Lạm phát coin/token là gì, nó có ảnh hưởng như thế nào đối với thị trường tiền điện tử? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được những điều cơ bản về lạm phát trong tiền điện tử cũng như giải đáp được xem việc lạm phát là tốt hay xấu nhé!
Nội dung chính
Lạm phát coin/token là gì?
Lạm phát coin/token hay token Inflation là trạng thái lượng token lưu thông tăng lên quá nhiều theo thời gian. Do vậy, giá trị của token hay giá trị tài sản của nhà đầu tư sẽ bị pha loãng. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến lạm phát coin/token như:
- Số lượng token trong lưu thông tăng lên do hoạt động unlock token theo roadmap.
- Dự án bị hacker tấn công dẫn đến nhiều token bị mint ra liên tục.
- Hoạt động khuyến khích User Lock, Staking để giảm lượng token lưu thông nhưng lâu dần lượng reward này cũng gây ra lạm phát.
Nói chung, việc thiếu hụt nhu cầu, chính sách phát hành coin/token chưa hiệu quả, tác động thị trường hay khả năng bị tấn công là những nguyên nhân chính dẫn đến việc lượng lưu thông của coin/token bị tăng ngoài mức kiểm soát — > Lạm phát.
Một số khái niệm liên quan khác
Trong kinh tế nói chung, lạm phát là một thuật ngữ để chỉ việc sức mua của đồng tiền bị giảm. Ví dụ, cách đây 5 năm chúng ta có thể dùng 15.000 VNĐ để mua 1 tô phở thì hiện tại một tô phở có giá là 30.000 VNĐ. Điều này có nghĩa là 15.000 VNĐ chỉ mua được một nửa tô phở, hay sức mua của đồng tiền đã giảm đi một nửa.
Những khái niệm khác liên quan có thể kể đến là giảm phát (thể hiện sự sụt giảm của mức giá chung trong nền kinh tế), thiểu phát (lạm phát tỷ lệ thấp), siêu lạm phát (lạm phát trên 1000%), tái lạm phát (nỗ lực chống lại áp lực lạm phát bằng cách nâng cao mức giá chung).
Nguyên nhân dẫn đến lạm phát coin/token
Như đã đề cập phía trên, có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến khả năng lạm phát của một tài sản tiền điện tử. Để anh em có thể nắm được quá trình lạm phát diễn ra như thế nào, chúng ta sẽ điểm qua một số trường hợp điển hình nhất như sau:
- Phát hành coin liên tục và không giới hạn: Đây là trường hợp đồng coin bị lạm phát do chính sách phát hành coin của dự án. Khi dự án quyết định phát hành coin liên tục, không có kế hoạch cụ thể, không có các biện pháp để ngăn quá trình lạm phát thì lượng token lưu hành sớm muộn cũng bị tăng lên ngoài kiểm soát, dẫn đến lạm phát.
- Nhiều dự án xuất hiện: Việc một loạt các dự án tương tự nhau cùng xuất hiện cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Anh em có thể hình dung thế này, lượng vốn hóa không thay đổi nhưng người dùng lại có quá nhiều lựa chọn giống nhau. Điều này khiến nguồn cung tăng lên và token bị giảm giá.
- Mining coin: Việc khai thác coin xuất hiện ở rất nhiều Blockchain. Có thể nói mỗi ngày lại có một lượng coin nhất định được trả thưởng cho việc xác thực block. Về cơ bản, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng coin tăng lên dần. Tuy nhiên, tùy vào thuật toán của từng dự án mà việc khai thác coin có thể dẫn đến lạm phát hay không. Ví dụ, đối với Bitcoin, nguồn cung là có hạn với 21 triệu BTC. Ngoài ra, thuật toán của Bitcoin cũng có khả năng điều chỉnh độ khó để đảm bảo số lượng coin được khai thác mỗi ngày sẽ không tăng vượt ngưỡng. Vì lẽ đó, Bitcoin có sự kiểm soát tốt đối với tỷ lệ lạm phát và được người dùng tin tưởng.. thậm chí nếu khai thác hết 21 triệu BTC thì bitcoin sẽ bị giảm phát. Tuy nhiên, đối với những đồng coin có nguồn cung vô hạn, đồng thời thuật toán không giải quyết tốt được lượng coin mint ra mỗi ngày thì đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát.
- Đối với token GameFi: lạm phát có thể xuất hiện nếu dự án không xây dựng được tokenomics hợp lý, không hạn chế được lượng NFT rao bán. Bên cạnh đó, bản chất P2E của GameFi cũng là một nguyên nhân khiến những token này bị lạm phát và giảm giá từng ngày. Cụ thể hơn, nguyên nhân này xuất phát từ việc người dùng muốn “ăn xổi”, tức là thu vốn và lấy lãi nhanh.
Như vậy, lạm phát coin/token có thể xảy ra do dự án, do thị trường khách quan, và do cả người dùng. Tuy nhiên, hầu hết nguyên nhân dẫn đến lạm phát coin/token là bởi tokenomics của dự án.
Phân tích trader đầu cơ bán khống IMX
Một số Trader đã lợi dụng việc lạm phát của token sau khi mở khóa để thực hiện kế hoạch đầu cơ bán khống. Tất nhiên, mục đích của việc này là để kiếm nhiều lợi nhuận, nhưng liệu có thực sự là họ kiếm được nhiều lợi nhuận hay không? Chúng ta sẽ cùng nhìn vào trường hợp của IMX.
IMX đã mở khóa lượng token có giá trị khoảng 154 triệu đô với vốn hóa chỉ 298 triệu USD. Lượng token được mở khóa này tương đương với 52% trong khi volume giao dịch lúc đó chỉ đạt 20 triệu. Theo lý thuyết, giá IMX sẽ giảm mạnh. Vậy trên thực tế thì sao?
Thời điểm trước khi Unlock (02/11/2022)
- Cung lưu thông: 514,798,052 IMX
- Giá IMX: $0.58
- Vốn hoá: $298,582,000
- Volume giao dịch 24h: $20,000,000
Thời điểm sau Unlock (05/11/2022)
- Cung lưu thông: 771,649,407 IMX
- Giá IMX: $0.66 USD
- Vốn hoá: $379,090,000
- Volume giao dịch 24h: $57,000,000
Một số thông tin khác
- Số lượng token được unlock: 256,851,355 IMX
- Lượng token Unlock chiếm khoảng 12.8% so với tổng cung là 2,000,000,000 IMX
- Vốn hóa thị trường của IMX tăng thêm khoảng 80,508,000 USD
- Giá trị đối với lượng token unlock là khoảng 154,110,831 USD, tương đương với 0.6 USD/IMX
Như vậy, mặc dù 12.8% token mở khóa so với tổng cung là một con số khá áp lực nhưng giá của IMX vẫn tăng 13% so với trước khi mở khóa. Điều này có thể cho thấy rằng không phải cứ mở khóa thì giá của token sẽ giảm. Ngược lại, lượng vốn hóa của IMX còn tăng lên đáng kể, thêm khoảng 240 triệu USD. Đây có thể được coi là kế hoạch mà đội ngũ của ImmutableX đã thực hiện để tránh được việc đợt unlock đem lại tác động quá lớn.
Sau khi Unlock khoảng 1 tuần, giá của IMX mới có giảm về đáy một cách chính thức (0.382 USD/IMX). Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, giá của IMX đã tăng trở lại dựa vào những ảnh hưởng của xu hướng Layer 2 trên thị trường (cuối năm 2022 đến năm 2023)
Lạm phát coin/token là tốt hay xấu?
Trong nền kinh tế nói chung, lạm phát không phải lúc nào cũng xấu. Theo John Maynard Keynes – nhà kinh tế học nổi tiếng, lạm phát với tỉ lệ nhất định có thể tạo ra việc làm mới trong thời gian kinh tế suy thoái. Với tỉ lệ thấp, lạm phát có thể kích thích được đầu tư, chi tiêu và vay nợ. Đây là những yếu tố vô cùng cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế lành mạnh.
Nhìn vào thị trường tiền điện tử, chúng ta cũng có thể thấy tỷ lệ lạm phát xuất hiện hàng ngày. Nếu tỉ lệ này vẫn được duy trì ở mức thấp, nó vẫn mang một vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy khả năng phát triển của hệ thống Cryptocurrency.
Tuy nhiên, nếu tình trạng lạm phát tăng lên quá cao, vượt ngoài mức kiểm soát hay còn gọi là tình trạng siêu lạm phát thì sức mua tiền tệ sẽ giảm mạnh gây đến xói mòn giá trị. Trong trường hợp đó, dự án và token holder đều chịu thiệt hại lớn.
Yếu tố ảnh hưởng đến giá Coin khi Unlock
Hoạt động Unlock token có thể ảnh hưởng đến giá nếu như chúng tạo ra mức độ lạm phát cao hơn so với nhu cầu thực của thị trường. Một số yếu tố có khả năng tác động đến độ lạm phát của token có thể kể đến như sau:
Thời gian unlock
Quảng thời gian unlock token thể hiện được một phần độ lạm phát của token đó trong tương lai. Ví dụ, anh em có thể nhìn vào trường hợp của uniswap (UNI) và Filecoin (FIL) dưới đây:
Uniswap hiện tại đã mở khóa được 82% trong khi Filecoin mới chỉ mở được 63%. Trên lý thuyết, token của FIL sẽ gặp nhiều áp lực mở khóa hơn so với UNI nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Bởi thời gian vesting của FIL là 40 năm (Unlock hết đến năm 2047) trong khi Uniswap chỉ có 4 năm.
Thời gian vesting ngắn khiến áp lực mở khóa của UNI ngày càng cao hơn cho đến tháng 9 năm 2024. Mức độ lạm phát của FIL sau khoảng thời gian đó sẽ cao hơn UNI. Trên thực tế, UNI không có tổng cung và đã thiết lập mức độ lạm phát cho UNI token là 2%/năm.
Số lượng và Giá trị token được Unlock
Số lượng và giá trị token là những dữ kiện quan trọng mà chúng ta có thể đánh giá được khi đi kèm với các chỉ số sau:
- Market Cap (Vốn hóa) trước khi mở khóa
- FDV (Vốn hóa pha loãng) trước khi mở khóa
- Volume giao dịch trước khi mở khóa
- Số lượng token được mở khóa so với tổng cung
Trong trường hợp giá trị của token được unlock lớn hơn quá nhiều so với volume giao dịch hoặc vốn hóa, chúng sẽ có khả năng cao tạo áp lực lớn lên giá. Anh em quan sát ví dụ sau:
Oasis đã mở khóa khoảng 30% tổng cung từ 11/2021 đến 6/2022, tương đương với 2.9 tỷ $ROSE (667 triệu USD). Trong khi đó, trước thời điêm Unlock, vốn hóa của token này là 340 triệu USD và volume giao dịch là 50 triệu USD.
Rõ ràng, khi đặt trong tương quan so sánh, đợt mở khóa này là không cân xứng và khiến lượng cung của ROSE tăng lên quá nhiều, lực cầu không đủ để đáp ứng. Cũng vì lý do này mà giá của ROSE sau đợt mở khóa này đã liên tục trượt dài từ $0.5 còn $0.066. (kèm theo một số tác động khác).
Đối tượng được phân phối
Token sẽ được phân phối thành các nhóm chính sau khi mở khóa ra cung lưu thông, bao gồm:
- Đội ngũ phát triển và cố vấn
- Treasury (quỹ vận hành dự án)
- Cộng đồng dựa trên hoạt động Incentive
- Nhà đầu tư (vòng Seed, Private, Public, …)
Mỗi đối tượng nhận token lại có những tác động khác nhau đối với giá token khi cùng một lượng token được mở khóa. Dựa vào research của UnlockTokens, vốn hóa của các dự án phân bổ token cho core team và nhà đầu tư thường cao hơn so với vốn hóa của các dự án phân bổ nhiều token cho cộng đồng.
Kinh tế vĩ mô
Kinh tế vĩ mô cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá của token. Từ năm 2022, dòng tiền trong thị trường Crypto càng bị ảnh hưởng lớn hơn bởi dòng tiền vĩ mô.
Do vậy, khi lãi suất của FED tăng từ 0% lên 5%, dòng tiền cũng rút ra nhiều khỏi thị trường Crypto. Bắt đầu với việc giá của Bitcoin giảm và tiếp theo chúng ảnh hưởng một cách dây chuyền đến token của các dự án khác. Tuy mức độ lạm phát của token không cao nhưng tình hình kinh tế vĩ mô cũng mang đến những ảnh hưởng nhất định.
Tokenomics của dự án
Yếu tố có sự tác động mạnh mẽ nhất đối với mức độ lạm phát phải kể đến tokenomics, kéo theo đó, giá của token cũng bị ảnh hưởng. Tokenomics tốt là khi nó có thể giữ được giá của token trong các sự kiện Unlock dựa trên việc thiết lập khả năng hỗ trợ duy trì giá trị.
Case Study cho thấy sự sớm nở tối tàn của các dự án GameFi có thể kể đến Axie Infinity. Những yếu tố tác động đến dự án bao gồm
- Tình hình vĩ mô không đem đến ảnh hưởng tốt
- Dòng tiền lần lượt rút ra khỏi thị trường
- Token bị lạm phát quá mức do lạm dụng token incentive.
Quan sát hình ảnh trên, có thể thấy giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nhất của SLP là từ 1/2021 đến 8/022, kéo theo đó là sự ra đời của hàng trăm các dự án GameFi lớn nhỏ khác trên thị trường.
Trong thời kỳ hoàng kim này, SLP đã được mint ra rất nhiều với mục đích trả thưởng cho người chơi. Lượng SLP được mint ra liên tục này giúp dự án có lợi trong thời gian ngắn bởi nó tạo động lực cho người chơi kiếm được nhiều lợi nhuận, đồng thời thu hút sự quan tâm của người chơi mới. Thông qua đó, giá trị của AXS – native token của Axie cũng được “thơm lây”.
Tuy nhiên, khi lạm phát xuất hiện, SLP giảm từ $0.3 xuống còn $0.015, Negative Feedback Loop (vòng lặp phản hồi tiêu cực) xuất hiện, vốn hóa của AXS cũng vì thế mà giảm mạnh.
Đội ngũ Axie đã thông báo về việc thay đổi cơ chế tokenomics vào 2/2022 khi nhận ra vấn đề. Tuy nhiên, sự thay đổi này là không đủ để cải thiện tình hình. Bên cạnh đó, tình hình vĩ mô cũng trở nên ngày càng xấu khi FED thông báo tăng lãi suất liên tục từ 0% đến 5%, khiến dòng tiền rút khỏi thị trường GameFi nói riêng và cả thị trường Crypto nói chung.
Cách hạn chế tình trạng lạm phát
Một số cách để hạn chế được tình trạng lạm phát có thể kể đến như sau
Quản lý, giám sát và xây dựng dự án bền vững
- Hạn chế việc token được đưa ra thị trường một cách đột ngột, dự án có thể khóa token trong thời gian dài và phân phối chúng theo từng giai đoạn.
- Để số lượng token được phát hành có thể sử dụng đúng mục đích, dự án có thể tăng cường quản lý chính sách token nhằm đảm bảo token được phát hành đúng kế hoạch.
- Tăng cường sự tin tưởng và ủng hộ của cộng đồng bằng cách tạo ra một sản phẩm chất lượng.
Xây dựng Tokenomics hiệu quả
Như đã đề cập, đây là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất đối với dự án. Do vậy, việc xây dựng một Tokenomics hiệu quả là biện pháp đảm bảo sự phát triển tốt nhất và bền vững nhất của dự án, tránh được lạm phát và những tác động xấu đến giá.
- Xây dựng cho token tính ứng dụng xuyên suốt (trả phí giao dịch, staking, launchpad, liquidity providing, thế chấp vay, …) tương tự như cách PancakeSwap xây dựng ứng dụng cho CAKE.
- Tạo ra cơ chế Capture Value của dự án đối với token. Một ví dụ về cách xây dựng tokenomics này Uniswap. Thay vì chia sẻ doanh thu như Sushiswap, UNI Holder chỉ có quyền lợi về Governance nhưng lại vẫn có lợi khi dự án phát triển mạnh và giá trị token tăng.
- Kích thích giảm phát bằng việc áp dụng mô hình burn. Đây là mô hình đã được áp dụng rất nhiều, đặc biệt là đối với CEX token và Blockchain coin. Ví dụ, Ethereum đốt đi base fee khi người dùng trả phí giao dịch còn BNB sử dụng 2 nguồn đốt là Accelerate BNB burn và BEP95.
Vai trò của Bitcoin trong thời kỳ lạm phát
Đối với nền kinh tế nói chung, những tài sản duy trì giá trị theo thời gian như vàng thường được sử dụng để chống lạm phát. Đối với tiền điện tử, Bitcoin – vàng mã hóa cũng mang vai trò tương tự.
Về cơ bản, Bitcoin là tài sản giảm phát và thường được sử dụng làm nơi lưu trữ giá trị tài sản đối với những công dân của những quốc gia có fiat không ổn định. Khác với tiền pháp định, tiền điện tử không bị thao túng bằng cách thay đổi lãi suất hay tăng cường việc in tiền. Đối với Bitcoin, nguồn cung chỉ giới hạn ở 21 triệu BTC. Tuy nhiên, tiền điện tử lại có một hạn chế rất lớn là tính biến động cao. Nếu sự sụt giảm 30% trong vòng từ 24-48h được coi là nghiêm trọng đối với các thị trường tài chính truyền thống thì đây lại là tình huống khá phổ biến trên thị trường tiền mã hóa.
Nói chung, trong thị trường đầy những biến động của tiền điện tử, Bitcoin là đồng coin được ưu tiên trong việc lưu trữ giá trị tài sản. Bên cạnh Bitcoin, Stablecoin cũng được cân nhắc là một tài sản an toàn dựa vào việc neo theo giá của đồng đô la với tỉ lệ 1:1. Một số stablecoin phổ biến: USDT, USDC, BUSD, TUSD,..
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em cũng đã nắm được lạm phát coin/token là gì, nó có những khác biệt như thế nào đối với lạm phát trong hệ thống tài chính truyền thống. Dựa vào đó, anh em cũng có thể đánh giá được những ảnh hưởng tốt và xấu của lạm phát đối với thị trường tiền điện tử và có những phương pháp phòng vệ, chống lạm phát hiệu quả.
Bài viết cùng chủ đề
➤ SushiSwap (SUSHI) là gì? Phân tích tiềm năng của SUSHI
➤ StarkNet là gì? Phân tích hệ sinh thái StarkNet và StarkEx
➤ Phân tích kỹ thuật Trade Coin: Hướng dẫn người mới (Full Trading)
Comments (No)