Lý thuyết Dow

Lý thuyết Dow là gì, có thể được ứng dụng với thị trường Cryptocurrency để xác định chuyển động và xu hướng thị trường không? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được những nguyên tắc chính trong lý thuyết Dow nhé!

Lý thuyết Dow là gì?

Dow Theory hay lý thuyết Dow là một bộ nguyên tắc được đưa ra để giúp nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc xác định biến động và xu hướng của thị trường. Đối với thị trường chứng khoán, lý thuyết Dow có thể được coi là viên gạch đầu tiên tạo ra tiền đề, nền tảng cho việc nghiên cứu phân tích kỹ thuật và phát triển những chỉ số quan trọng như trendline, MACD, RSI, sóng Elliott, …

1. Lý thuyết Dow là gì

Lý thuyết Dow tập trung phản ánh những biến động của thị trường chung cũng như các cặp tiền tệ hay mã cổ phiếu. Trong đó, dù một số cổ phiếu có thể có xu hướng ngược lại với thị trường nhưng ¾ số cổ phiếu trên thị trường sẽ dao động cùng chiều với xu hướng thị trường. Do đó, mã cổ phiếu của bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi xu hướng, dù ít hay nhiều. 

Đối với giới đầu tư tài chính, lý thuyết Dow của Charles H.Dow là cơ sở hệ thống đầu tiên để toàn bộ các nghiên cứu khác có thể được tiến hành với nguyên tắc cốt lõi là: thị trường chứng khoán là thước đo cho nền kinh tế.

Trước đây, 2 chỉ số thuộc 2 ngành kinh tế chính được nghiên cứu là đường sắt và công nghiệp. Hiện tại, các chỉ số đã có sự thay đổi nhất định, lý thuyết Dow cũng tồn tại một số hạn chế về độ trễ nhưng nó vẫn là cơ sở quan trọng được áp dụng trong nhiều thị trường tài chính, trong đó có cả thị trường Crypto. 

Lý thuyết Dow được hình thành và phát triển như thế nào?

2. Lý thuyết Dow được hình thành và phát triển

Charles H.Dow là người đã khám phá lý thuyết này. Lý thuyết Dow lần đầu tiên được xuất hiện dưới dạng một bài luận đăng tải trên Wall Street Journal với những chỉ dẫn cụ thể liên quan đến biến động thị trường chứng khoán. Charles thực hiện phân tích dựa trên 2 chỉ số cơ bản của Dow Jones. Dow Jones là những chỉ số đầu tiên được công bố khi Charles thành lập công ty Dow Jones. Nó được thiết lập để theo dõi và đại diện cho những biến động của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu còn đang dang dở, Charles đã đột ngột qua đời. Lý thuyết Dow sau đó được hoàn thiện bởi cộng sự của ông là William P.Hamilton.

Nguyên tắc của lý thuyết Dow

Lý thuyết Dow gồm có 6 nguyên tắc chính với chi tiết như sau:

Nguyên tắc 1: Thị trường phản ánh tất cả

Nguyên tắc này là tiền đề cơ bản của lý thuyết Dow, cho rằng các yếu tố liên quan đến thị trường là cảm xúc nhà đầu tư, lạm phát, dữ liệu lãi suất, giá cả trong quá khứ, hiện tại, tương lai đều có thể ảnh hưởng đến thị trường, bỏ qua những tác động ngoại quan bất ngờ như sóng thần, động đất hay những vấn đề về khủng bố.

Cụ thể hơn, các thông tin này có thể giúp nhà đầu tư dự đoán, nắm được các dấu hiệu dẫn đến sự kiện trong tương lai bởi tất cả các yếu tố đã – đang – sắp xảy ra đều được định giá vào thị trường. Bất cứ khi nào xuất hiện thay đổi, thị trường sẽ có sự điều chỉnh giá để phản ánh lượng thông tin đó. Ví dụ, khi một đồng Coin dự kiến hợp tác với các bên lớn như Samsung Apple để phát triển hệ sinh thái, nhu cầu với đồng Coin đó sẽ tăng trước khi việc hợp tác chính thức bắt đầu. Mức giá có thể không thay đổi nhiều sau khi việc hợp tác diễn ra. Đây là cách mà thị trường phản ánh được mọi thứ trước khi nó xảy ra. 

Nguyên tắc này là ý tưởng đã từng xuất hiện vào năm 1960 với công trình nghiên cứu của Eugene Fama – giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH). Sự khác biệt ở lý thuyết Dow nằm ở chỗ, nó có thể được dùng để dự đoán xu hướng.

Trên thực tế, đây không phải là một khám phá quá mới mẻ với các nhà giao dịch bởi việc trader giao dịch dựa trên biến động giá mà bỏ qua các yếu tố khác cũng diễn ra rất phổ biến. Trong phân tích kỹ thuật chính thống, giá cả là yếu tố rất được coi trọng trong lý thuyết Dow. Nhưng thay vì chỉ xem xét biến động trong một thị trường thì lý thuyết Dow chú trọng đến biến động của toàn bộ thị trường. Ví dụ, người sử dụng lý thuyết Dow có thể xác định kỹ các chỉ báo nằm trong xu hướng chính để biết được biến động giá và họ chỉ đưa ra quyết định đầu tư khi nắm được ý tưởng về xu hướng chính. Trong trường hợp xu hướng chính là xu hướng tăng thì nhà đầu tư sẽ thực hiện vào lệnh buy một cách riêng lẻ với những mức định giá hợp lý. 

Tuy nhiên, cũng có những nhà giao dịch không đồng tình với nguyên tắc này và tin rằng thị trường không phản ánh được giá trị nội tại của một cổ phiếu. Đó hầu hết là những người chuộng phân tích cơ bản. Ngoài ra, phần lớn các nhà giao dịch và nhà đầu tư đều tin tưởng nguyên tắc này, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng phân tích kỹ thuật.

Nguyên tắc 2: Ba xu thế của thị trường

Theo nguyên lý Dow, thị trường luôn xuất hiện 3 xu thế là xu thế chính (cấp 1), xu thế phụ (cấp 2) và xu thế nhỏ (cấp 3)

3. Nguyên tắc 2 - Ba xu thế của thị trường

  • Xu thế chính (xu thế cấp 1): Đây là xu thế dài nhất và thường được các nhà đầu tư quan tâm nhất. Thông thường nó có thể kéo dài từ 1 cho đến 3 năm, chia ra thành xu thế tăng và giảm. Xu thế chính không chịu sự thao túng của bất cứ thế lực nào như các quỹ đầu tư, tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào, đồng thời cũng rất khó để dự đoán.
  • Xu thế phụ (xu thế cấp 2): Xu thế này thường kéo dài trong khoảng 1 đến 3 tháng và có hướng đi ngược lại so với xu thế chính.
  • Xu thế nhỏ (xu thế cấp 3): Xu thế này có thời gian ngắn nhất (không quá 3 tuần) và hướng đi ngược lại với xu thế phụ.

4. Nguyên tắc 2- Ba xu thế của thị trường

Xu thế phụ và xu thế nhỏ là hai xu thế có những biểu hiện không rõ ràng và có nhiều khả năng bị nhiễu. Nếu nhà đầu tư quá để tâm đến 2 xu thế này mà bỏ qua xu thế chính, họ có thể bỏ lỡ những cơ hội đầu tư về mặt dài hạn.

Nguyên tắc 3: Xu hướng chính gồm 3 giai đoạn

4.1. Nguyên tắc 3 - Xu hướng chính gồm 3 giai đoạn

Đối với xu hướng chính, sự phát triển sẽ luôn trải qua 3 giai đoạn chính. Trong xu hướng chính tăng, 3 giai đoạn chính là tích lũy, bùng nổ và quá độ. Trong xu hướng chính giảm, 3 giai đoạn chính là phân phối, tuyệt vọng, và sụp đổ.

5. Nguyên lý 3 - Xu thế chính có 3 giai đoạn

Xu hướng tăng

6. Nguyên tắc 3 - Xu hướng chính tăng gồm 3 giai đoạn

  • Giai đoạn tích lũy: Đây là giai đoạn mà thị trường có những biến động rất chậm đến mức gần như không có bất cứ thay đổi nào. Tích lũy là giai đoạn thường xảy ra ở cuối xu thế giảm, khi mà tài sản đang sở hữu mức giá tương đối thấp. Tuy nhiên, cũng bởi nó nằm ở cuối xu thế giảm nên nhà đầu tư khó có thể phân biệt được liệu thị trường đã thực sự kết thúc xu thế giảm hay chưa.
  • Giai đoạn bùng nổ: Với giai đoạn này, những biến động trên thị trường diễn ra rất mạnh mẽ, mức giá có những bước tăng mạnh. Đây là thời điểm mà các nhà đầu tư thực hiện mua vào rất nhiều để chờ thời cơ giá bùng nổ.
  • Giai đoạn quá độ: Khi đi qua giai đoạn bùng nổ, thị trường đạt được mức tăng cao nhất và lực mua đã trở nên yếu dần. Khi đó, tâm lý của nhà đầu tư sẽ là bán dần tài sản mà mình đang giữ để chốt lời dẫn đến sự khởi đầu của xu hướng giảm.

Xu hướng giảm

7. Nguyên tắc 3 - Xu hướng chính giảm gồm 3 giai đoạn

  • Giai đoạn phân phối: Giai đoạn này được hình thành khi nhiều nhà đầu tư tin rằng giá có thể tiếp tục tăng dẫn đến việc liên tục thực hiện hành động mua. Tuy nhiên, việc mua vào liên tục này lại là biểu hiện của đu đỉnh.
  • Giai đoạn tuyệt vọng: Trong giai đoạn này, nhà đầu tư có thể gặp phải rất nhiều thông tin tiêu cực dẫn đến trạng thái hoang mang. Kéo theo đó, tài sản được bán tháo liên tục.
  • Giai đoạn sụp đổ: Đây là giai đoạn vô cùng xám xịt đối với thị trường, giá giảm liên tục, nhà đầu tư mất niềm tin. Tài sản bị bán tháo liên tục. Tuy nhiên, cũng vì tài sản sở hữu mức giá quá thấp nên giai đoạn tích lũy có mầm mống hình thành.

Có thể thấy các mỗi giai đoạn lại có những liên hệ với giai đoạn trước đó và sau đó, dẫn đến việc thị trường trở thành một vòng lặp tuần hoàn từ năm tháng này đến năm tháng khác.

Nguyên tắc 4: Xu hướng xác định bằng khối lượng giao dịch

Theo lý thuyết Dow, khối lượng giao dịch có vai trò vô cùng quan trọng và liên kết chặt chẽ với xu hướng của thị trường. Trong đó, độ mạnh yếu của thị trường thường được các nhà đầu tư xác định dựa trên khối lượng giao dịch. Có nghĩa là trong một xu hướng tăng thì khối lượng giao dịch cũng cần tăng hoặc đủ lớn thì giá mới tiếp tục tăng và ngược lại.

8. Nguyên lý 5 - Khối lượng giao dịch xác định xu hướng

Vậy đối với trường hợp giá tăng nhưng khối lượng giao dịch giảm hoặc giá giảm còn khối lượng giao dịch tăng thì sao? Khi khối lượng giao dịch không tỉ lệ thuận với xu hướng, nó có thể là báo hiệu của việc xu hướng đang suy yếu dần và có nguy cơ đảo chiều trong tương lai.

Nhìn chung, dựa vào khối lượng giao dịch mà nhà đầu tư có thể xác định và phán đoán được đối với xu hướng thị trường trong tương lai.

Nguyên tắc 5: Chỉ số bình quân phải xác định lẫn nhau

Tại đây, lý thuyết Dow cho rằng chỉ số thị trường nên được xác định dựa trên tương quan với xu hướng của thị trường khác. Trong thời điểm đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số đường sắt Dow Jones là 2 chỉ số được nhắc đến chủ yếu. 

Thị trường vận tải (chủ yếu là đường sắt) có hoạt động gắn liên với hoạt động công nghiệp. Có nghĩa là cần phải tăng cường hoạt động đường sắt để cung cấp các nguyên liệu thô, từ đó mới có thể sản xuất nhiều hàng hóa hơn. Cũng vì có một mối tương quan rõ ràng giữa thị trường vận tải và ngành sản xuất nên sự tăng trưởng ở 1 thị trường mới ảnh hưởng đến thị trường còn lại. Tuy nhiên, hiện tại nguyên tắc này đã không còn phù hợp do không yêu cầu giao hàng thực tế và nhiều hàng hóa là kỹ thuật số.

Nguyên tắc 6: Xu hướng duy trì cho đến khi đảo chiều

Khi không xuất hiện dấu hiệu của đảo chiều rõ ràng thì xu hướng đi lên hoặc đi xuống sẽ tiếp tục được duy trì. Cụ thể hơn, lý thuyết Dow cho rằng sự nghi ngờ là cần thiết đối với các xu hướng đảo chiều cho đến khi anh em thực sự xác nhận được xu hướng chính. Việc phân biệt một xu hướng cấp hai và sự bắt đầu của một xu hướng chính mới là rất khó khăn và dễ gây ra nhầm lẫn. Nhiều nhà đầu tư cũng đã mắc phải lỗi này và cho rằng xu hướng chính là xu hướng đảo chiều trong khi nó mới chỉ dừng lại ở xu hướng cấp hai. 

9. Nguyên lý 6 - Xu hướng được duy trì cho đến khi dấu hiệu đảo chiều xuất hiện

Để mở rộng thêm nguyên tắc này, chúng ta cũng không thể “tự tin” chắc chắn được rằng đâu là đỉnh đâu là đáy của một xu hướng, cho đến khi có tín hiệu xác nhận rõ ràng. Việc cố gắng “bắt đỉnh, bắt đáy” là việc ai cũng muốn làm nhưng lại lại việc không nên làm bởi thị trường luôn là một biến số khó lường.  

Bởi vậy, nguyên tắc này đưa ra một lời khuyên quý giá đối với các nhà đầu tư là cần hết sức kiên nhẫn và có sự quan sát chính xác để nhận ra được những dấu hiệu đảo chiều. Đây cũng là một trong những chìa khóa quan trọng để có được chiến lược giao dịch hiệu quả.

Hạn chế của Lý thuyết Dow là gì?

Thị trường tài chính nói chung và thị trường Crypto nói riêng có rất nhiều biến động khó lường, không tuân thủ theo bất cứ lý thuyết nào. Bởi vậy, việc nắm được một số hạn chế của lý thuyết Dow sẽ giúp anh em có được tư duy phản biện tốt hơn, đồng thời tránh được những rủi ro không đáng có.

  • Lý thuyết Dow không mang tính tuyệt đối: bản thân tác giả của lý thuyết cũng đã thừa nhận rằng lý thuyết Dow không đúng với tất cả trường hợp. Phụ thuộc vào tình hình thực tế của thị trường mà nhà đầu tư nên có những áp dụng phù hợp thay vì máy móc tuân thủ theo một lý thuyết nhất định.
  • Lý thuyết Dow có độ trễ: Trên thực tế, thị trường có sự biến động không ngừng và đôi khi một giai đoạn trong xu thế chính có thể đi qua rất nhanh. Hay nói cách khác, không phải xu thế nào cũng có đầy đủ 3 giai đoạn và không phải giai đoạn nào cũng dễ dàng nhận biết. Nếu nhà đầu tư máy móc và chờ đợi quá lâu mà không có cơ sở thì việc thất bại và thua lỗ là rất khó tránh khỏi.
  • Lý thuyết Dow không áp dụng được với khung thời gian ngắn: Lợi nhuận có thể được nắm bắt đối với cả những chiến lược đầu tư ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, với những trường hợp này, việc áp dụng lý thuyết Dow lại không đem lại hiệu quả tốt.
  • Lý thuyết Dow không cung cấp điểm vào lệnh rõ ràng: Lý thuyết này có thể cung cấp được cho anh em các xu hướng của thị trường cũng như một số nguyên tắc cốt lõi của thị trường nhưng nó tuyệt nhiên không đưa ra cho anh em phương pháp ra vào lệnh. Bởi vậy, việc kết hợp với các mô hình nến hay những Indicator khác là vô cùng cần thiết để phân tích và tham gia vào thị trường khi có cơ hội.

Ngoài ra, lý thuyết Dow được xây dựng ban đầu cho thị trường chứng khoán nên khi áp dụng lý thuyết này vào thị trường crypto, anh em không cần dùng nguyên tắc 5.

Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã nắm được những nguyên tắc trong lý thuyết Dow cũng như hiểu được một số hạn chế khi áp dụng lý thuyết này vào quá trình phân tích. Thông qua đó, hy vọng anh em đã nắm được bản chất cơ bản của thị trường, đồng thời xây dựng chiến lược giao dịch riêng để phù hợp với bản thân và đem lại hiệu quả tốt nhất. Chúc anh em thành công!

 

Bài viết cùng chủ đề

Chỉ báo Kỹ thuật Commodity Channel Index (CCI)

Phân tích chỉ báo Market Data | CryptoQuant

➤  Tokenomics là gì? Tìm hiểu chi tiết về Tokenomics của 1 dự án chuẩn

Comments (No)
Leave a Reply