. Giúp chúng ta biết được sàn giao dịch nào có giá coin đang bị lệch nhiều.
  • Giai đoạn tích lũy: Khi vùng xanh xuất hiện nhiều và liên tục, có thể thấy các nhà đầu tư Mỹ đang ở trong giai đoạn tích lũy. Tuy nhiên, anh em để ý đến mức giá coin trong những thời điểm vùng xanh xuất hiện nhiều. Nếu mức giá có xu hướng giảm thì chắc chắn là các nhà đầu tư này đang thực hiện gom hàng. Tuy nhiên, nếu vùng xanh xuất hiện ngay cả khi giá coin đang đà tăng thì đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy các quỹ đầu tư đang thực hiện thổi giá, hoặc các nhà đầu tư lẻ đang trong tâm lý Fomo với vùng giá đó.

Coinbase Premium Gap

Chỉ số này tương đối giống với Coinbase Premium Index nhưng thay vì sử dụng phần trăm thì nó đưa ra lượng coin cụ thể. Anh em quan sát biểu đồ sau đây:

3. Biểu đồ chỉ số Coinbase Premium Gap

Tùy vào thói quen phân tích mà anh em có thể thiên về xem Index hoặc xem Gap. Tuy nhiên, anh em lưu ý một vấn đề quan trọng sau. Do Index thể hiện chênh lệch dựa trên phần trăm nên nó sẽ không thể hiện được cụ thể biên độ giá. Một ví dụ đơn giản là 1.8% của $4000 sẽ khác hoàn toàn so với 1.8% của $40.000. Do vậy, anh em nên check Coinbase Premium Gap để nắm được biên độ giá cụ thể.

Đây cũng là lý do anh em thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa hai biểu đồ trong thời điểm 12/2020 đến 06/2021. Trong những lúc cao điểm, mức giá Bitcoin trên Coinbase có thể đắt hơn cả trăm đô so với giá Bitcoin trên Binance. Tuy nhiên, anh em cũng không nên lợi dụng yếu tố này để lấy coin từ 1 sàn và bán ra trên sàn khác bởi việc giao dịch trên mạng lưới Bitcoin là khá lâu với chi phí đắt đỏ. Anh em nên nhớ mục đích chính khi chúng ta sử dụng biểu đồ này là nắm được hành vi của những nhà đầu tư tại Mỹ so với mặt bằng chung của toàn bộ thị trường crypto.

Korea Premium Index

Đến đây chắc hẳn anh em cũng hình dung được tương đối rằng chỉ số này sẽ hướng đến phân tích dữ liệu liên quan đến nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc. Đúng vậy, Korea Premium Index đưa ra những so sánh giữa các sàn giao dịch của Hàn Quốc với các sàn giao dịch khác.

4. Biểu đồ chỉ số Korea Premium Index

Tại sao lại là Hàn Quốc?

Với hai chỉ số phía trên, chắc hẳn anh em không có thắc mắc nhiều về lý do tại sao CryptoQuant lại lựa chọn các nhà đầu tư Mỹ để so sánh bởi Mỹ là nơi tập trung các quỹ đầu tư lớn, các cá mập có tên tuổi, … Vậy đối với Hàn Quốc thì sao? Vào cuối năm 2017, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Crypto. Họ được nhiều và mất cũng rất nhiều. Tuy nhiên, khi nhà nước đưa ra lệnh cấm, người dân đã đề xuất được đóng thuế để tiếp tục đầu tư trong mảng này. Vì vậy, một số sàn giao dịch dành riêng cho người dân Hàn Quốc đã được ra đời với nguyên tắc và khuôn khổ pháp lý rõ ràng, nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư và nộp thuế của người dân tại đây. Một số sàn giao dịch có thể kể đến như Upbit, Bithumb, Coinone, Korbit, …

Có thể nói, người dân Hàn Quốc có hiệu suất đầu tư rất lớn hay rất mạnh tay đối với mảng Crytocurrency. Bởi vậy, việc đưa ra chỉ số này sẽ giúp anh em nắm được rõ hơn tâm lý của các nhà đầu tư tại Hàn Quốc. Thông thường, chỉ số này được sử dụng với mục đích tham khảo. Tuy nhiên, trong những trường hợp cao điểm, lượng người chơi đông đảo tại một quốc gia cũng có thể được coi là một thế lực có tầm ảnh hưởng đến thị trường. Anh em có thể phân tích kỹ hơn nếu thấy những dấu hiệu bất thường đối với chỉ số này.

Market Cap

5. Biểu đồ chỉ số Market Cap

Đây hẳn là cụm từ đã quá quen thuộc với anh em, đồng thời cũng là dữ liệu mà anh em có thể tìm kiếm tại rất nhiều nơi. Việc đưa chỉ số này vào trong bộ chỉ số, CryptoQuant đã có tính toán để anh em có thể thực hiện so sánh các loại Cap với nhau một cách dễ dàng hơn.

Công thức chỉ số cho những anh em nào chưa biết:

6. Công thức chỉ số Market Cap

Việc so sánh sẽ được hướng dẫn cụ thể cho anh em sau khi chúng ta điểm qua các chỉ số có liên quan đến Cap dưới đây.

Realize Cap

7. Biểu đồ chỉ số Realize Cap

Nhắc đến Realized Cap, anh em có thể nghĩ ngay đến Realized Price – một chỉ số đã được nhắc đến trong bộ chỉ số Market Indicator. Về cơ bản, chỉ số này cho chúng ta biết được tổng lượng giá trị thực của một đồng coin đang là bao nhiêu. Để làm được điều này, hệ thống sẽ thực hiện nhân tổng UTXO với mức giá tại thời điểm UTXO đó được tạo.

Anh em tham khảo công thức sau đây:

1 Công thức chỉ số Realize Cap

Average Cap 

9. Biểu đồ chỉ số Average Cap

Chỉ số này thể hiện lượng Cap tính trên giá trị trung bình. Tuy nhiên, khác với các đường SMA, chỉ số này không được tính dựa trên các mốc thời gian như 7 ngày, 10 ngày, mà nó được tính bằng cách lấy Market Cap chia cho tổng số lượng ngày mà Bitcoin đã tồn tại.

Anh em tham khảo công thức sau:

10. Công thức chỉ số Average Cap

Delta Cap

11. Biểu đồ chỉ số Delta Cap

Delta Cap được tính bằng cách lấy Realized Cap trừ đi Average Cap. Như vậy, đây sẽ là phần dư ra giữa Cap thực và Cap trung bình của đồng coin

Anh em tham khảo công thức sau đây:

12. Công thức chỉ số Delta Cap

Thermo Cap (Inflow Cap)

13. Biểu đồ chỉ số Thermo Cap (Inflow Cap)

Đây là chỉ số khá thú vị, thể hiện được lượng tiền mới đang chảy vào thị trường. Cụ thể hơn, nó được tính dựa trên số lượng coin mới, được khai thác bởi thợ đào. Lượng coin này sẽ được nhân với giá coin tại thời điểm khai thác để cho ra tổng giá trị. Anh em hiểu đơn giản như thế này, tại thời điểm Bitcoin $20.000, có 1.000 BTC được tạo ra. Điều đó đồng nghĩa với việc có $20.000.000 mới được sinh ra trong thị trường.

Đối với chỉ số này, anh em có thể thấy một đường nét đứt xuất hiện trong biểu đồ. Đây là dấu hiệu của Halving – chế độ giảm một nửa lượng phần thưởng khối cho thợ đào dựa trên chu kỳ nhất định.

So sánh các chỉ số về Cap

Về cơ bản, mỗi chỉ số phía trên đều đã đưa ra được thông tin cụ thể về khía cạnh vốn mà nó tập trung. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nếu chỉ dựa vào một chỉ số, chúng ta khó có thể đưa ra được những phân tích hay có góc nhìn đa chiều về thị trường. Tại thời điểm của bài viết, CryptoQuant cũng chưa phát triển chỉ số để so sánh các loại Cap này, nhưng tất nhiên, anh em vẫn có thể thực hiện so sánh được chúng theo hướng dẫn sau:

14. Hướng dẫn so sánh chỉ số về Cap

1. Anh em nhấn vào Dashboard, sau đó nhấn vào Add Dashboard để tạo một Dashboard

15. Hướng dẫn so sánh chỉ số về Cap

2. Tiếp theo, anh em điền các thông tin cần thiết như tên Dashboard (Dashboard Title), Tags, …

16. Hướng dẫn so sánh chỉ số về Cap

17. Hướng dẫn so sánh chỉ số về Cap3. Sau khi tạo Dashboard, anh em có thể thêm rất nhiều thứ như Note, hình ảnh, Link, Label, Chart. Anh em lựa chọn Chart, tìm kiếm các chỉ số liên quan đến Cap và lần lượt Add chúng vào Dashboard.

18. Hướng dẫn so sánh chỉ số về Cap

4. Đến đây, anh em có thể trỏ chuột vào các Chart, thay đổi vị trí của chúng để tiện lợi hơn cho quá trình quan sát. Dưới đây, mình sẽ thực hiện một số so sánh và phân tích chính có liên quan đến các chỉ số về Cap.

Market Cap & Realized Cap

19. So sánh MarketCap và RealizedCap

Việc so sánh giữa 2 chỉ số này khá đơn giản. Một bên là tổng giá trị của đồng coin trên thị trường (dựa vào lượng coin và giá hiện tại), một bên là tổng giá trị thực của đồng coin (dựa vào lượng UTXO và giá tại thời điểm tạo UTXO).

Khi giá trị của một đồng coin đang thấp hơn giá của chính nó trên thị trường, tức Realized Cap < Market Cap, có nghĩa là anh em đang có lợi khi mua, đồng thời chọn được những vùng mua phù hợp. Ngược lại, khi Realized Cap > Market Cap, anh em có thể tìm được cho mình những vùng bán có lợi.

Market Cap & Delta Cap

20. So sánh MarketCap và DeltaCap

Việc so sánh giữa hai chỉ số này có thể đưa ra cho anh em một vùng mua lý tưởng. Tại sao? Delta Cap cung cấp cho chúng ta phần dư ra giữa Market Cap và Average Cap. Vậy Market Cap càng sát với Delta Cap càng có khả năng tạo ra cho chúng ta vùng mua phù hợp.  

Realized Cap & Delta Cap

21. So sánh Realized Cap và Delta Cap

Dựa vào công thức của Delta Cap, chúng ta có thể thấy hai yếu tố chính tạo nên Delta Cap là Realized Cap và Average Cap. Trong đó, nếu không có biến động lớn, Average Cap sẽ không có sự khác biệt rõ rệt. Do vậy, Delta Cap sẽ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi Average Cap.

Thậm chí có thể lấy Delta Cap làm vùng giá để đặt target tiếp theo để mua Bitcoin. Để làm được điều này, anh em có thể thực hiện tính bằng cách: Delta Cap / Circulating Supply

Ví dụ: Tại thời điểm ngày 21/09/2022, chúng ta có tính toán như sau:

Vùng mua = 271.000.000 / 19.157.000 = 14,146

Theo kinh nghiệm, anh em có thể cộng thêm 1.000 nữa để xác định vùng mua. Tức là vùng mua đẹp đối với Market Cap này là $15.100

Market Cap & Thermo Cap

22. So sánh MarketCap và Thermo Cap

Anh em quan sát 2 ví dụ sau:

12/03/2020 (Thời điểm Bitcoin tạo đáy)

23. Dữ liệu so sánh ngày 12_03_2020

Market Cap: khoảng 88 tỷ đô
Thermo Cap: khoảng 17 tỷ đô
⇒ThermoCap/MarketCap = 17/88 = 0.19 = 19%

08/11/2021 (Thời điểm Bitcoin tạo đỉnh)

24. Dữ liệu so sánh ngày 08_11_2021

Market Cap: Khoảng 1.274 tỷ đô
Thermo Cap: Khoảng 35 tỷ đô
⇒ThermoCap/MarketCap = 35/1.274 = 0,02 = 2%

Với ví dụ trên, anh em có thể quan sát được rằng tỉ lệ giữa Thermo Cap và Market Cap càng cao, xu hướng giá càng có khả năng cao tạo đáy; ngược lại, nếu tỉ lệ này càng thấp, giá coin càng có xu hướng tạo đỉnh. Tại sao?

Anh em có thể hình dung như sau: Tổng lượng coin trên thị trường là một bình nước, giá coin tại mỗi thời điểm khác nhau là những góc độ ánh sáng khác nhau. Như vậy, Market Cap chính là cái bóng của bình nước, còn Thermo Cap là lượng nước được đổ thêm vào bình mỗi ngày. Tùy vào góc độ ánh sáng mà cái bóng của bình nước có thể lớn hoặc nhỏ, cũng như tùy vào mức giá mà Marketcap có thể lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, điểm quan trọng mà anh em cần quan tâm là khi cái bóng càng lớn thì đồ vật càng trở nên nhỏ bé và ngược lại. Tất nhiên, lượng coin sẽ được tạo ra mỗi ngày, nhưng khi đặt trong tương quan so sánh với Marketcap quá lớn, lượng coin sẽ chiếm tỉ trọng nhỏ; khi so sánh với Marketcap quá nhỏ thì lượng coin sẽ chiếm tỉ trọng lớn.

Điều này giải thích lý do tại sao tỉ lệ ThermoCap/MarketCap là 19% khi Bitcoin tạo đáy và là 2% khi Bitcoin tạo đỉnh. Thông qua đó, chúng ta cũng có thể tính toán được vùng giá phù hợp trong thời điểm hiện tại.

 

Thời điểm hiện tại (04/10/2022)

25. Dữ liệu so sánh ngày 04_10_2022

MarketCap: khoảng 376 tỷ đô
ThermoCap: khoảng 45 tỷ đô
ThermoCap/MarketCap = 45/376 = 0.11 = 11%

Đây là một vùng mua khá tốt mà anh em có thể cân nhắc bởi tỉ lệ lúc này đã vượt mốc 10%. Hoặc, nếu anh em muốn tỉ lệ là 15%, anh em có thể tính toán như sau:

ThermoCap/MarketCap = 15% = 0.15
ThermoCap: 45 tỷ đô
MarketCap = 45/0.15 = 300 tỷ đô
Price = MarketCap/ Circulating Supply
      = 300.000.000.000/19.157.000 = $15.660
(Đây là vùng mua tương đối giống với vùng mua chúng ta xác định bằng Delta Cap – $15.100)

Khi tính toán được vùng giá này, anh em có thể cân nhắc vào vốn một chút trong thời điểm hiện tại, và DCA với những vùng giá thấp hơn. Anh em lưu ý rằng những chỉ số này sẽ chỉ phục vụ cho việc ước lượng một cách tương đối vùng giá tại đáy và tại đỉnh chứ không thể đưa ra cho anh em con số chính xác là Bitcoin sẽ tạo đáy ở đâu, tạo đỉnh ở đâu. Việc mua ở đáy và bán ở đỉnh vốn là điều không tưởng, đặc biệt là với một thị trường khó đoán như Cryptocurrency. Thay vì kỳ vọng bắt đáy, đu đỉnh, anh em có thể áp dụng các chiến thuật phân bổ vốn để đầu tư và chốt lời tại các vùng mua/vùng bán phù hợp.

Price & Volume

26. Biểu đồ chỉ số Price & Volume

Hai chỉ số Price & Volume và Price & Volume KRW là hai chỉ số mà anh em không cần tập trung phân tích quá nhiều. Đồng thời, anh em có thể tìm kiếm được chúng trên rất nhiều công cụ khác. Price & Volume KRW cũng đơn giản là Price và Volume của các sàn giao dịch Hàn Quốc mà thôi.

Một số lưu ý

Market Data là bộ chỉ số khá nhẹ nhàng, không có quá nhiều các chỉ số phức tạp. Những chỉ số chính mà anh em cần để tâm là Coinbase Premium Index/Gap (Nắm được hành vi của các nhà đầu tư tại Mỹ), Korea Premium Index (Nắm được tâm lý của các đầu tư lẻ tại Hàn Quốc), Delta Cap (Nắm được độ lệch giữa Realized Cap và Average Cap), và Thermo Cap (Nắm được tương quan giữa khối lượng Asset được mint ra so với toàn bộ mạng lưới).

Và tất nhiên, anh em nên có sự kết hợp giữa nhiều chỉ số để đảm bảo góc nhìn đa chiều với thị trường cũng như có được phân tích đánh giá một cách tổng quan nhất nhé!

Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã có dịp tìm hiểu về bộ chỉ số Market Data, cũng như nắm được cách tạo Dashboard để so sánh được nhiều biểu đồ cùng một lúc. Thông qua đó, hy vọng anh em đã nắm được cách tính toán các loại Cap, hiểu được phương hướng phán đoán xu hướng giá đồng thời đưa ra được cho mình những quyết định sáng suốt nhất. Chúc anh em thành công!

 

Bài viết cùng chủ đề

Đường SMA và EMA là gì? Cách ứng dụng trong giao dịch Crypto, Trade coin

Khác biệt giữa biểu đồ chart Linear và chart Log (logarit) trong Crypto

Altcoin là gì? Lúc nào thì nên đầu tư Altcoin

 

Comments (No)
Leave a Reply