Phân tích chỉ báo Derivatives | CryptoQuant (Phần 2)

Trong bài viết trước, các chỉ số đầu tiên của Derivatives đã được phân tích một cách rất chi tiết. Tuy nhiên, đó mới là những chỉ số cơ bản đầu tiên và chưa cung cấp được cho anh em những đánh giá sâu sắc về thị trường. Tại bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về các chỉ số còn lại trong bộ chỉ số này để nắm được chi tiết hơn.

Nếu anh em chưa nắm được những chỉ số đầu tiên của bộ chỉ số Derivatives, anh em có thể tham khảo bài viết Phân tích chỉ báo Derivatives | CryptoQuant (Phần 1) để biết thêm chi tiết nhé!

Short Liquidations

Ngược lại với Long Liquidations, Short Liquidations thể hiện được lượng tài sản bị thanh lý hoặc lượng tài sản mà các nhà đầu tư sử dụng lệnh Short đã thoát vị thế.

1. Biểu đồ chỉ số Short Liquidations

Cùng với thời điểm được phân tích trong Long Liquidations, anh em có thể thấy dữ liệu của Short Liquidations trong tháng 3 năm 2020 cũng tăng lên rất cao. Lúc này, anh em có thể thắc mắc rằng tại sao khi mức giá giảm, các nhà đầu tư lệnh Short đang có lợi mà họ lại bị thanh lý nhiều ở khu vực này. Đây là trường hợp đã được nhắc đến trước đó, là khi mức giá biến động có lợi với vị thế của nhà đầu tư, họ có thể thực hiện thoát vị thế để chốt lời. Đây chính là nguyên nhân cho dữ liệu ngày 12/03/2020.

Tuy nhiên, khi anh em thấy xu hướng giá có những biến động ngược lại với phán đoán của các nhà đầu tư, tức là anh em sử dụng lệnh Short nhưng mức giá lại tăng thì dữ liệu Liquidations ở đây chính là thể hiện cho các lệnh thanh lý tài sản. Anh em có thể quan sát thời điểm 30/04/2020 hoặc 01/06/2020. Lúc này mức giá có xu hướng tăng và dữ liệu Liquidations dựng cột, điều này khả năng rất cao là đến từ việc các nhà đầu tư lệnh Short đang bị thanh lý tài sản. Tất nhiên, cũng có những trường hợp các nhà đầu tư thoát vị thế để cắt lỗ.

Do đó, khi anh em thấy Liquidations tăng cao đột ngột, anh em sẽ cần quan sát thêm các yếu tố khác để nắm được xem là dữ liệu này xuất hiện là vì lý do gì. Thông thường, nếu Liquidations đến từ việc các nhà đầu tư bị thanh lý tài sản và khối lượng này quá lớn, nó sẽ dẫn đến áp lực bán như đã phân tích trong phần Long Liquidations.

Long Liquidations USD

Chỉ số này hoạt động tương tự với chỉ số Long Liquidations. Tuy nhiên, thay vì thể hiện dữ liệu dựa vào khối lượng BTC thì nó cho anh em xem được cụ thể giá trị dựa trên USD. Như vậy, anh em có thể nắm bắt được các khối lượng một cách chi tiết hơn.

2. Biểu đồ chỉ số Long Liquidations USD

Mục đích của việc tham khảo chỉ số này là để anh em nắm bắt và quan sát được tình hình thị trường một cách cụ thể hơn. Đối với Long Liquidations, anh em có thể biết được khối lượng BTC. Tuy nhiên, giá trị của mỗi cột dữ liệu còn phụ thuộc vào giá của BTC tại thời điểm đó. Quá trình này có thể khiến anh em phải tính toán một chút hoặc không so sánh rõ các cột dữ liệu của những mức giá BTC khác nhau. Trong trường hợp đó, anh em có thể check ngay Long Liquidations USD để nắm được giá trị và các trọng số của dữ liệu.

Short Liquidations USD

Chỉ số này cũng tương tự như Short Liquidation nhưng được tính theo thang giá trị của USD

3. Biểu đồ chỉ số Short Liquidations USD

Như đã đề cập, việc nắm bắt các chỉ số này sẽ giúp anh em cân đo đong đếm được các giá trị dữ liệu một cách chính xác hơn.

Taker Buy Sell Ratio

Nhìn thấy Ratio chắc hẳn anh em cũng đã đoán được mục đích của chỉ số này là đưa ra tương quan so sánh. Cụ thể hơn, nó cho anh em quan sát được sự chênh lệch rõ rệt giữa lệnh Long và lệnh Short trên thị trường

Công thức

Taker Buy Sell Ratio

Về cơ bản, anh em có thể hiểu được rằng công thưc này đưa so sánh giữa lệnh Buy (lệnh Long) và lệnh Sell (lệnh Short). Nếu tỉ lệ này cho ra con số lớn hơn 1 có nghĩa là các nhà đầu tư với lệnh Long đang chiếm tỉ lệ lớn hơn, dẫn đến việc phần lớn các nhà đầu tư đều cho rằng xu hướng giá sắp tới sẽ tăng. Ngược lại, nếu tỉ lệ cho ra con số nhỏ hơn 1 có nghĩa là các nhà đầu tư với lệnh Short đang chiếm tỉ trọng cao hơn, thể hiện được rằng phần lớn nhà đầu tư đều phán đoán thị trường sẽ đi vào xu hướng giảm

Chart

4. Biểu đồ chỉ số Taker Buy Sell Ratio

Dựa vào biểu đồ, anh em có thể thấy các dữ liệu được chia ra làm 2 vùng màu rõ rệt: xanh và đỏ. Vùng dữ liệu xanh thể hiện cho lệnh Long còn vùng dữ liệu đỏ thể hiện cho lệnh Short. Nếu anh em thấy vùng màu xanh đang chiếm trọng số lớn có nghĩa là các nhà đầu tư đang nghiêng nhiều hơn về thị trường Bullish và ngược lại. Thông thường, nếu sự chênh lệch tỉ số càng cao thì bên chiếm tỉ trọng nhiều hơn sẽ có khả năng gây ảnh hưởng đến xu hướng giá. Ví dụ, nếu lệnh Long có tỉ lệ lớn hơn lệnh Short quá nhiều, tình huống này có thể đẩy mức giá của Bitcoin tăng cao và ngược lại.

Cụ thể, anh em có thể thấy dữ liệu này 24/09/2020 là khoảng 1.2, có nghĩa là lượng người sử dụng lệnh Long đang nhiều hơn lệnh Short khoảng 20%. 20% là con số không nhỏ và nó có thể đủ sức để đẩy mức giá của Bitcoin tăng mạnh. Tuy nhiên, anh em lưu ý rằng sự chênh lệch này còn tùy thuộc vào mức giá coin và khối lượng cụ thể. Khi sự chênh lệch tương đối lớn nhưng khối lượng chênh lệch cụ thể lại không nhiều thì tỉ lệ này sẽ không đủ sức để đẩy mức giá của Bitcoin tăng mạnh. Đây là lý do mà khi sử dụng chỉ số này, anh em sẽ cần kết hợp với các chỉ số bên dưới để nắm được volume cụ thể đối với từng lệnh.

Taker Buy Ratio

Khác với chỉ số phía trên, Taker buy Ratio không đưa ra tỉ lệ giữa hai lệnh mà đưa ra tỉ lệ giữa lệnh Buy trên tổng Volume.

5. Biểu đồ chỉ số Taker Buy Ratio

Dựa vào biểu đồ phía trên, anh em có thể quan sát được một đường nét đứt 0.5. Tại sao? Lý do vô cùng dễ hiểu, đó là khi khối lượng lệnh Long chiếm hơn một nửa so với toàn bộ các lệnh trên thị trường thì rõ ràng nó đang nắm ưu thế và ngược lại.

Taker Sell Ratio

Tương tự như Taker Buy Ratio, chỉ số này cũng đưa ra được tương quan so sánh giữa lệnh Short so với toàn bộ lệnh trên thị trường.

6. Biểu đồ chỉ số Taker Sell Ratio

Khi anh em thấy dữ liệu trên 0,5 thì điều đó cho thấy các nhà đầu tư đang có xu hướng sử dụng lệnh Short nhiều hơn. Về cơ bản, mục đích của chỉ số này khá giống với Taker Buy Sell Ratio, tuy nhiên, thay vì thể hiện tương quan giữa hai lệnh thì anh em sẽ nắm được ưu thế của từng lệnh một cách cụ thể hơn.

Tuy nhiên, với các chỉ số về tỉ lệ, tất nhiên anh em chỉ biết được xem lệnh nào đang được ưa chuộng sử dụng hơn, các nhà đầu tư đang thiên về phán đoán nào nhiều hơn chứ chưa thể nắm bắt được Volume cụ thể đối với từng lệnh. Đó chính là lý do mà chúng ta cần đến những chỉ số sau đây.

Taker Buy Volume và Taker Sell Volume

Chỉ số này sẽ cung cấp cho anh em Volume chi tiết và cụ thể nhất đối với lệnh Buy và lệnh Sell.

7. Biểu đồ chỉ số Taker Buy Volume

8. Biểu đồ chỉ số Taker Sell Volume

Với Chart phía trên, anh em có thể thấy Volume đối với lệnh Long tăng mạnh khi mức giá ngày càng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu anh em chỉ sử dụng duy nhất chỉ số này để quan sát, anh em sẽ không nắm được quá nhiều thông tin. Thay vì vậy, anh em sẽ cần check chênh lệch tại chỉ số Taker Buy Sell Ratio trước để nắm được xem tỉ lệ giữa hai lệnh đang là bao nhiêu. Sau đó, anh em sẽ sử dụng Taker Buy Volume và Taker Sell Volume để check cụ thể xem tỉ lệ chênh lệch đó đang có giá trị bao nhiêu, liệu nó có đủ để tạo ra những biến động trên thị trường hay không.

Cụ thể hơn, ngày 24/09/2020 lệnh Buy đang chiếm ưu thế lớn hơn lệnh Sell khoảng 20%. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết được 20% này là bao nhiêu. Vậy lúc này, anh em sẽ cần check cụ thể Volume của từng đối tượng để nắm được khối lượng đối với từng lệnh. Với Buy Volume khối lượng là khoảng 4.100.000.000 USD và Sell Volume là 3.400.000.000 USD. Như vậy 20% ở đây đang có giá trị là khoảng 700.000.000 USD. Như vậy là khoảng chênh lệch này ngày xưa đã đủ sức để đẩy giá Bitcoin đi vào chu kỳ Uptrend.

Tuy nhiên, anh em cần lưu ý một chút về tương quan giữa khối lượng chênh lệch và mức giá của Bitcoin. Tại thời điểm phía trên, giá của Bitcoin là khoảng 10.000 USD, như vậy con số 700 triệu đô đã có thể có đủ sức để khiến giá Bitcoin tăng. Vậy trong thời điểm hiện tại, khi giá Bitcoin đang là khoảng 20.000 USD thì con số chênh lệch này sẽ cần tăng lên khoảng ít nhất 1.400.000.000 USD hoặc hơn mới có thể đủ sức tác động đến mức giá trên thị trường.

Và tất nhiên, con số chênh lệch càng lớn, tỉ lệ càng cao càng thể hiện được tính khả thi trong phán đoán của các nhà đầu tư. Do vậy, khi anh em quan sát thấy lệnh Long và lệnh Short đang chênh lệch nhau quá nhiều thì anh em cần xem xét một cách kỹ lưỡng. Bởi khi dữ liệu này quá lớn, thị trường càng có nhiều khả năng biến động dựa trên phán đoán của các nhà đầu tư.

Trong một số trường hợp khác, khi anh em thấy tỷ lệ chênh lệch cao, anh em vẫn cần check lại khối lượng chênh lệch thực tế giữa hai lệnh để chắc chắn được rằng khối lượng đó có đủ giá trị, hay đủ sức để đẩy giá tăng lên hoặc đạp mức giá giảm sâu xuống. Bởi tỉ lệ cao không đồng nghĩa với khối lượng lớn.

Một số lưu ý

Về cơ bản, Derivatives là một bộ chỉ số khá nhẹ nhàng với số lượng các chỉ số không quá nhiều. Tuy nhiên, anh em có thể thấy trên CryptoQuant có vô vàn các dữ liệu mà anh em cần kiểm tra khi muốn quan sát được nhiều mặt của thị trường. Vậy làm thế nào, và với quy trình nào thì anh em có thể nắm bắt được vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Để làm được điều đó, anh em sẽ cần để ý chính đến 3 chỉ số: Open Interest, Long/Short Liquidations và Taker Buy Sell Ratio. Đây đồng thời cũng là một quy trình khá hiệu quả để anh em có thể nắm bắt nhanh xem thị trường phái sinh có ảnh hưởng gì đến thị trường chung không, và những ảnh hưởng đó đến từ đối tượng nào.

Cụ thể hơn, anh em có thể bắt đầu với OI để nắm bắt được tổng số lượng các lệnh trên thị trường. Nếu dữ liệu hiển thị những dấu hiệu bất thường, anh em có thể check Long/Short Liquidations để xem cung quanh thời điểm đó khối lượng tài sản bị thanh lý hoặc khối lượng tài sản mà các nhà đầu tư thực hiện thoát vị thế là bao nhiêu. Tiếp theo, anh em check Taker Buy Sell Ratio để nắm được tương quan so sánh giữa hai lệnh này, đồng thời nắm được xem các nhà đầu tư đang nghiêng về xu thế nào của thị trường.

Nếu các dữ liệu không có gì quá đặc biệt, anh em có thể tạm yên tâm rằng thị trường phái sinh không phải là đối tượng chính dẫn đến những biến động thị trường. Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu bất thường, anh em sẽ cần quan sát thêm Volume cụ thể để nắm được các khả năng hay những kịch bản có thể sắp xảy đến. Tất nhiên, đây chỉ là một trong những đối tượng quan trọng trên thị trường chứ không phải là toàn bộ nguyên nhân dẫn đến các biến động nên anh em có thể sẽ cần kết hợp với các bộ chỉ số khác như Miner Flows, Network Indicator hay Exchange Flows để quan sát được thị trường và nắm được tâm lý các nhà đầu tư một cách trọn vẹn nhất.

Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã có dịp tìm hiểu chi tiết về bộ chỉ số Derivatives, cũng như nắm được những ảnh hưởng mà thị trường này có thể đem lại với xu hướng giá chung trên thị trường. Ngay cả khi anh em không tham gia trong thị trường này, bộ chỉ số Derivatives cũng là chỉ số rất hữu ích để giúp anh em có những góc nhìn đa chiều hơn và nắm bắt được xu hướng giá một cách tốt hơn. Hy vọng anh em có thể áp dụng phân tích các chỉ số một cách nhanh chóng, hiệu quả, cũng như có cho mình những chiến thuật và quyết định sáng suốt nhất! Chúc anh em thành công!

Bộ chỉ số tiếp theo: Fund Data | CryptoQuant

 

Bài viết cùng chủ đề

TOP 10 đồng coin tiềm năng nhất 2022 – không thể bỏ lỡ

Crypto Quant là gì? So sánh tính năng CryptoQuant và Glassnode

Tokenomics là gì? Tìm hiểu chi tiết về Tokenomics của 1 dự án chuẩn

Comments (No)
Leave a Reply