Đốt Coin là gì? Cơ chế này đem lại những lợi ích như thế nào và có tác động gì đến quá trình đầu tư hay không? Cùng tham khảo bài viết sau để tìm hiểu về Coin burning và những ảnh hưởng của quá trình này nhé!
Nội dung chính
Đốt coin là gì?
Đốt coin hay còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như đốt token, token burning, coin burning, … Đây là việc gửi một lượng coin/token nhất định đến 1 địa chỉ ví không tồn tại, khiến lượng coin đang lưu hành bị tiêu hủy vĩnh viễn.
Về cơ bản, việc đốt coin hay tiêu hủy coin sẽ khiến lượng cung lưu hành giảm, từ đó tăng được tính khan hiếm và khiến đồng coin đó tăng giá.
Đối với tài chính truyền thống, việc một công ty mua lại cổ phiếu do chính họ phát hành cũng tương đối giống với việc đốt coin. Thông qua đó, tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành trong công ty sẽ giảm xuống, dẫn đến giá trị cổ phiếu sẽ tăng lên.
Như vậy, mục đích chủ chốt của quá trình đốt coin/ tiêu hủy coin là nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn bộ dự án, đồng thời cân bằng được lợi ích giữa các bên tham gia.
Quá trình đốt coin
Do các tài sản trên hệ sinh thái Crypto đều đã được mã hóa nên việc đốt coin chỉ đơn giản là gửi chúng đến một địa chỉ Dead Address. Đây là địa chỉ ví chỉ nhận coin/token chứ không thể rút ngược trở lại. Với cách này, lượng coin được gửi vào Dead Address sẽ biến mất khỏi quá trình lưu hành vĩnh viễn bởi nó không bao giờ có thể được rút ra trở lại nữa.
Ví dụ, các Dead Address của mạng BNB Chain thường có đuôi là “dEaD” còn các Dead Address trên Ethereum lại có dạng 0x000…000, … Khi theo dõi trên Blockchain Explorer anh em sẽ thấy những địa chỉ này được phân loại vào hashtag “Burn”.
Cơ chế Buyback và Burn coin
Đây là một cơ chế cũng được dự án sử dụng khá phổ biến. Trong đó, dự án sẽ thực hiện mua lại lượng token mà người dùng nắm giữ sau đó thực hiện tiêu hủy chúng. Lợi thế của cơ chế này là khả năng đảm bảo sự tăng trưởng bền vững và dài hạn đối với giá token, đồng thời tạo ra thêm nhiều niềm tin cho nhà đầu tư để hold coin.
Buyback and Burn là cơ chế có thể giúp tăng được thanh khoản, volume giao dịch, và giúp tránh được những biến động mạnh đối với giá token. Thông qua đó, những token thuộc dự án có cơ chế này thường sẽ đảm bảo được sự ổn định tốt hơn.
Vậy Buyback được diễn ra bởi ai, nguồn tiền nào?
Thông thường, một phần phí hoặc lợi nhuận có thể được Blockchain hoặc Protocol trích ra nhằm mua lại một lượng token để đem đi đốt. Quá trình này có thể đã được lên kế hoạch và lập trình từ trước hoặc cũng có thể được quyết định thông qua những bỏ phiếu, đề xuất của cộng đồng.
Một ví dụ nổi bật về cơ chế này có thể kể đến là BNB Chain. Trong đó, hệ thống trích ra 20% lợi nhuận hàng quý để thực hiện việc tiêu hủy coin với mục đích đảm bảo nguồn cung trên thị trường còn 100 triệu BNB. Bên cạnh đó, BEP – 95 là một đề xuất trên BNB Chain cho rằng họ có thể trích một lượng BNB từ phí gas để burn chúng ra khỏi nguồn cung.
Đốt coin xảy ra khi nào?
Trên thực tế, không có một thời điểm cụ thể chung nào để đốt coin đối với tất cả dự án. Đây là một quá trình không bắt buộc, có thể diễn ra tự phát hoặc theo chiến lược phát triển riêng của mỗi dự án.
Những dự án có tokenomics được thiết kế chưa hợp lý, chưa có khả năng chịu áp lực từ lạm phát thì đây là một cách rất hiệu quả để giải quyết các khủng hoảng đến từ lạm phát. Trong đó, dự án có thể giảm phát, đồng thời cân bằng được lợi ích giữa các Coin/token holders.
Tuy nhiên, nếu anh em nhìn thấy cơ chế đốt coin xuất hiện ngay cả với những dự án mới ra mắt token và có ít holder thì khả năng đạt được thành công của dự án là rất khó. Lý do là bởi mục đích của đốt coin lúc này chỉ là để quảng bá và gần như vô nghĩa ở giai đoạn đầu. Một trong những phương pháp hợp lý nhất là thực hiện lock token trong một thời gian và trả dần để tạo được khả năng thích ứng trên thị trường, cũng như có thể phát triển với nhiều Incentives hơn.
Proof of Burn (POB) có giống đốt coin thông thường
Proof of Burn là thuật toán yêu cầu người tham gia đốt coin để làm bằng chứng cho việc họ sở hữu đồng coin đó. Hành động này khá giống với việc đốt coin và có thể khiến nhiều anh em nhầm lẫn.
Tuy nhiên, hành động đốt coin đối với thuật toán POB là để đảm bảo an ninh mạng và khiến mạng lưới vận hành được hiệu quả còn mục đích của việc đốt coin thông thường chỉ hướng đến tránh tình trạng lạm phát và đảm bảo tính khan hiếm cho tài sản. Tất nhiên, với cơ chế đốt coin, thuật toán POB cũng đem đến tính khan hiếm cho tài sản nhưng đây không phải mục đích chính của thuật toán.
Lý do là vì việc đốt coin chỉ là bước đầu trong quá trình xác thực giao dịch. Trong thuật toán này, miner cần phá hủy token và sau đó viết các khối theo tỉ lệ tương đương với số tiền đã bị tiêu hủy. Để dễ hình dung hơn, nếu POW yêu cầu người tham gia cung cấp bằng chứng làm việc, POS yêu cầu Validator stake tài sản thì POB dùng phương pháp đốt coin như một điều kiện để người dùng tham gia vào quá trình vận hành hệ thống.
Để phân biệt một cách rõ ràng hơn, đốt coin thường là quá trình được lên kế hoạch bởi chính dự án để đảm bảo tokenomics của tài sản còn đối với thuật toán POB, những người tham gia vào hệ thống là những người trực tiếp phá hủy coin.
Rủi ro khi Burn Coin
Liệu việc đốt coin có tạo ra lỗ hổng hay điểm yếu nào cho dự án?
Khó cân bằng Tokenomics
Theo lý thuyết, nếu nguồn cung giảm, cầu giữ nguyên thì giá của Crypto sẽ chỉ có 1 đường là tăng. Tuy nhiên, giảm bao nhiêu mới là hợp lý? Bởi nếu nhà đầu tư thấy giá tăng liên tục thì họ sẽ dần hạn chế việc mua crypto, khiến volume giao dịch giảm. Khi volume giao dịch giảm thì xu hướng tăng không thể ổn định.
Ngược lại, nếu token được tạo ra trong một thời gian dài thì xu hướng mua vào của nhà đầu tư cũng dần trở nên hạn chế do chẳng ai muốn khoản đầu tư của mình lại tiếp tục thua lỗ.
Như vậy, thách thức của các dự án trong việc đốt coin chính là phải tìm ra được điểm cân bằng giữa lạm phát và giảm phát trong thiết kế tokenomics.
Tạo ra thách thức cho Blockchain Platform
Việc đốt coin không phải lúc nào cũng phù hợp với các dự án. Trong đó, những Blockchain có nguồn cung ổn định như Bitcoin, Polygon hay Cardano, … có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng nguồn cung hoặc mint thêm token nếu sử dụng cơ chế đốt coin.
Xét về dài hạn, nếu cả hệ sinh thái phát triển thì giá của đồng coin/token cũng sẽ tăng theo. Khi đó, người dùng sẽ phải chi trả nhiều phí giao dịch hơn. Cũng bởi lý do này mà người dùng sẽ không được khuyến khích thực hiện giao dịch nữa. Một ví dụ điển hình của vấn đề này là Cardano do không xây dựng cơ chế đốt coin mà chỉ thông báo nhà đầu tư thực hiện tiêu hủy coin một cách tự phát bằng cách gửi chúng vào Dead Address trên mạng Cardano.
Một số dự án sử dụng cơ chế đốt coin
Để anh em hình dung một cách rõ ràng hơn về cơ chế này, chúng ta có thể điểm tên một số cơ chế đốt coin đã được sử dụng như sau:
Ethereum
Dựa theo EIP – 1559, Ethereum bắt đầu thực hiện cơ chế đốt coin từ tháng 8 năm 2021. Giải pháp này giúp giảm độ trễ khi giao dịch đồng thời tăng khả năng xác nhận các giao dịch trên mạng lưới. Thông qua đó, phí gas trên Ethereum cũng ổn định hơn, tránh được khả năng bị thao túng.
Hiện tại, hơn 2 triệu ETH, tương đương với khoảng 6 tỷ đô đã được đốt thông qua giải pháp này. Lượng coin bị đốt này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguồn tăng, tăng sự khan hiếm và làm tăng giá trị của ETH. Cộng đồng đã cân nhắc việc đốt ETH với khả năng ETH được tạo ra để đem đến sự cân bằng lợi ích tốt nhất. Đặc điểm này khiến sự tăng trưởng trong tương lai trở nên ổn định hơn.
BNB
Những cơ chế đốt coin chính trên hệ thống này có thể kể đến là BEP – 95 và Auto – Burn. Dựa vào đó, một lượng phí Gas sẽ được trích ra sau mỗi lần đóng Block và đem đi đốt. Tỷ lệ lượng token được trích ra từ phí gas sẽ được quyết định bởi mạng lưới Validator.
Bên cạnh đó, Auto-Burn cũng là một cơ chế đốt coin được BNB sử dụng. Trong đó, một lượng BNB sẽ được đốt vào mỗi quý trong năm. Lượng token bị đốt sẽ được tính dựa trên công thức và dựa vào giá của BNB. Nếu BNB tăng thì số token bị đốt cũng ít đi và ngược lại.
Hiện tại, lượng BNB được đốt rơi vào khoảng 35 triệu BNB, tương đương với 21% tổng BNB đang lưu hành. Trong đó, BEP – 95 là cơ chế đốt coin vẫn được sử dụng cho đến khi nguồn cung BNB trên thị trường chỉ còn lại 100 triệu BNB.
Dựa vào hai cơ chế đốt coin, BNB đã sở hữu một chiến lược tương đối ổn định để giúp giữ vững giá BNB. Điều này đồng thời cũng có thể thúc đẩy tốt sự phát triển của cả hệ sinh thái BNB trong thời gian dài.
Shiba Inu
Đây là một trong số những dự án có cơ chế đốt coin khá thú vị. Trong đó, team dự án đã quyết định gửi tặng Vitalik Buterin – nhà sáng lập của Ethereum một nửa lượng token, tương đương với 505 nghìn tỷ đồng SHIB. Sau đó, 410 nghìn tỷ đồng SHIB đã được Vitalik gửi vào một Dead Address. Số còn lại được đem đi quyên góp khoảng 50 nghìn tỷ đồng SHIB vào một quỹ cứu nạn đại dịch Covid19 ở Ấn Độ.
Phương pháp này không chỉ giúp giảm nguồn cung, tăng độ khan hiếm mà còn là một chiến lược Marketing rất hay để tiếp cận được với lượng lớn người dùng và nhà đầu tư. Thông qua đó, Meme coin đã có một mùa tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021, đồng thời kéo theo xu hướng là Dogecoin.
Đốt coin có thực sự tối ưu.
Đối với dự án, đốt coin là một trong nhưng những cơ chế mà các nhà phát triển có thể cân nhắc tới. Lý do là vì nó có thể đem lại nhiều lợi ích cho dự án, giúp đảm bảo sự phát triển và ổn định của dự án, đồng thời cân bằng được quyền lợi của những người tham gia. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế đốt coin như thế nào còn phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược và kế hoạch của mỗi dự án, cũng như cách họ cân bằng tokenomics và tìm ra được giải pháp đối với những thách thức.
Về dài hạn, việc đốt coin cũng có thể dẫn đến việc quá khan hiếm token, dẫn đến phí gas cao bởi giá coin cao. Đây cũng là điều mà các dự án có thể sẽ cần cân nhắc và tính toán tới để có những quyết định sáng suốt nhất.
Đối với nhà đầu tư, các chiến lược đốt coin cũng có thể sẽ là một tiêu chí quan trọng để anh em đánh giá được tiềm năng của một dự án. Thông qua đó, anh em có thể nắm bắt được xem Tokenomics của dự án này có ổn định hay không, hay phương pháp đốt coin của dự án liệu có dẫn đến tình trạng quá khan hiếm hay không. Từ đó, nhà đầu tư có thể có những góc nhìn đa chiều hơn về khả năng phát triển dài hạn hơn của dự án.
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã có dịp tìm hiểu xem đốt coin là gì, quá trình đốt coin diễn ra như thế nào, và vai trò của nó đối với dự án ra sao. Thông qua đó, nhà đầu tư cũng có thể nhìn nhận và đánh giá dự án tốt hơn dựa vào tokenomics của nó. Tất nhiên, bên cạnh yếu tố này, tiềm năng của dự án cũng cần được đánh giá dựa trên rất nhiều đặc điểm khác. Bởi vậy, hãy chắc chắn rằng anh em đã cân nhắc đủ kịch bản trước khi đưa ra quyết định đầu tư nhé! Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ 7 Cách kiếm tiền từ Coinmarketcap
➤ Moving Average (MA) – Toàn tập về Đường trung bình động
➤ Tấn công quá bán là gì? Blockchain của Bitcoin có thể bị hack không
Comments (No)