DCA là gì? Liệu đây có phải lối chơi quan trọng giúp anh em có được thắng lợi tối đa trong quá trình đầu tư? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để khám phá về DCA cũng như cách sử dụng chiến thuật đầu tư này sao cho hiệu quả nhất nhé!
Nội dung chính
DCA là gì?
DCA – Dollar Cost Averaging là phương pháp đầu tư với chiến thuật chính là tách nhỏ nguồn vốn và sử dụng nó trong nhiều thời điểm khác nhau thay vì xuống tiền toàn bộ 1 lần để đầu tư. Phương pháp này còn được gọi là chiến lược trung bình giá với rất nhiều các cách chia chu kỳ khác nhau như hàng tuần, hàng tháng hoặc theo quý,..
Dựa vào cách đầu tư này, anh em có thể mua với nhiều mức giá và có nhiều cơ hội hơn để chọn được những vùng mua tốt, dẫn đến việc tích trữ được số lượng coin lớn hơn, giảm thiểu nhiều rủi ro của việc all in cùng một mức giá.
Ví dụ, anh em có tổng lượng vốn là 2 triệu USD, và giá Bitcoin đang khoảng 22.000 USD. Thông thường, chúng ta sẽ đầu tư bằng cách lấy toàn bộ 2 triệu USD này để mua BTC, như vậy sẽ mua được 90.9 BTC.
Trong một trường hợp khác, anh em chia lượng tiền này ra làm 5 chu kỳ, mỗi chu kỳ 400.000 USD, anh em có thể mua được BTC với nhiều mức giá như 22.000 USD, 10.000 USD, 12.000 USD, 9.000 USD, 5.000 USD. Như vậy, tổng lượng coin anh em có được là:
Sum my Coin = 400.000/22.000 + 400.000/10.000 + 400.000/12.000 + 400.000/9.000 + 400.000/5.000 = 18.18 + 40 + 33.3 + 44.4 + 80 = 215.8 BTC
=> Chiến thuật đầu tư này giúp anh em mua được 215.8 BTC với mỗi BTC trung bình có giá khoảng 9.000 USD.
Vai trò của DCA là gì?
Chiến thuật chia nhỏ lượng vốn để có nhiều cơ hội lựa chọn vùng giá tốt có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư mới.
Dễ thực hiện đầu tư hơn
Đây là một phương pháp khá đơn giản cả trong quá trình hiểu và quá trình vận dụng để đầu tư. Lý do là bởi để hiểu và vận dụng được chiến thuật này, nhà đầu tư không nhất thiết phải sở hữu một lượng lớn các kiến thức chuyên môn hay có nhiều kinh nghiệm để thực hiện. Trên thực tế, những nhà đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng có thể ngay lập tức bắt đầu sử dụng chiến thuật này để tăng được lợi nhuận nhất định.
Tuy nhiên, anh em nên lưu ý rằng chiến thuật DCA khác rất nhiều so với kỹ thuật bắt đáy đầy phức tạp của các nhà đầu tư có kinh nghiệm thực chiến. Lý do là bởi DCA chỉ đơn giản là chia nhỏ lượng vốn để mua với các mức giá tốt hơn, còn kỹ thuật bắt đáy sẽ liên quan đến vấn đề anh em phải nắm bắt và quan sát tốt được tình hình thị trường, những tác nhân có thể gây ảnh hưởng đến mức giá và vùng giá khi chạm đáy, …
Cải thiện quá trình thích ứng
Khác hoàn toàn với việc anh em all in vào một mức giá, việc chia nhỏ lượng vốn sẽ giúp anh em giảm thiểu được rất nhiều rủi ro trong quá trình đầu tư. Trên thực tế, ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm và khả năng phán đoán họ cũng áp dụng DCA. Bởi chiến lược “được ăn cả, ngã về không” là con dao hai lưỡi rất nguy hiểm đối với bất cứ nhà đầu tư nào.
Thay vì vậy, với DCA, anh em có thể giảm thiểu được rủi ro khi xuống tiền và cải thiện khả năng thích ứng với những biến động giá trên thị trường. Điều này giúp cho anh em luôn ở trong thế chủ động dù là với bất cứ biến động giá nào. Cụ thể hơn, với mức giá giảm, anh em có thể mua thêm để tăng lượng coin nắm giữ và khi giá tăng lại, anh em cũng có được chút lợi nhuận do đã DCA ở vùng giá thấp.
Ví dụ
1/ DCA khi giá giảm
Anh em mua 1000 đô khi BTC giá 20.000
Sau đó Bit tiếp tục giảm về 15.000, anh em lại mua thêm 1000 đô nữa.
=> Tính theo giá đã DCA ở 2 vùng này, là anh em đã mua được 2000 đô BTC ở giá 17.500, nên nếu nó hồi về lại 20.000 thì anh em đã có lãi ngay, chứ không cần chờ đến lúc nó vượt qua mốc 20K.
2/ DCA khi giá tăng
Trong một trường hợp khác, anh em mua 1000 đô khi BTC giá 20.000
Sau đó Bit tăng lên 25.000, anh em vào thêm 1000 đô nữa.
Bit tăng lên 30.000, anh em tiếp tục mua thêm 1000 đô nữa
⇒ Tính theo giá đã DCA ở 3 vùng này, anh em đã mua được 3000 đô BTC ở giá 25.000. Nên nếu Bitcoin giảm xuống dưới 30.000, anh em vẫn chưa phải chịu lỗ. Và tất nhiên, chỉ cần mức giá trên 25.000 là anh em đã có lãi.
Một số hạn chế của DCA
Tất nhiên, chiến thuật đầu tư nào cũng sẽ tồn tại hạn chế và các nhà đầu tư cần áp dụng một cách linh hoạt, cẩn trọng để đạt được lợi nhuận trong suốt quá trình đầu tư.
Cần nhiều thời gian đầu tư
Như đã đề cập phía trên, DCA thích hợp hơn cả đối với những chiến lược đầu tư dài hạn bởi chỉ trong dài hạn, đồng coin mới có đủ những biến động và khiến quá trình chia nhỏ vốn được hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, khi đầu tư với chiến thuật này, anh em cũng cần để ý các quãng biến động giá bất ngờ, nhằm chọn được những vùng giá thơm để mua thêm coin. Tất nhiên, khi đầu tư, anh em không nên xem giá quá thường xuyên. Nhưng anh em có thể cài đặt sẵn các Alert (cảnh báo) mốc giá thấp đột ngột mà bạn muốn DCA ngay nếu nó xảy ra, để tránh bỏ lỡ những đợt sale off hiếm hoi của thị trường :))
Bên cạnh đó, anh em cũng có thể cân nhắc đến việc tham khảo các chỉ số trên Cryptoquant như chỉ số Network Indicator, Flow Indicators, … để biết được khi nào giá có xu hướng tăng và giảm; dựa vào đó, anh em nắm bắt được vùng mua và vùng bán tốt nhất.
Chỉ hiệu quả với biến động giá lớn
Dựa vào ví dụ ở ngay đầu bài viết anh em cũng có thể thấy rằng chiến thuật này sẽ đem lại lợi ích tối đa cho anh em nếu đồng coin đó có những biến động giá lớn. Nếu xu hướng giá của đồng coin là sideway thì việc chia nhỏ vốn để mua trong nhiều thời điểm chỉ khiến anh em tốn thêm thời gian mà lượng coin mua được tăng lên không đáng kể. Ví dụ nếu Bitcoin liên tục dập dìu ở 20.000 USD và việc tăng giảm rất nhỏ thì khi anh em áp dụng DCA sẽ không có nhiều hiệu quả.
Ngược lại, với những biến động giá lớn, anh em có thể kiếm được lượng coin lớn hơn với những vùng giá tốt, đồng thời cũng có thể bán coin dần để có mức lãi ngày càng tăng. Ví dụ, anh em đã tích trữ được một lượng Bitcoin nhất định với DCA từ trước thời điểm tháng 11 năm 2021. Lúc này, anh em thấy lượng coin tăng dần từ 13.000 USD đến 19.000 USD, anh em bán đi khoảng 1/6 tài sản, khi Bitcoin tiếp tục tăng từ 19.000 USD đến 28.000 USD, anh em lại bán đi một lượng tài sản tương tự, Khi Bitcoin tiếp tục tăng từ 28.000 USD lên 40.000 USD, anh em tiếp tục bán đi một lượng tương tự. Quá trình này sẽ được tiếp tục cho đến khi Bitcoin chạm đỉnh và bắt đầu tụt dốc.
Như vậy, anh em có thể thấy với biến động giá lớn, DCA không chỉ giúp anh em gom được nhiều coin hơn mà còn có thể bán coin với nhiều vùng giá tốt hơn, nhưng là đối với những đồng coin có biến động giá đủ mạnh và thời gian đủ lớn. Trong những trường hợp ngược lại, DCA sẽ không có đủ lợi thế để thể hiện hiệu quả của mình.
Tiêu tốn nhiều chi phí
Mỗi lần chúng ta thực hiện gom coin đầu tư là một lần anh em thực hiện các thao tác mua coin, mà mỗi lần mua/bán coin là một lần trả phí. Như vậy, anh em càng chia nhỏ quá trình đầu tư/chốt lời, anh em càng có nhiều các khoản phí cần chi trả. Dẫn tới anh em vẫn có khả năng mất tiền khi bán ra ở giá hòa vốn (Break even). Sẽ khá bất lợi với những người vốn ít nhưng lại share ra quá nhiều lần mua/bán.
Cách áp dụng DCA “trăm trận trăm thắng”
Đến đây những anh em đã có kinh nghiệm trên thị trường chắc hẳn sẽ tưởng ad chém gió, vì làm gì có chuyện “trăm trận trăm thắng” trên thị trường Crypto. Ngay cả những nhà đầu tư được xem là “sói già” cũng còn phải nếm trái đắng đôi lần. Vậy “trăm trận trăm thắng” ở đây là gì?
Trên thực tế, có rất nhiều nhà đầu tư đã áp dụng DCA, nhưng không phải ai cũng đạt được mục đích đầu tư của mình. Dựa vào những sai lầm trong quá trình đầu tư DCA này, chúng ta có thể đúc kết ra những phương hướng để áp dụng DCA với tỉ lệ thất bại thấp nhất. Và tất nhiên, trong thị trường này, nếu bạn không thua, nếu bạn vẫn có thể sống sót, có nghĩa là bạn đã “thắng”
DCA thất bại trong trường hợp nào?
DCA chủ yếu thất bại với hai trường hợp chính:
- Một là “không đi đến cùng..”
- Hai là “đi đến cùng nhưng không đúng lúc” (kiểu như đúng người nhưng sai thời điểm hoặc sai địa chỉ ^^).
Cụ thể hơn, một số người áp dụng chiến thuật DCA nhưng họ lại không thể trụ được cho đến khi run ra lợi nhuận. Ví dụ, khi mức giá giảm lần đầu tiên, họ áp dụng DCA để gom coin; khi mức giá giảm lần 2, họ vẫn thực hiện DCA; nhưng khi mức giá tiếp tục giảm, họ bắt đầu lo lắng và bán dần lượng coin đó. Nhưng sau khi họ bán hết thì giá coin lại tăng trở lại thậm chí xx rất nhiều. Đây chính là trường hợp anh em phân tích chưa kỹ đã vội từ bỏ.
Trường hợp thứ 2 là anh em quá cố chấp nhưng lại không đúng lúc. Ví dụ, anh em chọn được một dự án tiềm năng và thực hiện DCA liên tục bất kể giá nào. Tuy nhiên, đến khi dự án đã mất đi lợi thế cạnh tranh so với đối thủ cùng phân khúc vì bối cảnh của thị trường đã thay đổi.. anh em lại không nhận ra và phân tích lại tình hình mới mà đã vội DCA tiếp và quyết chí “hold to die”.
Kết cục là vốn thì tất nhiên không mất hết nhưng sẽ bị chia ít nhất 10 lần và bỏ lỡ cơ hội ở những đồng coin khác.
Đôi lúc chi phí cho cơ hội lại là thứ khiến ta đau lòng nhất.
Khắc phục những thất bại của DCA như thế nào?
Với những ví dụ trên, chắc hẳn anh em đã nhận thấy những tư duy sai lầm khi áp dụng DCA. Chung quy lại, cả hai thất bại này đều xuất phát từ cùng một lý do đó là nhà đầu tư không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để hiểu sâu và đánh giá chính xác được dự án mình đang đầu tư. Điều đó dẫn đến việc dễ xảy ra hoảng loạn + bán tháo hoặc quá cố chấp nhưng sai đối tượng, khiến DCA thất bại thảm hại.
Bởi vậy, trước khi thực hiện DCA, anh em cần lựa chọn thật kỹ 1 đồng coin tốt trước đã. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình đầu tư, anh em cần thường xuyên cập nhật các thông tin về dự án để đảm bảo rằng dự án đó vẫn giữ được phong độ và vẫn có không gian phát triển. Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu để anh em không thất bại khi dùng DCA. Còn muốn tối ưu thêm thì nên dùng cách bên dưới.
Cách tối ưu nhất cho DCA?
Về cơ bản, DCA là việc chia nhỏ lượng vốn để đầu tư được nhiều vùng giá khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thường áp dụng DCA như ví dụ ở đầu bài viết. Đó là chia lượng vốn ra thành nhiều phần bằng nhau để mua coin trong nhiều thời điểm. Tuy nhiên, cách đó chỉ “tối ưu về lượng chứ chưa tối ưu được chất” của DCA.
Ví dụ: Bạn chia 2.000.000 USD ra làm 5 lần, mỗi lần 400.000 USD để đầu tư tại nhiều vùng giá. Kết quả là anh em mua được 215.8 BTC với mỗi BTC có giá khoảng 9.000 USD. Con số này tuy lớn hơn việc anh em đem toàn bộ 2 triệu USD để mua BTC với giá 22.000 USD, nhưng nó vẫn chưa tối ưu.
Thay vì vậy, anh em có thể chia 2.000.000 USD này ra làm 3 khoản chính bao gồm: 300.000 USD, 500.000 USD và 1.200.000 USD. Và thay vì mua tại 5 vùng giá, anh em chỉ mua tại 3 vùng giá là 22.000 USD, 12.000 USD và 6.000 USD.
Tại sao? Việc hạn chế vùng giá sẽ giúp anh em tiết kiệm được nhiều thời gian hơn trong quá trình đầu tư và quan trọng nhất là nó có thể giúp anh em tối đa hóa được khoản đầu tư. Do vùng giá càng thấp, lượng tiền đầu tư càng tăng, dẫn đến số lượng coin mà anh em có thể sở hữu là ngày càng lớn. Cụ thể như sau:
Số lượng coin anh em có được với 3 lần DCA là:
300.000/22.000 + 500.000/10.000 + 1.200.000/5.000
= 13.6 + 50 + 240 = 303.6 BTC.
Trung bình 1BTC lúc này là 6.600 USD. Như vậy, anh em có thể thấy sự chênh lệch một cách rõ rệt giữa hai chiến thuật đầu tư này, và sự tối ưu của việc áp dụng DCA đúng cách.
Nguyên tắc áp dụng DCA
Để tóm gọn lại cho anh em hiểu, chúng ta có thể áp dụng DCA bằng cách gấp đôi lượng vốn nếu giá coin giảm xuống còn một nửa và lặp lại quá trình này. Đây là cách tốt nhất để anh em có thể tối ưu được DCA.
Lưu ý: cách này chỉ áp dụng với những dự án mà anh em đã tìm hiểu kỹ, chứ áp dụng vào dự án lỏm là toang nhé!
Tuy nhiên, nguyên tắc ở đây là chúng ta chỉ thực hiện DCA 3 lần và DCA tại những vùng giá thực sự có ý nghĩa với anh em. Đó là những vùng giá rất khó xảy ra, nhưng khi nó đã xảy ra thì nó chính là giá “thơm”. Bên cạnh đó, 3 mốc DCA là con số khá phù hợp để anh em tránh được những rủi ro không đáng có xảy ra khi trung bình giá. Vì nếu DCA nhiều hơn 3 là đang cố chấp, còn ít hơn là đang chùn tay + không tin tưởng vào dự án mình đầu tư.
=> Với cách này nếu nó không về tới vùng target gom thêm mà tăng luôn thì anh cũng lãi được nhịp 1.
Với những chia sẻ trên, hy vọng anh em đã nắm được những kiến thức tổng quan về DCA là gì cũng như hiểu được cách vận dụng DCA sao cho tối ưu và hiệu quả nhất. Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ Sharding là gì? Tìm hiểu chi tiết giao thức Sharding trong Blockchain
➤ Smart contract là gì? Tại sao lại vô cùng quan trọng với Blockchain
➤ Tokenomics là gì? Tìm hiểu chi tiết về Tokenomics của 1 dự án chuẩn
Comments (No)