Blockchain Explorer là gì, được sử dụng để làm gì và đem lại hiệu quả như thế nào? Liệu anh em đã hiểu đúng về Blockchain Explorer chưa? Cùng tham khảo bài viết sau để nắm được những thông tin liên quan đến Blockchain Explorer cũng như những sai lầm phổ biến khi sử dụng nền tảng này nhé!
Nội dung chính
Blockchain Explorer là gì?
Đây là những trang web cung cấp cho người dùng công cụ để tìm kiếm các thông tin liên quan đến blockchain như địa chỉ ví, hash, dữ liệu khối, dữ liệu giao dịch, … Cách sử dụng Blockchain Explorer cũng tương tự như việc anh em sử dụng Google để tìm kiếm những thông tin mà mình cần.
Mỗi Blockchain sẽ sở hữu trình khám phá khối của riêng nó và bạn sẽ không thể sử dụng trình khám phá của Blockchain A để tìm kiếm các thông tin liên quan đến Blockchain B. Ví dụ, Bitcoin Explorer chỉ có thể được sử dụng để tìm kiếm các thông tin liên quan đến Bitcoin Blockchain, không thể sử dụng để tìm kiếm các thông tin trên Ethereum hay những Blockchain khác. Một số Blockchain Explorer phổ biến có thể kể đến như Etherscan của Ethereum, BscScan của mạng BSC, Polygonscan của mạng Polygon, …
Blockchain Explorer được dùng để làm gì?
Dữ liệu được Blockchain Explorer sử dụng là dữ liệu thô từ các node trên Blockchain. Explorer sẽ thực hiện sắp xếp những thông tin này sao cho dễ hiển thị và dễ tiếp cận với người dùng, thông qua API. API (Application Programming Interface) là giao diện lập trình ứng dụng, hay có thể hiểu là một cửa sổ trung gian giúp tạo điều kiện giao tiếp giữa các phần mềm, ứng dụng hoặc hệ thống.
Như vậy, Blockchain Explorer là một công cụ quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, độ phân quyền của Cryptocurrency. Dựa vào đó, người dùng có thể tiếp cận được tất cả dữ liệu giao dịch, dữ liệu hệ thống. Đây cũng là điểm khác biệt giữa thị trường Crypto và thị trường tài chính thông thường. Những lợi ích mà Blockchain Explorer đem lại cho người dùng có thể kể đến như:
- Nắm được những thông tin tổng quan của một Blockchain hay dữ liệu thị trường của token.
- Kiểm tra thông tin về lịch sử giao dịch để check xem giao dịch đã thành công hay chưa, địa chỉ ví của bất cứ ví nào.
- Nắm bắt chi phí giao dịch hiện tại.
- Thông tin về những giao dịch mới nhất.
- Theo dõi ví và hoạt động của các nhà đầu tư lớn.
- Kiểm tra tính hợp lệ của địa chỉ ví với chuỗi.
Đối tượng sử dụng của Blockchain Explorer là gì?
Nhìn chung, tất cả những người tham gia thị trường Crypto đều có thể sử dụng được Explorer với những mục đích khác nhau. Về cơ bản, có 3 đối tượng chính sử dụng Blockchain Explorer bao gồm:
- Trader: Để chắc chắn về các trạng thái giao dịch hay các thông tin về ví, trader có thể sử dụng công cụ này để đảm bảo quyền lợi cho bản thân và sự an toàn cho tài sản của mình.
- Miner (thợ đào): Đối với Miner, Blockchain Explorer là một trong những công cụ hữu ích để nắm được các thông tin liên quan đến Block, quá trình tạo Block hay phần thưởng khối.
- Người dùng nói chung: Đối với những người sử dụng Crypto nói chung, Explorer đem lại những công cụ hiệu quả để tra cứu về nguồn cung, vốn hoá, giao dịch, block, token, …
Những thông tin được cung cấp bởi Blockchain Explorer là gì?
Tuy mỗi Blockchain lại sở hữu một explorer riêng nhưng về cơ bản những thông tin được cung cấp đều phục vụ mục đích tương tự nhau. Đó là giúp người dùng nắm được những thông tin tổng quan và chi tiết nhất về Blockchain. Điều thú vị của Blockchain Explorer nằm ở chỗ các dữ liệu đều có sự liên kết nhất định với nhau. Điều này giúp anh em có thể check được các thông tin liên quan một cách dễ dàng Cụ thể hơn, anh em có thể sử dụng Blockchain Explorer với những mục đích chính như sau:
Thông tin Blockchain tổng quan & Dữ liệu thị trường
Thông thường, anh em có thể bắt gặp được những thông tin này ngay tại trang chủ của Explorer như giá của native token, vốn hoá thị trường, Blockchain Stats cũng như các số liệu thống kê khác của Blockchain, … Một số Explorer có thể thống kê chi tiết hơn các dữ liệu liên quan đến dữ liệu thị trường hay dữ liệu mạng lưới, …
Latest Blocks & Latest Transactions
Đây cũng là những thông tin được hiển thị ngay trên trang chủ của Explorer mà anh em không cần mất quá nhiều công sức để tìm kiếm. Do được cập nhật dựa vào thời gian thực nên những Block hay Transaction nên những thông tin mới nhất sẽ được hiển thị lên trên cùng.
Tất nhiên, những mục này sẽ được hiển thị một cách giới hạn. Nếu anh muốn xem danh sách kỹ hơn, anh em có thể nhấn vào mục “View all”, hoặc nhấp vào 1 block hay 1 transactions bất kỳ để nắm được thông tin chi tiết.
Block
Những thông tin chi tiết có thể bao gồm: số lượng giao dịch trên Block, khối lượng giao dịch ước tính, phí giao dịch, tổng số tiền đã được giao dịch, kích thước, phiên bản, dung lượng, phần thưởng, người khai thác khối, Nonce, merkle root, hash của khối hiện tại, hash của khối trước đó và băm khối tiếp theo, … Bên cạnh những thông tin trên, anh em cũng có thể nắm bắt được những giao dịch riêng lẻ trong khối đó.
Đối với Miners, một số dữ liệu quan trọng khác mà anh em có thể khám phá liên quan đến Block là hashrate, độ khó, phí và thu nhập. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng Explorer mà thông tin này có thể được hiển thị trong Block, hoặc anh em sẽ cần tìm kiếm chúng trong những danh mục riêng.
Transaction
Những thông tin chi tiết có thể bao gồm: địa chỉ ví, khối lượng giao dịch, lịch sử giao dịch, số dư, …
Kiểm tra các thông tin liên quan đến giao dịch
Do lấy dữ liệu thô từ các Node nên tất nhiên anh em cũng có thể kiểm tra được những thông tin liên quan đến giao dịch như địa chỉ ví, giao dịch. Cụ thể hơn, chúng ta có thể check được thông tin về Block, Transaction, Wallet, …
Thông thường, bạn có thể sao chép và dán ID giao dịch vào thanh tìm kiếm để xem trạng thái của một giao dịch; hoặc tìm kiếm địa chỉ ví bất kỳ để xem những token đang được trữ trong ví đó, hoặc các lệnh giao dịch chuyển tiền, …
Điều đặc biệt ở Blockchain Explorer là anh em có thể quan sát được cả những hành động hay tài sản trong ví cá mập dựa vào top những Address Wallet sở hữu khối lượng tài sản lớn nhất.
Tìm kiếm thông tin về token
Ngoài việc search những thông tin liên quan đến ví, địa chỉ ví, giao dịch hay những dữ liệu hoạt động của Blockchain, anh em cũng có thể nắm được những tài sản phát hành trên Public Blockchain dựa vào việc tìm kiếm địa chỉ token đó. Những thông tin được cung cấp sẽ bao gồm: tên tài sản, vốn hoá thị trường, tổng nguồn cung, địa chỉ người tạo, giá hiện tại, …
Cách tìm kiếm Explorer của một Blockchain
Như đã đề cập, mỗi Blockchain lại sở hữu một Explorer riêng công khai. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến những Explorer được cung cấp bởi chính team của Blockchain như Etherscan, BSCscan hay FTMscan.
Trong trường hợp anh em không tìm kiếm được explorer của Blockchain, anh em có thể truy cập CoinmarketCap hoặc CoinGecko để nắm được những thông tin Explorer mà anh em đang tìm kiếm.
Một số sai lầm phổ biến khi sử dụng Blockchain Explorer
Về cơ bản, Blockchain Explorer là một trang web khá dễ sử dụng. Tuy nhiên, có không ít người có những hiểu lầm khi sử dụng công cụ này, dẫn đến việc không tận dụng được hết những tính năng mà nó đem lại. Một số trường hợp phổ biến nhất có thể được kể đến như:
1/ Blockchain Explorer lại chỉ được sử dụng để kiểm tra số dư ví
Với một số người dùng, Blockchain Explorer chỉ được sử dụng để kiểm tra số dư ví. Trong khi đó, như đã đề cập phía trên, anh em có thể sử dụng Blockchain Explorer với rất nhiều mục đích khác nhau. Đối với những thông tin liên quan đến giao dịch, anh em không chỉ kiểm tra được số dư ví mà còn có thể nắm được các thông tin khác liên quan đến địa chỉ ví hoặc trạng thái giao dịch.
2/ Không nắm bắt được toàn bộ chức năng của Blockchain Explorer
Blockchain Explorer là một công cụ có khả năng cung cấp cho người dùng những thông tin vô cùng chi tiết về blockchain, về đồng coin trên blockchain đó, Block, Transacions, … Trong đó, mỗi tính năng được thiết lập đều có lý do của nó trong việc giúp người dùng nắm được hoạt động của hệ thống cũng như sự minh bạch của Blockchain.
Nếu không thể tận dụng được hết các tính năng hay của Blockchain Explorer, anh em sẽ rất khó quan sát được bức tranh bao quát về đồng coin của Blockchain đó, quá trình hoạt động hay Network Stats, …
3/ Thiếu kiến thức về việc đảo ngược giao dịch
Đảo ngược giao dịch là tình trạng số tiền giao dịch bị back ngược trở lại ví của người gửi dẫn đến tiền của người nhận đột nhiên bốc hơi mặc dù kiểm tra thì thấy số dư đã về ví. Đây là chuyện rất hay xảy ra với các giao dịch OTC (là giao dịch trực tiếp không thông quan sàn giao dịch), lúc người mua bank tiền mặt đầy đủ cho người bán, người bán tiến hành chuyển số BTC đã thỏa thuận cho họ. Nhưng trên thực tế là nếu thời gian quá ngắn + số block đè lên chưa đủ nhiều những người giao dịch chuyên nghiệp, họ có thể dùng lệnh khác đè lên nhằm đảo ngược lại giao dịch đã xảy ra trước đó. Ví dụ, anh em kiểm tra thì thấy nhận được 50BTC rồi, nhưng sau đó vài phút số tiền này lại bị chuyển ngược về ví đã gửi tiền cho anh em.
Để chắc chắn rằng tình trạng này không xảy ra, chúng ta nên chờ ít nhất 4 Block tiếp theo được tạo ra, thì việc đảo ngược là hoàn toàn không thể. Đối với Bitcoin, thời gian chờ sẽ là khoảng 40 phút, do mỗi Block cần trung bình 10 phút để thêm khối. Đối với những Blockchain có thời gian tạo Block ngắn hơn, anh em có thể chỉ cần chờ đợi trong vài phút. Tuy nhiên, để chắc chắn được rằng đã có bao nhiêu Block được tạo ra sau giao dịch của mình, anh em có thể check trên Blockchain Explorer để có được thông tin chính xác nhất.
Nói ngắn gọn, sau khi hoàn tất giao dịch, anh em nên có một thao tác là check các Block trên Blockchain Explorer để chắc chắn được rằng đã có ít nhất 4 block mới được tạo ra sau giao dịch của mình. Khi đó, số tiền mà anh em nhận được mới thực sự an toàn.
Với những chia sẻ trên, chắc hẳn anh em đã nắm được Blockchain Explorer là gì cũng như những tính năng chính của Blockchain Explorer và một vài sai lầm phổ biến khi sử dụng nền tảng này. Dựa vào đó, hy vọng anh em có thể sử dụng nền tảng một cách hiệu quả hơn, đảm bảo được an toàn cho tài sản và giao dịch của mình cũng như nắm bắt được đầy đủ nhất các thông tin có liên quan đến Blockchain. Chúc anh em thành công!
Bài viết cùng chủ đề
➤ 22+ Trang web Crypto uy tín cho Người mới đầu tư Coin mượt
Comments (No)