Chỉ báo kỹ thuật ATR – Average True Range

Chỉ báo ATR là gì, có vai trò như thế nào trong việc giúp trader quan sát xu hướng thị trường và tìm kiếm điểm vào lệnh. Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được những đặc điểm của ATR cũng như cách sử dụng chỉ báo này hiệu quả nhất trong quá trình phân tích kỹ thuật nhé!

Chỉ báo ATR là gì?

ATR hay Average True Range là chỉ báo được sử dụng để nắm được khoảng dao động thực tế trung bình. Đây là một chỉ báo rất được ưa chuộng để nắm bắt được biến động giá trong một khoảng thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, ATR cũng có khả năng hỗ trợ Trader trong việc dự đoán hướng di chuyển của giá dựa vào GAP – khoảng trống và vùng có biến động giới hạn đặc biệt. Do đó, việc xác định những điểm chốt lời và cắt lỗ cũng diễn ra hiệu quả hơn.

Chỉ báo ATR được Welles Wilder phát triển vào năm 1978, đây đồng thời cũng là tác giả của những chỉ báo như RSI, PSAR, hay ADX. Chỉ báo này lần đầu tiên được ra mắt trong cuốn “New Concepts in Technical Trading Systems” trong thời điểm thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Sự xuất hiện của ATR đã đem lại những hiệu quả nhất định và được áp dụng rộng rãi không chỉ trong chứng khoán mà còn với những thị trường tài chính khác như tiền điện tử.

1. Chỉ báo ATR

Để giúp anh em hình dung được rõ hơn, chúng ta cùng lấy một ví dụ như sau:

Giả sử, bạn phải chịu trách nhiệm cho việc thiết kế sức chứa cho trận bóng chung kết của đội tuyển Việt Nam. Bạn sẽ cần cân đối xem làm thế nào để thiết kế một rào chắn phù hợp, có thể kiểm soát được đám đông. 

Không gian khán đài lúc này là 100m x 500m. Sau một thời gian, toàn bộ không gian đã được phủ kín. Lúc này, anh em có thể đo lường phạm vi trung bình của đám đông một cách tương đối, giả sử là 40m. Như vậy, lúc này, ATR của đám đông sẽ là 40m. Với thông tin này, anh em đã có thể thực hiện thiết lập được rào chắn. Tuy nhiên, sau đó, lượng người đến xem bóng ngày càng đông và bạn bắt buộc phải mở rộng khoảng cách rào chắn. Khi này, bạn sẽ không cần đo lại mà chỉ cần nhân 40 với 1.5 và mở rộng khoảng cách sao cho bằng 60m.

Quá trình này cũng tương tự với cách thức vận hành của Trade. Trong đó, lượng người xem bóng thể hiện cho mức độ biến động của giá và rào chắn chính là điểm Stop loss hoặc Take profit của bạn. Bạn có thể sử dụng rào chắn khi mức biến động đang nằm trong phạm vi dao động. Tuy nhiên, khi nó vượt khỏi phạm vi này, bạn sẽ cần thoát giao dịch và thực hiện các tính toán, quan sát khác. Khi muốn có lượng phạm vi hoặc mục tiêu rộng lớn hơn, bạn có thể nhân nó với 1.5.

 

Công thức chỉ báo ATR

Những tính toán của ATR dựa vào mức chênh lệch giữa giá cao nhất/ thấp nhất so với giá hiện tại. Chu kỳ hoạt động mặc định của nó là 14 tuỳ thuộc vào khung thời gian mà mỗi nhà giao dịch muốn thiết lập.

Cách tính toán ATR gồm 3 bước sau:

Bước 1: Tính TR (True Range)

TR = Max[ (H – L), Abs (H-CP), Abs (L – CP)]

Trong đó

  • H (High) là mức giá cao nhất còn L(Low) là mức giá thấp nhất trong thị trường hiện tại.
  • Abs (H – CP) thể hiện giá trị tuyệt đối của hiệu giữa giá cao nhất thời điểm hiện tại và giá đóng cửa trước đó.
  • Abs (L – CP) thể hiện giá trị tuyệt đối của hiệu giữa giá thấp nhất thời điểm hiện tại và giá đóng cửa trước đó.

Những giá trị trên cho ra một giá trị lớn nhất, đó là True Range.

Bước 2: Tính ATR đầu tiên

2. Công thức tính ATR

Trong đó, n = 14 còn TRi là giá trị lớn nhất thuộc vùng biên độ.

Bước 3: Tính ATR

ATR = [ (ATR đầu tiên x 13) + TR hiện tại ] / 14

Có thể thấy việc tính toán đối với chỉ số này khá phức tạp. Tuy nhiên, anh em cũng không cần quá lo lắng bởi hiện tại các công cụ hỗ trợ phân tích kỹ thuật đã tích hợp sẵn những chỉ báo này. Anh em có thể áp dụng chúng để sử dụng vô cùng dễ dàng. Việc nắm được cách tính toán của chỉ số ATR chỉ là để hỗ trợ anh em trong việc tư duy về cách hoạt động của nó thôi.

Cách cài đặt chỉ báo ATR

3. Cách cài đặt chỉ báo ATR 4. Cách cài đặt chỉ báo ATR

Ý nghĩa của chỉ báo ATR

Những ý nghĩa chính mà chỉ báo này có thể cung cấp cho nhà giao dịch bao gồm:

Ý nghĩa cơ bản

Ban đầu, mục đích của chỉ báo này là phản ánh được dao động của mức giá hàng hoá và lý giải tại sao chênh lệch giá lại xảy ra. Tuy nhiên, sau này dựa vào các điểm biến động giá quan trọng như chốt lời & cắt lỗ mà nó được sử dụng để tối ưu lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư. Trong đó:

5. Ý nghĩa cơ bản của ATR

  • ATR cao: thể hiện sự tăng giảm mạnh của thị trường về ngắn hạn.
  • ATR thấp: thể hiện rằng thị trường không có biến động mạnh mẽ.
  • Nếu thị trường không có những biến động, hay yên ắng trong một thời gian quá lâu thì có thể nó đang trong giai đoạn tích luỹ và chuẩn bị đảo chiều.

Như vậy, có thể thấy thế mạnh của ATR không phải là xác định xu hướng giá mà để nắm được khả năng biến động giá trên thị trường.

Xác định điểm chốt lời, cắt lỗ

Nhà giao dịch có thể linh hoạt cài đặt điểm chốt lời và cắt lỗ dựa vào biến động hiện tại của thị trường. Điểm đặc biệt là anh em có thể “gồng lãi” thuận xu hướng một cách hiệu quả dựa vào việc kết hợp ATR và Trailing Stop.

Xác định điểm đảo chiều

Mục đích của Wilder khi tạo ra ATR là nhằm xác định những vùng có áp lực cao, dẫn đến khả năng đảo chiều xu hướng. Cụ thể hơn, ATR càng mang giá trị cao càng thể hiện độ biến động lớn của thị trường, trong đó mức giá sẽ không thể duy trì được trong một thời gian dài. Xác suất đảo chiều xảy ra sẽ cao hơn nếu ATR vượt qua ngưỡng 70%.

Làm sao để sử dụng chỉ báo ATR hiệu quả nhất

Với những ý nghĩa cơ bản của chỉ số được đề cập phía trên, anh em có thể áp dụng để đưa ra những phân tích hiệu quả hơn như sau:

Đặt cắt lỗ dựa vào ATR

Thông thường, vị trí đặt điểm cắt lỗ của chúng ta sẽ nằm bên dưới đáy hỗ trợ gần nhất với lệnh Buy hoặc trên đỉnh kháng cự gần nhất đối với lệnh Sell. Đây là cách cắt lỗ thường được sử dụng và tất nhiên nó cũng đem lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, dựa vào ATR, anh em có thể tìm kiếm được những điểm stop loss tốt hơn dựa trên biến động giá tại thời điểm cài đặt.

Cách thực hiện như sau:

6. Đặt cắt lỗ dựa vào ATR

  • ATR cao → thị trường đang biến động mạnh → Điểm cắt lỗ nên được đặt xa hơn.
  • ATR thấp → thị trường đang có ít biến động → Điểm cắt lỗ có thể đặt gần lại.

Việc đặt điểm cắt lỗ dựa vào biến động thị trường có thể giúp anh em hạn chế được trường hợp bị quét SL, tuy không thể tránh được hoàn toàn. Bên cạnh việc nắm được cách áp dụng ATR để đặt điểm cắt lỗ, anh em nên thực hiện backtest nhiều lần trước khi thực sự áp dụng chúng trong giao dịch.

Nhìn chung, đây là một cách an toàn và hiệu quả để anh em thực hiện đặt điểm cắt lỗ.

Kết hợp chỉ báo ATR và Trailing Stop

Trailing Stop là công cụ có khả năng dịch theo biến động có lợi của giá. Về cơ bản, nó hoạt động bằng cách di chuyển điểm cắt lỗ của bạn nếu lệnh đang giao dịch thuận xu hướng. Dựa vào đó, nhà giao dịch có thể tối đã hóa được lợi nhuận đồng thời tránh được những rủi ro về tiền lãi bởi điểm cắt lỗ sẽ được thay đổi sau mỗi đợt điều chỉnh.

7. Kết hợp ATr và Trailing Stop

Như vậy, khi kết hợp ATR và Trailing Stop, chúng ta có thể thực hiện đặt lệnh cắt lỗ một cách an toàn nhưng vẫn có thể đảm bảo không mất đi lợi nhuận tiềm năng. Cụ thể, đối với những thời điểm thị trường có biến động mạnh, việc kết hợp này có thể giúp anh em tìm kiếm được điểm cắt lỗ an toàn để né được trường hợp quét SL. Ngược lại, nếu thị trường có ít biến động, chúng sẽ giúp anh em đảm bảo lợi nhuận tiềm năng một cách hiệu quả hơn.

Kết hợp chỉ báo ATR và RSI

RSI là một công cụ rất hữu dụng trong việc cho chúng ta nhận biết được tình trạng quá mua hay quá bán trên thị trường. Trong khi đó, ATR lại là chỉ báo có lợi thế về độ mạnh của biến động mà không xem xét nhiều đến hướng đi của giá. Khi kết hợp hai chỉ số này lại với nhau chúng ta có thể tìm kiếm được những điểm đặt lệnh tiềm năng hơn, cũng như giảm được rủi ro đối với khả năng đảo chiều của thị trường. 

8. Kết hợp ATR và RSI

Ví dụ, Khi ATR thấp, và giá đang bước vào xu hướng giảm. Chúng ta sẽ cần check xem RSI có giảm hay không. Nếu 3 tín hiệu này đều đồng thuận với nhau có nghĩa là tín hiệu từ thị trường đang rất rõ ràng và chúng ta đã có thể thực hiện vào lệnh. 

Tìm điểm chốt lời dựa vào chỉ báo ATR

Chúng ta có thể xác định được điểm chốt lãi với ATR như sau:

  • ATR nằm tại nửa trên bộ dao động: đặc điểm này cho thấy thị trường đang biến động rất mạnh, dẫn đến lợi nhuận cao. Lúc này, anh em có thể giãn điểm chốt lời để tối ưu hoá lợi nhuận.
  • ATR nằm tại nửa dưới bộ dao động: đặc điểm này thể hiện rằng thị trường đang biến động khá nhẹ nhàng, dẫn đến lợi nhuận không cao. Do vậy, anh em nên chốt lời ở mức tối thiểu.

Ưu nhược điểm của chỉ báo ATR

Ưu điểm

  • Việc sử dụng vùng biên độ trung bình chính là thế mạnh của chỉ báo ATR trong việc đưa ra những phân tích chính xác hơn. Bởi chúng có khả năng thay đổi trực tiếp nếu thị trường có biến động giá, hay thị trường có sự thay đổi về điều kiện, đặc điểm tài sản.
  • ATR là một chỉ báo linh hoạt, nó có thể được sử dụng hiệu quả đối với bất cứ khung thời gian lớn nhỏ nào. Trong đó, điểm ra vào lệnh có thể được xác định chính xác hơn với những khung thời gian nhỏ. Đối với khung thời gian lớn, các phân tích liên quan đến quyết định giao dịch dài hạn vẫn giữ được hiệu quả nhất định.
  • Việc sử dụng ATR tạo điều kiện tốt hơn cho nhà giao dịch so với những chỉ báo %, bởi khả năng xác định đỉnh, đáy, điểm đảo chiều chính xác và dễ dàng hơn.

Hạn chế

  • Có thể thấy, ATR là một thước đo khá chủ quan để giải thích và xác nhận những biến động giá. Tuy nhiên, nó lại không thể đưa ra cho chúng ta một giá trị cụ thể để mô phỏng khả năng đảo chiều của xu hướng. Do vậy, anh em sẽ cần kết hợp ATR với những chỉ báo xác nhận xu hướng để quan sát thị trường tốt hơn.
  • Như đã đề cập, ATR sẽ cung cấp cho anh em những thông tin về biến động giá, nhưng lại không thể đưa ra được hướng đi của giá. Đặc điểm này khiến chúng ta thiếu đi dữ kiện quan trọng trong việc đưa ra quyết định. Ví dụ như anh em có thể nắm được tín hiệu suy yếu của thị trường, đồng thời chắc chắn được khả năng xảy ra đột phá nhưng lại không thể đưa ra quyết định vì chưa biết giá sẽ đi theo hướng tăng hay giảm. Do vậy, việc kết hợp ATR với các chỉ báo có khả năng xác định xu hướng giá là rất quan trọng.

Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã nắm được những đặc điểm quan trọng của chỉ báo ATR, cũng như cách áp dụng chỉ báo này trong giao dịch sao cho hiệu quả. Dựa vào đó, anh em có thể dành thời gian luyện tập, quan sát và tìm kiếm những chỉ báo phù hợp để sử dụng kết hợp với ATR nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất. Chúc anh em thành công!

Bài viết cùng chủ đề

Bollinger Bands là gì? 3 Chiến lược áp dụng chuyên sâu

Chỉ báo Kỹ thuật Commodity Channel Index (CCI)

Chỉ báo Kỹ thuật DMI và ADX

Comments (No)
Leave a Reply